- Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
- Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
- Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
- Mục này không có nhuận bút.
Du học sinh thành công: 16 người về thành 16 ông chủ lớn
“Chúng tôi đi du học 24 người, 16 người trở về khi học xong. Và hết thảy chúng tôi đều trở thành các chủ doanh nghiệp khá thành công”.
“Chúng tôi đi du học 24 người, 16 người trở về khi học xong. Và hết thảy chúng tôi đều trở thành các chủ doanh nghiệp khá thành công”.
Đó là câu chuyện của ông Nguyễn Minh Việt, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Công ty cổ phần Mặt trời xanh (Green Sun).
24 người của khóa ông đi du học, có 8 người, với những chuyên môn họ xác định về Việt Nam sẽ khó phát triển, họ đã ở lại Nhật hoặc đến các nước cần họ.
16 người trở về đã vượt qua các giai đoạn khó khăn, phát triển mình trong các công ty Nhật một thời gian sau đó tự ra mở công ty và thành những doanh nhân lớn và khá nổi tiếng trong giới doanh nhân Việt.
Ông Nguyễn Minh Việt nằm trong số họ.
Năm 1996-2003: ông Việt du học Nhật, tốt nghiệp khoa CNTT trường Tokyo Institute of Technolgy (Đại học Công Nghệ Tokyo).
2003-2005: Về VN, làm kỹ sư cầu nối cho công ty phần mềm của Nhật tại VN.
2005: thành lập công ty Green Sun, hoạt động trong lĩnh vực phần mềm ERP (sản phẩm Asoft ERP), và dịch thuật đa ngôn ngữ.
Câu chuyện của ông Việt, và của thế hệ ông, đáng để các bạn trẻ nên suy nghĩ.
Tạo cơ chế thoáng cũng là một cách cống hiến
Với tư cách một người đã đi du học, trở về, thành công và có những trải nghiệm đặc biệt trong một hành trình lập nghiệp, hẳn ông có nhiều thứ để nói hơn các bạn chưa về nước cũng như, có nhiều thứ để nói hơn những người chưa từng đi du học – trong câu chuyện nơi ở hay nên về, thưa ông?
Câu chuyện mọi người đang cãi nhau, tôi nghĩ rằng người Việt Nam chưa biết cách nghị luận. Họ chỉ nghĩ hoặc là đen, hoặc là trắng mà không chấp nhận cho nhau một vùng màu xám.
Cũng giống như vài tháng trước Hà Nội bàn chuyện chặt cây chẳng hạn. Người ta chỉ bàn chuyện chặt hay không, mà người ta không bao giờ bàn chuyện chặt bao nhiêu là vừa.
Khi Hà Nội định chặt 6.300 cây thì rùm beng lên. Đến lúc mưa bão, mấy cây đổ, thì phe không chặt quay lại hả hê.
Tại sao người ta không nhìn hai chiều để thấy, hàng năm chặt những cây loại nào, tình trạng ra sao để không gây tai nạn, cản trở giao thông trong mùa mưa bão? Cũng như chặt với số lượng thế nào, để thành phố đủ bóng cây xanh?
Lấy tầm nhìn của ông này ép cho ông kia là không ổn. Trong khi đó, họ chưa thống nhất một định nghĩa thế nào là cống hiến, thì làm sao tranh luận đi đến điểm chung?
Câu chuyện về hay ở cũng thế thôi. Có những người nên về, có những người nên ở lại.
Những người nên ở lại, là những người học về những ngành nghiên cứu quá sâu xa mà ở Việt Nam không có điều kiện cho họ được làm những thứ họ học.
Như nghiên cứu về vũ trụ, hóa nguyên tử, lý thuyết toán…, nếu có về cũng sẽ dễ bị thui chột vì đơn giản họ chỉ phát huy được khi họ có môi trường nghiên cứu.
Những người nên về là những người học về các ngành ứng dụng, kinh doanh, hóa dầu…, vì trong nước đang rất nhiều cơ hội cho những lao động cao cấp các ngành này.
Nếu bắt họ về “cống hiến” thì tội họ quá. Không làm được việc thì cống hiến nỗi gì? Đừng bắt người ta mặc áo gấm đi đêm.
