Những cải tiến chữ viết tiếng Việt theo âm vị học

Theo dịch giả Nguyễn Việt Long, do chưa nghiên cứu thấu đáo về âm vị, PGS Bùi Hiền mới chỉ nhìn một chiều mà quên xem xét chiều ngược lại.

Theo dịch giả Nguyễn Việt Long, do chưa nghiên cứu thấu đáo về âm vị, PGS Bùi Hiền mới chỉ nhìn một chiều mà quên xem xét chiều ngược lại.




PGS Bùi Hiền: Tôi không cải tiến chữ viết chỉ để 'cho vui' Theo PGS Bùi Hiền, việc cải tiến chữ viết là tâm huyết cả cuộc đời chứ không phải chỉ để... cho vui.

Trước những tranh luận về đề xuất cải tiến chữ viết tiếng Việt lần thứ hai của PGS.TS Bùi Hiền, tác giả Nguyễn Việt Long cho rằng do chưa nghiên cứu thấu đáo về âm vị nên PGS Bùi Hiền mới chỉ nhìn một chiều mà quên xem xét chiều ngược lại: Một tổ hợp chữ cái ghi hai âm vị khác nhau, nên đề xuất của ông đã để lộ sai sót.

Zing.vn xin giới thiệu bài viết của ông Nguyễn Việt Long về vấn đề này. Bài viết thể hiện quan điểm và văn phong của tác giả:

Đã có nhiều đề xuất cải tiến chữ viết tiếng Việt trong thế kỷ 20, nhưng những đề xuất cải tiến theo nguyên tắc âm vị học chỉ bắt đầu với Nguyễn Bạt Tụy và được Hoàng Phê tiếp nối. Thế kỷ 21 dường như chỉ có hai đề xuất cải tiến chữ viết theo hướng này của PGS Phan Ngọc và đề xuất mới nhất của PGS Bùi Hiền.

Trước hết, để hiểu cải tiến theo nguyên tắc âm vị học mà các tác giả đưa ra, ta cần tìm hiểu lại khái niệm âm tiết và âm vị.

Âm tiết và âm vị trong tiếng Việt

Tiếng Việt là ngôn ngữ đơn tiết, mỗi âm tiết (còn gọi là tiếng) được phát âm riêng biệt. Mỗi âm tiết gồm nhiều nhất là 3 bộ phận: Âm đầu, vầnthanh điệu, trong đó âm đầu không nhất thiết phải có.

Vần lại chia nhỏ thành 3 phần âm đệm, âm chínhâm cuối, trong đó chỉ âm chính là nhất thiết phải có, 2 phần còn lại có thể không xuất hiện. Như vậy, một âm tiết đầy đủ sẽ có 5 thành phần cơ sở âm đầu, âm đệm, âm chính, âm cuốithanh điệu. Một âm tiết tối thiểu phải có hai thành phần là âm chínhthanh điệu.

Âm đầu, âm đệm, âm chính âm cuối đều được coi là những đơn vị nhỏ nhất của ngôn ngữ và được gọi chung là âm vị. Âm vị là khái niệm trừu tượng, có chức năng khu biệt nghĩa. Âm vị được ký hiệu bằng hệ ký tự phiên âm quốc tế IPA và được đặt trong dấu gạch chéo (/), có khi dùng dấu ngoặc vuông ([]).

Do sự phát âm của mỗi vùng miền hơi khác nhau hoặc do giọng điệu của từng người, thậm chí do sự thẩm âm mà có một vài chênh lệch không lớn trong ký hiệu phiên âm quốc tế IPA của cùng một âm tiết.

Wiktionary có ghi phiên âm quốc tế của mỗi từ với năm giọng phát âm riêng biệt của các địa phương Hà Nội, Huế, Sài Gòn, Vinh - Thanh Chương (Nghệ An) và Hà Tĩnh.

Ngoài ra, tiếng Việt có 6 thanh điệu (thanh ngang hay không dấu và 5 thanh còn lại được ghi bằng năm dấu huyền, ngã, hỏi, sắc, nặng) gắn liền với âm tiết, bao trùm lên cả âm tiết và có chức năng như một loại âm vị đặc biệt, được gọi là âm vị siêu ngữ đoạn.

