Có 1 tỷ đồng, học không phải "siêu nhân", có nên du học Mỹ?

"Tôi chỉ có thể đầu tư 1 tỷ và con gái tôi cũng không phải là "siêu nhân học". Vậy tôi có nên định hướng cho con đi du học Mỹ hay không?"

"Tôi chỉ có thể đầu tư 1 tỷ và con gái tôi cũng không phải là "siêu nhân học". Vậy tôi có nên định hướng cho con đi du học Mỹ hay không?", một phụ huynh băn khoăn đặt câu hỏi.

Trả lời thắc mắc của người mẹ trên, anh Trần Đắc Minh Trung (Tốt nghiệp thạc sĩ giáo dục tại ĐH Harvard, Mỹ) nhấn mạnh: "Câu trả lời lúc nào cũng là có hết, vì chúng ta không biết các cơ hội phía trước thế nào".

Theo thạc sĩ Minh Trung, 1 tỷ đồng là khoảng 50.000 USD, chia cho 4 năm học đại học ở Mỹ, mỗi năm sẽ có khoảng 13.000 đô la - đây là số tiền cơ bản vừa đủ để trang trải sinh hoạt phí ở Mỹ.

Như vậy nhìn con số trên, ta phải hiểu được, học bổng mình cần là toàn bộ số tiền học phí thì mình mới có khả năng đi học Mỹ được. Bởi lẽ, để học ở Mỹ, cá nhân phải lo đủ học phí và sinh hoạt phí.

"Mỗi trường ở Mỹ có nhiều tiêu chí xét tuyển khác nhau. Anh nghĩ mình không cần phải là siêu nhân để mình có được học bổng, ăn thua là mình chọn được trường ở mức độ nào và trường đó họ thích mình đến đâu", anh Trung chia sẻ.

Theo các chuyên gia, với số tài chính hạn hẹp và điểm số không cao, học sinh vẫn hoàn toàn có khả năng du học Mỹ nếu biết điểm mạnh của bản thân để "lội ngược dòng".

Từ chính câu chuyện của bản thân mình, em Nguyễn Duy Đức (tân sinh viên Đại học Ohio Wesleyan, Mỹ) cho biết, bản thân em cũng không phải là một "siêu nhân". Hồ sơ của em gửi các trường đại học Mỹ có điểm SAT, TOEFL ibt, GPA không cao - đó là điểm bất lợi cho hồ sơ của em. Nhưng em có điểm mạnh bù lại, đó là những kinh nghiệm, kỹ năng em tích lũy được ở lĩnh vực mình đam mê - kinh doanh.

Biết điểm yếu của mình, em tìm cách "khắc phục" cho bớt đi. Em dành nhiều thời gian trải nghiệm, tìm mục đích sống, tìm hiểu ngành kinh doanh và bước đầu thực hiện ước mơ của mình. Điều đó một phần giải thích "vì sao điểm số của em không cao", được em nêu ra trong bài luận để hội đồng tuyển sinh Mỹ hiểu.

Em Nguyễn Thế Quỳnh, nam sinh Việt xuất sắc chinh phục học bổng toàn phần lên tới 6,7 tỷ đồng của Học viện công nghệ số 1 thế giới MIT - Massachusetts Institute of Technology ở mùa tuyển sinh năm nay tiết lộ, hồ sơ của em cũng có điểm yếu. Đó là điểm SAT và TOEFL không cao.

Tuy nhiên, theo Quỳnh, điểm số không phải là tất cả bận tâm của nhà tuyển sinh Mỹ. Điều quan trọng là những hoạt động ngoại khóa của bản thân có liên quan đến ngành học lựa chọn và đam mê của mình không? Và nếu có, bạn có thể gỡ lại điểm yếu về điểm số, đặc biệt trong bài luận.

Vì em chọn học ngành Khoa học vật liệu nên tất cả các hoạt động ngoại khóa của em chủ yếu liên quan đến khoa học và các hoạt động nghiên cứu. Em đã thêm chi tiết kì thi Olympic Vật lý quốc tế thêm vào hồ sơ như một hoạt động ngoại khóa.

Bởi lẽ, trong thời gian thi Olympic Vật lý quốc tế, em được học tập trong các phòng thí nghiệm của trường ĐH Sư phạm Hà Nội và ĐH Bách khoa Hà Nội. Cái ấy cũng được xem là hoạt động ngoại khóa phục vụ đam mê và em nghĩ, trường đại học MIT thích.

"Với số tiền hạn chế và "hồ sơ không có gì đặc biệt" là do mình nghĩ như vậy thôi. Tại vì nhìn vào điểm số SAT không cao, GPA không cao, có thể bạn nghĩ mình nghĩ không có gì đặc biệt nhưng trước tiên, cách suy nghĩ của bạn phải thay đổi.

Chẳng hạn trường hợp của Đức, ví dụ về mặt điểm số không có gì đặc biệt nhưng có kỹ năng về kinh doanh. Các bạn khác cũng vậy, mình phải xác định tư tưởng ngay từ đầu là bao nhiêu tiền mình vẫn có thể đi Mỹ được, miễn mình có chiến thuật vào các trường. Phải nhìn được điểm mạnh của mình ở đâu.

Nếu hồ sơ của mình không có bất kì điểm mạnh nào nhưng vẫn muốn vào trường này, trường khác ở Mỹ du học thì gần như bộ hồ sơ đó không thể thành công.

Ngược lại, nếu mình nhìn được bản thân điểm không cao nhưng có thế mạnh ở đâu và trường này cần thế mạnh của tôi thì hoàn toàn có thể khả thi được", thạc sĩ Trần Đắc Minh Trung kết lại lời đáp.


Theo Dân Trí

 


du học sinh

du học Mỹ

phụ huynh


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.