Dù tôi không phủ nhận, nếu họ có về, họ cũng phải đối mặt với một số thứ rất khó khăn, như chúng tôi đã từng đối mặt.
Những khó khăn mà ông vượt qua đó là những gì, thưa ông?
Thời gian 2 năm đầu tôi về, tôi làm công ty Nhật nên không mấy gặp khó khăn gì. Một người làm công ăn lương, hưởng theo năng lực, làm theo lao động, ở đâu cũng không khó.
Nhưng khi mở công ty cũng gặp nhiều khó khăn lắm. Điều này ai cũng hình dung được. Nào giấy tờ thủ tục, nhân sự yếu kém, khó có nguồn như mong muốn.
Hay là khó khăn từ phía chính tôi lúc đó, chưa biết cách kinh doanh hay quản lý doanh nghiệp khi ra đứng một mình.
Nhưng quan trọng nhất là chọn hướng giải quyết sao cho có lợi nhất. Chẳng làm gì ghê gớm đến mức đánh mất mình, chúng tôi vẫn vượt qua hết và thực tế những khó khăn đó đã trở thành quá khứ.
Vậy theo ông, cống hiến, hiểu cho tròn nghĩa nhất, là gì?
Tôi làm đúng việc của tôi và những việc đó có ích cho xã hội thì đó là cống hiến.
Hồi tôi về Việt Nam tôi chẳng có khái niệm cống hiến là gì đâu. Làm ở trong nước hay nước ngoài, tôi làm cho cuộc sống của tôi ổn lên đã.
Sau này tôi làm doanh nghiệp, thì nộp thuế cũng là cống hiến. Mỗi người có một cách cống hiến không ai giống ai, đúng với những giá trị mà họ có.
Giáo sư Ngô Bảo Châu đâu nộp đồng thuế nào cho Việt Nam trước đây, nhưng những đóng góp của ông cho nhân loại, làm rạng danh người Việt, đó cũng là cống hiến.
Cống hiến có những cái hữu hình nhưng cũng có những cái vô hình. Thế nên, tốt nhất đừng tranh cãi nhau chuyện cống hiến làm gì.
Và đừng tự bó hẹp nghĩa cống hiến bằng hai cái khuôn là về hay ở. Từ cống hiến không nằm trong hai cái khuôn đó.
Ý ông là, hãy xem cống hiến bằng hành động, chứ đừng nghe cống hiến bằng… đạo đức?
Bây giờ tôi thử hỏi, chúng ta cứ nói du học sinh không về là không cống hiến. Vậy, có bao nhiêu sinh viên ở ngoại tỉnh, sau khi học xong đại học về lại tỉnh cũ của mình làm việc?
Hầu hết, họ ở lại các thành phố lớn làm việc, câu chuyện có khác gì không?
Người ở ngoại tỉnh, nhà bỏ tiền cho đi học, họ tìm nơi tốt hơn để làm việc ở một thành phố khác. Và anh du học sinh tự đi học bằng học bổng tự xin, họ ở lại làm việc cho nước ngoài.
Hai điều đó không khác gì nhau. Và cũng không được đòi hỏi khái niệm “cống hiến” lên họ.
Đó là lựa chọn của họ. Và họ chọn môi trường để thể hiện đúng giá trị mà họ cần có.
Mà một thực tế, ví dụ ở một số địa phương, những người có trình độ chuyên môn chưa chắc đã phù hợp với những thứ địa phương đó cần. Mà trong trường hợp có cần, nhiều khi cũng không đến lượt họ.
Chúng ta, ai phù hợp cái gì cứ chọn cái đó. Không cứ người ta không chọn đi cùng đường với mình thì chúng ta quay lại phê phán họ? Mỗi người một hoàn cảnh, không ai giống ai.
Người ta có quyền chọn con đường mình đi, công việc mình làm, đó là sự sòng phẳng. Mà trước hết là ở sự sòng phẳng với chính bản thân họ. Sự sòng phẳng này, không nên được gán cái mác giá trị là cống hiến hay không.
