Mẹ Việt ở Mỹ bật mí 6 bí quyết dạy con giỏi tiếng Việt

Dạy con học tiếng Việt thực sự đòi hỏi nhiều nỗ lực và quyết tâm. Khó khăn thì có muôn vàn nên mình luôn nhẩm câu thần chú: cố gắng lên trước khi con không muốn nói tiếng Việt nữa!

Dạy con học tiếng Việt thực sự đòi hỏi nhiều nỗ lực và quyết tâm. Khó khăn thì có muôn vàn nên mình luôn nhẩm câu thần chú: cố gắng lên trước khi con không muốn nói tiếng Việt nữa!

Năm 2012 mình đưa con trai sang Mỹ. Lúc đó, con mình chưa đầy 4 tuổi. Từ khi sang Mỹ đến giờ bé nhà mình mới về Việt Nam một lần vào năm 2013. Có thời gian con mình ít nói tiếng Việt hẳn và mình phải dành nhiều thời gian duy trì thói quen nói tiếng Việt cho con. Đến nay con mình nói song ngữ (bilingual) nhưng viết và đọc tiếng Anh nhỉnh hơn Tiếng Việt. Dưới đây là những ghi chú về quá trình mình và con cùng học tiếng Việt.

Mẹ Việt ở Mỹ bật mí 6 bí quyết dạy con giỏi tiếng Việt - Ảnh 1.

Dạy con tiếng Việt không bao giờ là dễ dàng đối với những gia đình cả bố mẹ đều đi học và đi làm ở nước ngoài (Ảnh: NVCC).

Xác định quyết tâm dạy tiếng Việt cho con

Mình đã gặp rất nhiều bé tuổi lớn hơn con mình ra nước ngoài nhưng gần như không nói được tiếng Việt. Cuộc sống ở nước ngoài rất bận rộn và nhiều áp lực, nên mình rất hiểu rằng việc dạy con học tiếng Việt thực sự đòi hỏi nhiều nỗ lực và quyết tâm. Khó khăn thì có muôn vàn nên mình luôn nhẩm câu thần chú: cố gắng lên trước khi con không muốn nói tiếng Việt nữa! Đừng quên rằng với các bé, tiếng Việt rất khó so với tiếng Anh.

Nói chuyện tiếng Việt mọi lúc

Mình biết trẻ học tiếng Anh sẽ rất nhanh, quên tiếng Việt rồi sẽ khó dạy lại. Mỗi lần chở con đi học, mình luôn tả cảnh cho con bằng các câu ngắn gọn: "Hôm nay trời nắng". "Hoa đẹp quá". Mình còn dạy con về từ láy như: "bông hoa nho nhỏ, tay con xinh xinh, con cười lanh lảnh". Rồi mình chỉ cho con các từ như nho nhỏ, xinh xinh, lém lỉnh là từ láy. Con mình sau đó hay nói kiểu: trời xanh xanh, chanh vàng vàng. Nghe qua rất buồn cười nhưng miễn con yêu tiếng Việt và say sưa nói là được. Trẻ con rất yêu từ tượng thanh nên ghi nhớ rất lâu.

Mẹ Việt ở Mỹ bật mí 6 bí quyết dạy con giỏi tiếng Việt - Ảnh 2.

Mỗi lần chở con đi học, chị Quí Hà luôn tả cảnh cho con bằng các câu ngắn gọn, nhờ đó con học tiếng Việt nhanh hơn (Ảnh: NVCC)

Đọc sách/kể chuyện tiếng Việt cho con hàng ngày

Từ khi con mình 4-6 tuổi gần như ngày nào mình cũng đọc truyện cho con trước khi đi ngủ. Mình cố tình đọc truyện tiếng Việt diễn cảm hơn để con mê mẹ đọc tiếng Việt hơn tiếng Anh. Mình còn kể chuyện tiếng Việt rất nhiều lần. Đến mức con mình có thể thuộc và cùng kể với mình. Đến 5 tuổi con mình bắt đầu đọc được tiếng Việt nhờ đọc sách cùng mình. Cháu thuộc từ như kiểu học từ vựng tiếng Anh chứ không hề biết đánh vần.