Hiện nay, đa số nhà ngôn ngữ công nhận tiếng Việt có 22 âm vị phụ âm, 14 âm vị nguyên âm (11 nguyên âm đơn và 3 nguyên âm đôi) và 2 âm vị bán nguyên âm, tổng cộng là 38 âm vị (không tính 6 thanh điệu).

Nhung cai tien chu viet tieng Viet theo am vi hoc hinh anh 1
Dịch giả Nguyễn Việt Long. Ảnh: NVCC.

Có một vài quan niệm chi tiết hơn khiến số âm vị tăng lên không nhiều. Trung tâm Từ điển học Việt Nam (Vietlex), nơi kế thừa và phát triển Từ điển tiếng Việt do GS Hoàng Phê chủ biên trước đây, ghi nhận có cả thảy 41 âm vị (thêm phụ âm zero và chi tiết hóa 2 nguyên âm như sẽ nêu dưới đây).

- 22 phụ âm là /b/ (được ghi bằng chữ b), /k/ (được ghi bằng các chữ c, k hoặc q), /d/ (đ), /ɣ/ (g hoặc gh), /h/ (h), /l/ (l), /m/ (m), /n/ (n), /p/ (p), /ʐ/ (r), /ʂ/ (s), /t/ (t), /v/ (v), /s/ (x), /c/ hoặc /t͡ɕ/ (ch), /z/ (d hoặc gi), /χ/, /x/ hoặc /kʰ/ (kh), /ŋ/ (ng hoặc ngh), /ɲ/ (nh), /f/ (ph), /t’/ hoặc /tʰ/ (th), /ʈ/ hoặc /ʈ͡ʂ/ (tr).

Như vậy, ta thấy ở đây vẫn phân biệt các cặp phụ âm d/gi và r, x và s, ch và tr theo phát âm của miền Trung và miền Nam. Có người thêm phụ âm zero, kí hiệu /Ɂ/, gọi là âm tắc thanh hầu, để biểu thị động tác khép kín khe thanh, sau đó mở ra đột ngột gây nên một tiếng bật (như trong từ “ăn ở”), nâng tổng số phụ âm lên 23.

- 14 nguyên âm gồm 11 nguyên âm đơn: /a/ (được ghi bằng chữ a), /ă/ (ă), /ɤ̆/ hoặc /ə̆/ (â), /ε/ (e), /e/ (ê), /i/ (i hoặc y), /ɔ/ (o), /o/ (ô), /ɤ/ hoặc /ə/ (ơ), /u/ (u), /ɯ/ hoặc /ɨ/ (ư); và 3 nguyên âm đôi: /ie/ hoặc /iə/ (ia hoặc ), /uo/ hoặc /uə/ (ua hoặc ), /ɯɤ/, /ɯə/ hoặc /ɨə/ (ưa hoặc ươ).

Có người phân biệt âm e dài (như e trong các từ “kẻng”, “e thẹn”) và e ngắn (như atrong từ “cảnh”, “nhanh”) và o dài (như o/oo trong từ “xoong”, “co ro”) và o ngắn(như o trong các từ “xong”, “học”), đưa tổng số nguyên âm lên 16.

- 2 bán nguyên âm là /w/ hoặc /u̯/ (như o hoặc u trong các từ “hoạnh họe”, “lẽo đẽo”, “tuy”, “đìu hiu”) và /j/ hoặc /ĭ/ (như i hoặc y trong các từ “tai”, “tay”, “lủi thủi”).

Âm đầu của âm tiết sử dụng tất cả 22 âm vị phụ âm. So với bảng chữ cái tiếng Việt gồm 29 chữ cái, trong đó có 17 chữ cái sử dụng làm phụ âm để ghi 15 âm vị (B, C, D, Đ, G, H, K, L, M, N, P, Q, R, S, T, V, X) thì còn thiếu 7 phụ âm, do đó những âm vị phụ âm này hiện nay phải dùng cụm 2 chữ cái (CH, KH, NG, NH, PH, TH, TR).

Âm chính có 11 nguyên âm đơn, sử dụng 12 chữ cái (A, Ă, Â, E, Ê, I, O, Ô, Ơ, U, Ư, Y) và 3 nguyên âm đôi, sử dụng cụm 2 chữ cái (IA, IÊ, UA, UÔ, ƯA, ƯƠ).

