Cuộc đời con là một cuộn phim, bao đổi thay mẹ vẫn là nhân vật chính: Mẹ ơi, con khóc nhè một lần được không?

Mẹ dặn không được khóc, nhưng kiên cường hơn thì mẹ có ở bên con cả đời không?

Đi xa để lại về gần, thời gian của chúng ta dài rộng, đủ sức ôm trọn nhân gian. Ấy nhưng năm tháng của mẹ ngày càng ngắn lại, chẳng thể theo con suốt miền ngang dọc; mẹ chỉ đủ sức ôm trọn con vào lòng thôi. Mẹ dặn không được khóc, nhưng kiên cường hơn thì mẹ có ở bên con cả đời không?

“Con ơi về ăn cơm, nay mẹ để phần cơm…”

“Con ơi tối nay về nhé, cơm mẹ phần rồi”

“Tối nay con có ăn cơm không?”

Tôi mở điện thoại định nhắn cho mẹ một cái tin “Tối nay con không về ăn cơm nhé”. Thực ra cũng không cần viết nhiều, kéo lên trên tin nhắn nào cũng như vậy cả, có khi không lệch một chữ. Chúng tôi của những năm tháng 25, 26 dần quên đi sự tồn tại của mẹ trong những giá trị tinh thần, đôi lời nhắn nhủ ít ỏi với mẹ chỉ là lời dặn “Con không ăn cơm, con đi chơi đây mẹ đừng chờ cửa, mẹ ơi cuối tuần này con không về”. Mẹ ở đâu trong thế giới của chúng tôi, khi tuổi ấu thơ đã xếp gọn gàng trong ngăn kéo và cuộc sống đẩy đưa mọi người tới những miền thật xa, cả về khoảng cách thực và trong tâm hồn.

Giai điệu của “Lớn rồi còn khóc nhè” văng vẳng trong đầu; thước phim ngược dòng tuổi thơ ấu như chạm tới từng người xem một để chúng tôi thấy mình trong đó: Những ngày tháng vui ca bên bè bạn, từng buổi trốn học đi chơi bị mẹ quật có bữa xém "què giò", cả những đêm khuya thấy mẹ vẫn miệt mài bên bàn làm việc.

Cuộc đời thật ngộ, chúng ta ngu ngơ đi qua tuổi thơ hằn học với những lời mẹ dặn, để rồi lớn lên ngậm ngùi, sụt sùi trong ký ức. Tôi từng nghĩ rằng mẹ bắt đi ngủ trưa là một hình phạt, giờ lớn lên mới thấy có được giấc ngủ trưa nó đáng quý như nào; tôi vùng vằng mỗi khi mẹ dặn dò phải về sớm nhé con, giờ chính tôi lại thấy bồn chồn khi đứa em, và mai sau là con mình, đi chơi về trễ.

Mẹ dặn không được khóc, không phải vì mẹ coi khóc là yếu đuối, mẹ biết giữa cuộc đời đầy đủ tất cả chỉ thiếu tình thương, sẽ chẳng ai thực sự hiểu con, ôm con vào lòng nếu một lần vỡ òa trong cảm xúc.

Cuộc đời con là một cuộn phim, bao đổi thay mẹ vẫn là nhân vật chính: Mẹ ơi, con khóc nhè một lần được không?-1

Thanh xuân mẹ là con, thanh xuân con là cả thế giới

Những năm 30 tuổi, mẹ có con và có bố, có ông bà và một vài cô bạn thân. Có lẽ vì thế niềm vui của mẹ là nhìn thấy con lớn khôn, chập chững từng bước rồi biết bi bô gọi mẹ. Thanh xuân của mẹ là con, là gia đình - những năm tháng không có Facebook, không có điện thoại, mẹ cũng chẳng biết du lịch là gì hay hưởng thụ cuộc sống là sao. Mẹ chỉ có con, sự “hưởng thụ” bình yên của đời mình.

Thanh xuân của mẹ là con, nhưng thanh xuân của con là cả thế giới. Con ước mơ được vẫy vùng, ngao du với cuộc đời mình. 18 tuổi, con chỉ muốn như chúng bạn trời Mỹ trời Âu, gào lên với mẹ: “Cho con ra ở riêng!”. Ngày nhìn con gói ghém đồ đạc, hân hoan chuẩn bị cho một chương mới cuộc đời, mẹ chẳng nói gì, cứ đứng ngẩn ngơ nơi hiên nhà. Mẹ biết rằng cuộc đời con rộng dài, đủ sức ôm trọn cả nhân gian; còn mẹ sẽ già, sẽ đứng nơi hiên nhà đằng đẵng qua bao mùa mưa nắng. Mẹ chẳng thể ôm nổi nhiều điều, chỉ có sức ôm trọn con vào lòng, ôm cả thời thanh xuân của mẹ.

