Giảng viên ném điện thoại và chuyện "bóc phốt" đồng nghiệp lên mạng

Sau sự việc ồn ào với nữ đồng nghiệp, nhạc sĩ Lưu Thiên Hương rút bài và clip "tố" người này trên mạng xã hội. Vấn đề "bóc phốt" đồng nghiệp lên mạng là góc nhìn được quan tâm những ngày qua.

Bêu đồng nghiệp nhưng đăng... "chỉ mình tôi"

Sau buổi làm việc với Nhạc viện TPHCM mới đây quanh sự việc Lưu Thiên Hương "tố" đồng nghiệp ném điện thoại vào người, theo lãnh đạo nhà trường , nhạc sĩ Lưu Thiên Hương và giảng viên M.H. (người bị tố) đều nhận ra phần lỗi của mình.

Lưu Thiên Hương quyết định gỡ bỏ bài viết và clip về nữ giảng viên ném điện thoại vào mình trên mạng xã hội

Trước đó, bài viết và clip này đã làm bùng nổ những phê phán, chỉ trích nhắm vào giảng viên có hành vi ném điện thoại. Nhưng đâu đó, cũng thấp thoáng những ý kiến băn khoăn về việc "bốc phốt" đồng nghiệp lên mạng. 

Giảng viên ném điện thoại và chuyện bóc phốt đồng nghiệp lên mạng-1
Hình ảnh nữ đồng nghiệp cầm điện thoại ném về hướng của nhạc sĩ Lưu Thiên Hương (Ảnh cắt từ clip).

Chị Hồ Ngọc Thủy, 36 tuổi, ở Gò Vấp, TPHCM chia sẻ, sự việc làm chị nhớ ngay đến câu chuyện của mình.

Đi làm nhiều năm, những đụng độ, mâu thuẫn với đồng nghiệp không xa lạ với chị. Tuy vậy, chị nhớ nhất sự việc cách đây không lâu, khi mâu thuẫn căng thẳng với cô đồng nghiệp cùng phòng.

Thật ra, hai người không ưa gì nhau từ lâu. Đỉnh điểm liên quan đến một dự án làm chung, chị và nữ đồng nghiệp càng phát sinh nhiều căng thẳng khi góc nhìn chuyên môn và quan điểm trái ngược nhau.

Trong cuộc họp nhóm hôm đó, hai người liên tục đưa ra quan điểm riêng của mình để "bật" lại ý kiến của người kia. Thậm chí, cả hai còn buông ra nhiều lời lẽ nặng nề để tấn công nhau như "yếu kém", "thiếu kiến thức" cho đến những từ ngữ nặng nề đả kích cá nhân như "ngu dốt", "không biết dựa cột mà nghe"...

Thời khắc đó, nữ đồng nghiệp la hét, đưa tay hất tung bản thảo trên bàn. Rồi người này còn lao vào giật tóc chị Thủy, với chiếc cốc ném thẳng về phía chị. Chị Thủy bình tĩnh hơn nên chọn đứng im... chịu trận. Khoảnh khắc đó được nhiều đồng nghiệp trong phòng kịp lưu lại.

Tức tối trong lòng, trên đường đi làm về, chị Thủy vẽ ra viễn cảnh sẽ phơi trần bộ mặt của người đồng nghiệp lên mạng. Thường ngày, trên đó, chị ta thường hay nói về lời hay lẽ phải, thích nói đạo lý, lúc nào cũng tỏ ra đạo mạo...

Nữ nhân viên kể, chị rất hả hê, háo hức với viễn cảnh này. Buổi tối hôm đó, chị Thủy thức ngồi viết bài, cắt ảnh nhằm thực hiện ý định bêu xấu đồng nghiệp.

"Khi tôi đang viết thì cô con gái 5 tuổi đòi mẹ ru ngủ, sẵn đang nhiều chuyện bực mình nên tôi quát con ầm ĩ. Nhận thấy mình vô lý với con, tôi gác mọi  thứ  để vào giường nằm kể chuyện, hát ru cho con", chị kể. 

