Giải mã “Về nhà đi con”: 5 điều quan trọng nhất tạo nên "quả bom truyền hình” năm 2019

“Về nhà đi con” đã gần đi hết chặng đường, tuy nhiên, sức nóng của bộ phim chưa bao giờ thuyên giảm.

“Về nhà đi con” đã gần đi hết chặng đường, tuy nhiên, sức nóng của bộ phim chưa bao giờ thuyên giảm. Tại sao một đề tài rất cũ, kể về chuyện gia đình của một người đàn ông góa vợ với ba cô con gái, lại có thể trở thành bộ phim được yêu thích bậc nhất trong nhiều năm trở lại đây?

Giải mã Về nhà đi con”: 5 điều quan trọng nhất tạo nên quả bom truyền hình” năm 2019-1

Năm 2017, ông Phan Quân trong Người phán xử tuyên bố: “Gia đình là thứ tồn tại duy nhất. Tất cả những cái khác, có hay không, không quan trọng”. Câu nói tức thì nổi tiếng và “làm mưa làm gió” khắp mạng xã hội trong một thời gian dài, có lẽ đã bắt trúng tâm lý của người Việt: Coi trọng gia đình. 

Chúng ta không thiếu phim truyền hình mang đề tài gia đình, tại sao “Về nhà đi con” lại được yêu thích một cách vượt trội? Đầu tiên, phải nói đến cấu tạo của gia đình đó: một người bố và ba cô con gái. Đó là một gia đình tuy gắn bó khăng khít nhưng có những ngăn cách nhất định. Tình cảm bố - con khác với tình cảm mẹ - con, đặc biệt là giữa bố và con gái, vì họ không thể chia sẻ với nhau tất cả mọi chuyện. Trong phim, không ít lần, khán giả chứng kiến cảnh ông Sơn đứng dưới chân cầu thang, nhìn ngóng lo lắng cho ba cô con gái mà không thể bước lên. Cũng như gia đình của tất cả chúng ta ngoài đời, có những nỗi buồn buộc phải che giấu để không khiến những người thân yêu lo lắng. Đó là lý do khiến khán giả bị thu hút và đồng cảm với bộ phim đến vậy. Có thể thấy, càng về sau, “Về nhà đi con” càng khai thác kỹ hơn sự ngăn cách này (ví dụ: Thư sống đau khổ ở nhà chồng nhưng không tâm sự với bất cứ ai trong gia đình), từ đó tô đậm tính hi sinh của tình cảm gia đình, điều mà đa số khán giả có thể cảm nhận từ tận sâu đáy lòng. 

Giải mã Về nhà đi con”: 5 điều quan trọng nhất tạo nên quả bom truyền hình” năm 2019-2

Nhưng tại sao không phải một gia đình có “cả nếp cả tẻ”? Nữ giới, thành phần chiếm số đông khán giả theo dõi truyền hình, sẽ hiểu rõ điều này. Con gái sẽ đi lấy chồng, và đó mới là gia đình họ sống trong phần lớn cuộc đời. Trong phim, đứa con nhỏ nhất của ông Sơn cũng đã học Đại học, tức là thời gian họ có thể sống bên nhau càng ngày càng bị rút ngắn. Như khi nhìn vào một chiếc đồng hồ cát, cảm giác một thứ gì đó sẽ không mãi tồn tại là cảm giác đau xót nhất. Khán giả có thể không nhận ra, nhưng họ sẽ vô thức trân trọng từng thước phim gia đình, dù đó là một gia đình trên phim. Song, đặc điểm quan trọng nhất khiến mức độ phủ sóng của “Về nhà đi con” cao hơn hẳn so với các phim truyền hình cùng đề tài là: Tính Việt. Hay nói đúng hơn, đó là hình ảnh của hai chữ “gia đình” trong quan niệm của người Việt. Nếu là một gia đình trong phim truyền hình các nước khác, chúng ta có thể gặp những mối quan hệ đứt gãy hay “drama ngập mặt” giữa cha mẹ - con cái hay giữa anh chị em với nhau. “Về nhà đi con” không như thế. Hầu như mọi sóng gió của phim đều được giữ bên ngoài cánh cửa gia đình, khiến gia đình trở thành một nơi thật sự thiêng liêng, một tổ ấm hoàn hảo để những thành viên trong đó có thể trú ẩn an toàn. Chỉ duy nhất một lần, sóng gió đã xảy ra trong ngôi nhà khi Dương và Huệ cãi nhau, song nó chỉ kéo dài vỏn vẹn ba tập phim và họ làm lành ngay sau đó.

