Áp lực của 'trai tân, gái trinh' ở Hàn Quốc

Đa số người Hàn nghĩ rằng không có trải nghiệm lãng mạn là biểu hiện của sự kém hấp dẫn. Điều này khiến những người độc thân lâu năm dễ bị chế giễu, cô lập.

Áp lực của trai tân, gái trinh ở Hàn Quốc-1Tình yêu, chuyện hẹn hò là chủ đề thường xuyên được thảo luận, quan tâm tại Hàn Quốc. Ảnh: Netflix.

Một phụ nữ khoảng 30 tuổi sống ở Seoul, đăng bài viết ẩn danh lên mạng xã hội, tiết lộ bí mật mà cô thề sẽ che giấu bằng mọi giá cho đến khi chết: "Tôi là một 'motae solo'".

Từ lóng tiếng Hàn này thường được viết tắt là "mossol", dùng để chỉ những người chưa từng có mối quan hệ yêu đương nào, trong đó "motae" có nghĩa là "trong bụng mẹ" và "solo" có nghĩa là "một mình".

Vì vậy, mossol thường được dùng để chỉ những người "độc thân từ khi sinh ra", theo The Korea Herald.

Công khai bản thân là mossol có thể rất khó khăn ở Hàn Quốc, nơi mà việc có một mối quan hệ tình cảm được xem là chuẩn mực.

"'Có chuyện gì không ổn với họ sao?' là điều đầu tiên mọi người nghĩ đến khi ai đó xuất hiện với tư cách là mossol", một sinh viên 24 tuổi mới tốt nghiệp đại học họ Yoo cho biết.

Cô đưa ra nhận xét dựa trên quan điểm chung giữa những người đồng trang lứa với mình.

"Nếu một chàng trai ở độ tuổi đôi mươi, mới tốt nghiệp trung học và chưa có mối quan hệ nào, mọi người vẫn có thể hiểu. Nhưng nếu một người 30 tuổi vẫn chưa từng có bạn gái thì đó là một dấu hiệu cảnh báo đối với nhiều phụ nữ", Yoo nói thêm.

Cách gọi mỉa mai
Nhiều người có xu hướng nghĩ rằng không có trải nghiệm lãng mạn là biểu hiện của sự kém hấp dẫn. Điều này khiến các mossol không dễ dàng chia sẻ câu chuyện của mình.

Hoặc nếu có, việc chia sẻ thường chỉ diễn ra trên không gian trực tuyến, nơi mọi người có thể ẩn danh.

"Tôi đã nghe rất nhiều người nói rằng những phụ nữ độc thân cho đến khi họ ngoài 30 tuổi chắc chắn có điều gì đó không ổn", một phụ nữ ở độ tuổi 30 viết trên một cộng đồng trực tuyến khi cô giấu tên, thừa nhận mình là một "trinh nữ".

"Vì vậy, khi mọi người hỏi tôi có đang hẹn hò với ai không, tôi chỉ nói dối với họ là có. Bởi vì tôi đã nói dối rất nhiều lần, đến thời điểm này, tôi gần như đã tự đánh lừa bản thân rằng mình không phải là mossol".


Áp lực của trai tân, gái trinh ở Hàn Quốc-2Diễn viên Seo Kang Joon vào vai chàng sinh viên đại học chưa từng hẹn hò trong phim "The Third Charm". Ảnh: JTBC.

Trong khi đó, một phụ nữ khác viết: "Tôi đã ngoài 20 tuổi và vẫn chưa hẹn hò với ai. Tôi có kỳ lạ không?".

Các câu hỏi như vậy có thể dễ dàng tìm thấy trong cộng đồng trực tuyến, phản ánh mối quan tâm rộng rãi về việc trở thành "trai tân, gái trinh" ở Hàn Quốc.

Tuy nhiên, cuộc khảo sát mới nhất được thực hiện bởi kênh truyền hình địa phương MBC cho thấy tỷ lệ độc thân và mossol cao trong giới trẻ xứ kim chi.

