Bài viết dưới đây là chia sẻ của thầy giáo mới về hưu Nguyễn Văn Lực (ở Diên Khánh, Khánh Hòa):  

Theo kế hoạch năm học, các trường THCS, THPT sẽ tổ chức kiểm tra cuối kỳ 2 từ ngày 5/5 đến 10/5 (tuần 33). Tuy nhiên, một số trường đã tổ chức kiểm tra từ ngày 21/4 (tuần 31), với lý do học sinh được nghỉ lễ dài ngày (từ 30/4 đến 4/5), nhằm giúp các em thoải mái nghỉ ngơi, không phải lo ôn thi trong kỳ nghỉ. Vậy, có nên kiểm tra học kỳ 2 sớm trước kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5 không?

Là giáo viên có 38 năm công tác tại trường THCS, tôi xin chia sẻ một vài ý kiến như sau:

Trước hết, về kế hoạch kiểm tra định kỳ (giữa kỳ và cuối kỳ), các trường cần căn cứ vào Khung kế hoạch thời gian năm học do Bộ GD-ĐT ban hành. Theo đó, năm học 2024-2025, cấp học mầm non, phổ thông và giáo dục thường xuyên trên toàn quốc phải: Kết thúc học kỳ I trước ngày 18/1/2025 và hoàn thành chương trình, kết thúc năm học trước ngày 31/5/2025.

thay luc.jpg
Thầy Nguyễn Văn Lực khi còn dạy học trò tại Trường THCS Trịnh Phong, Diên Khánh, Khánh Hòa. Ảnh: NVCC

Như vậy, việc một số trường tổ chức kiểm tra học kỳ 2 từ ngày 21/4 đến 3/5 là quá sớm so với khung thời gian năm học. Theo quy định, chương trình phải hoàn thành và kết thúc vào khoảng cuối tháng 5, đảm bảo đủ 35 tuần thực học (học kỳ I có 18 tuần, học kỳ 3 có 17 tuần). Việc kiểm tra sớm 2 tuần khiến học sinh sau kiểm tra hầu như chỉ còn lên lớp để "đợi nghỉ hè"!

Về phía giáo viên, sau khi kiểm tra học kỳ 2, thầy cô tất bật với công việc chấm bài, nhập điểm, xếp loại hạnh kiểm, phê ký học bạ, chuẩn bị tổng kết năm học... để kịp tiến độ chung. Thời gian này, thành thật mà nói, thầy cô ít còn chú trọng đầu tư vào tiết dạy, nhất là với các môn không thuộc diện thi vào lớp 10 của học sinh lớp 9. Phần lớn tiết học chỉ mang tính "thanh toán chương trình" để tránh bị nhận xét là cắt xén nội dung.

Về phía học sinh, sau khi kiểm tra học kỳ 2, các em thường “đóng sách, vở” đối với những môn đã thi. Các em hiểu rằng thầy cô bận tổng kết điểm, sẽ không kiểm tra thường xuyên nên cũng không còn ghi chép hay học bài đầy đủ, nhất là với các môn không thi tuyển lớp 10.

Bản thân tôi, trước đây, khi dạy phân môn Lịch sử và môn Giáo dục công dân lớp 9, dù rất nỗ lực lồng ghép thông tin thời sự, kể chuyện lịch sử, tổ chức thảo luận nhóm để thu hút học sinh, nhưng hiệu quả cũng không như mong muốn. Có em thẳng thắn nói: "Môn Lịch sử và Địa lý đâu có thi tuyển vào lớp 10, thầy cho tụi em không ghi bài, học bài nhen thầy".

Vậy sau khi kiểm tra học kỳ 2, học sinh làm gì? Qua trải nghiệm cá nhân và ý kiến của nhiều đồng nghiệp, thực tế học sinh chủ yếu đến lớp để "đợi nghỉ hè", rất ít em chịu chép bài, học bài. Ngoại trừ học sinh lớp 9 vẫn còn tích cực ôn tập ba môn Toán, Ngữ văn và Tiếng Anh để thi tuyển vào lớp 10.

Cô N.T.T.T, giáo viên môn Khoa học tự nhiên của một trường THCS ở Diên Khánh (Khánh Hòa) chia sẻ: "Học sinh nhiều em lười học, một phần vì các em không còn 'sợ' bị lưu ban. Thực tế, việc ở lại lớp bây giờ còn khó hơn được lên lớp, nên sau khi kiểm tra học kỳ 2, các em càng lơ là hơn".

Cô cũng cho biết thêm: "Tôi đã cho đề cương ôn tập sát với đề kiểm tra môn Khoa học tự nhiên khối 6, 7 (đúng khoảng 90%), vậy mà gần một nửa lớp vẫn làm bài dưới 5 điểm, do các em không chịu học bài, chứ không phải vì đề khó".

Việc kiểm tra học kỳ 2 sớm cũng buộc các trường phải đẩy tiết ôn tập và tiết kiểm tra cuối kỳ lên tuần 33. Sau kiểm tra, trong tuần 34-35, chỉ còn việc "dạy thanh toán chương trình". Các thầy cô phải vừa hoàn thành công tác hồ sơ, vừa vất vả trông lớp do tâm lý học sinh đã "xả hơi" sau kiểm tra.

Từ thực tế trên, tôi cho rằng các trường không nên kiểm tra học kỳ 2 sớm. Nếu kiểm tra sớm, học sinh dễ lơ là học tập, thầy cô cũng chịu thêm áp lực, dẫn đến chất lượng dạy và học bị ảnh hưởng. Việc tiến hành kiểm tra học kỳ 2 vào tuần 35 như khung thời gian năm học của Bộ GD-ĐT là hợp lý nhất: Vừa đảm bảo nội dung chương trình, vừa tránh đứt gãy kiến thức khi học sinh bước lên lớp trên.

Theo VietNamNet