“Trút” hết áp lực đổi mới lên vai học trò
GS.TS Lê Anh Vinh, Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam (Bộ GD&ĐT) cho rằng, hai môn tiếng Anh, Toán tại kì thi tốt nghiệp THPT đang đặt ra câu hỏi nghiêm túc: Khi học sinh hoang mang, giáo viên bối rối, xã hội phản ứng, thì lỗi có thuộc về người học và người dạy? Ông cho rằng, việc gắn thực tế vào môn Toán là hướng đi tích cực; cần thiết tăng cường đọc hiểu trong môn Tiếng Anh để phát triển năng lực ngôn ngữ; đề thi phân hóa để xét tuyển đại học là hoàn toàn chính đáng. “Nhưng những điều đúng đó lại được thực hiện theo cách khiến khá đông học sinh trong kì thi tốt nghiệp cảm thấy choáng váng, thì cách làm ấy chưa chắc đã đúng”, GS. Vinh nói.
![]() |
Những động viên kịp thời của phụ huynh giúp thí sinh vững tin sau kì thi. Ảnh: DUY PHẠM |
GS. TS Lê Anh Vinh nhớ lại câu chuyện lần đầu tiên tham gia ra đề thi. Khi đó, ông hào hứng đưa vào hai bài toán rất hay, rất mới nhưng kết quả tất cả học sinh dự thi không giải được. “Khi đó tôi mới hiểu, ra đề hay, mới, lạ không khó. Cái khó là ra đề phù hợp. Vấn đề hôm nay cũng như vậy. Không phải vì học sinh yếu hay giáo viên kém, mà vì đề thi đang vượt xa chương trình và xa rời thực tế dạy học. Các em học theo một lộ trình cụ thể, luyện tập theo một logic nhất định, nhưng lại bị kiểm tra bằng một hình thức mà chưa từng được chuẩn bị. Đó là điều không công bằng, đặc biệt trong một kì thi đại trà như thế này”, GS Lê Anh Vinh băn khoăn.
Ông cho biết, đề Toán dài, nhiều bài toán “thực tế” nhưng lại xa lạ. Đề tiếng Anh đòi hỏi vốn từ và tốc độ đọc vượt quá chuẩn đầu ra. Học sinh không phản ứng vì đề khó, mà vì đề không giống những gì các em đã được học. Ta có thể đòi hỏi nhiều hơn ở giáo viên và học sinh. Nhưng không thể bỏ qua thực tế rằng, nếu một kỳ thi khiến cả những học sinh chăm chỉ, học đều, cũng hoang mang, thì vấn đề không còn nằm ở phía người học.
Giáo dục không nên là nơi “trút” hết áp lực đổi mới lên vai học trò. Cải cách là cần thiết, nhưng phải đúng lúc, đúng cách. Đổi mới không phải là cuộc đua vượt rào, mà là hành trình đồng hành. Đề thi tốt nghiệp dù hiện đại đến đâu cũng chỉ nên là nhịp cầu giữa cái đang có và cái cần đạt tới. Nếu biến nó thành bức tường, chúng ta có thể đang đi ngược triết lí giáo dục lấy người học làm trung tâm.
Một đề thi tốt không cần dễ, nhưng cần phù hợp. Phù hợp là để học sinh trung bình có thể đạt mục tiêu tốt nghiệp. Phù hợp là để học sinh khá có cơ hội thể hiện nỗ lực. Phù hợp là để học sinh giỏi được tỏa sáng đúng năng lực. Phù hợp có nghĩa là giảm cái tôi, sự duy ý chí của người ra đề, đặt mình vào vị trí người học, để hiểu họ đang được dạy thế nào, và đảm bảo không ai bị bỏ lại chỉ vì một đề thi "quá đổi mới". Bởi một cuộc cải cách bỏ quên người học là cuộc cải cách thất bại ngay từ điểm xuất phát. Nếu thực sự vì người học, hãy bắt đầu bằng việc lắng nghe các em.
“Điểm gãy” nghiêm trọng
TS. Sái Công Hồng, Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam đánh giá, lứa học sinh thi tốt nghiệp năm 2025 là khóa đầu tiên học trọn vẹn chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở bậc THPT, nhưng lại không được chuẩn bị đầy đủ nền tảng ở cấp THCS. Việc tiếp cận kiến thức nền tảng qua môi trường số gặp nhiều rào cản, khiến học sinh khó bù đắp toàn bộ nội dung cốt lõi cần thiết cho chương trình mới ở bậc THPT.
