Kinh nghiệm đi chùa Tam Chúc để không bị đông nghẹt người mà lại ngắm được cảnh đẹp

Trải nghiệm đi chùa Tam Chúc của nhiều người đã cho thấy có những thời điểm rất thích hợp để vãn cảnh chùa mà không bị quá đông đúc.

Được ví von là vịnh Hạ Long trên cạn, chùa Tam Chúc (hay còn gọi là quần thể khu du lịch Tam Chúc) kể từ khi bắt đầu đưa vào khai thác đã luôn thu hút được nhiều du khách. 

Tam Chúc đông nghẹt người vào ngày 14/3 vừa qua.

Tuy nhiên, chỉ vào đầu năm nay thì có vẻ như mọi người đã biết đến nơi này nhiều hơn khiến cho tình hình những ngày đầu năm chùa luôn rất đông đúc với những dòng người nối nhau đến vãn cảnh.

Nằm tại xã Ba Sao, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam cách thành phố Hà Nội chỉ khoảng 70km, chùa Tam Chúc thực sự là một địa điểm du lịch lý tưởng vào những ngày cuối tuần. Thế nhưng kinh nghiệm đi chơi như thế nào để vừa đảm bảo an toàn lại vẫn có thời gian ngắm cảnh thì hẳn là nhiều người vẫn chưa biết.

Kinh nghiệm đi chùa Tam Chúc để không bị đông nghẹt người mà lại ngắm được cảnh đẹp-1

Đi chùa Tam Chúc từ Hà Nội

Chùa Tam Chúc vì mới đưa vào khai thác chưa có tuyến xe buýt riêng nên du khách muốn tới đây đa số đều dùng xe máy, ô tô riêng hoặc thuê ô tô theo đoàn.

Nếu đi ô tô thì từ Hà Nội sẽ có 3 hướng đi:

Hướng 1: Chạy thẳng theo hướng đường Giải Phóng qua bến xe Nước Ngầm về Thường Tín - Phú Xuyên. Đến nút giao với quốc lộ 1A thì lên quốc lộ chạy về hướng Phủ Lý sau đó đi vào đường quốc lộ 21 khoảng 10km nữa là tới chùa Tam Chúc.

Hướng 2: Chạy ra Giải Phóng, đến bến xe Nước Ngầm thì rẽ vào cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ. Đến Cầu Giẽ thì quẹo vào đường quốc lộ 1 cũ rồi rẽ vào quốc lộ 21 khoảng 10km nữa là tới.

Hướng 3: Vẫn đi Pháp Vân Cầu Giẽ nhưng lên cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình đến nút giao Liêm Tuyền thì thoát và rẽ về Phủ Lý. Chạy vào quốc lộ 21 khoảng 10km nữa. Đây là đường tối ưu nhất vì đường thoáng và đi nhanh hơn.

Nếu đi xe máy từ Hà Nội thì hướng đi sẽ giống với hướng đi số 1 của ô tô.

Kinh nghiệm đi chùa Tam Chúc để không bị đông nghẹt người mà lại ngắm được cảnh đẹp-2

Đi Tam Chúc thời điểm nào trong ngày là đẹp nhất và chơi gì ở đó?

Kinh nghiệm đi chùa Tam Chúc được dân mạng truyền tai nhau là nên đi vào buổi trưa, chơi đến chiều và chập tối về thì sẽ được thưởng ngoạn cảnh hoàng hôn tuyệt đẹp cũng như chiêm ngưỡng đình Tam Chúc "phát sáng".

Từ cổng đi thẳng qua bãi gửi xe sẽ đến nơi bán vé xe điện (90k/khứ hồi) và thuyền (200k/lượt) gọi là nhà khách Thủy Đình. Nơi này cũng đã bắt đầu bày biện trang nghiêm với những bức ảnh mô phỏng toàn cảnh chùa Tam Chúc.

Cổng Tam Quan

Đây là địa điểm tham quan đầu tiên và cũng là biểu tượng của Tam Chúc. Cổng gồm 1 cổng chính và 2 cổng phụ, trước cổng chính là bến thuyền và điểm trả khách của xe điện. Hai bên cổng là hai đường lớn để du khách đi bộ lên chính điện của chùa.

Kinh nghiệm đi chùa Tam Chúc để không bị đông nghẹt người mà lại ngắm được cảnh đẹp-3

Vườn Cột Kinh

Đi qua cổng Tam Quan sẽ là vườn Cột Kinh với 32 cột kinh khổng lồ được đặt theo hàng thẳng tắp. Công trình này lấy ý tưởng từ Bảo vật quốc gia Cột Kinh chùa Nhất Trụ ở cố đô Hoa Lư. Mỗi cột nặng khoảng 200 tấn, được làm từ đá xanh Thanh Hóa. Các cột đá được thiết kế với chân cột là đài sen; thân cột hình lục giác, điêu khắc thủ công các lời Phật dạy, đỉnh cột là hình nụ sen đặc trưng.