Cũng nhân sự tranh luận ấy, tôi muốn biết cách nhìn của ông về cống hiến của cả đôi bên: “bên đi học” khi chưa trải nghiệm thực tế mà đã… đưa ra quyết định; “bên ở nhà” thì chưa đi du học, mà cũng đòi người ta cống hiến như đúng rồi?
Đúng thế. Hỏi các ông ở nhà xem các ông đã cống hiến được như mấy ông đi du học hay chưa?
Khi đòi hỏi người khác cống hiến, thì anh cũng nên cống hiến trước đi đã. Việc tạo một cơ chế thoáng, tốt cho sự phát triển, cũng là cống hiến đấy chứ!
Tôi nhắc lại, người ta ở hay về trước hết họ cũng đều nghĩ làm được cái gì đó cho mình, đừng đưa ra vội khái niệm cống hiến để phủ đầu họ.
Làm cho cuộc sống của mình tốt lên ắt sẽ cống hiến được. Chứ không làm gì hoặc làm lèo tèo thì cống hiến cho ai, cống hiến cái gì, khi mà tự nuôi mình còn chưa nổi?
Ngược lại, nhiều cá nhân giàu thì xã hội cũng giàu, đất nước cũng giàu. Chứ làm gì có chuyện cái này giàu còn cái kia thì không?
Còn có chuyên môn mà không phù hợp với Việt Nam, thì không về cũng là một cách cống hiến.
"Tôi không nhận dân du học vì họ chảnh và đòi lương cao"
Tôi muốn hỏi ông, là một người phát triển doanh nghiệp, tuyển dụng nhiều nhân sự, chắc chắn có những sinh viên du học. Ông thấy có sự khác nhau nào đó về chất lượng của 2 luồng nhân lực này không?
Khác nhiều chứ. Nó khác nhau như là giữa đại học và cao đẳng, giữa trường xịn và một trường dân lập nào đó.
Dù rằng trong nước có nhiều nhân sự tốt và du học cũng có một số bạn khá lởm khởm. Nhưng công bằng mà nói, mấy bạn du học có đầu vào tốt hơn thì dĩ nhiên đầu ra cũng tốt hơn.
Công ty ông có nhiều bạn du học về không?
Công ty tôi không có ai du học về, trừ tôi.
Sao ông không nhận sinh viên du học, thưa ông?
Vì họ rất chảnh, đòi lương cao lắm.
Một cách công bằng, ông thấy sự chảnh và đòi lương cao của họ có thỏa đáng không?
Tôi nghĩ tùy ngành. Có những ngành thì điều đó là thỏa đáng. Nhưng có ngành thì không.
Công ty của tôi tập trung cho 2 ngành là phần mềm và dịch thuật, thì cả hai ngành này đều không cần thiết phải là du học sinh quá giỏi.
2 ngành đó cần người chăm và khá. Vì phần mềm bên tôi không phải nghiên cứu ra một cái gì đó to tát, không phải tính toán gì ghê gớm, mà là phần mềm quản lý doanh nghiệp thông thường thôi.
Dịch thuật bên tôi cũng cần những người chăm chỉ, tỉ mỉ, có trách nhiệm với bài dịch. Họ không cần phải những người biết quá nhiều thứ.
Thay vào đó, bên tôi xây dựng một quy chế, quy trình để người bình thường nhất cũng có thể làm việc hiệu quả nhất. Bên công ty tôi tuyển dụng không cần bằng cấp. Có nhiều bạn chưa tốt nghiệp.
Hiện giờ, bạn nhân sự cánh tay phải của tôi là chưa tốt nghiệp đại học.
Nếu tiềm năng lớn thì không cần mời họ cũng về
Là người trở về và thành công, ông nghĩ gì về vấn đề du học sinh “về để thay đổi” nền kinh tế đất nước tốt lên?
Tôi cũng không đặt nặng là họ “về để thay đổi” đất nước đâu. Bản thân cuộc sống luôn phát triển. Nếu đất nước nhiều tiềm năng thì chẳng cần bắt họ về họ cũng tự về.
Mà nhiều khi họ không về thì đã có những bộ óc nước ngoài thông nhạy cũng đã nhảy vào khai thác để hai bên cùng có lợi.
Những bạn nào học bằng tiền nhà nước, nghĩa vụ là phải về. Nếu không về phải đền bù hợp đồng sòng phẳng. Điều này có cam kết rõ ràng.
