Giày Thượng Đình vang bóng một thời, giờ chìm trong thua lỗ

Sau 2 năm gần nhất thua lỗ, Thượng Đình đặt mục tiêu doanh thu 2019 đạt 175 tỷ đồng, nhưng lợi nhuận ban lãnh đạo công ty kỳ vọng chỉ là 50 triệu đồng.

Sau 2 năm gần nhất thua lỗ, Thượng Đình đặt mục tiêu doanh thu 2019 đạt 175 tỷ đồng, nhưng lợi nhuận ban lãnh đạo công ty kỳ vọng chỉ là 50 triệu đồng.

Công ty Cổ phần Giày Thượng Đình vừa công bố tài liệu họp đại hội đồng cổ đông thường niên 2019 để thông qua kế hoạch kinh doanh. So với kết quả trong 2 năm gần đây, ban lãnh đạo của hãng giày này cho biết đã tính toán để có thể đưa công ty thoát lỗ trong năm nay.

Cụ thể, năm 2019, Giày Thượng Đình đặt mục tiêu doanh thu đạt 175 tỷ đồng, tăng nhẹ so với doanh số đạt được trong năm 2018 trước đó. Tuy nhiên, mục tiêu lãi ròng dự kiến công ty thu về lại chỉ vỏn vẹn 50 triệu đồng.

Nếu không tính 2 năm gần nhất lỗ ròng, đây là mục tiêu lợi nhuận khiêm tốn nhất mà hãng giày này từng đặt ra. Trong năm kinh doanh trước đó, ban lãnh đạo Giày Thượng Đình cho biết công ty đã trải qua năm sản xuất kinh doanh với rất nhiều khó khăn.

Hãng giày Việt 60 năm tuổi lao đao

Về thị trường xuất khẩu, Giày Thượng Đình cho biết các đơn hàng xuất khẩu của công ty không được thuận lợi do thay đổi xu hướng tiêu dùng về giày dép. Trong đó, khách hàng có xu hướng chuyển từ dòng giày vải lưu hóa sang dòng giày thể thao gò dán, các đơn hàng xuất khẩu sang châu Âu cũng giảm mạnh.

Ngoài ra, việc dây chuyền sản xuất giày đã cũ khiến giá thành sản phẩm của công ty cao, khó cạnh tranh với các nhà cung cấp giày khác ở Việt Nam và Trung Quốc.

Giày Thượng Đình vang bóng một thời, giờ chìm trong thua lỗ-1

Thượng Đình từng là một trong những thương hiệu nổi tiếng của Việt Nam. Ảnh: VTV.

Thực tế, các chi phí chung hiện cũng chỉ được tính một phần vào giá thành, còn nếu đưa hết vào thì giá sản phẩm của Thượng Đình sẽ quá cao, không thể chào hàng cho đối tác.

Sau khi cổ phần hóa vào năm 2015, chi phí khấu hao của Giày Thượng Đình tăng đột biến. Bên cạnh đó, tiền thuê đất tăng khiến chi phí đầu vào của Thượng Đình cao hơn nhiều so với công ty sản xuất giày đơn thuần cùng ngành.

Ban lãnh đạo công ty cũng thừa nhận nhà máy đang là điểm yếu trong việc ký kết các hợp đồng khi đã lâu không thay đổi và đầu tư bổ sung máy móc thiết bị, công nghệ mới.

Trong khi đó, tại thị trường nội địa, Thượng Đình lại chịu cạnh tranh từ các cơ sở sản xuất tư nhân nhỏ, bán không hóa đơn, và giày Trung Quốc. Ngoài ra, hiện nay trên thị trường cũng có hiện tượng làm giả các sản phẩm của công ty từ giày đá bóng cho tới giày KK.

Đặc biệt, tình hình tài chính hiện tại của Thượng Đình đang rất khó khăn.

