Grab tố những "bất thường" trong vụ Vinasun kiện đòi bồi thường gần 42 tỷ

Đưa ra nhận định vụ kiện là “hi hữu đầu tiên” khi phía nguyên đơn khởi kiện mà không đưa ra được các bằng chứng, chỉ trông cậy vào tòa án thu thập chứng cứ...

Đưa ra nhận định vụ kiện là “hi hữu đầu tiên” khi phía nguyên đơn khởi kiện mà không đưa ra được các bằng chứng, chỉ trông cậy vào tòa án thu thập chứng cứ, Grab cho rằng vụ kiện sẽ là tiền lệ xấu, trì hoãn sự phát triển của khoa học công nghệ trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0,... và đề nghị tòa án đình chỉ giải quyết vụ kiện.

Grab tố những bất thường trong vụ Vinasun kiện đòi bồi thường gần 42 tỷ-1

Tài xế Vinasun tập trung tại tòa để theo dõi phiên xét xử (Ảnh: IT)

Sáng nay 17.10, TAND TP.HCM lại mở phiên xét xử sơ thẩm vụ án "yêu cầu bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng" giữa nguyên đơn là Công ty cổ phần Ánh Dương Việt Nam (Vinasun) kiện bị đơn là Công ty TNHH GrabTaxi Việt Nam (Grab).

Dù phía Grab lên tiếng đề nghị HĐXX hoãn phiên tòa nhưng không được chấp nhận, ngay sau đó, đơn vị này đã có những thông tin lên tiếng về những vấn đề được cho là “bất thường và hy hữu” của vụ kiện này.

Vụ kiện... hy hữu

Theo ông Lưu Tiến Dũng, luật sư đại diện quyền lợi của Grab nhận định, đến phiên tòa ngày hôm nay, phía nguyên đơn vẫn chưa cung cấp được bất kỳ chứng cứ và tài liệu nào để chứng minh cho yêu cầu của mình là có căn cứ và hợp pháp theo khoản 1, Điều 91 Bộ luật Tố tụng dân sự. Đây thực sự là một “vụ kiện hi hữu” khi nguyên đơn khởi kiện mà không đưa ra được các bằng chứng chứng minh và chỉ trông cậy vào... tòa án thu thập chứng cứ. Thêm vào đó, nếu chỉ dựa vào công văn của Sở GTVT TP.HCM cung cấp cho tòa án và lời khai của nhân chứng do tòa thu thập cũng không chứng minh được bị đơn vi phạm Đề án thí điểm hoặc pháp luật về kinh doanh vận tải.

“Ngoài ra, hoàn toàn có chứng cứ chứng minh cị đơn bám sát Đề án thí điểm cho nên hoàn toàn không có cơ sở pháp lý để kết luận là bị đơn vi phạm pháp luật về kinh doanh vận tải, cụ thể là Nghị định 86”, luật sư Dũng nói.

Luật sư Lưu Tiến Dũng cũng đưa ra các chứng cứ chứng minh các hoạt động của bị đơn (Grab) là hoàn toàn tuân thủ Đề án thí điểm. Cụ thể: Grab luôn bám sát Đề án thí điểm, tuân thủ pháp luật, hoạt động kinh doanh dưới sự quản lý chặt chẽ của Bộ GTVT, ban ngành các cấp từ trung ương đến địa phương và trong suốt hai năm bị đơn thực hiện Đề án thí điểm không hề có hành vi vi phạm pháp luật. Đặc biệt, Bộ GTVT đã hai lần xem xét và kết luận hoạt động theo Đề án thí điểm của bị đơn không phải là hoạt động kinh doanh vận tải...

Kế đến, phía Grab cũng khẳng định không có hành vi vi phạm pháp luật về cạnh tranh nên không thể có trách nhiệm bồi thường thiệt hại như nguyên đơn yêu cầu.