Giải mã Về nhà đi con”: 5 điều quan trọng nhất tạo nên quả bom truyền hình” năm 2019-3

Phim truyền hình là bộ mặt xã hội. Xã hội có đủ mọi kiểu người, và trong khả năng của mình, “Về nhà đi con” đã khắc họa điều này khá tốt. Chúng ta có Huệ - hình mẫu phụ nữ truyền thống, giàu đức hi sinh, hiền dịu, đảm đang. Đối trọng với Huệ là Uyên - người phụ nữ hiện đại, mạnh mẽ, thông minh và cao ngạo. Chúng ta có Thư, ranh mãnh và thực dụng. Có Liễu, đanh đá và tham lam. Có Dương, một đứa “con gái mà như một thằng con trai” và Bảo, một “thằng con trai mà y như con gái”. Khải, Thành, Vũ, Dũng cũng mỗi người một vẻ; song đây là bộ phim nhìn từ góc nhìn nữ giới nên các nhân vật đàn ông thường ít được phát triển đầy đủ bằng.  

Giải mã Về nhà đi con”: 5 điều quan trọng nhất tạo nên quả bom truyền hình” năm 2019-4

Về vấn đề thế hệ, “Về nhà đi con” cũng bao quát từ người lớn tuổi đến những đứa trẻ đang ở độ tuổi ẩm ương. Khi khán giả xem phim truyền hình, họ thường áp dụng “cơ chế nhận diện”, tức là tìm cách so sánh nhân vật trong phim với bản thân và những người xung quanh xem ai giống ai nhất. Với hệ thống nhân vật rất rộng của Về nhà đi con, không khó để khán giả có thể thấy mình (hay... đứa mình ghét) trong đó, và tất nhiên, tò mò về số phận của những người này.   

Không chỉ nhân vật, “Về nhà đi con” còn cung cấp cho khán giả sự đa dạng về các kiểu gia đình: Gia đình mất mẹ còn bố, gia đình mất bố còn mẹ, gia đình còn cả bố lẫn mẹ nhưng họ không sống cùng nhau, gia đình bố mẹ hòa thuận hạnh phúc. Họ cũng thuộc các tầng lớp khác nhau (nghèo khó, trung lưu, giàu có), hay có thành phần khác nhau (lao động, trí thức), hay có kết cấu khác nhau (gia đình một thế hệ như Huệ - Khải hay nhiều thế hệ như Thư - Vũ). Mỗi gia đình lại gặp phải một vấn đề khác nhau, và tương tự như trên, khán giả có thể liên hệ với vấn đề của gia đình mình hay những gia đình mình quen biết một cách dễ dàng.  

Giải mã Về nhà đi con”: 5 điều quan trọng nhất tạo nên quả bom truyền hình” năm 2019-5

Trong giai đoạn mở đầu, “Về nhà đi con” thu hút khán giả bằng các yếu tố gây cười và tương tác đầy năng lượng giữa các nhân vật. Sau đó, phim bắt đầu đẩy dần các tình tiết kịch tính vào, song vẫn giữ yếu tố hài hước để cân bằng lại. Sự kịch tính được giữ ở mức độ vừa phải, trong một tập chỉ đẩy lên ở một tuyến truyện. Nhờ vậy, phim giữ được một nhịp điệu ổn định và nhẹ nhàng, không khiến khán giả cảm thấy mệt mỏi khi theo dõi. 

Quan trọng hơn, cách đẩy kịch tính của phim giúp kiểm soát tốt phản ứng của khán giả trên mạng xã hội. Mỗi tập sẽ có một nhân vật hoặc sự việc được đưa ra làm tâm điểm, và cuộc bàn luận của khán giả sẽ tập trung xoáy vào đó, ít khi bị phân tán. Năng lượng tập trung này hiệu quả trong việc tạo trend (xu hướng) và giữ độ nóng cho phim liên tục. 

