Đỗ Duy Mạnh: Chuyện cậu bé nhặt bóng 10 năm trước và người hùng sau vô địch AFF Cup 2018

Khi nhắc tới Đỗ Duy Mạnh - trung vệ 22 tuổi của đội tuyển Quốc gia, chúng ta biết gì? Cậu đam mê bóng đá...

Khi nhắc tới Đỗ Duy Mạnh - trung vệ 22 tuổi của đội tuyển Quốc gia, chúng ta biết gì? Cậu đam mê bóng đá, khuôn mặt thư sinh, chuyện tình cảm đáng ngưỡng mộ. Nhưng nếu chỉ có thế, chuyện về Duy Mạnh sẽ "bình thường" như bao câu chuyện khác.

Chúng tôi hẹn gặp Duy Mạnh - trung vệ 22 tuổi, người thôn Giao Tác (xã Liên Hà, huyện Đông Anh, Hà Nội) vào ngày nghỉ hiếm hoi của cậu trước khi lên đường cùng đồng đội cho giải Asian Cup 2019 sắp tới.  Những ngày sau giấc mơ cúp vàng, người Đông Anh vốn tự hào về Duy Mạnh, nay càng thêm hân hoan.  

Bóng đá có thứ "ma lực bí ẩn" đủ để gắn kết tất cả chúng ta. Ngày Duy Mạnh về quê sau nhiều tháng thi đấu, dân làng như mở hội, vui như Tết! Cả thôn kéo nhau ra sân vận động chứng kiến cuộc tranh giải "gay cấn" giữa bộ 3 "hàng rào thép" Đỗ Duy Mạnh - Trần Đình Trọng - Bùi Tiến Dũng của đội tuyển Quốc gia và đám trẻ con trong làng.

Ai cũng hô hào: Việt Nam Vô Địch. Duy Mạnh. Đình Trọng. Tiến Dũng.


Đỗ Duy Mạnh: Chuyện cậu bé nhặt bóng 10 năm trước và người hùng sau vô địch AFF Cup 2018-1

Duy Mạnh về nhà, vui đùa với lũ nhỏ cùng "2 ông bạn thân" Đình Trọng và Tiến Dũng.

Đỗ Duy Mạnh là ai giữa cơ man những tên tuổi cầu thủ đang lên?

Thú thực, trước U23 Châu Á, phần nhiều chúng ta không hề biết tới chàng trung vệ 22 tuổi dưới trướng CLB Hà Nội. Chính Duy Mạnh cũng tự nhận, có những người hâm mộ đã theo cậu từ rất sớm, thời điểm Mạnh 10 tuổi và bắt đầu xa nhà cho con đường tự lập. Cậu thi đấu ở những giải nhi đồng, thiếu niên, thanh niên rồi U19, U21. Có thể có những người theo dõi muộn hơn, mới đây qua đội tuyển, nhưng cũng không để ý nhiều tới tài năng và sự nỗ lực của Mạnh.

Trong mắt người hâm mộ, Duy Mạnh là chàng hot boy sinh năm 1996, sở hữu chiều cao 1m80 đúng chuẩn "soái ca". Họ quan tâm tới vẻ ngoài thư sinh của Mạnh cùng mối tình đáng ngưỡng mộ với "công chúa béo". Đúng, Mạnh là một kẻ "đào hoa" đúng nghĩa, bởi ngay sau các giải lớn, lượng fan nữ của cậu tăng lên... kinh khủng. Nhưng ít ai biết, đằng sau một Đỗ Duy Mạnh 22 tuổi năng nổ, nhiệt huyết, thậm chí "gắt", là những câu chuyện nhiều tâm sự có thể không phải lần đầu mới kể, nhưng chắc chắn mỗi khi nghe lại, chúng ta đều phải suy ngẫm.

