Chăm đi chùa, nhưng nhiều người không biết lễ

Đây là nhận định của GS Ngô Đức Thịnh - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa Việt Nam. Nguyên nhân do đâu?

Đây là nhận định của GS Ngô Đức Thịnh - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa Việt Nam. Nguyên nhân do đâu?

Hiện tượng nhét tiền vào tay tượng vẫn tồn tại ở nhiều đền, chùa. Ảnh: Chí Cường
Hiện tượng nhét tiền vào tay tượng vẫn tồn tại ở nhiều đền, chùa. Ảnh: Chí Cường

Không nên nặng về chiêm bái

Tại các nơi thờ tự (đền, chùa, phủ...) đều có một văn bia tóm tắt "nguồn gốc xuất xứ", như thờ ai, thời nào, công trạng ra sao, qua bao nhiêu lần tu sửa... Thế nhưng, quan sát những người đi lễ (không chỉ dịp này, không chỉ ở Hà Nội) mới thấy, người thực sự quan tâm đến thông tin quan trọng này lại thuộc về du khách nước ngoài - những người không theo đạo Phật như phần đông người Việt.

Theo các nhà nghiên cứu văn hóa, việc biết rõ nơi thờ tự có nguồn gốc, thân thế ra sao… cũng giống như việc chúng ta cần phải biết mình đang nói chuyện với ai. Khi hiểu rõ tính cách, sở thích của người đó cũng đồng nghĩa với việc giúp cho mối quan hệ đó trở nên hiệu quả hơn. Thế nhưng, phần đông người đi hành lễ dường như chẳng mấy quan tâm đến sự khác biệt giữa chùa, đền, phủ. Họ cứ giữ chung một nghi thức, chung một lễ vật, chung cả cách thức cầu xin (tài, lộc, sức khỏe, thăng tiến...). Trong khi đó, có chùa thiên về cầu duyên, cầu tự, chùa thiên về cầu an... thì cách thức chiêm bái cũng sẽ khác nhau.

Ví dụ, Lễ khai ấn Đền Trần (Nam Định) vốn là một tập tục có từ thế kỷ XIII của triều đại nhà Trần với mục đích tế lễ trời đất, tiên tổ, thể hiện lòng thành kính biết ơn non sông, cha ông. Phủ Thiên Trường là nơi Vua Trần mở tiệc chiêu đãi và phong chức cho những quan quân có công. Việc đóng ấn đền Trần trong ngày khai ấn là do các quan chức nhà nước từ cấp cao cho đến cấp tỉnh, huyện, xã thực hiện với ý nghĩa khai ấn mở đầu cho công việc của nhà nước. Tuy nhiên, mục đích, ý nghĩa đúng đắn của ấn Đền Trần đã được hiểu sang nghĩa là nơi cầu “thăng quan, tiến chức”.

Hay đền Bà Chúa Kho vốn có "xuất phát điểm" là tưởng nhớ bà chúa kho lương, đã giúp triều đình nhà Lý trông coi kho lương thực tại Núi Kho (tỉnh Bắc Ninh). Bà bị giặc giết trong lúc phát lương cứu giúp dân làng nên được người dân tỏ lòng biết ơn lập đền thờ tại kho lương thực cũ của triều đình và gọi bà với sự tôn kính là Bà Chúa Kho. Ngày nay, Bà Chúa Kho bỗng trở thành người ban phát tài lộc theo kiểu “vay trả” như một “chủ nhà băng”. Những người tới cửa Bà cầu khấn không còn là những nông dân như trước kia nữa, mà nay chủ yếu là những thương nhân, viên chức nhà nước. Như vậy là từ một hình thức tín ngưỡng nông nghiệp, Bà Chúa Kho đã trở thành một "vị thần" cứu cánh của giới kinh doanh, buôn bán, viên chức nhà nước...

Theo Thượng tọa Thích Tịnh Giác - Trụ trì chùa Phúc Sơn (Kim Sơn, Gia Lâm, Hà Nội), sự biến đổi này là do quá trình "thần thánh hóa" của tín ngưỡng dân gian và "niềm tin u mê" được trở thành "đức tin" trong đại bộ phận người dân. Thượng tọa Thích Tịnh Giác cũng thẳng thắn chỉ ra rằng, một trong những nguyên nhân dẫn đến sự sai lầm trong nhìn nhận về nơi thờ tự, coi đó là nơi "cầu được ước thấy" là do người trụ trì nơi đó chưa làm hết trách nhiệm của mình.