Âm đệm gồm 2 bán nguyên âm, sử dụng 4 chữ cái (I, Y, O, U).

Cải tiến chữ viết dựa trên âm vị học

Có thể coi nhà nghiên cứu dân tộc học và ngôn ngữ học Nguyễn Bạt Tụy (1920-1995) là người mở đầu xu hướng cải tiến chữ viết theo nguyên tắc âm vị học (mỗi âm vị được ghi bằng một ký tự hoặc cụm ký tự riêng biệt không trùng với cách ghi âm vị khác).

Ông đã có những khám phá mới về âm vị tiếng Việt và đề xuất nguyên tắc ghi âm dựa trên âm vị (mà ông gọi là âm tiêu) trong cuốn Chữ và vần Việt khoa học (1950) và được hỗ trợ bởi những thí nghiệm tại Viện Phát âm Paris, nay là Viện Ngôn ngữ và Phát âm tổng quan và ứng dụng (ILPGA).

Nguyễn Bạt Tụy đã bỏ 2 chữ ă â với lý do đó chỉ là a và ơ có giọng ngắn chứ không phải nguyên âm riêng biệt và dùng â để thay cho ơ.

Ông bổ sung 7 ký tự vào bộ chữ cái: ç(có trong tiếng Pháp) để thay ch, j để thay gi, z để thay d, ký tự phiên âm quốc tế ŋ (hoặc để nguyên ng cho tiện hơn) để thay ngngh, ñ (có trong tiếng Tây Ban Nha, hoặc nk cho tiện hơn) để thay nh, w để biểu thị bán nguyên âm thay cho o hoặc u (như eo thành ew, yêu thành iêw, loại thành lwạy, quá thànhkwá), đặt dấu “>” (về sau dùng dấu “˘”cho tiện hơn) trên phụ âm cuối (hoặc bán nguyên âm cuối) để cho thấy nó đã tác động đến nguyên âm đứng trước thành nguyên âm ngắn để bỏ 2 chữ ă và â vẫn dùng với âm /ă/ (“á”) và /ɤ̆/ (“ớ”).

Ông còn thay đ bằng d, bỏ h trong gh, dùng k cho cả 3 chữ c, kq, dùng x cho cả xs, thay nguyên âm y bằng i (chỉ dùng y khi là bán nguyên âm ở cuối âm tiết).

Ông đã phát hiện ra rằng các cụm ký tự chnh ở đầu âm tiết và cuối âm tiết thể hiện những âm vị khác nhau, nên đề xuất viết chích thành çík, nhanh thành ñeŋ + >.

Ngoài ra, Nguyễn Bạt Thụy còn có một số thay đổi khác như thay đổi các phụ âm cuối cho phù hợp với âm vị và việc thay ăâ trước chúng bằng a, thay ơ bằng â (ví dụ ac, ăc, ăn, ap, ăp, at, ăt, ay, ây, ec, êt, óc, ooc, ôc, ôt, ơi, ơm, ơn lần lượt thành ag, ak, an, ab, ap, ad, at, ey + >, êy + >, eg, êd, ók, og, ôg, ôd, ây, âm, ân).

Dấu thanh điệu được đánh đúng vào nguyên âm phát âm chính trong tổ hợp nguyên âm, ví dụ dìew(điều), lữây (lưỡi). Dù đã chú ý đến khó khăn của việc sắp chữ ty-pô và đánh máy chữ thời ấy (ông cho rằng các nhà in sẽ tự đúc con chữ mới thay cho việc nhập con chữ của Pháp). Cải cách của Nguyễn Bạt Tụy quá mới mẻ và triệt để nên thoạt nhìn khá khác biệt và không được hưởng ứng.

Nhung cai tien chu viet tieng Viet theo am vi hoc hinh anh 2
Bài thơ “Thói đời” của Nguyễn Công Trứ qua lối viết cải cách của Nguyễn Bạt Tụy.

Tiếp nối xu hướng này, GS Hoàng Phê (1919-2005) đã dày công nghiên cứu và đề xuất cải cách chữ viết theo từng bước một, tránh gây sốc trong một chuyên khảo Vấn đề chữ quốc ngữ (1961). Bộ chữ cái được thêm các chữ f, wz.

