
Tôi tên Hà, cưới chồng được 4 năm, sống ở Hà Nội. Chồng tôi tên Dũng, là con trai trưởng. Nhà chỉ có một cô em gái út tên Trâm kém tôi 3 tuổi, tính tình thì… khỏi nói, xéo sắc khỏi chỉnh, soi mói thành bản năng.
Ngày mới cưới, Trâm còn đang học đại học. Dũng thương em, bảo cho em gái ở cùng để “đỡ tốn tiền trọ, có chị dâu nấu nướng chăm chút”.
Nghe thì hợp lý nhưng sống cùng mới biết, tôi đâu phải chị dâu mà thành ôsin không lương toàn thời gian.
Trâm ở nhà suốt, nhưng không bao giờ đụng tay nấu nướng. Cơm nước tôi lo, dọn dẹp tôi làm, nó ăn xong là "bốc hơi về phòng, khóa cửa cày phim". Lúc nào cũng tỏ vẻ chảnh chọe, nói chuyện với chị dâu như bà chủ nói với người làm.
Tôi nấu canh cua, bị chê tanh.
Tôi nấu thịt kho, bị kêu nhạt.
Tôi dọn nhà, em chồng chép miệng: “Chị lau thế này thì bụi vẫn còn kìa!”
Dũng thấy, nhiều lần nổi đóa nhưng tôi gạt đi. Tôi không thích làm to chuyện, phần vì không muốn mang tiếng “chị dâu ghê gớm”.

Rồi Trâm cũng lấy chồng, dọn ra riêng. Tôi tưởng từ đây sẽ nhẹ gánh, nhưng đâu có. Mỗi lần mẹ chồng gửi đồ quê lên, là y như rằng Trâm sẽ tự động “ghé qua lấy phần”, rồi tiện tay… lấy luôn phần ngon nhất.
Mẹ gửi gà ta – Trâm lấy nguyên con, để lại cho tôi mấy bộ lòng.
Mẹ gửi trứng – Trâm lựa quả to...
Tôi không nói gì. Vì tôi biết, mỗi người sống sao, thì tự cuộc đời sẽ phản hồi lại vậy.
Cho đến hôm đó.
Mẹ chồng tôi gửi xe khách lên một hũ mắm tép, đặc sản nhà làm. Bà gọi cho tôi: “Mẹ gửi hũ mắm, con giữ mà ăn từ từ. Trâm có qua thì cho nó một ít, nhưng mẹ có dặn trong đó rồi.” Tôi đi lấy hàng, về còn chưa kịp mở. Đúng 15 phút sau, Trâm bấm chuông, cười tươi như hoa: “Mẹ gửi đồ à? Cho em xin hũ mắm nhé, em thèm lắm!”
Tôi còn chưa kịp nói thì Trâm đã nhanh tay mở nắp thùng xốp, lấy hũ mắm ra… rồi bỗng khựng lại.
Trong túi nylon buộc trên nắp hũ là mảnh giấy… Chữ của mẹ chồng tôi, nghiêng nghiêng nhưng rất rõ ràng: "Mắm này mẹ làm cho chị Hà. Mắm nhà làm không nhiều, Trâm ăn thì chị chia cho ít thôi nhé. Đừng lấy cả, mẹ biết đấy."
Trâm tím mặt, không còn cười nữa. Cô ấy đặt hũ mắm xuống, lí nhí: “Thôi… chị để lại ăn đi, em… em về có việc rồi.”
Tối đó, mẹ chồng gọi: “Con à, mẹ biết hết. Không phải mẹ thiên vị, nhưng sống với nhau, ai tốt là mẹ biết. Con cứ yên tâm, mẹ không để con chịu thiệt đâu.”
Tôi ngồi trong bếp, nhìn hũ mắm vẫn còn nguyên, bật cười.
Không phải vì tôi thắng mà vì lần đầu tiên sau nhiều năm làm dâu, tôi biết chắc: Mình không cô độc.
Tôi không giành giật. Tôi không chanh chua. Tôi không phải người giỏi nịnh nọt. Nhưng tôi sống có chừng mực, biết điều. Và điều đó… cuối cùng cũng đủ để được người đáng quý thương mình thật lòng.

Theo Thương trường