Đỗ Duy Mạnh: Chuyện cậu bé nhặt bóng 10 năm trước và người hùng sau vô địch AFF Cup 2018-2

Đỗ Duy Mạnh - trung vệ 22 tuổi và những câu chuyện đằng sau sự nỗ lực.


Sau vấp ngã có những niềm vui đủ để bù đắp

Cũng như 0, Định Trọng, Bùi Tiến Dũng, hay bất kể tuyển thủ nào, đam mê bóng đá của Duy Mạnh xuất phát từ khi cậu còn bé. Là năm lớp 2, lớp 3 ôm khư khư trái bóng, cho đến cột mốc 10 tuổi, Mạnh "bỏ nhà ra đi" cho một thứ tạm gọi là "sự nghiệp", dù hơi hào nhoáng.

"Mình xin bố mẹ và họ hoàn toàn đồng ý. Mình bắt đầu bước vào hành trình của chính mình từ thời điểm đó" - Mạnh nhớ lại.

Bố mẹ lo lắng vì con còn bé, suy nghĩ chưa chín chắn. Thứ duy nhất Mạnh có khi ấy, chỉ là niềm đam mê trái bóng, phải nói là hăng say tột độ. Xa gia đình, bắt đầu cuộc sống tự lập, Mạnh cố gắng nhiều. Sau tập trung khoảng 2-3 ngày, cậu gọi điện về nhà đòi về. Mạnh kể, ngày Tết thiếu nhi, nhìn các bạn đồng trang lứa được bố mẹ đưa đi chơi mà ứa nước mắt. Sự thiếu thốn tình cảm mà đời cầu thủ phải "gánh" trên vai xuất phát từ những điều nhỏ nhặt như thế. Kết thúc mỗi giải đấu, được trở về nhà bên vòng tay bố mẹ, người thân, với Mạnh, đó là những ngày quá đỗi tuyệt vời.
 

Đỗ Duy Mạnh: Chuyện cậu bé nhặt bóng 10 năm trước và người hùng sau vô địch AFF Cup 2018-3

Trở về nhà, Mạnh mãi là đứa con bé nhỏ của bố mẹ.

Duy Mạnh lần đầu tiên được tập trung cấp tuyển Quốc gia vào năm 2011, trong danh sách tuyển U16. Cậu tiếp tục được gọi tên vào tuyển U19 năm 2013 tham dự giải bóng đá vô địch U19 Đông Nam Á. Đầu năm 2016, Mạnh chính thức có tên trong danh sách đội hình tham dự giải vô địch bóng đá U23 Châu Á diễn ra ở Qatar.

"Năm 2016, Mạnh 20 tuổi, cho một giải đấu ở Qatar. Em nó chạy và gặp chấn thương, trật xương đầu gối, buộc phải ngồi trên ghế dự bị gần 8 tháng. Cô thực sự buồn!" - cô Lan, mẹ Duy Mạnh, chia sẻ. "Trước mặt cô vẫn nói: Thôi con ạ, tuổi trẻ còn dài, con phải cố gắng nhiều hơn nữa", nhưng thực sự trong lòng không cầm được nước mắt, vì thương con quá".

Mẹ Lan bảo, Mạnh không như người khác, không kiểu "buồn nay thì mai hết", cậu buồn kiểu... trầm cảm. Bao giờ cũng nén lòng, nói chuyện với mẹ bằng một tâm thế như không có vấn đề gì. Nhưng là mẹ, là bạn của con, cô Lan hiểu những đớn đau mà con mình đang phải đối mặt. Cô nhắn: "Con chấn thương thế, con về nhà với mẹ đi!". Nhưng Mạnh vẫn ở lại Qatar tập luyện và đợi chờ hy vọng mới.

Năm 2016 với Duy Mạnh chỉ có nỗi buồn. Cậu chỉ đá chính 3 trận tại V.League, mất suất ở đội tuyển, mất luôn cả tấm vé tới AFF Cup. Bất ngờ gặp chấn thương, Mạnh chuyển từ sân cỏ lên giường bệnh. Ngày qua ngày, cậu chỉ ở suốt trong phòng, không thể ra ngoài, phải đứng lên bằng nạng.