Grab đã có kiến nghị về việc Vinasun không được tiếp cận các tài liệu "bí mật kinh doanh" của Grab, bao gồm cả danh sách hợp tác xã, hợp đồng với hợp tác xã, cũng như không công bố các tài liệu này trước công chúng tại tòa. Grab đã có đơn kiến nghị đến Chánh án Tòa án Nhân dân TP.HCM, nhưng trong khi Chánh án Tòa án Nhân dân TP.HCM chưa trả lời đơn kiến nghị của Grab thì Tòa Kinh tế đã cho phép Vinasun được tiếp cận và sao chép.

Trong sáng nay, Grab cũng đã tiếp tục gửi khiếu nại lên Tòa án nhân dân tối cao về vấn đề này song Tòa Kinh tế - Tòa án Nhân dân TP.HCM vẫn tiếp tục cho phép công bố các tài liệu thuộc bí mật kinh doanh của Grab trước tòa dù Tòa án Nhân dân Tối cao vẫn chưa ra quyết định cuối cùng. Điều này sẽ tạo nên tiền lệ không tốt khi các doanh nghiệp sẽ lợi dụng điều này để tiếp cận bí mật kinh doanh của đối thủ...

Đồng thời, Grab cũng khẳng định báo cáo giám định thiệt hại của tổ chức giám định do tòa chỉ định không đáng tin cậy vì báo cáo giám định này do Công ty Cửu Long thực hiện không khách quan, không đủ trình độ, chuyên môn, nghiệp vụ và không có kinh nghiệm phù hợp để thực hiện công việc giám định được yêu cầu.  Đặc biệt, các kết luận tại báo cáo giám định thiệt hại của Công ty Cửu Long hoàn toàn sai từ cách xác định thiệt hại đến phương pháp tính toán và cuối cùng là đến kết luận. Hơn nữa, phần lớn công việc giám định do một “đơn vị không tên tuổi” thực hiện mà không có sự cho phép trước của tòa.

“Cách tính toán thiệt hại của nguyên đơn do Công ty Cửu Long thực hiện có những sai sót nghiêm trọng. Một doanh nghiệp kinh doanh taxi có hơn 6.500 xe mà theo báo cáo của Công ty Cửu Long trong năm 2016 chỉ có trung bình hai xe nằm bãi không kinh doanh mỗi ngày thì không thể bị thiệt hại do hoạt động của bị đơn Grab gây ra. Giá trị vốn hóa thị trường của doanh nghiệp, tức là giá của một cổ phần nhân cho tổng số cổ phần, không thể là cơ sở để tính thiệt hại của nguyên đơn khi Công ty Cửu Long không xác định được quan hệ nhân quả giữa hoạt động kinh doanh của bị đơn và giá cổ phần của nguyên đơn”, luật sư Lưu Tiến Dũng phân tích.

Ngoài ra, theo ông Dũng, ngay cả dựa vào Báo cáo giám định của Cửu Long, nguyên nhân chính mà khách hàng rời bỏ VinaSun để chuyển sang sử dụng dịch vụ của Grab là do cước phí của các xe sử dụng công nghệ của Grab rẻ hơn cước phí của Vinasun và dịch vụ của Grab tốt hơn. Hai nguyên nhân này không phải là hành vi vi phạm pháp luật theo Đề án thí điểm.

Cản trở “Cách mạng Công nghiệp 4.0”?

Ngoài ý kiến của luật sư bảo vệ quyền lợi, phía Grab cũng đưa ra các lập luận về tính hợp pháp của phiên tòa. Theo Grab, tòa án không có quyền xem xét và đánh giá hoạt động kinh doanh theo Đề án thí điểm có phải là hoạt động kinh doanh vận tải hoặc kinh doanh taxi hay không vì vấn đề này thuộc chức năng quản lý nhà nước và điều hành kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, các cơ quan của Chính phủ. Kế đến, Tòa án cũng không có quyền kiến nghị Bộ GTVT sửa đổi Quyết định 24 hoặc Nghị định 86 theo khoản 7, Điều 2 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân.

“Nếu nguyên đơn cho rằng hoạt động kinh doanh theo Quyết định 24 gây thiệt hại cho mình thì nguyên đơn phải kiện Bộ GTVT theo thủ tục tố tụng hành chính”, Grab nêu ý kiến.