Kinh nghiệm đi chùa Tam Chúc để không bị đông nghẹt người mà lại ngắm được cảnh đẹp-4

Tam điện thế

Chùa Tam Chúc có 3 chính điện là: điện Tam Thế, điện Pháp Chủ và điện Quan Âm. Mỗi điện đều thờ một vị Phật theo những ý nghĩa khác nhau. Tuy nhiên, cả 3 điện đều có những bức phù điêu được tạc thủ công bằng đá lấy từ miệng núi lửa tại Indonesia.

Mỗi bức phù điêu đều mang những câu chuyện về cuộc đời Đức Phật, bạn có thể hỏi các hướng dẫn viên trong chùa để được giải thích kĩ hơn về sự tích này. Phía dưới mỗi bức tường đều có chú thích bằng 3 thứ tiếng, nếu không có hướng dẫn viên đi cùng, bạn có thể tự check mã để tìm hiểu về những ý nghĩa lịch sử của bức tranh.

Kinh nghiệm đi chùa Tam Chúc để không bị đông nghẹt người mà lại ngắm được cảnh đẹp-5

Đàn tế trời chùa Ngọc

Khi đi qua Tam Điện, du khách nếu muốn đến đàn tế trời chùa Ngọc sẽ phải đi bộ và leo bậc thang một đoạn khá xa. Chùa Ngọc được chế tác hoàn toàn từ đá granite và hoàn toàn không dùng bê tông. Vậy nên dù diện tích sàn chỉ có 13m2 nhưng ngôi chùa này có mức nặng khoảng 2000 tấn.

Khi lên đến trên đỉnh đàn, du khách sẽ thực sự choáng ngợp trước khung cảnh hùng vĩ ở phía dưới.

Kinh nghiệm đi chùa Tam Chúc để không bị đông nghẹt người mà lại ngắm được cảnh đẹp-6

Đình Tam Chúc

Đình Tam Chúc nối với chùa Tam Chúc bằng một cây cầu bắc ngang qua hồ Lục Ngạn. Nơi đây là đình thờ Hoàng hậu Dương Thị Nguyệt thời nhà Đinh. Theo tương truyền trước kia trong cuộc chiến dẹp loạn 12 sứ quân, Đinh Bộ Lĩnh đã đến đây để chiêu mộ binh mã. Khi thắng trận và lên ngôi hoàng đế, nhà vua đã ra lệnh cho xây đền thờ tại đây.

Kinh nghiệm đi chùa Tam Chúc để không bị đông nghẹt người mà lại ngắm được cảnh đẹp-7

Ăn gì ở Tam Chúc?

Đồ ăn ở chùa Tam Chúc có bánh mì xúc xích, cơm cháy nhưng theo kinh nghiệm của nhiều người thì chúng không được phong phú và ngon cho lắm nên mua và chuẩn bị sẵn đồ ăn từ nhà thì sẽ tốt hơn. Ngoài ra, ở Tam Chúc cũng khá rộng rãi, có máy bán nước tự động và khu nhà vệ sinh cũng sạch sẽ nên không gây bất tiện gì cho du khách.

Những lưu ý khác

Tam Chúc nằm ở miền Bắc nên khí hậu cũng giống như Hà Nội. Mùa xuân thường là mùa nhiều người chọn đi Tam Chúc nhất vì thời tiết mát mẻ hợp với việc vãn cảnh và vui chơi. Tuy nhiên, đây cũng là thời điểm có rất đông khách du lịch về thăm Tam Chúc nên để tránh đông đúc, nhiều người thường lựa chọn đi vào ngày thường thay vì cuối tuần.

Du khách khi đến đây nên mặc đồ thoải mái, không nên đi giày cao gót vì quãng đường đi bộ khá xa. Nhiều người cũng lưu ý rằng phong cảnh ở Tam Chúc rất đẹp nên nếu ai muốn chụp ảnh thì nên mặc đồ tối màu hoặc đồ cổ phục sẽ cho ra những bức ảnh đẹp nhất.

 

Theo Pháp luật và bạn đọc

Xem link gốc Ẩn link gốc https://phapluatbandoc.giadinh.net.vn/kinh-nghiem-di-chua-tam-chuc-de-khong-bi-dong-nghet-nguoi-ma-lai-ngam-duoc-canh-dep-16221150316531309.htm

Chùa Tam Chúc


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.