Giải mã Về nhà đi con”: 5 điều quan trọng nhất tạo nên quả bom truyền hình” năm 2019-6

Chưa hết, còn một chiến lược khôn khéo khác của đoàn làm phim đến từ việc bám sát tâm lý “đi qua những ngày mưa, thêm yêu những ngày nắng” của người xem nói riêng cũng như con người nói chung. “Về nhà đi con” là một bộ phim có nhiều khả năng khai thác mở rộng, đi sâu; song tổ biên kịch không tham lam. Họ không cố gắng biến từng tập phim thành một tác phẩm hoàn hảo, sâu sắc, đầy sức nặng. Thay vào đó, có những tập được tiết chế để trở nên nhẹ nhàng hơn, dồn sức cho một cú “drop” khiến ai nấy bùng nổ cảm xúc ở các tập phim chủ chốt. Cách làm này còn giúp phim không bị “gồng mình” một cách thái quá, và nhờ đó, phim nhận về những lời khen ngợi là thực tế, là rất đời. 

“Về nhà đi con” là một bộ phim khá “đời”, nhưng không quá “đời”. Để tạo ra kịch tính, phim vẫn có những “trùng hợp” khá gượng ép, song ekip đã khéo léo che lấp điều này bằng việc điều khiển cảm xúc khán giả. Đơn cử như việc ngoài đời khó có chuyện cô Hạnh bán hoa trông giống y hệt người vợ quá cố của ông Sơn, song cảnh Thư “vỡ òa” gọi mẹ đã khiến khán giả xúc động và không coi tình tiết trên là vô lý. Ngược lại, họ còn cho rằng nó cần thiết cho mạch truyện. Nắm vững cảm xúc của khán giả, đó là nền tảng thành công của bất cứ sản phẩm đại chúng nào.  

Giải mã Về nhà đi con”: 5 điều quan trọng nhất tạo nên quả bom truyền hình” năm 2019-7

Một trong những nhân vật được lòng khán giả nhất của “Về nhà đi con” là Ánh Dương - con gái út ông Sơn. Những câu nói thẳng thắn, bộc trực, không kiêng nể bất cứ ai của Ánh Dương được ngưỡng mộ và chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội, chứng tỏ khao khát lên tiếng của người Việt. Thông thường, gặp những chuyện ấm ức ngoài xã hội, bản tính nhút nhát thường khiến người Việt nín nhịn, im lặng cho qua. Cùng với đó, tư tưởng “trẻ con biết gì mà nói” đã ngăn cản chúng ta lên tiếng trước những sai phạm của người lớn tuổi. Ánh Dương là một thanh niên, có lẽ cùng độ tuổi với phần lớn người dùng mạng xã hội, đã giúp những khán giả trẻ được “xả” ra những bức bối của mình. Bởi vậy, những đoạn clip Ánh Dương quát một người vô ý thức chen hàng, “dằn mặt” người anh rể vũ phu, chấn chỉnh thái độ của bố, thay đổi tư tưởng của chị… đều khiến người xem thích thú và lan truyền chóng mặt từ những tập đầu của phim. 

Nhân vật “chị Linh” gần đây cũng tạo ra một cơn bão ảnh chế trên Facebook vì lý do tương tự. Màn “bắn rap” liên tục trong 3 phút 35 giây của Linh dành cho “con giáp thứ 13” đã làm hả hê nhiều chị em có chung niềm căm ghét với việc ngoại tình - một vấn đề thường gặp nhưng khó giải quyết trong xã hội.

Giải mã Về nhà đi con”: 5 điều quan trọng nhất tạo nên quả bom truyền hình” năm 2019-8

Hội thoại có lẽ là ưu điểm mạnh nhất của “Về nhà đi con”. Đó là những lời ăn tiếng nói trong cuộc sống hàng ngày, kết hợp với những cụm từ có vần vè hoặc tạo ra giai điệu, thêm vào một chút triết lý được làm mềm mại như bông đùa. Được truyền tải qua diễn xuất tự nhiên của các diễn viên, chúng mang lại cảm giác vừa chân thật vừa sâu sắc, kích thích người nghe học theo sử dụng, cả trên mạng lẫn ngoài đời - Một công thức hoàn hảo để “tạo trend”.