Hồi cô bạn hàng xóm tôi đi du học, tối nào mẹ nó cũng qua hỏi tôi cách dùng Facetime, bảo rằng để gọi cho con Hà xem học hành, ăn ở ra sao. Rồi cô ngồi luôn nhà tôi, sợ lỡ đang gọi mà chập chờn không biết nhờ ai; có khi không gọi được, tôi nói rằng “chắc lệch múi giờ thôi cô, Hà nó khéo đang đi ngủ”. Nhưng có những hôm, con bé vội vàng nói: “Mẹ ơi con bận lắm, mẹ gọi lại sau nhé”, để lại cô ngồi đó ngẩn ngơ với chiếc điện thoại vô hồn.

Cô chẳng biết nước ngoài nước trong ở đâu, điện thoại hay máy tính là gì, cuộc đời cô là những ngày buôn thúng bán bưng, “chỉ mong đời con Hà không vất vả như mẹ”. Mẹ tôi thỉnh thoảng vẫn hay đùa: “Sướng nhất chị nhé, con gái giỏi giang rồi mai sau nở mày nở mặt”. Mẹ Hà nín thinh, cười nhàn nhạt: “Tôi chỉ mong nó về thôi chị ạ”.

Mẹ chẳng tiếc thanh xuân cuộc đời dành cho con, chỉ mong rằng thanh xuân của con đừng quên mẹ. Ước mơ con là vòng quanh thế giới, còn ước mơ của mẹ là thấy con về.

Mẹ ở đâu trong cuộc đời con?

Tôi vẫn tưởng tượng ra mẹ hỏi mình câu đó, rằng “mẹ ở đâu trong cuộc đời con?”. Mẹ không nằm trong những chuyến du lịch của con, vì khi đủ lớn con đã biết gạt những chuyến đi gia đình sang một bên, mải miết theo chúng bạn khám phá cuộc sống. Mẹ không phải là nơi để con tìm đến khi buồn; rồi con có người yêu, có những đứa bạn “thân hơn anh em ruột” - mẹ nào biết con buồn vì điều gì, nỗi buồn của thế hệ mẹ chẳng sánh gì so với chúng con. Mẹ cũng bị con bỏ quen trong kế hoạch cuộc đời mình, một kế hoạch chỉn chu rằng sau này con tốt nghiệp sẽ làm cho một công ty lớn, mua một căn nhà giữa thành phố, cưới vợ sinh con rồi đi đây đi đó.

Mẹ ở đâu trong cuộc đời các con vậy?

Có lẽ là trong ký ức và tuổi thơ.

Mỉa mai thay, khi nào buồn chúng ta mới bấu víu vào gia đình: “Chẳng có ai thương con bằng mẹ, không ai chấp nhận con vô điều kiện như gia đình”. Để rồi khi con vui, cuộc đời con đầy những niềm hạnh phúc, con lại bỏ quên những người yêu con vô điều kiện ở một góc nào đó. Lũ chúng con yếu đuối và hèn nhát, không dám nhận rằng mình đã quên mẹ, đổ vấy sự vô tâm bằng “con bận lắm”, “mẹ ơi con đi công tác” hay “cuối năm con không có thời gian đâu”. Bạn bè nói con tin, những người xa lạ vỗ về con thấy ấm áp nhưng những lời mẹ nói đều thành “mẹ chẳng biết gì hết”.

Mẹ “chẳng biết gì hết”, chỉ biết cuộc đời mẹ có mình con thôi. Mẹ vẫn ở đó trong cuộc đời con, lặng lẽ và âm thầm. Miên man giữa cuộc đời nhiều lắm bon chen, đôi khi con thấy nhớ mẹ; thành phố có tất cả quán ăn quê mình, có vô vàn thứ nhắc con về tuổi thơ, cả những đám bạn bắt nạt con, trêu ghẹo như hồi còn nhỏ và cả những bữa đói chưa tới tháng lương ăn mì tôm trừ bữa, như ngày nhà mình còn túng thiếu. Tất cả đều có ở đó, chỉ không có mẹ thôi.

Thời gian như cánh hạc bay

Tôi có cậu bạn tên Khương, mỗi lần say Khương đều khóc; nó khóc thút thít như một đứa trẻ, còn tôi chỉ nghe hắn thều thào.