Tại sao giữa lúc phong độ nhất của sự nghiệp, Mạnh lại đen đủi như thế?
 

Đỗ Duy Mạnh: Chuyện cậu bé nhặt bóng 10 năm trước và người hùng sau vô địch AFF Cup 2018-4

Mẹ Lan từng lo lắng rất nhiều cho con trai trước những vấp ngã, khó khăn mà Mạnh gặp phải.

Mạnh tự giam mình trong phòng, một mình đối mặt với điều có lẽ là kinh khủng nhất trong đời cầu thủ. Chấn thương khiến Mạnh nghỉ gần 1 năm. Cậu bảo đó mới là "trận cầu" khó khăn nhất của mình kể từ ngày bước lên chuyên nghiệp.

Mạnh nói, "Sự nỗ lực của mình đã được ghi nhận qua rất nhiều giải đấu, có giải đấu thành công, nhưng cũng có giải đấu thất bại. Đó là chuyện bóng đá, có thắng có thua, có những lúc mình đứng trên đỉnh cao, có những lúc mình rơi xuống vực thẳm.

Đối với bản thân, chưa bao giờ mình suy nghĩ, thành công đến hôm nay rồi sẽ dừng lại. Mình luôn luôn cầu tiến, phải cố gắng thật nhiều, mang nhiều thành công cho đội tuyển hơn nữa".

Sau những vấp ngã, Mạnh học cách trưởng thành. Nhờ lối đá chắc chắn và những pha cắt bóng hoàn hảo, cậu trở thành nền tảng, điểm tựa vững vàng nơi hàng thủ của U23 Việt Nam. AFF Cup 2018 chứng kiến lối chơi đỉnh cao của Duy Mạnh cùng đồng đội. Một trong những lý do tạo nên bức tường thành "thép" trước cầu gôn của chúng ta đến từ sự kết hợp của những cái tên: Duy Mạnh, Đoàn Văn Hậu, Đình Trọng, Ngọc Hải và sự càn quét khu trung lộ của những cỗ máy như Đức Huy, Hùng Dũng, Huy Hùng.


Đỗ Duy Mạnh: Chuyện cậu bé nhặt bóng 10 năm trước và người hùng sau vô địch AFF Cup 2018-5

Bóng đá, với Mạnh là niềm đam mê bất tận từ bé.


Đỗ Duy Mạnh: Chuyện cậu bé nhặt bóng 10 năm trước và người hùng sau vô địch AFF Cup 2018-6

Lối chơi đỉnh cao của Mạnh được phát huy rõ rệt tại AFF Cup 2018.

Chưa bao giờ Việt Nam có được phong độ và thành tích tốt như giải đấu này. Một giải đấu mà các cầu thủ Việt Nam không hề biết đến thất bại, chưa hề bị dẫn trước và luôn bị các đội bóng khác tìm cách... tránh mặt. Trận chiến cuối cùng tối 15/12 khép lại với thành công của những "siêu anh hùng" bằng cái kết quá ngọt ngào. Cúp vô địch được đặt sẵn tại SVĐ Mỹ Đình, như một cái duyên với thầy trò HLV Park Hang-seo.

Họ dương cao cúp một cách đầy kiêu hãnh, chung giấc mơ suốt 10 năm qua.

Mạnh không ghi bàn thắng nào trong giải này, nhưng nếu không có chàng trung vệ 22 tuổi, chúng ta có thể đã phải chứng kiến nhiều pha nguy hiểm. Đúng là đằng sau những vấp ngã, khó khăn trong quá khứ, là những niềm vui đủ để bù đắp cho Duy Mạnh của hiện tại và cả trên con đường sắp tới.
 