Tức là, nếu cảm thấy mình về đó mà không ổn, cứ trả lại tiền để đổi lấy thứ mình thích. Cái đó có quy định rõ ràng mà.
Những ai đi học bằng tiền tự túc, hoặc học bổng họ xin, họ thích ở đâu là quyền của họ. Về hay không đơn giản là lựa chọn của họ.
Nếu các bạn đủ tố chất, dám đương đầu và quan trọng nhất là có đất diễn thì cứ về thôi.
Hiện nay, rất nhiều doanh nghiệp tư nhân được mở ra trong đó có không ít doanh nghiệp Việt vươn tay ra nước ngoài để quốc tế hóa thương hiệu. Đó là một cơ hội tốt và thuận lợi cho các bạn du học sinh trở về làm việc, phải không ông?
Đó là cơ hội tốt. Tôi thấy nhiều người đã về và rất thành công.
Ngay lứa của chúng tôi, du học sinh ở Nhật, đi có 24 người, thì 16 người về thì cả 16 người đều là giám đốc của các công ty và rất thành đạt.
Khóa tôi có Võ Trọng Nghĩa cũng là một kiến trúc sư rất thành công cùng một số người đã lên hàng đại gia.
Lứa chúng tôi đi học những ngành rất thực tế như điện, điện tử, tin học, cơ khí.
Điểm chung nào để lý giải cho sự thành công của 16 người lứa của ông, thưa ông?
Chúng tôi đều có một điểm chung khi về: làm cho công ty Nhật 1 đến 2 năm cho đến khi tự thấy mình đủ sức lực thì tự ra mở công ty.
Còn những người không về thì họ là những người chọn những chuyên ngành mà họ biết về Việt Nam chẳng phát triển được. Chẳng sao cả. Mọi người vẫn rất hạnh phúc với lựa chọn của mình.
Có thể, hồi chúng tôi về Việt Nam, từ năm 2000 đến 2005, thời điểm thiếu nhân lực tiếng Nhật. Nên ông nào về cũng giữ chức ít nhất là manager trong các tập đoàn lớn.
Sau 2 năm, họ tự tách ra làm riêng.
Dạo gần đây, lượng nhân lực tiếng Nhật về cũng nhiều và cơ hội có giảm đi một chút. Nhưng phải công nhận lứa chúng tôi thuận lợi.
Có nghĩa là, thế hệ sau ông, cơ hội của họ đang ít hơn?
Cái đó tùy thuộc vào năng lực của mỗi người. Điều tự hào mà tôi có thế nói, ở lứa chúng tôi, đầu vào du học điểm khá cao.
Cơ hội nhỏ hơn ngày xưa một ít nhưng vẫn còn rất nhiều. Nhật đầu tư vào Việt Nam khá nhiều và cũng rất cần những vị trí quản lý cấp cao.
Nhưng điều đáng nói là lứa gần đây đầu vào kém hơn chứ không phải cơ hội ít đi. Vì hồi chúng tôi đi Nhật, theo học bổng chính phủ Nhật, tuyển chọn rất khắt khe.
Bây giờ câu chuyện đã khác. Học bổng nhiều ê hề và đầu vào thấp hơn ngày xưa một chút. Hơn nữa, giờ nhiều người có tiền, cho con đi du học cũng nhiều. Và các dịch vụ du học mọc lên như nấm.
Ông có nhận thấy sự khác nhau nào đó giữa du học sinh được đào tạo từ các nước khác nhau không?
Khác nhiều chứ. Du học sinh ở Nhật, về thì dễ kiếm việc tốt và con đường phát triển dễ dàng hơn vì hiện nay Nhật đang đầu tư vào Việt Nam khá mạnh và tiếng Nhật là thứ ngôn ngữ không nhiều người biết.
Người Nhật họ vừa coi trọng tình cảm kiểu châu Á nhưng lại rất rõ ràng, nghiêm túc trong công việc. Trong khi, từ Nhật về Việt Nam thì dễ tìm thấy sự gần gũi hơn.