Đúng lúc đó, chị chợt nghĩ, khi về nhà, người đồng nghiệp mình định đưa lên mạng "xử" kia, cũng là vợ, là mẹ, là con cái với bao nhiêu lo toan, áp lực. Chị chùng xuống.

Đêm đó, chị vẫn đăng bài "tố" của mình, theo cách nhìn của mình lên Facecbook nhưng chọn chế độ "chỉ mình tôi".

Khó nhìn thấy tổn thương mình gieo cho người khác

Sau đó, nữ đồng nghiệp chuyển việc sang nơi khác. Một thời gian bình tâm hơn, chị Thủy nhận thấy, thật ra nữ đồng nghiệp không tệ như chị từng khẳng định, cũng có những vấn đề chị ấy đúng. Bản thân chị Thủy khi đó cũng có phần quá đáng.

Từ đó, chị rút ra bài học, trong nhiều hoàn cảnh, chúng ta sẽ chỉ thấy mình là nạn nhân mà quên mất rằng, có thể chính mình cũng "không ra gì", cũng gieo tổn thương cho người khác.

Chị Hồ Ngọc Thủy trải lòng: "Thật may là tôi đã không "bêu" đồng nghiệp lên mạng. Bởi khi đó chẳng có gì cứu vãn được nữa, chắc tôi khó mà tha thứ cho chính mình".

Giảng viên ném điện thoại và chuyện bóc phốt đồng nghiệp lên mạng-2
Sau hòa giải, Lưu Thiên Hương gỡ bài về nữ đồng nghiệp có hành vi ném điện thoại (Ảnh: Trang Nam).

Bà Nguyễn Hồng Thắm - chuyên viên truyền thông ở TPHCM - chia sẻ, trong sự việc về nhạc sĩ Lưu Thiên Hương, giảng viên M.H đã nóng giận không kiểm soát được hành vi dẫn đến những hành động chưa chuẩn mực.

Nhưng từ một mâu thuẫn trong công việc, thay vì tìm cách giải quyết với nhau, hay thông qua tập thể, Lưu Thiên Hương đưa thông tin lên mạng cũng là hành xử nóng vội, chưa chuẩn mực.

Theo bà Thắm, bất kể mối quan hệ nào, đặc biệt là quan hệ đồng nghiệp, mỗi người cần ý thức về giới hạn của mình. Mọi người có thể tranh cãi, đôi co căng thẳng bên ngoài để bảo vệ quan điểm của mình, nhưng hãy chậm lại một chút khi có ý định "bóc phốt" người khác lên mạng.

Giảng viên ném điện thoại và chuyện bóc phốt đồng nghiệp lên mạng-3
Mỗi người cần chậm lại một nhịp khi có ý định "bêu" người khác lên mạng xã hội (Ảnh minh họa: Pixabay).

Bởi mạng xã hội không chỉ là con dao hai lưỡi, mà hơn hết một khi bạn đã nhấn nút "post" (đăng lên) thì không còn cơ hội để xóa đi tổn thương trong lòng người khác. Sau đó, có khi chính bạn là người không thể tha thứ cho bản thân vì đã gây tổn thương cho người khác.

Theo bà Thắm, hiện nay một số công ty quy định cụ thể về việc nội bộ nhân viên không được đưa thông tin về công việc, thông tin về đồng nghiệp lên mạng xã hội trong bất cứ tình huống nào.

Theo Dân trí

Xem link gốc Ẩn link gốc https://dantri.com.vn/lao-dong-viec-lam/giang-vien-nem-dien-thoai-va-chuyen-boc-phot-dong-nghiep-len-mang-20240119130918273.htm?fbclid=IwAR2Q2X_EX52ZR-210vaA8WKZAbZalpYtO_RkrwFAKvABcxOQEOcbcc4uuRw

Lưu Thiên Hương


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.