Đỗ Duy Mạnh: Chuyện cậu bé nhặt bóng 10 năm trước và người hùng sau vô địch AFF Cup 2018-7

Chiến thắng kỳ tích của Duy Mạnh và đồng đội đêm 15/12. Họ chính thức bước lên ngôi vương đầy kiêu hãnh.


Không ai đánh thuế những giấc mơ

Đêm 15/12/2018, toàn non sông đất nước được sống lại khoảnh khắc hào hùng của 10 năm trước.

Ngày 28/12/2018, sân Mỹ Đình. Bàn thắng của Lê Công Vinh ở phút 90+4 đã giúp đội tuyển Việt Nam lần đầu tiên lên ngôi vô địch Đông Nam Á. Vinh cởi áo, chạy dọc các khán đài, nước mắt hòa lẫn niềm vui. Trong dòng người chạy sau Công Vinh tại Mỹ Đình đêm ấy, có 2 "nhân vật" đặc biệt.

Một là Đức Huy, 13 tuổi. Hai là Duy Mạnh, 12 tuổi - những đứa trẻ nhặt bóng.
 

Đỗ Duy Mạnh: Chuyện cậu bé nhặt bóng 10 năm trước và người hùng sau vô địch AFF Cup 2018-8

Duy Mạnh 10 năm trước là đứa trẻ nhặt bóng, bây giờ bỗng hoá siêu anh hùng.

Đức Huy và Duy Mạnh đã chứng kiến giây phút huy hoàng của dân tộc, khi mà những đàn anh của mình hạ gục Thái Lan ở phút cuối trận Chung kết AFF Cup 2008. "Hai đứa trẻ" lẽo đẽo chạy theo các anh để ăn mừng ké, để xin áo và xin những đôi giày các anh đang đi. Niềm ước mơ cháy bỏng đêm hôm đấy, chỉ là một lần được khoác lên mình chiếc áo cờ đỏ sao vàng và bước ra hiên ngang từ đường hầm SVĐ Mỹ Đình. Không dám mơ đến cúp vàng, chỉ mong được chơi trên sân.

Ấy thế mà 10 năm sau, chung kết AFF Cup 2018 để lại quá nhiều xúc cảm trong lòng Duy Mạnh và Đức Huy. Họ đã thành công, trên cương vị của những người trực tiếp chơi bóng trên sân. Họ là nhà vô địch ở giải đấu mà 10 năm trước chỉ là những cậu bé nhặt bóng. Hãy ước mơ đi, vì không ai đánh thuế những giấc mơ.

"Năm 2008, mình là một cậu bé nhặt bóng. Bàn thắng của anh Vinh mang lại niềm tự hào cho hàng triệu người hâm mộ Việt Nam, trong đó có mình. Có thể lúc đó mình chỉ là cậu bé, nhưng khát khao và ước mơ một ngày nào đó được thi đấu và cống hiến cho đội tuyển, thì ngày hôm nay đây, chính bọn mình đã làm được điều đấy" - Duy Mạnh nhớ lại.
 

Đỗ Duy Mạnh: Chuyện cậu bé nhặt bóng 10 năm trước và người hùng sau vô địch AFF Cup 2018-9

Mạnh cùng Huy, cùng đồng đội hiện thực hoá giấc mơ của ngày bé.

Giây phút hoà vào 90 triệu người hâm mộ khắp cả nước, cô Lan vui mừng đến độ "lâng lâng", không có gì tả nổi. Cùng con trai nhận cúp vàng vô địch, cô bật khóc, vì sướng quá mà.

"Thực sự là một người mẹ, lúc con thi đấu trên sân cô rất chi là hãnh diện, tự hào, phấn khởi, kiểu như con được vào trong sân vì màu cờ sắc áo. Mỗi khi con bị chấn thương, cô rất xót xa. Chỉ cần một phút sau đó, cô nghĩ lại, tự hào về con mình, vì Mạnh ngã xong biết tự trấn tĩnh rồi lại vùng lên kiên cường.