Giải mã Về nhà đi con”: 5 điều quan trọng nhất tạo nên quả bom truyền hình” năm 2019-9

Truyền hình là một phương tiện có khả năng định hướng và tác động mạnh mẽ đến cuộc sống con người. “Về nhà đi con” ý thức được điều đó, và qua ảnh hưởng của mình, lan tỏa những thông điệp tích cực về tình cảm gia đình và giá trị phụ nữ. 

Giá trị phụ nữ là chủ đề lớn nhất của phim, được thể hiện ngay từ cái tên “Về nhà đi con”. Về nhà, về với những người yêu thương con, trân trọng con; để con biết giá trị của mình không ngang bằng với những bất hạnh mình phải chịu. Về nhà, ở đó có người bố - với bố, con gái là bình rượu mơ quý giá, chỉ dành cho những ai xứng đáng.

Lần đầu tiên ông Sơn nói câu “Về nhà đi con” là với Huệ, khi cô đang trong giai đoạn kết thúc cuộc hôn nhân với người chồng cờ bạc, vũ phu. Huệ bắt đầu hành trình trong phim với hình mẫu truyền thống của người phụ nữ. Có lẽ vì vậy, trong số các nhân vật nữ, cô là người tự ti nhất (tự nhận mình chỉ có giới hạn về nhan sắc, học hành…). Cũng vì tự ti mà Huệ, như nhiều phụ nữ Việt Nam khác, lựa chọn chôn vùi bản thân trong những cuộc hôn nhân bất hạnh vì sợ “một lần đò” sẽ khó tìm được người tốt hơn. Huệ tốn rất nhiều thời gian (và sự kiên nhẫn của khán giả) để thoát khỏi tư tưởng ấy, mạnh mẽ dứt bỏ để tìm lại giá trị của mình. Huệ đi làm, đi học thêm, từ chối tình cảm của Quốc, nghỉ việc để tập trung phát triển sự nghiệp của riêng mình… - Từng bước đi của Huệ đều mang trong đó sự độc lập cô vừa tìm thấy, tuy còn run rẩy lo lắng nhưng cũng tràn đầy quyết tâm và hi vọng về bản thân.

Giải mã Về nhà đi con”: 5 điều quan trọng nhất tạo nên quả bom truyền hình” năm 2019-10

Chắc rằng trong những tập tiếp theo, khán giả sẽ được nghe câu “Về nhà đi con” một lần nữa, nhưng là với Thư. Từ nhỏ, Thư đã có quan niệm lệch lạc rằng phải lấy một người chồng giàu để lo cho bố, để rồi khi mong muốn thành sự thật lại phải cay đắng nhận ra, sống phụ thuộc đồng nghĩa với việc bị khinh thường. Thư đã trả giá đủ, và có lẽ đã đến lúc, cô phải làm lại cuộc đời mình, với một tâm thế khác.

Dương là người ít vấn đề nhất trong ba chị em. Cô ý thức rất rõ giá trị của mình, chỉ có điều, “ý thức” đó hơi cao. Hành trình của Dương là hành trình tiết chế cái tôi, tiết chế cái ích kỷ của mình lại, để biết suy nghĩ đến người khác nhiều hơn.

Đặc biệt, nói đến giá trị phụ nữ, không thể không nhắc đến người đã sinh ra ba chị em. Cái chết của bà cho chúng ta thấy, làm mẹ là công việc nguy hiểm đến thế nào. Sự vắng mặt của bà khiến chúng ta hiểu, làm mẹ là công việc quan trọng đến thế nào. Không có mẹ, những đứa con như Huệ, Thư, Dương buộc phải lớn lên theo bản năng, buộc phải đi những con đường dài hơn, vấp ngã cũng nhiều hơn, để có thể trưởng thành. 

Theo Trí Thức Trẻ


Về nhà đi con

phim Về nhà đi con


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.