Chương trình mới đặt trọng tâm vào việc hình thành và phát triển phẩm chất, năng lực cho học sinh - một định hướng còn tương đối mới mẻ trong thực tiễn giảng dạy. Tuy đội ngũ giáo viên đã được tập huấn theo hướng đổi mới, song quá trình chuyển đổi phương pháp dạy học từ tiếp cận nội dung sang phát triển năng lực vẫn đang trong giai đoạn quá độ. Giáo viên cần thêm thời gian để điều chỉnh, thích ứng với cách tiếp cận mới, nhất là khi quán tính nghề nghiệp cũ vẫn còn phổ biến.
Một điểm lệch đáng chú ý nữa nằm ở sự không thống nhất giữa cách thức kiểm tra, đánh giá trong nhà trường và kì thi tốt nghiệp THPT. Nhiều năm qua, giáo viên xây dựng đề kiểm tra định kì theo Thông tư 22 (quy định về đánh giá học sinh THCS, THPT của Bộ GD&ĐT) dựa trên ma trận đề cố định và đặc tả đề kiểm tra chi tiết, bảo đảm bao phủ nội dung, mức độ và phù hợp với yêu cầu cần đạt. Ngược lại, kì thi tốt nghiệp THPT 2025 dùng ma trận đề thi ngẫu nhiên, khiến giáo viên thiếu cơ sở vững chắc để định hướng ôn tập.
Trong bối cảnh chưa có sự chuẩn bị đồng bộ, việc đổi mới khâu ra đề quá nhanh có nguy cơ tạo cú sốc cho cả giáo viên lẫn học sinh. Khi yêu cầu của đề thi vượt quá khả năng thích ứng của đội ngũ và người học, thay vì thúc đẩy cải cách, việc này có thể dẫn tới tâm lí hoang mang, mất phương hướng và phản ứng ngược trong toàn hệ thống. Khoảng cách giữa yêu cầu của chương trình - thực tiễn dạy học - phương pháp kiểm tra, đánh giá và hình thức thi tốt nghiệp chưa được thu hẹp, tạo ra một “điểm gãy” nghiêm trọng trong chuỗi vận hành giáo dục. Đặc biệt, sự khác biệt lớn giữa đề tham khảo và đề thi chính thức càng gia tăng sự lúng túng, bất an trong cả đội ngũ nhà giáo và học sinh.
TS. Sái Công Hồng cho rằng, cần một gói giải pháp tổng thể và có hệ thống. Đề thi trở lại đúng mục tiêu xét tốt nghiệp, ưu tiên câu hỏi ở mức độ cơ bản để đảm bảo học sinh trung bình có thể đạt điểm tối thiểu. Tách bạch rõ ràng giữa kì thi tốt nghiệp và tuyển sinh đại học.
Quy trình xây dựng đề cần dựa trên ngân hàng câu hỏi chuẩn hóa, có kiểm định thực tế về độ khó và độ phân biệt. Việc sử dụng phần mềm chỉ nên là công cụ hỗ trợ, không thể thay thế khâu kiểm duyệt chuyên môn độc lập. Từng câu hỏi trong đề thi phải được kiểm soát bằng đặc tả rõ ràng về mục tiêu, năng lực, độ khó và kĩ năng đánh giá.
Ông nhấn mạnh, cần minh bạch hóa quy trình xây dựng đề thi và đảm bảo thông tin nhất quán từ Bộ GD&ĐT. Giáo viên và học sinh phải được cung cấp định hướng rõ ràng, có thời gian chuẩn bị phù hợp. Chính sách đổi mới dạy học cần đi liền với điều chỉnh đánh giá. Trong khi chương trình hướng đến phát triển năng lực, thì dạy học và kiểm tra phải tạo điều kiện cho người học rèn luyện và thể hiện đúng những năng lực ấy.
Đề thi tốt nghiệp THPT 2025 không chỉ là kì thi đơn lẻ, mà phản ánh một bức tranh toàn cảnh về hệ thống giáo dục trong giai đoạn chuyển tiếp. Ông Sái Công Hồng cho rằng, việc đề thi vượt ngưỡng năng lực phổ thông không đơn giản là lỗi kĩ thuật, mà là hệ quả của chuỗi bất cập liên hoàn từ nhận thức, quy trình đến truyền thông chính sách.

Theo Tiền Phong