Người Nhật họ đâu ra đấy, làm việc rất rõ ràng, nên các bạn học được tính kỷ luật và tính chịu trách nhiệm rất cao.
Ở Âu, Mỹ trừ trường hợp gia đình có thế, hay được nâng đỡ, còn nữa sẽ hơi khó hơn vì kiểu làm việc của người phương Tây khác với người châu Á và chơi với nhau bằng luật 100%.
Thế nên, cũng dễ thông cảm cho các bạn du học trời Tây, nhất là các bạn đi du học từ khi còn trong trường phổ thông, về sẽ dễ bị sốc văn hóa.
Và nếu ai chơi kiểu Tây quen rồi, về Việt Nam khá khó thích nghi.
Vậy điều trở ngại cho những người ở lại nước ngoài, theo ông được biết, là những gì?
Nếu xác định làm công thì làm ở nước ngoài khá dễ dàng. Bất cứ một sinh viên nào của Việt Nam khi học xong đều dễ kiếm việc ở nước ngoài và dễ được tiếp nhận bởi người Việt Nam vốn chăm chỉ.
Nhưng ở nước ngoài để làm chủ được rất khó. Cơ hội bên đó không dành cho nhiều người Việt lắm. Cách nhìn của người nước ngoài với người Việt vẫn có sự phân biệt này nọ.
Về Việt Nam, nếu đủ sức làm chủ thì sẽ bật lên nhanh lắm. Thị trường luôn có chỗ cho những người giỏi, biết tạo ra thời cơ và vượt qua mọi sóng gió
Với tầm nhìn một doanh nhân, ông hình dung ra bức tranh Việt Nam sẽ như thế nào nếu những người giỏi được đào tạo bài bản từ nước ngoài về đây, vượt qua mọi khó khăn thử thách để làm việc?
Các bạn học xong và tốt nghiệp mới chỉ là một chặng đường thôi. Các bạn cũng không nên tưởng tượng về Việt Nam quá nhiều khi các bạn còn chưa học xong hoặc chưa có trải nghiệm công việc.
Tôi vẫn nhắc lại, đất lành chim đậu. Thời cơ ở Việt Nam luôn có. Nếu có thêm những doanh nhân lớn, những giáo sư giỏi ở các trường,… thì bức tranh Việt Nam sẽ rất đẹp.
Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!
Theo Trí Thức Trẻ-
Du học04/02/2020Nữ sinh ở Quảng Nam du học từ Vũ Hán trở về có kết quả âm tính với virus Corona. Bệnh nhân này chỉ bị cảm cúm thông thường.
-
Du học18/01/2020Hình ảnh học sinh giỏi ở Trung Quốc được tặng thịt lợn, cá,… thay vì đồ dùng học tập và tiền mặt đang nhận được nhiều sự quan tâm từ cộng đồng mạng.
-
Du học27/11/2019Hồ Ngọc Trang - "bông hồng lai" Việt Nam - Hà Lan luôn khiến người đối diện xao xuyến bởi vẻ đẹp trong trẻo và nụ cười đốn tim
-
Du học24/11/2019Lượng sinh viên quốc tế đến học tập tại Mỹ đang ngày càng giảm xuống. Điều này ít nhiều đã ảnh hưởng đến các trường đại học và nền kinh tế nước này.
-
Du học01/11/2019"Có ngày mệt quá, tôi ngủ gục trong nhà vệ sinh. Đừng nói tôi nghỉ đi, nghỉ thì học phí, tiền sinh hoạt lấy ở đâu ra."
-
Du học18/09/2019Không chỉ có môi trường rộng lớn cùng trang thiết bị hiện đại, sinh viên Đại học Bangkok còn được diện những bộ đồng phục đẹp mắt ứng với từng ngành nghề.
-
Du học06/09/2019"Nếu bạn xin bản thân thêm 5 phút ngủ nướng vào buổi sáng, đồng nghĩa với việc bạn sẽ bị trễ tàu, chậm xe, cũng như trễ luôn buổi học và đánh rơi kha khá kiến thức"
-
Giáo dục30/08/2019Hoàng gia Anh xác nhận thông tin Công chúa Charlotte sẽ học chung cùng anh trai trong trường có chi phí hơn 576 triệu đồng/năm.