Ông cũng có những điểm đề xuất giống như của Nguyễn Bạt Tụy như thay đ bằng d, dùng k cho cả 3 chữ c, kq, bỏ h trong gng, thay nguyên âm y bằng i (chỉ dùng y khi là bán nguyên âm ở cuối âm tiết), dùng w để biểu thị bán nguyên âm u, tiến tới thay cả bán nguyên âm o.

Ông đề xuất thay cả dgi bằng z, thay ph bằng f. Ông còn có những đề xuất khác để phiên âm tên nước ngoài. Tuy nhiên những đề nghị này không được thực hiện.

Đề xuất cải tiến của PGS Phan Ngọc

Trong cuốn Hình thái học trong từ láy tiếng Việt (2013), PGS Phan Ngọc chỉ nêu cách cải tiến tối thiểu bám sát âm vị mà không gây nhiều xáo trộn.

Ông viết: "Có lẽ nên giải quyết một vài hiện tượng gây rắc rối cho việc sử dụng và viết lại các nguyên âm cho ổn. Cần ra một tờ báo viết theo cách viết mới để giúp bạn đọc quen với cách viết này, sau đó mới bàn đến việc cải tiến chữ Quốc ngữ”.

Về âm vị phụ âm, ông dùng c thay cho cả 3 chữ c, kq, dùng z thay cho cả dgi, bỏ h trong ghngh, y được thay bằng i (ví dụ: thay ay, ây bằng ăi, âi). Ông bổ sung w để ghi âm đệm thay cho ou: wa, wă, wâ, we, wê, wi, wơ thay cho oa/ua, oă/uă, oâ/uâ, oe/ue, uê, uy, uơ.

Như vậy, có 2 chữ cái bị loại bỏ (qy), còn k vẫn dùng trong kh, 2 chữ cái mới được thêm vào là wz. 3 nguyên âm đôi ia, ua, ưa thống nhất viết là iê, uô, ươnhư trong trường hợp có phụ âm cuối (bia, thua, mưa thành biê,thuô,mươ)

Một số vần được viết lại ao, au thành au, ău; ách, anh, eng thành ec, eng, eeng (nhanh, xẻng thành nheng, xeẻng); eo thành eu (nghèo thành ngèu). Các âm cuối ch, nh sẽ thành k, ng (ếc, bệng, thíc).

Nhung cai tien chu viet tieng Viet theo am vi hoc hinh anh 3
Đoạn đầu trong "Tuyên ngôn độc lập" của Chủ tịch Hồ Chí Minh áp dụng cách viết của PGS Phan Ngọc, trích từ sách của tác giả Phan Ngọc (những chữ nghiêng là những chữ có cách viết mới).

Đề xuất cải cải tiến của PGS Bùi Hiền

Với đề xuất gần đây nhất, PGS Bùi Hiền mong muốn đạt được mục đích “mỗi chữ cái chỉ biểu đạt một âm vị và mỗi âm vị chỉ có một chữ cái biểu đạt”. Trong phần I về phụ âm, ông hợp nhất hai âm được biểu thị bằng cụm chữ chtr làm một (theo giọng Hà Nội), do đó giảm được 1 âm vị phụ âm, vậy tiếng Việt còn 21 âm vị phụ âm.

Tiếng Việt sẵn có 17 chữ cái sử dụng làm phụ âm, ông bỏ chữ đ và bổ sung thêm 4 chữ cái nữa là f, j, w, z chỉ để ghi phụ âm, nâng tổng số chữ cái ghi phụ âm lên 20. Ông phân bổ lại sao cho mỗi chữ cái chỉ ghi một phụ âm, như vậy vẫn còn thiếu một chữ cái, do đó ông “sáng tạo” thêm một ký tự phụ âm. Đó chính là trường hợp phụ âm /ɲ/ mà cách ghi cũ là nh và tạm thay bằng n’ hoặc giữ nguyên mà tương lai sẽ ghép dính hai chữ nh thành một chữ.

Tuy nhiên, do chưa nghiên cứu thấu đáo về âm vị nên PGS Bùi Hiền mới chỉ nhìn một chiều mà quên xem xét chiều ngược lại: Một tổ hợp chữ cái ghi 2 âm vị khác nhau, nên đề xuất của ông đã để lộ sai sót.