Lúc con xa nhà từ năm 10 tuổi, biết là cái nghề cầu thủ bấp bênh, nhưng vì đam mê của con nên gia đình tôn trọng. Ai cũng thế thôi, có đam mê mới vươn lên được".

Trước giờ, Duy Mạnh thi đấu vì điều gì?

Chắc chắn là đam mê.

"Nếu nói về suy nghĩ và mục tiêu từ bé đến bây giờ đều không khác gì. Mình từ bé đã mơ ước được đá bóng, được như các đàn anh, được thi đấu và cống hiến cho đội tuyển Việt Nam. Ngày hôm nay, giấc mơ của mình đã thành hiện thực. Mình đã phải có gắng suốt nhiều năm qua để tập luyện và nỗ lực".


Đỗ Duy Mạnh: Chuyện cậu bé nhặt bóng 10 năm trước và người hùng sau vô địch AFF Cup 2018-10

Mạnh đã phải cố gắng rất nhiều, cho chiến thắng ngày hôm nay.


Duy Mạnh, hay lá cờ đỏ giữa trời tuyết Thường Châu

Thường Châu, U23 Châu Á, vẫn mãi là kỷ niệm đẹp trong lòng tất cả người hâm mộ Việt Nam. Chưa bao giờ chúng ta chứng kiến một tinh thần thi đấu quật cường của những chàng trai áo đỏ đến độ quả cảm như thế. Tuyết trắng Thường Châu khi ấy, làm nền cho một "lá cờ" đỏ rực giữa  đất trời. Hình ảnh Duy Mạnh cúi mình trước lá cờ Tổ quốc trong đêm 27/1/2018 đã trở thành một biểu tượng.

Duy Mạnh là cái tên được chú ý ở Thường Châu. Phần vì Mạnh "gắt", phần vì Mạnh tình. Chúng ta sẽ không thể nào quên được hình ảnh Duy Mạnh cắm lá cờ đỏ sao vàng trên tuyết trắng và kính cẩn cúi đầu trước Tổ quốc, trước người hâm mộ. Ít ai biết, thời điểm đó, Mạnh vẫn đang khóc vì tiếc nuối.

"Cảm xúc lúc đó của mình vui buồn lẫn lộn. Mình đi cuối đoàn và cắm lá cờ ở Thường Châu. Cá nhân mình bây giờ nhìn lại hình ảnh đó rất tự hào, vì mình đã làm được một việc ý nghĩa với đất nước. Đó là tình yêu thương, sự kính trọng mình dành cho lá cờ Tổ quốc và tất cả người hâm mộ".
 

Đỗ Duy Mạnh: Chuyện cậu bé nhặt bóng 10 năm trước và người hùng sau vô địch AFF Cup 2018-11

Mạnh cùng bộ sưu tập huy chương, bằng khen ở quê nhà Đông Anh.

Thầy Park nói, "Các bạn thật tuyệt vời và không có gì phải buồn, các bạn phải ngẩng cao đầu lên". Mạnh chỉ xin cúi đầu trước Tổ quốc, tuyệt không nghiêng mình trước bất kì đối thủ nào. Sau, cậu cùng đồng đội giơ tay vẫy chào người hâm mộ đã cùng đồng hành suốt chặng đường gian khó ở Thường Châu.

Dù thất bại ở những phút cuối, nhưng không sao, Mạnh biết, đội tuyển biết, các bạn đã là người chiến thắng trong lòng chúng tôi.

Cuộc đời cầu thủ nói chung và hành trình được lên tuyển, được ăn cơm tuyển của Duy Mạnh nói riêng, đương nhiên có rất nhiều khó khăn. Những lúc chấn thương, buồn khổ và có những giải thi đấu không thành công. Đó là những thử thách đầu đời Mạnh buộc phải mạnh mẽ vượt qua.

