Ở cữ tại quê chồng và nỗi oan khó giải của cô con dâu thành phố

Xuất viện được một tuần, chồng Thảo đưa hai mẹ con về quê ở cữ. Vì Thảo rất yếu, cần có người giúp đỡ.

Được vài hôm đã thấy bà thím sang thủ thỉ: “Con N. nó trách cháu đấy. Em chồng về chơi mà chị dâu cứ khinh khỉnh, ru rú ôm con trên phòng chẳng thèm chuyện trò hỏi han”...

Ngày Thảo sinh con trai, gia đình hai bên nội ngoại vui không kể xiết. Sau mấy năm trời chạy chữa khắp nơi, cuối cùng niềm mong ước của vợ chồng Thảo về một thiên thần bé nhỏ cũng đã trở thành sự thật. Những tưởng rằng từ đây cuộc sống của Thảo sẽ toàn niềm vui và tiếng cười, không còn những sự giục giã, những câu gièm pha, những chì chiết bòng gió. Nhưng Thảo thật không ngờ, bên cạnh niềm hạnh phúc còn có nhiều thứ khác đang chờ đợi cô…

Con Thảo chẳng dễ ăn dễ ngủ như con người ta mà lại hay quấy khóc. Lúc Thảo còn nằm viện sau sinh, mẹ đẻ và mẹ chồng đã phải thay phiên nhau bế ẵm suốt đêm. Trong khi đó những bé khác cùng phòng ngủ rất ngon lành, có khóc cũng chỉ một chút rồi thôi. Mỗi buổi sáng, buổi chiều có 2- 3 tiếng bệnh viện không cho người nhà vào, Thảo thấy quãng thời gian ấy thật đáng sợ vì con cứ khóc ngằn ngặt mà những vết khâu của cô đau đớn đến mức không thể tự bế con lên được, đến pha sữa cho con cũng phải cố lết mà đi. Những sản phụ khác trong phòng cứ nhìn Thảo như thể cô là một người mẹ tồi tệ lắm. Dường như cái cảm xúc lâng lâng vui sướng khi nghe tiếng khóc chào đời của con đã bay biến đi đâu mất.

Xuất viện được một tuần, chồng Thảo đưa hai mẹ con về quê ở cữ. Vì Thảo rất yếu, cần có người giúp đỡ. Căn phòng trọ ở thành phố chật chội, chồng Thảo làm ở xa, phải đi sớm về khuya nên không thể chăm lo cho hai mẹ con, đành đưa về quê nhờ vả ông bà nội. Thảo không muốn xa chồng nhưng cũng ngậm ngùi chấp nhận, chẳng còn cách nào khác.

Ở cữ tại quê chồng và nỗi oan khó giải của cô con dâu thành phố - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Ở quê, Thảo được mẹ chồng chăm sóc chu đáo. Tháng đầu sau sinh, vết khâu còn đau, đi lại khó khăn nên mỗi bữa mẹ chồng Thảo mang cơm lên tận phòng. Rồi suốt hai tháng trời việc cơm nước, giặt giũ cô không hề phải động tay, chỉ có việc chăm con và nghỉ ngơi. Nhiều người so bì bảo Thảo sướng, chẳng như họ sinh xong ít ngày đã phải làm lụng việc này, việc kia. Chẳng ai hiểu Thảo cũng có những nỗi khổ riêng mà không thể nói.

Chồng Thảo hai tuần mới về thăm mẹ con cô được một hôm rồi lại đi, chẳng tâm sự hay chia sẻ được nhiều với vợ. Bố mẹ chồng cũng còn bận nhiều việc, ông bà cũng không khó khăn xét nét gì Thảo nhưng vốn trầm tính, lại chưa quen nề nếp sinh hoạt ở nhà chồng, cô cứ thấy cuộc sống gượng gạo thế nào. Có nhiều lúc cô thấy cô đơn dù không phải sống một mình. Lắm khi lại mệt mỏi vì mấy người họ hàng đến thăm cứ chuyện trò đủ mọi thứ tràng giang đại hải cả tiếng đồng hồ, Thảo thèm được nằm xuống một chút để nghỉ ngơi.