Cụ thể, tính đến cuối năm 2018, lỗ lũy kế công ty đã là 17 tỷ đồng, nợ khó đòi xấp xỉ 12 tỷ đồng, trong khi lỗ tại nhà máy tại Hà Nam trước năm 2014 cũng đã xấp xỉ 3,6 tỷ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến kế hoạch tài chính và phát sinh lãi ngân hàng.

Ngoài ra, theo số liệu từ ban giám đốc, riêng danh mục chi phí của công ty đã tăng liên tục từ năm 2015 đến nay. Trong đó, khấu hao tài sản đã tăng gần 3 lần (từ 2,5 tỷ lên 7,2 tỷ); tiền thuê đất tăng từ 4,1 tỷ lên 6,8 tỷ đồng…

Ban lãnh đạo công ty cho rằng nếu tiếp tục kinh doanh như hiện nay, với các chi phí như trên thì rất khó có thể có lãi, nguy cơ lỗ cao. Năm 2019 được dự báo tiếp tục là một năm khó khăn Thượng Đình ở cả trong và ngoài nước.

Phải di dời nhà máy tại “đất vàng” 277 Nguyễn Trãi

Trong tài liệu công bố lần này, ban lãnh đạo Thượng Đình cũng đề cập tới kế hoạch di dời nhà máy tại khu đất số 277 Nguyễn Trãi (Thanh Xuân, Hà Nội). Theo đó, công ty đang xin UBND Thành phố Hà Nội chấp thuận kế hoạch di dời càng sớm càng tốt.

Phía Thượng Đình cho biết sản xuất tại địa điểm này rất bất lợi vì chi phí quá cao, sản xuất kinh doanh không thể bù đắp được chi phí thực tế, đặc biệt là chi phí thuê đất và chi phí khấu hao.

Giày Thượng Đình vang bóng một thời, giờ chìm trong thua lỗ-2

Theo đó, nếu di dời sớm nhà máy, các nhà đầu tư cũng sẽ không bị mất vốn hoặc hạn chế tối đa mất vốn do sản xuất kinh doanh tại nhà máy này không hiệu quả.

Ngoài ra, nếu di dời nhà máy ở Hà Nội, công ty sẽ đầu tư xây dựng bổ sung theo cam kết với UBND tỉnh Hà Nam với nhà máy tại đây. Như vậy, tỉnh này sẽ không thu hồi đất của công ty trên địa bàn.

Nếu việc xây dựng bổ sung không thực hiện được trong quý IV này, UBND tỉnh Hà Nam sẽ cưỡng chế thu hồi đất với nhà máy của Thượng Đình tại tỉnh này.

Giày Thượng Đình là một trong những thương hiệu Việt lâu đời nhất tại Việt Nam, tiền thân là Xí nghiệp X30, được thành lập vào tháng 1/1957. Trước khi chuyển đổi sang hình thức CTCP, công ty là một doanh nghiệp Nhà nước với tên gọi Công ty TNHH MTV Giầy Thượng Đình chuyên sản xuất giày, dép vải phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu.

Tính đến nay, Thượng Đình đã có 62 năm hoạt động và cung cấp các sản phẩm giày cho thị trường Việt. Giày Thượng Đình cũng từng rất thành công trong việc xuất khẩu. Năm 2016, khi chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng, Thượng Đình được định giá lên tới 44.000 đồng/cổ phiếu, tương đương vốn hóa hơn 400 tỷ đồng.

Tuy nhiên, sau 2 năm liền thua lỗ (2017-2018), giá cổ phiếu Giày Thượng Đình giảm liên tục hiện chỉ còn 4.300 đồng/cổ phiếu và không có thanh khoản.

Cũng giống như nhiều thương hiệu vang bóng một thời của Việt Nam, Thượng Đình cũng gặp rất nhiều khó khăn vì dây chuyền sản xuất cũ và không kịp sự thay đổi theo thị yếu người dùng. Các sản phẩm của công ty bị chê là kém thẩm mỹ và không được đầu tư bài bản.

Theo Zing


giày thượng đình


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.