Ngoài ra, phía Grab cũng cho rằng, tại Diễn đàn cấp cao Cách mạng Công nghiệp 4.0 tổ chức tại Hà Nội vào tháng 7.2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã phát biểu rằng cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (việc ứng dụng khoa học công nghệ để hỗ trợ sản xuất và dịch vụ) là xu hướng không thể thay đổi và trì hoãn. Vì vậu, phía Grab cho rằng mục đích chính của Vinasun trong vụ kiện này là ngăn chặn và trì hoãn sự phát triển của khoa học công nghệ nhằm... “duy trì, bảo vệ sự thống lĩnh, thế độc quyền, chi phối thị trường TP.HCM của một doanh nghiệp taxi truyền thống”. 

“Để thực hiện mục đích đó, nguyên đơn tiến hành vụ kiện này hi vọng ngành tư pháp sẽ xen vào việc đánh giá bản chất của đề án thí điểm tại Quyết định số 24/QĐ-BGTVT ngày 7.1.2016 về “kế hoạch thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng” (“Đề án thí điểm”), tạo cơ hội cho nguyên đơn tác động đến việc hoạch định chính sách của các cơ quan hành pháp khi Chính phủ đang trong quá trình xem xét sửa đổi Nghị định số 86/2014/NĐ-CP của Chính phủ ngày 10 tháng 9 năm 2014 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải”, phía Grab đặt nghi ngờ.

Grab đề nghị “Đình chỉ giải quyết vụ án” vì... tòa án không có thẩm quyền?

Trước những chứng cứ và lập luận đề ra, phía Grab đề nghị Tòa án đình chỉ giải quyết vụ án vì việc này không thuộc thẩm quyền của Tòa. Tuy nhiên, phía Grab cũng có đề nghị “Trong trường hợp Tòa án không đình chỉ giải quyết vụ án, chúng tôi đề nghị Hội đồng xét xử thực hiện 4 điểm gồm:

Thứ nhất, đưa các DN cung cấp ứng dụng khoa học công nghệ tương tự như bị đơn tham gia tố tụng với tư cách người có quyền và lợi ích liên quan vì các quyết định của Hội đồng xét xử có thể ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của họ;

Thứ 2, cần trưng cầu giám định lại hoặc giám định bổ sung vì các kết luận giám định của Công ty Cửu Long hoàn toàn sai từ cách xác định thiệt hại đến phương pháp tính toán và cuối cùng là đến kết luận;  

Thứ 3, Hội đồng xét xử tiếp tục giải quyết vụ án dựa trên các tài liệu, chứng cứ hiện có trong hồ sơ, thì bác bỏ toàn bộ các yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn vì nguyên đơn đã không chứng minh được yêu cầu của mình là có căn cứ và hợp pháp; Bị đơn không có hành vi vi phạm; không có cơ sở để xác định thiệt hại của nguyên đơn; không có mối quan hệ nhân quả giữa bất kỳ hành vi vi phạm nào, nếu có, với bất kỳ thiệt hại nào, nếu có; và nếu có thiệt hại, liệu các thiệt hại đó chỉ do mỗi bị đơn gây ra hay không trong khi thị trường có hơn mười công ty kinh doanh dịch vụ gọi xe ứng dụng, kể cả của chính nguyên đơn.

Và thứ tư, trong bất kỳ trường hợp nào, không xem xét và nhận định về bản chất của Đề án thí điểm theo Quyết định 24 có phải là kinh doanh vận tải, taxi hay không vì vấn đề này thuộc chức năng quản lý nhà nước và điều hành kinh tế của Chính phủ, các cơ quan của Chính phủ. Không đưa ra kiến nghị liên quan đến Quyết định 24 và Đề án thí điểm cũng như việc sửa đổi, bổ sung Nghị định 86 vì tòa án không có thẩm quyền đưa ra các kiến nghị đó, căn cứ Luật Tổ chức Tòa án Nhân dân.

Theo Dân Việt


GrabTaxi

taxi Vinasun

Grab

Vinasun


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.