42,6% trong số 594 đàn ông và phụ nữ chưa kết hôn được khảo sát cho biết họ không có mối quan hệ lãng mạn nào. 21% trong số này chưa từng có bất kỳ trải nghiệm hẹn hò nào.

Vấn đề tài chính và sở thích độc thân là những lý do phổ biến khiến những người này không hẹn hò.

Cảm giác bị cô lập
"Everyone not in love now are guilty" (tạm dịch: Bây giờ không yêu ai cũng có tội) là tiêu đề tuyển tập các tiểu luận của nhà biên kịch hàng đầu Hàn Quốc Noh Hee Kyung.

Nhận định này không thể đúng hơn ở Hàn Quốc, nơi có văn hóa hẹn hò sôi động, theo The Korea Herald.

Nhiều cặp đôi trẻ khi mới bắt đầu mối quan hệ thường thể hiện công khai bằng cách mặc những món đồ giống nhau như áo thun đôi, vòng tay đôi.

Trên Instagram, nhiều đôi đăng ảnh kèm theo hashtag #lovestagram - sự kết hợp của từ "love" và "Instagram" được người dùng Instagram sử dụng để bày tỏ tình cảm với người yêu.

Việc tìm kiếm hashtag #lovestagram trên Instagram ngay lập tức cho ra hàng nghìn bức hình giới trẻ Hàn Quốc thể hiện tình cảm với nhau khi mặc trang phục đôi, chụp ảnh cùng địa điểm, du lịch chung.


Áp lực của trai tân, gái trinh ở Hàn Quốc-3Các mossol cảm thấy bị mỉa mai, cô lập khi chia sẻ câu chuyện của mình. Ảnh: 123RF.

Các cặp yêu nhau ở xứ củ sâm còn đánh dấu cột mốc tình yêu của họ bằng lễ kỷ niệm 100 ngày, 300 ngày, 1.000 ngày bên nhau.

Trên KakaoTalk, ứng dụng nhắn tin phổ biến nhất của người Hàn Quốc, có thể dễ dàng nhận ra những người dùng hiển thị số ngày đã hẹn hò với ai đó trên trang cá nhân.

Từ những món đồ đôi cho đến lovestagram và vô số tiệc kỷ niệm, người trẻ Hàn Quốc nói về tình yêu ở khắp mọi nơi.

Trong một môi trường như vậy, các mossol có thể cảm thấy bị cô lập.

Lee So Young, cô gái khoảng 20 tuổi, nhớ lại: "Hồi đại học, tôi chịu rất nhiều áp lực phải tìm đối tượng hẹn hò. Tôi có cảm giác như mình bị tụt lại phía sau so với những người khác nếu không kiếm được bạn trai".

Tuy nhiên, nghịch lý là trong khi hẹn hò rất được giới trẻ mong đợi, thì nó lại bị phản đối mạnh mẽ ở lứa tuổi thanh thiếu niên.

Tại một đất nước coi trọng thành tích học tập, nhiều thanh thiếu niên Hàn Quốc bị cha mẹ và giáo viên cảnh báo không nên hẹn hò vì tin rằng điều đó cản trở việc học hành.

"Hồi cấp ba, tôi được yêu cầu phải là một học sinh giỏi, nghĩa là cần tập trung hoàn toàn vào việc học và tuyệt đối không hẹn hò với người khác giới. Nhưng ngay khi tôi vào đại học, tất cả mọi người kể cả người thân và bạn bè bắt đầu hỏi tôi có gặp gỡ ai đó không", Lee kể.

Vì chưa bao giờ có kinh nghiệm tương tác với bạn khác giới, Lee cảm thấy rất khó thích nghi với sự thay đổi đột ngột này.

"Hẹn hò là một điều cấm kỵ khi còn là thanh thiếu niên, nhưng đột nhiên, tôi bị áp lực phải hẹn hò ngay khi bước chân vào trường đại học", cô nói.

Theo Zing

Xem link gốc Ẩn link gốc https://zingnews.vn/ap-luc-cua-trai-tan-gai-trinh-o-han-quoc-post1417629.html

Hàn Quốc


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.