Đối với Duy Mạnh, cậu có một khát khao và ý thức rằng, luôn luôn phải trau đồi, cố gắng hơn nữa để có thể thi đấu thật tốt, chiến thắng và đem lại niềm vui cho người hâm mộ.
 

Đỗ Duy Mạnh: Chuyện cậu bé nhặt bóng 10 năm trước và người hùng sau vô địch AFF Cup 2018-12

Tấm huy chương vàng AFF Cup 2018 quý giá.

Đỗ Duy Mạnh: Chuyện cậu bé nhặt bóng 10 năm trước và người hùng sau vô địch AFF Cup 2018-13

Một góc trời đỏ rực bên trong nhà Duy Mạnh.


Cuộc đời cầu thủ, giữ được mình hay không là một thách thức lớn

Hào quang và sự nổi tiếng đến với giới cầu thủ rất nhanh nhưng cũng có thể vụt tắt chỉ sau một trận đấu với một sai lầm đáng tiếc. Thắng thì được tung hô, khi thua cuộc sẽ bị chỉ trích. Điều này rất thực tế và với bất kì cầu thủ nào, họ cũng đều suy nghĩ rất nhiều. Đặc biệt chơi ở vị trí trung vệ của Duy Mạnh rất dễ để xảy ra sai lầm và bị người hâm mộ quay lưng.

"Với mình, nếu được mọi người ghi nhớ trong lòng thì sẽ là điều rất vui, còn nếu bị mọi người quên đi thì đó sẽ là nỗi buồn của bọn mình. Bọn mình sẽ phải luôn luôn cố gắng để mọi người nhớ tới hình ảnh bóng đá Việt Nam nói chung và cá nhân mình nói riêng".

Duy Mạnh biết, chúng ta cũng biết, cuộc đời cầu thủ chưa bao giờ là dài và thời gian thi đấu chuyên nghiệp cũng thế. Biết giữ mình giữa bao cám dỗ, hẳn là một khó khăn và thách thức. Mạnh vẫn luôn khẳng định cho mọi nỗ lực của bản thân, để giữ mình tốt nhất, hoàn thiện mình tốt nhất.
 

Đỗ Duy Mạnh: Chuyện cậu bé nhặt bóng 10 năm trước và người hùng sau vô địch AFF Cup 2018-14

Mạnh tin, bên mình luôn có trái bóng là động lực lớn nhất.

"Mình tin rằng nếu cứ cố gắng, nỗ lực từng ngày, làm việc chăm chỉ, trên sân thi hết mình thì cầu thủ nào cũng sẽ giành được niềm tin và có vị trí nhất định trong lòng người hâm mộ. Nếu không đi đá bóng nữa, có lẽ mình sẽ làm huấn luyện viên hoặc kinh doanh một mặt hàng gì đó".

Trong suy nghĩ của người làm mẹ, cô Lan cũng đầy trăn trở về tương lai con trai. Mẹ Lan luôn dặn Mạnh, "Con đi thi đấu, phải hết mình. Con phải đặt niềm tin lên đầu, đừng mất niềm tin cho một ai. Bóng đá giúp con trưởng thành hơn, đúng là đi một ngày đàng học một sàng khôn".

Thời gian trôi, con người cũng sẽ phải lớn lên và già đi. Duy Mạnh trong suy nghĩ và tính cách, đương nhiên già dặn hơn nhiều so với cậu thiếu niên năm lên 10. Hiện tại, Mạnh có những thành công nhất định, nhưng cậu không xem đấy là tất cả và tự mãn về nó. Trong tương lai, chàng cầu thủ 22 tuổi còn phải phấn đấu và nỗ lực nhiều hơn nữa, cho những chiếc cúp vàng khác.

"Khó khăn là tất yếu của cuộc sống và tất cả chúng ta đều phải vượt qua. Từ bỏ bóng đá có lẽ là điều chưa bao giờ mình nghĩ tới, vì niềm say mê bóng đá đã nhen nhóm từ nhỏ và bùng cháy đến tận bây giờ. Chắc có lẽ sẽ không bao giờ vụt tắt trong mình".