Khi con đọc được khoảng 5 truyện thành thạo thì mình dạy con đánh vần kiểu tiếng Việt. Việc dạy đánh vần diễn ra khi đọc sách nhưng thường xuyên nhất là trên đường đưa con đi học. Gặp gì mình cũng đánh vần và đề nghị con lặp lại, dần thành quen cho đến con mình đánh vần thành thạo. Đến nay, thi thoảng gặp từ khó như từ "dòng sông" thì mình hỏi con dòng dùng "gi" hay "d" sông dùng "o" hay "ô".

Viết bằng tiếng Việt: nhật ký và chính tả

Ở Mỹ trẻ 3-4 tuổi đi học mẫu giáo đã được phát giấy cho viết và vẽ linh tinh. Mình thấy việc "vẽ viết linh tinh" này áp dụng rất tốt cho việc học tiếng Việt. Khi con dưới 5 tuổi, mình cho con vẽ và viết từng từ nghệch ngoạc. Từ đầu tiên là tên con, rồi các từ thân thuộc như "ba", "mẹ" Từ nào con không viết được thì mình hỏi con muốn viết gì, mình sẽ viết thay. Từ 5-8 tuổi, mình đọc chính tả thường là 2 lần/tuần cho con. Có khi con chỉ cần viết 2 câu thơ, miễn duy trì thói quen viết.

Mình mua cho con cuốn nhật ký giấy màu rất đẹp có điền các chủ đề sẵn (bằng tiếng Việt) như "môn học yêu thích của bạn ở trường" "một ngày lý tưởng của bạn là như thế nào" mình khuyến khích con viết nhật ký từ vài câu đến một đoạn văn. Nguyên tắc của mình là không viết quá 20 phút tránh gây nhàm chán và áp lực cho con.

Mẹ Việt ở Mỹ bật mí 6 bí quyết dạy con giỏi tiếng Việt - Ảnh 3.

Khi con dưới 5 tuổi, mình cho con vẽ và viết từng từ nghệch ngoạc (Ảnh: NVCC).

Cùng con xem phim hoạt hình và gameshow truyền hình

Trẻ con đứa nào mê xem ipad. Mình dùng ipad để xem phim hoạt hình và gameshow với con như là một hoạt động học tiếng Việt hữu hiệu. Phải nói luôn là, vợ chồng mình người miền Trung, nói chuyện toàn nói tiếng địa phương. Con mình sinh ra và lớn lên ở Hà Nội 2 năm nhưng sang Mỹ cũng nói đặc tiếng miền trong, không phân biệt dấu hỏi và ngã. Xem các chương trình này, mình giải thích cho con sự khác biệt giữa tiếng địa phương và tiếng phổ thông. Nhưng cần lưu ý là nên giới hạn thời gian và xem cùng để giải thích cho con chứ không để con nghịch ipad.

Chat với ông bà họ hàng ở Việt Nam

Mình may mắn là bà ngoại và nội có sang Mỹ giúp mình trông con và chăm bé khi mình sinh bé thứ hai. Nói chuyện hàng ngày với ông bà giúp con cải thiện tiếng Việt đáng kể. Những khi ông bà về, mình luôn đề nghị con chat với ông bà, chia sẻ với ông bà những chuyện ở trường lớp. Mình cũng khuyến khích con chat với anh họ hơn con một tuổi như thế con có nhiều chuyện chia sẻ và dễ đồng cảm hơn. Ngôn ngữ của con nhờ thế cũng được "trẻ hóa" hơn so với việc suốt ngày nói chuyện với người lớn.

Dạy con tiếng Việt không bao giờ là dễ dàng đối với những gia đình cả bố mẹ đều đi học và đi làm ở nước ngoài. Quan trọng nhất với mình chính là việc xác định tâm thế duy trì tiếng Việt cho con. Và để việc dạy con hiệu quả, mình nghĩ cần đồng hành cùng con trong việc học, tạo môi trường học thoải mái và tự nhiên để con cảm thấy vừa yêu tiếng Việt và vừa như được chơi với tiếng Việt nhờ tương tác với ba mẹ và người thân.

Vài nét về tác giả

Chị Quí Hà hiện theo học ngành Điện ảnh và Media tại trường Đại học Nam California. Con trai chị là bé Rinh Rinh, 8 tuổi, đang học lớp 3. Hiện gia đình chị đang sống tại Los Angeles, Mỹ.

Theo Trí Thức Trẻ

Mẹ Việt ở Mỹ

dạy con giỏi tiếng Việt


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.