Thời gian gần đây, trên các trang mạng xã hội, đặc biệt là Facebook, xuất hiện nhiều tài khoản và trang giả mạo các cuộc thi văn hóa – nghệ thuật do bộ, ngành chức năng tổ chức. Các cuộc thi này thường được quảng bá với phần thưởng lớn, thu hút sự quan tâm của nhiều người dân, từ đó thực hiện hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

Cụ thể, vào tháng 3-2025, chị K (ngụ tại thành phố Trà Vinh) phát hiện trên Facebook có một quảng cáo về cuộc thi áo dài có tên “Di sản Văn hóa Áo dài 2025”, được giới thiệu là do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức. Sau khi xem qua thể lệ, thấy mình phù hợp, chị K đã nhắn tin đăng ký tham gia.

Ngay sau đó, một người xưng là “ban tổ chức” cuộc thi gọi điện liên hệ, yêu cầu chị cung cấp thông tin cá nhân và hình ảnh dự thi. Tiếp theo, chị được gửi đường link vào một nhóm chat trên messenger và được yêu cầu thực hiện ba hoạt động để đủ điều kiện chính thức dự thi, trong đó bao gồm việc mua một mẫu áo dài trị giá 390.000 đồng.

Sau mỗi lần thanh toán, chị K đều được hoàn lại số tiền gốc cùng khoản hoa hồng, khiến chị tin tưởng và tiếp tục thực hiện các giao dịch tiếp theo.

cuộc thi áo dài
Trang đăng thông tin về cuộc thi áo dài mạo danh mạo các cuộc thi văn hóa – nghệ thuật do bộ, ngành chức năng tổ chức. Ảnh: BHCC
cuoc-thi-ao-dai-tren-facebôk-1.PNG

Tuy nhiên, đến hoạt động thứ ba, khi số tiền giao dịch lên tới 15,5 triệu đồng, chị K bị “ban tổ chức” thông báo đã thao tác sai quy trình, không hoàn thành nhiệm vụ và yêu cầu chuyển thêm 96 triệu đồng để khắc phục lỗi. Từ đây, các đối tượng liên tục viện lý do tài khoản điểm tín nhiệm chưa đạt, yêu cầu chuyển thêm tiền, đồng thời cam kết sẽ hoàn trả toàn bộ số tiền kèm hoa hồng.

Vì lo sợ mất số tiền đã chuyển, chị K tiếp tục chuyển thêm nhiều lần, với tổng số tiền hơn 500 triệu đồng. Đáng chú ý, trong nhóm chat, nhiều thành viên khác (thực chất là đồng bọn của kẻ lừa đảo) liên tục khoe đã nhận hoa hồng, tạo cảm giác tin tưởng, khiến nạn nhân lún sâu vào “bẫy” lừa đảo.

Chỉ đến khi bị chặn liên lạc và không còn khả năng chuyển thêm tiền, chị K mới nhận ra mình đã bị lừa và trình báo cơ quan công an.

Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao – Công an tỉnh Trà Vinh khuyến cáo người dân cần hết sức cảnh giác với các hình thức lừa đảo tinh vi trên không gian mạng. Không nên tham gia các cuộc thi, chương trình quảng bá trực tuyến khi chưa xác minh rõ thông tin chính thức từ cơ quan có thẩm quyền.

Đặc biệt, người dân không nên cung cấp hình ảnh cá nhân, thông tin tài khoản ngân hàng, mã OTP, hoặc quét mã QR từ các nguồn không rõ ràng. Khi phát hiện dấu hiệu lừa đảo, cần nhanh chóng báo ngay cho cơ quan công an gần nhất để được hướng dẫn, xử lý kịp thời.


Theo Pháp luật TPHCM