Đỗ Duy Mạnh: Chuyện cậu bé nhặt bóng 10 năm trước và người hùng sau vô địch AFF Cup 2018-15

Mạnh "gắt" và tình bạn của bộ ba trung vệ ăn ý

Dưới thời cầm quyền của thầy Park, đội tuyển U23, Olympic hay đội tuyển Quốc gia thường sử dụng sơ đồ 3-4-3 trong đó bộ ba trung vệ đá chính là Duy Mạnh, Đình Trọng, Tiến Dũng. Tại ASIAD 2018, màn trình diễn của họ vẫn rất ấn tượng (dù không còn được xuất chúng như tại vòng chung kết U23 châu Á) mà điển hình chính là thành tích 5 trận liền không để lọt lưới. Ông Park Hang Seo xoay tua đội hình của nhiều trận nhưng bộ khung phòng ngự này luôn được giữ nguyên.

Với một cầu thủ phòng ngự, bảo vệ khung thành vẫn là nhiệm vụ hàng đầu. Bộ ba "sắt thép" này không chỉ ăn ý trên sân cỏ, mà còn cực thân tình ngoài đời thực. Với những trận đấu gặp khó khăn, căng thẳng, 3 anh em cùng nhìn nhau, gào trước mặt nhau để thể hiện sự quyết tâm và bản lĩnh.
 

Đỗ Duy Mạnh: Chuyện cậu bé nhặt bóng 10 năm trước và người hùng sau vô địch AFF Cup 2018-16

Bộ 3 bạn thân trong đội tuyển Việt Nam.

Trong đội hình U23 Việt Nam, "chuyện tình" giữa Duy Mạnh, Đình Trọng và Tiến Dũng được người hâm mộ kịch liệt gán ghép. Tiến Dũng và Đình Trọng được các fan nữ mến mộ và thường xuyên ghép ảnh đôi. Duy Mạnh cũng trở thành nhân vật chính trong mối quan hệ tay ba này. Những lời trêu chọc hay ghép ảnh của người hâm mộ khá dễ thương và Duy Mạnh vui vẻ với những hình ảnh này. Điều đó góp phần làm nên sự gắn kết giữa các cầu thủ.

Trong buổi chiều 19/12, Duy Mạnh đúng kiểu người bận bịu. Một bên, cậu phải tiếp đón hàng chục bé mầm non lon ton kéo tới xin chụp ảnh với "chú Duy Mạnh". Dù chỉ biết "chú Duy Mạnh" là cầu thủ bóng đá, không phải cháu nào cũng biết những thành tích hay chiến công của tuyển Việt Nam, nhưng tình cảm của lũ nhỏ khiến chàng trung vệ 22 tuổi cảm động.

Mặt khác, Mạnh hoan hỉ đón tiếp 2 "ông bạn thân" Đình Trọng và Tiến Dũng đến chơi nhà. Sự góp mặt của bộ 3 khiến cả thôn Giao Tác vỡ oà trong niềm vui, sự hân hoan. Phải nói là, mùa xuân đến sớm trên quê nhà Duy Mạnh.
 

Đỗ Duy Mạnh: Chuyện cậu bé nhặt bóng 10 năm trước và người hùng sau vô địch AFF Cup 2018-17

Duy Mạnh vui cười bên các em nhỏ.

Có thể chúng ta chỉ mới biết đến cái tên Duy Mạnh qua giải U23 Châu Á tại Thường Châu, Trung Quốc, nhưng lũ trẻ tại Giao Tác vốn xem Mạnh là đàn anh từ lâu. Mạnh là niềm cảm hứng, là tấm gương, khi mà tất cả đều đồng thanh trả lời, muốn trở thành một cầu thủ chuyên nghiệp như anh.