Năm ấy tao bỏ học, vì nghiện điện tử như mấy đứa trong xóm. Mẹ tao chẳng nói chẳng rằng, bà vẫn để cho tao nghỉ học cả tuần. Hôm nào tao ngồi lì trong phòng chơi điện tử, cơm bà vẫn để vào phòng nếu tao không xuống, quần áo giặt sạch sẽ. Mà mày biết không, bà càng chiều, tao càng chẳng sợ gì, rồi tao quen thói đi chơi tới khuya, 2,3 giờ sáng.

Rồi một buổi tối, tao đi chơi tới 3 giờ chưa về. Bố tao kể lại rằng mẹ đã đi tìm tao lúc nửa đêm, bà đi khắp phố, nhưng rồi bà không trở về nữa. Một chiếc xe đêm chạy ẩu đã đâm bà.

Mãi mãi mẹ tao không về nữa…”

Nó vừa kể vừa rưng rức. Rồi sau này nó cũng khác, nhưng mẹ nó mãi ở lại trong đêm đông ấy. Mỗi người chắc hẳn cũng từng được nghe vài câu chuyện như vậy - mất mát và những hối tiếc; nhưng vì sao vẫn cứ để những day dứt ấy đeo đuổi cuộc đời? Tôi có đọc bài báo về đám tang của mẹ Diễm My 9x và lời chia sẻ của Thiên Minh với cô bạn thân thiết khiến nhiều người ngậm ngùi.

"Sống đến gần 30 tuổi, thật sự mình thấy chưa bao giờ có lỗi với mẹ mình như thế. Chúng ta mình đã quá lo cho những thứ ngoài xã hội, về sự nghiệp, về tình cảm cá nhân mà đôi khi quên đi dành thời gian bên người thương yêu mình nhất trên đời này… Là mẹ".

Thời gian như cánh hạc bay, êm đềm trôi mà chúng ta không nhận ra, chớp mắt vài cái đã là 10 năm, 20 năm cuộc đời. Trớ trêu là thế, những bài học thường tới trễ, khi chúng ta nhận ra cuộc đời mình là tấm gương phản chiếu những điều mẹ dạy thì cũng là lúc thời gian đã chẳng còn là bao nhiêu; với nhiều người có lẽ đã hết khi chẳng còn cơ hội gặp mẹ.

Cuộc đời con là một cuộn phim, bao đổi thay mẹ vẫn là nhân vật chính: Mẹ ơi, con khóc nhè một lần được không?-2

Cuộc đời con là một cuộn phim, bao đổi thay mẹ vẫn là nhân vật chính

Những ngày thành phố đổ lửa, cô đồng nghiệp tíu tít khoe chuyện: “Mẹ em gửi trái cây lên nhiều quá trời, hôm nào mẹ cũng nhắn tin hỏi có nóng quá không mẹ gửi thêm đồ ăn cho đỡ vất vả”. Vẫn là mấy chùm trái cây y chang thành phố, nhưng ăn tới đâu cũng thấy ngọt mát lòng.

Tôi vẫn thấy tuổi thơ của mình tràn về giữa cuộc sống hiện đại, tuổi thơ có mẹ và những ngày khóc quấy, mè nheo. Nhớ ngày đầu tiên đi làm áp lực, tôi từng vào toilet ấm ức, mắt nhạt nhòa. Lúc ấy, tôi chẳng ham hố gì làm người lớn, làm người lớn chẳng dám khóc to, mà khóc đâu có ai thương, người ta chỉ nhìn mình như những đứa yếu đuối. Làm trẻ con có mẹ, muốn khóc mẹ sẽ vỗ về. Nếu can đảm, có lẽ tôi đã nhắn cho mẹ một cái tin.

“Mẹ ơi cho con về với mẹ, ở đây muốn khóc cũng không khóc được”.

Người trẻ đôi khi vô tâm trách mình quên mất mẹ trong cuộc đời; lạc quan tôi nghĩ, chúng ta chẳng bao giờ quên được mẹ, ở một nơi nào đó trong tâm trí, mẹ vẫn luôn hiện hữu: trong tấm gương khi tôi lau nước mắt nghèn nghẹn, trong một bữa đậm chất quê giữa lòng thị thành. Tôi thấy mẹ trong bóng dáng cô hàng xóm hay đèo thằng con đi học mỗi buổi sáng; và nhiều nhất là trong giấc mơ mỗi đêm về: bên góc cửa sổ trưa hè đầy nắng, tôi ê a bài đọc vỡ lòng, mẹ bắc bếp nấu nồi nước bồ kết, mùi thơm ấp đượm cả tuổi thơ.

Nếu ví cuộc đời như một cuốn phim tua chậm, bao đổi thay mẹ vẫn là nhân vật chính.

Theo Helino


người mẹ

cuộc đời


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.