Đó là trường hợp tổ hợp chữ chnh cũ (được thay bằng cn’) mà Nguyễn Bạt Tụy đã phát hiện từ hơn nửa thế kỷ trước và các sách ngữ pháp tiếng Việt hiện nay đều ghi nhận: Âm đầu chnh phát âm khác âm cuối chnh (âm cuối ch giống như k và âm cuối nh giống như ng).

Cuốn Ngữ pháp tiếng Việt của Trung tâm Khoa học Xã hội & Nhân văn Quốc gia, Nhà xuất bản Khoa học Xã hội, 2002 có ghi: “Sự thật, giữa các âm cuối ngnh, cũng như giữa các âm cuối cch có sự khác nhau phần nào trong cách phát âm, do chịu ảnh hưởng của âm giữa [tức âm chính], song ng (nh) vẫn là một, chứ không phải hai âm vị, và c (ch) cũng vậy”.

Ngoài ra, lối phân bổ chữ cái không theo thông lệ quốc tế cũng như Việt Nam khi dùng q thay thw thay ng (đảo ngược so với lần công bố đầu tiên) đã khiến chữ viết trở nên lộn xộn, rối rắm, đi ngược xu hướng hội nhập. Theo thói quen, người nước ngoài sẽ đọc sai tiếng Việt và người Việt sẽ đọc sai ngoại ngữ nếu áp dụng đề xuất này. Chịu ảnh hưởng tệ hại nhất sẽ là tên riêng của người Việt và địa danh Việt Nam.

Phần II về nguyên âm thì khá sơ sài và mắc nhiều sai sót về kiến thức khi tác giả xếp lẫn lộn cả nguyên âm đôi và bán nguyên âm vào cùng một mục nguyên âm ngắn: “thua” và “thuở” xếp cùng “tuy”, “quy” trong mục “u ngắn”, còn “cưa”, “thưa”, “nhựa”, “cưới” xếp cùng “ứ ừ” trong mục “ư ngắn”.

Tác giả kê ra một bảng hệ thống nguyên âm tiếng Việt có 16 âm vị (đồng thời là nguyên âm) nhưng một số ví dụ về một âm vị lại không đúng, cụ thể như dòng 1 âm vị a, nhưng có ví dụ “anh” là không đúng; hai âm vị i (số 8) và y (số 16) dựa theo ví dụ đi kèm (mi, ti, ty, ly) thì chỉ là một âm vị được ghi bằng hai chữ cái khác nhau.

Đoạn dưới tác giả lại khẳng định rằng “trong hệ thống nguyên âm tiếng Hà Nội trên thực tế đang tồn tại có 18 nguyên âm và hợp thành 9 đôi nguyên âm đối lập “dài, mạnh > < ngắn, nhẹ” cũng không có cơ sở nào cả. Thực tế chỉ có 13 nguyên âm đơn, 3 nguyên âm đôi, hai bán nguyên âm chứ không hề có “9 đôi nguyên âm đối lập”.

Tác giả dùng sai cả thuật ngữ khi nói 6 thanh điệu là “6 đơn vị siêu âm đoạn tính”! PGS Bùi Hiền cũng giải quyết hiện tượng nguyên âm đôi được ghi bằng những cụm chữ cái khác nhau đang tồn tại trong tiếng Việt (dùng iê, uô, ươ thay cho ia, uô, ươ) nhưng lại cho rằng những trường hợp đó là hai âm vị (/i/, /ê/, /u/, /ô/, /ư/, /ơ/), mâu thuẫn với quan niệm phổ biến hiện nay.

Tốt nghiệp Đại học Năng lượng Moskva năm 1981, ông Nguyễn Việt Long, Phó giám đốc Công ty Văn hóa Giáo dục Long Minh, đã hoạt động trong ngành xuất bản hơn 30 năm và từng công tác tại các Nhà xuất bản Khoa học Kỹ thuật và Lao động.

Ông đã tham gia biên soạn một số từ điển chuyên ngành và dịch một số tác phẩm của S. Maugham, Hàm cá mập của P. Benchley và nhiều sách kiến thức khác.


Theo Zing

tiếng Việt

cải tiến tiếng Việt

GS Bùi Hiền


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.