Đỗ Duy Mạnh: Chuyện cậu bé nhặt bóng 10 năm trước và người hùng sau vô địch AFF Cup 2018-18

Cả thôn xóm rộn ràng đón tiếp những người hùng.

Đình Trọng tự đánh giá mình trong và ngoài sân cỏ là 2 người khác nhau. Duy Mạnh cũng tự nhận là thế. Mạnh "gắt" trên sân có thể rất máu lửa và quyết liệt. "Vì mình muốn giành chiến thắng trước mọi đối thủ và thi đấu hết khả năng. Chứ không phải là một Duy Mạnh ra sân hời hợt, thiếu tập trung, đấy không phải con người mình".

Còn ngoài đời, Mạnh trước mặt chúng tôi là một chàng trai yêu trẻ con, vui vẻ, hoà đồng và biết cách đối nhân xử thế. Mạnh còn rất trẻ, chỉ mới 22, nhưng nhìn cách cậu đón tiếp và hết lòng với người hâm mộ, quả thực Mạnh chỉ "gắt" trên sân cỏ thôi. Về nhà, vẫn sẽ là cậu con trai bé bỏng sà vào lòng mẹ Lan như một chú "ỉn" con.

Trong trận Asian Cup 2019 sắp tới, chúng ta sẽ thiếu chân sút "săn Tây" Trần Đình Trọng. Bộ 3 tình cảm Mạnh - Trọng - Dũng vắng bóng một thành viên, đấy là một điều đáng tiếc.

"Không chỉ riêng mình mà ban huấn luyện và các cầu thủ đều tiếc nuối vì Trọng. Với mình, có những thứ chỉ có thể chia sẻ được với Trọng. Mình mong Trọng hãy yên tâm, chỉ mong cậu mau chóng bình phục và trở lại cùng đồng đội".

Trong toàn đội, kỷ niệm với nhau có quá nhiều. Nhưng thực sự mỗi giải đấu trôi qua, anh em lại hiểu rõ hơn về nhau, biết nhau nhiều hơn. "Là thứ tình cảm rất đáng trân trọng khi chúng ta cùng đang thi đấu, để sau này khi về già, có thể kể lại cho mọi người biết, trước đây chúng ta đã có những kỷ niệm thật là đẹp".

Những giải đấu sắp tới, cả Mạnh và đội tuyển sẽ phải làm lại từ đầu và nổ lực hơn nữa. Sau tất cả, thành công vừa qua là món quà quý giá Mạnh muốn gửi tặng tới gia đình và người hâm mộ nước nhà. Bóng đá với cậu vẫn luôn là niềm đam mê cháy bỏng, của quá khứ, hiện tại và mãi mãi về sau.

Trong mắt mẹ Lan, Mạnh 22 tuổi vẫn là đứa con còn nhỏ dại và non nớt. "Cô là người mẹ sinh ra con nhưng con lại không ở gần mẹ nhiều bằng các thầy HLV. Cô muốn gửi lời cảm ơn chân thành nhất tới các thầy, đặc biệt là thầy Park". Có một điều không phải ai cũng thấm thía, rằng bóng đá là cả "sự nghiệp" bấp bênh, nhưng trong lòng người hâm mộ, nhất là những người chân quê, một khi đã dành tình thương cho ai đó, họ sẽ không bao giờ quay lưng.

Trong suốt câu chuyện, Mạnh chỉ khẳng định thành công của cậu hiện tại vẫn mới là khởi đầu, chưa có gì chắc chắn. Mạnh phải tiến bộ, phải học hỏi các đàn anh.

Khi nhắc tới Đỗ Duy Mạnh, chúng ta biết gì?

Cậu đam mê bóng đá, khuôn mặt thư sinh, chuyện tình cảm đáng ngưỡng mộ.

Nhưng nếu chỉ có thế, chuyện về Duy Mạnh sẽ "bình thường" như bao câu chuyện khác.




Theo Trí Thức Trẻ


Quang Hải

Đỗ Duy Mạnh


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.