Cách những TikToker như Nờ Ô NÔ tạo ra nội dung bẩn

)"Poverty porn" - lợi dụng hình ảnh người nghèo để lấy tình thương - từ lâu được nhiều người làm nội dung sử dụng như công cụ tạo dựng danh tiếng, gây hiểu sai về người khó khăn.

Cách những TikToker như Nờ Ô NÔ tạo ra nội dung bẩn-1

TikToker Nờ Ô NÔ có phát ngôn được cho miệt thị người nghèo khi làm clip từ thiện. Ảnh cắt từ clip.

Nờ Ô NÔ, hay Tuấn Brice, đang là TikToker bị nhiều người lên án, kêu gọi tẩy chay sau khi đăng tải clip miệt thị người nghèo. Cụ thể, trong clip “Người nghèo ăn gì Nờ Ô Nô cho ăn đó” thuộc series “Một ngày tử tế”, Tuấn Brice tiếp cận một bà cụ và cho biết sẽ mua tặng món bà thích ăn.

Đáng nói, TikToker này có những phát ngôn với cụ bà như “Hello bà già nghèo khổ giữa trời đông cô đơn”, “Nghèo mà còn chê đồ ăn nữa, vậy thôi khỏi ăn. Giờ hỏi lại có ăn hay không?”, “Phở rẻ vậy mà bà không có tiền mua ăn nữa hả?” bị cho mang tính khinh thường, không tôn trọng người lớn tuổi.

Thực tế, những bài đăng đánh vào lòng thương cảm thông qua việc chia sẻ hình ảnh người nghèo khổ không phải nội dung lạ lẫm trên Internet, còn được gọi là “Poverty Porn”. Không phải ai tạo ra nội dung “poverty porn” cũng với mục đích giúp đỡ thật sự, chưa kể những câu chuyện được chia sẻ chưa chắc đã toàn cảnh, chính xác và được sự đồng ý của nhân vật chính.

Lấy nghèo đói làm công cụ thu hút sự chú ý

Theo định nghĩa được công nhận rộng rãi do nhà báo Matt Collins đề xuất vào năm 2009, “poverty porn” được hiểu là bất kỳ dạng truyền thông nào - viết, chụp ảnh hay quay phim - khai thác tình cảnh nghèo đói nhằm tạo ra sự thương cảm cần thiết nhất định vì mục đích nào đó.

“Poverty porn” xuất hiện lần đầu vào những năm 80, được cho là “thời hoàng kim của các chiến dịch từ thiện”, theo Goodthingsguy. Các chiến dịch từ thiện trong thời kỳ này sử dụng các hình ảnh gây ấn tượng mạnh, ví dụ như những đứa trẻ suy dinh dưỡng nghèo khó.

Dù thành xu hướng và có một số chiến dịch thành công trong việc quyên góp tiền từ thiện, một số nhà quan sát chỉ trích cách tiếp cận này, cho rằng nó đơn giản hóa quá mức tình trạng nghèo đói lâu năm.

Cách những TikToker như Nờ Ô NÔ tạo ra nội dung bẩn-2
Sử dụng hình ảnh người nghèo khổ nhằm lấy sự thương cảm được gọi là poverty porn. Ảnh: Fair Development Consulting.

Trong thời đại Internet, cụm từ này còn được sử dụng để chỉ trích những người có vẻ như đang giúp đỡ người khác nhưng trên thực tế là vận động để có được lượt like, share trên mạng xã hội, theo Bautista Project Inc.

Tháng 9/2021, influencer người Ấn Độ Mansi Chavan gây tranh cãi khi chia sẻ loạt ảnh chụp tại khu ổ chuột ở Mumbai. Cô cho biết muốn ghi lại “cái đẹp và sự rung cảm” ở đây, mô tả những khu nhà tồi tàn là nơi “chứa đầy hy vọng và câu chuyện chưa kể”.

“Xin hãy hiểu rằng ý định của tôi không phải là tô hồng cái nghèo hay lãng mạn hóa tình cảnh thiếu thốn của họ. Tôi chỉ muốn ghi lại những hình ảnh về khu ổ chuột dưới góc nhìn khác của mình”, Chavan giải thích.

Cách những TikToker như Nờ Ô NÔ tạo ra nội dung bẩn-3Nitibha Kaul bị chỉ trích là dùng người nghèo làm đạo cụ chụp ảnh. Ảnh: Twitter Nitibha Kaul.


Trước đó, influencer gần một triệu người theo dõi Nitibha Kaul cũng hứng gạch đá khi đăng bức ảnh tạo dáng trong trang phục từ bộ sưu tập SabyasachixHM, với 4 người đàn ông vẻ ngoài khắc khổ đứng phía sau. Cô bị cáo buộc từng nhiều lần chụp ảnh với bối cảnh tương tự.

Theo Dalhousie Gazette, các phương tiện truyền thông xã hội đang làm cho nội dung “poverty porn” trở nên dễ tiếp cận hơn, đặc biệt khi xuất hiện sau những bộ lọc Snapchat hay các thử thách vô duyên.

Đó là những YouTuber giàu có lợi dụng người vô gia cư, dí máy quay vào mặt họ khi họ khóc vì được tặng quà. Những YouTuber đó biết rằng sẽ nhận được nhiều lượt view, kiếm được nhiều lợi nhuận từ việc tạo ra một cảnh tượng tạm thoát khỏi nghèo đói.

Ngăn chặn “khoái lạc đói nghèo”

Theo Wikiimpact, mỗi người có thể góp phần vào việc lan tỏa các vấn đề nhân đạo một cách thực tế trong khi vẫn tôn trọng những người được ghi hình.

Cụ thể, hãy chỉ chia sẻ và chụp những bức ảnh có sự đồng ý của các bên liên quan (ví dụ chính cá nhân đó, cha mẹ hoặc người giám hộ); bảo vệ quyền riêng tư của những cá nhân là nạn nhân của lạm dụng và bóc lột; không lôi kéo, dối trá hay thiếu tôn trọng hoàn cảnh của họ và cố gắng thúc đẩy sự tôn trọng, trao quyền thay vì sự thông cảm và định kiến.


Cách những TikToker như Nờ Ô NÔ tạo ra nội dung bẩn-4
Không nên chia sẻ những nội dung khắc họa méo mó, thiển cận về người nghèo. Ảnh: Depositphotos.


Bên cạnh đó, mọi người cần có sự hiểu biết nhất định để ủng hộ đúng đắn cho những người dễ bị tổn thương và cách tốt nhất là để họ tự kể câu chuyện của chính mình. Không mô tuýp nào có thể dùng để miêu tả cho tất cả khi nhắc đến nghèo đói, mỗi câu chuyện là một hoàn cảnh khác nhau.

Nếu gây quỹ, cần nhớ luôn khắc họa mọi người với phẩm giá, sự tôn trọng và cổ vũ hy vọng để họ nhìn thấy tiềm năng ở bản thân. Tin tưởng, ủng hộ và trao quyền rất quan trọng, nhưng điểm mấu chốt là phải xem người cần giúp đỡ là con người, không phải một vấn đề hay chương trình.

 

Theo Zing

Xem link gốc Ẩn link gốc https://zingnews.vn/cach-nhung-tiktoker-nhu-no-o-no-tao-ra-noi-dung-ban-post1379358.html

Nờ Ô NÔ

TikToker


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.