'Đừng cho rằng phim là giả thì làm giả một cách quá trớn'

Chỉ một tình tiết là nhân vật nam bị mất chiếc nhẫn cưới mà loay hoay xử lý trong 3 tập phim chưa biết có giải quyết được không thì quả là vô lý.

Nền điện ảnh Việt Nam đã có bước phát triển mạnh trong những năm qua. Tuy nhiên, khán giả xem phim Việt dễ dàng nhận ra vẫn có sự chênh lệch nhất định giữa phim điện ảnh và truyền hình. Dẫu đó là hai đường lối hoàn toàn khác nhau nhưng nếu như phim điện ảnh đang dần đáp ứng được yêu cầu của người xem thì phim truyền hình vẫn còn tồn tại nhiều yếu điểm. Với không ít người (nhất là những ai khó tính hoặc nghiêm túc) không chê khi xem phim truyền hình Việt Nam thật khó. Vì sao vậy?

Vài năm trở lại đây, vẫn có những bộ phim truyền hình gây tiếng vang lớn như: Gạo nếp gạo tẻ, Gia đình là số 1, Hương vị tình thân… Điểm chung là những bộ phim làm lại từ nước ngoài thường đảm bảo sự chỉn chu nhất định và nội dung kịch bản – điểm yếu lớn nhất của phim Việt – cũng tránh được những cái “soi” khó khăn từ phía khán giả, kể cả những khán giả khó tính.

Đừng cho rằng phim là giả thì làm giả một cách quá trớn-1

Một cảnh tron gphim Gia đình mình vui bất thình lình.

Nhưng cũng từ đây, khi đặt những bộ phim thuần Việt và phim làm lại từ nước ngoài cạnh nhau điểm yếu về kịch bản, về nội dung lại càng lộ rõ, nhiều khi đến độ khán giả phải chán ngán thay cho nhà sản xuất.

Gia đình mình vui bất thình lình là một trong những bộ phim đáng khen trong thời gian qua. Song chỉ một tình tiết nhân vật nam bị mất chiếc nhẫn cưới mà loay hoay xử lý trong 3 tập phim chưa biết có giải quyết được không quả là vô lý. Tất nhiên một bộ phim có hơi hướng hài đạo diễn có quyền sử dụng những chi tiết gây cười. Nhưng vui cũng đừng vui quá, cái gì cũng vậy, nếu đi quá đà thành ra dở.

Hay từng có bộ phim chiếu trên giờ vàng của THVL, phân cảnh 3 tay giang hồ mà đuổi theo một nhóm người gồm 1 cô gái, 1 phụ nữ mới sinh hơn 1 tháng, đứa bé sơ sinh và 1 đứa bé trai khoảng 5 - 6 tuổi. Đáng nói là cuộc truy đuổi diễn ra từ khi còn mặt trời đến đêm mà không kết thúc. Thử hỏi hai người phụ nữ và hai đứa bé có tài phép gì mà chạy thoát được những gã giang hồ? Đành rằng phim bao giờ cũng có hư cấu nhưng cao trào được đẩy lên đến mức như vậy thì giả tạo quá.

Nhiều người xem dù là phim hay kịch đều cho rằng tác phẩm hay là phải chạm đến trái tim khán giả. Nhưng nếu muốn chạm đến trái tim khán giả ngoài tài diễn xuất của diễn viên thì phân cảnh, nội dung phải chân thực, dẫu biết đó là diễn nhưng mà gần như không diễn.

Với phim truyền hình Việt Nam càng cần phải có được điều đó bởi đa phần các tác phẩm này đều lấy đề tài là gia đình, cuộc sống làng quê, phố phường Việt Nam. Chỉ khi người xem nhìn vào đó và như thấy được chính mình, chính gia đình mình, chính làng quê mình thì đó mới là thực. Chính những điều tưởng đơn giản đó mới đem lại cảm xúc thật.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc sáng tạo quá đà. Có thể phản ứng của dư luận là tích cực nên nhà sản xuất muốn thừa thắng xông lên hoặc mong muốn mang lại điều gì đó mới mẻ, tránh lối mòn nên thực tâm muốn tạo sự đột phá. Nhưng mọi thứ vẫn rất cần một điểm dừng vừa đủ. Bởi suy cho cùng, những phim truyền hình Việt Nam cần sự gần gũi hơn là điều gì đó lan man, xa vời.

Một điểm mà những nhà sản xuất phim Việt Nam có lẽ cần nhớ thêm đó là cái “trình” của khán giả Việt Nam bây giờ đã được nâng lên nhất định. Sự phát triển của xã hội dẫn đến giao thoa văn hóa và tiếp cận những tác phẩm chất lượng từ nước ngoài đã giúp khán giả Việt Nam đòi hỏi cao hơn, đánh giá ngày một kỹ càng hơn.

Tuy một bộ phim khó có thể làm hài lòng hết tất cả người xem nhưng có một thực tế phải ghi nhận là khán giả thời nay không chỉ xem phim giải trí, xem giết thời gian mà là thưởng thức, học hỏi và trải nghiệm. Từ đó có không ít khán giả không cho phép mình dễ dãi với những tác phẩm không chỉn chu và thiếu sự nghiêm túc từ những người làm ra nó.

Nếu gọi phim là món ăn tinh thần thì khán giả là thực khách. Và bây giờ rất ít thực khách dễ tính. Điều đó đặt ra những giới hạn mới, tiêu chuẩn mới cho những đầu bếp làm ra các món ăn tinh thần ấy. Đừng cho rằng phim là giả thì có quyền làm giả một cách quá trớn vì khán giả thì không nghĩ như vậy.

Theo VietNamNet

Xem link gốc Ẩn link gốc https://vietnamnet.vn/phim-gia-nhung-dung-gia-qua-2147738.html

phim Việt Nam


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.