Game show có nghệ sĩ Trung Dân, Trấn Thành bị chê quá nhảm nhí

Game show “Đại náo thành Takeshi” có sự góp mặt của những nghệ sĩ gạo cội như Trung Dân, Tự Long hay ngôi sao ăn khách Trấn Thành, song lại bị khán giả truyền hình chê nhảm.

Game show “Đại náo thành Takeshi” có sự góp mặt của những nghệ sĩ gạo cội như Trung Dân, Tự Long hay ngôi sao ăn khách Trấn Thành, song lại bị khán giả truyền hình chê nhảm.

Game show Đại náo thành Takeshi được mua bản quyền từ Nhật Bản. Tại buổi họp báo ra mắt vào cuối tháng 3, nhà sản xuất nói rằng đây là chương trình điện ảnh thực tế, được đầu tư phim trường hoành tráng. Theo format, lãnh chúa Takeshi (Trấn Thành thủ vai) vì muốn triều đại thịnh vượng, đã cho đại thần Kommu bắt cóc công chúa Woonsenko (Diễm My 9X).


Điều này khiến tướng quân Shakrito (Trương Thế Vinh) nổi giận, đem quân (là người chơi) tấn công tường thành, cướp lại hôn phu của mình. Thế nhưng, lãnh chúa Takeshi có 2 cận thần mưu mô, giỏi hiến kế là Kommu (Trung Dân) và Ballu (NSND Tự Long) nên cuộc chiến bất phân thắng bại.

Chương trình kéo dài 13 tập phát sóng. Sau gần 3 tháng phát sóng trên VTV3, game show này bị khán giả truyền hình phàn nàn vì quá nhảm nhí.

Phiên bản còn xa lạ với khán giả Việt

Ở những tập đầu tiên, khán giả truyền hình còn khá lạ lẫm với tên nhân vật, trang phục cũng đậm chất Nhật Bản. Nhà sản xuất cho biết vì tôn trọng bản gốc, họ đã giữ lại tên cho phù hợp với hoàn cảnh xuất xứ. Thế nhưng, khi đặt trong bối cảnh Việt Nam, cách ứng xử của các nhân vật trong game show bị cho còn khá xa lạ với đám đông.

Vì thế, phải mất khá nhiều thời gian, khán giả mới dần quen với tên gọi của từng nhân vật. Thế nhưng, phần tạo hình cầu kỳ, rườm rà của các nghệ sĩ được cho là không cần thiết.

Cần phải nói thêm rằng, vai trò của các nghệ sĩ trong game show khá ít, nếu không muốn nói mờ nhạt. Thực chất, đây là trò chơi vận động, người chơi phải tham gia các thử thách và nếu chiến thắng, họ sẽ giành giải thưởng 50 triệu đồng.

Game show co nghe si Trung Dan, Tran Thanh bi che qua nham nhi hinh anh 1

Tên gọi, trang phục của các nhân vật trong câu chuyện của xứ Phù tang không gần gũi với khán giả Việt. Ảnh: Lê Nhân.

Lãnh chúa Takeshi và 2 cận thần có trách nhiệm giải thích các thử thách chương trình đề ra cho người chơi và bình luận diễn biến sự việc. Mặc dù được giao nhiệm vụ là tướng quân, nhưng Trương Thế Vinh cũng chỉ cổ vũ, động viên tinh thần của thí sinh trước mỗi cửa ải.

Trận chiến, về cơ bản cũng khá hấp dẫn. Nó có đủ kịch tính, căng thẳng pha lẫn yếu tố hài hước. Thế nhưng, thử thách ở các tập đều giống nhau, không có sự linh hoạt nên dần làm mất đi tính tò mò của người xem truyền hình. Sự lặp lại chính là điều tối kỵ của một game show vận động.

Khi phóng viên đặt câu hỏi về vai trò của nghệ sĩ khá nhạt nhòa trong game show này thì đại diện ban tổ chức cho biết họ chỉ giữ vai trò kết nối, dẫn chuyện nhằm tăng tính hấp dẫn, còn lại thí sinh tham gia thử thách. Thế nhưng, điều này chưa đủ sức thuyết phục bởi tâm lý đám đông chỉ muốn nhìn thấy các nghệ sĩ thể hiện bản lĩnh.


“Bình hoa di động” Diễm My và sự tung hứng nhảm nhí của Trấn Thành

Các nghệ sĩ giữ vai trò dẫn chuyện, bình luận diễn biến sự việc để có sự kết nối với người chơi. Thế nhưng, việc này đã dẫn đến những màn tung hứng nhạt nhòa, bị khán giả phàn nàn nhảm nhí.

Về cơ bản, tính chất trò chơi khá đơn giản, chỉ cần theo dõi người xem sẽ nắm bắt được quy định của nó. Song, các nghệ sĩ lại “nâng tầm quan điểm”, bình luận theo cách chủ quan khiến sự việc bị lái sang một hướng khác.

Ví dụ khi Trấn Thành tự đưa ra cao kiến, nhằm ngăn chặn đội quân của Trương Thế Vinh trong một trò chơi thì anh so sánh giải pháp giống “cơm tấm bán ở đầu hẻm gần nhà”.

Hoặc khi nghệ sĩ Trung Dân lo sợ cuộc chiến kéo dài mãi mãi, công chúa sẽ già đi thì Trấn Thành nói Woonsenko bất tử vì ăn nhân sâm. “Nhưng biết sâm gì không, sâm bổ lượng đó”. Những tiếng cười vô thưởng vô phạt đôi khi làm một bộ phận khán giả cảm thấy khó chịu.

Cũng cần phải nói thêm rằng các nghệ sĩ đã cố gắng thu hút sự quan tâm của người xem bằng những màn tung hứng. Song, vì kịch bản vốn đã nhạt nên những lời thoại “vô vị” càng phản tác dụng.

Game show co nghe si Trung Dan, Tran Thanh bi che qua nham nhi hinh anh 2

Vai trò của Diễm My 9X quá nhạt nhòa. Ảnh: Lê Nhân.

Ở 13 tập, các nghệ sĩ như Trung Dân, Tự Long không có những câu nói đắt giá, Trấn Thành đôi khi không tiết chế nên bị lan man thành vô nghĩa. Ở mỗi tập, nhà sản xuất cũng mời thêm các nghệ sĩ đến hiến kế cho lãnh chúa. Nhưng cách họ hóa thân thành geisha đến thích khách rồi Thị Nở, Chí Phèo, mẹ con nhà Cám… khiến người xem bị rối tung.

Nhưng nhạt nhẽo nhất có lẽ thuộc về nhân vật công chúa của Diễm My. Sau khi bị bắt cóc, Woonsenko trở thành con tin, chứng kiến sự mưu mô của lãnh chúa trong việc đánh bại hôn phu. Vì nhân vật không có đất diễn, nhưng người đẹp lại trưng ra biểu cảm “trăm lần như một”.

Ngoài việc nhăn nhó khi tướng quân Shakrito thất bại, hay vui mừng khi anh thắng trận và chỉ trích các đại thần, Diễm My 9X thật sự quá nhạt nhòa. Nhân vật của cô chỉ mang tính tượng trưng, dù có mặt ở đó nhưng không được ai quan tâm.

Theo Zing


Trấn Thành

Trung Dân


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.