“Chùa miền Bắc nặng về chiêm bái mà chưa thiên về giảng pháp cho các phật tử và người dân. Cùng với giáo dục ngay từ nhà trường, các biện pháp quản lý của chính quyền thì bản thân nơi thờ tự phải đầu tư nhiều hơn cho giảng pháp. Hiện, chính quyền đang rất nỗ lực để chấn chỉnh, quản lý lễ hội; Giáo dục trong nhà trường thì cần có thời gian để tạo ra sự thay đổi cho thế hệ trẻ chứ không thể một sớm một chiều. Còn với nhà chùa, đó là nơi có thể thực hiện rất hiệu quả để thay đổi tư duy “thâm căn cố đế” của người dân hiện nay”, Trụ trì chùa Kim Sơn nói.

Nhận công đức, cúng dường thì cần nỗ lực hơn nữa

Thượng tọa Thích Tịnh Giác nhiệt thành thuyết giảng cho du khách về tục lệ thả cá chép hôm 23 tháng Chạp vừa qua. Ảnh: TL
Thượng tọa Thích Tịnh Giác nhiệt thành thuyết giảng cho du khách về tục lệ thả cá chép hôm 23 tháng Chạp vừa qua. Ảnh: TL

Thượng tọa Thích Tịnh Giác cho biết, bản thân thường xuyên giảng pháp cho người dân ở đây hiểu đúng ý nghĩa của việc đi lễ chùa, đến chùa cần hành lễ ra sao, lễ bái thế nào cho đúng. “Tại chùa Kim Sơn, không có việc người dân đốt vàng mã, cũng không cúng lễ mặn. Chính tôi là người trực tiếp giảng pháp cho người dân hiểu mỗi khi họ đến chùa. Cũng giống như việc 6-7 năm nay, tôi đều xuất hiện ở Hồ Tây vào ngày 23 tháng Chạp để nhặt nilon do người dân vứt xuống khi thả cá chép vậy. Từ chỗ nhặt mỏi tay thì năm nay, tôi được "nhàn" hơn. Nếu các trụ trì làm hết sức để thay đổi tư duy của người dân thì tôi nghĩ, chừng 5 năm nữa thôi, người Việt sẽ đi chùa với tâm thế khác. Văn minh và chuẩn mực hơn. Bởi trụ trì là người rất quan trọng để làm nên sự thay đổi tư duy này, vì họ được tiếp xúc thường xuyên với người dân, Phật tử và được người dân rất kính trọng nên việc tuyên truyền, giảng pháp của trụ trì sẽ rất được người dân tin tưởng và noi theo. Thế nhưng, các trụ trì chùa đã làm hết chức năng của mình chưa? Gặp họ có dễ không? Từ cái sai của người này truyền sang người khác thì cái đúng của người này cũng sẽ truyền sang người khác. Có như thế thì mới tạo được một thế hệ đi lễ chùa đúng nghi thức, đúng với tinh thần Phật giáo".

GS Ngô Đức Thịnh - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa Việt Nam chia sẻ: “Thật đáng tiếc là chúng ta đi lễ hàng tuần, hàng tháng, nhưng để hành lễ theo đúng quy chuẩn thì rất hiếm người hiểu rõ. Mỗi người tự hiểu, thậm chí tự "phóng tác" cho mình một nghi thức riêng. Chỉ riêng việc hành lễ cũng mỗi người một kiểu. Người đứng vái, người quỳ vái. Cách vái cũng muôn hình vạn trạng: Đặt tay trước ngực, đặt tay trên đầu, hay vái một vòng từ qua đầu đến chạm đất... Cách đây vài năm, tôi có kiến nghị với Bộ VH,TT&DL nên soạn thảo một bộ quy tắc ứng xử trong lễ hội, để người dân lấy đó làm tiêu chuẩn thực hiện. Thế nhưng không hiểu vì lý do gì mà đến nay vẫn chưa có, trong khi đại bộ phận dân số chúng ta đều đi lễ. Đó là điều hết sức nghịch lý. Thêm nữa, tại các ngôi chùa, đền, phủ, người ta có đặt hòm công đức, bàn tiếp nhận công đức, nhận "cúng dường" nhưng họ đã làm đúng phận sự với Phật tử, với người dân là hướng dẫn họ, khai sáng cho họ nhận thức đúng đắn khi hành lễ chưa, hay chỉ biết nhận mà thôi?”.

Theo GĐXH


cúng lễ

đi lễ

đi chùa

lễ bái


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.