Mấy tháng sống ở nhà chồng, Thảo gần như chỉ quanh quẩn trong căn buồng nhỏ với đứa con trai, kiêng cữ nên lúc nào cũng phải đóng cửa cho kín gió. Cô không sợ sự ngột ngạt trong căn buồng ấy mà sợ một thứ khác: tiếng khóc của con trai mình. Con Thảo rất nhạy cảm với âm thanh, chỉ một tiếng động nhỏ cũng làm bé thức giấc. Nhà chồng Thảo lại ở ngay cạnh đường, cả ngày cả đêm ô tô qua lại nườm nượp, tiếng còi vang inh ỏi. Con trai cứ thức giấc liên tục rồi khóc ré lên, Thảo lại vội vàng ôm con dỗ dành mà nơm nớp lo rằng con chưa kịp say ngủ đã lại có một hồi còi khác. Nhiều đêm con khóc ngằn ngặt, Thảo vừa mệt mỏi lại vừa sợ làm mất giấc ngủ của bố mẹ chồng, sợ ông bà trách mỗi việc chăm con cũng làm không xong. Cứ mỗi ngày, chuyện con giật mình tỉnh giấc đã trở thành một nỗi ám ảnh với Thảo. Tâm trí cô lúc nào cũng quay cuồng với tiếng khóc như xé vải của đứa con trai.

Chiều hôm ấy, bác hàng xóm sang tìm mẹ chồng Thảo, muốn mượn món đồ gì đó nhưng mẹ chồng Thảo không có nhà. Bác cất tiếng gọi to mấy câu nhưng con vừa ngủ nên Thảo ở trên tầng hai chưa dám đặt con xuống, cũng không thể bế con đi vì vết khâu vẫn đang đau nên cô đành ở trên phòng mà trả lời. Thảo không dám nói to, sợ con lại khóc. Cứ tưởng bác hàng xóm nghe thấy rồi nên đi về, nào ngờ hôm sau mẹ chồng Thảo trách bác ấy gọi mà Thảo ở nhà không thèm trả lời. “Người ta bảo nhà này có cô con dâu kiêu quá, không có mồm nói chuyện với người ở quê”, bà bảo.

Được ba tháng, con Thảo vẫn chưa hết quấy khóc. Cô em chồng về chơi mấy hôm, Thảo bế con xuống ngồi chơi nói chuyện chỉ được một lúc là con lại quấy, phải về phòng yên tĩnh bé mới chịu ngủ. Được vài hôm đã thấy bà thím sang thủ thỉ: “Con N. nó trách cháu đấy. Em chồng về chơi mà chị dâu cứ khinh khỉnh, ru rú ôm con trên phòng chẳng thèm chuyện trò hỏi han”.

Thảo chỉ im lặng. Căng thẳng, đau đớn sau sinh với những trận khóc của con đã đủ làm cô mệt mỏi, giờ lại thêm những chuyện như thế này. Thảo vốn hay nghĩ ngợi, cứ tự trách mình rồi lại khóc. Dù rất biết ơn mẹ chồng chăm sóc chu đáo cho mình, nhưng Thảo vẫn thầm mong sớm đến ngày trở lại thành phố. Khi có chồng bên cạnh, khi được sống trong không gian riêng tư bé nhỏ của mình, tâm trạng cô hẳn sẽ thay đổi theo chiều hướng tích cực hơn.

Theo Trí Thức Trẻ


nhà chồng

ở cữ

con dâu thành phố

mẹ chồng chu đáo


Đưa hôn nhân qua mùa... thất vọng
Thất vọng là một "liều thuốc độc" của hôn nhân. Nó không gây ra cái chết ngay lập tức mà từ từ ngấm vào cuộc hôn nhân và đến một ngày, nếu không phát hiện ra mà "chữa" kịp thời, hôn nhân sẽ tử vong…

Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.