4 việc phụ huynh càng làm càng ảnh hưởng đến con và khiến giáo viên mệt mỏi

Không phải phụ huynh nào cũng hiểu chuyện và "được lòng" giáo viên.

Ngày nay, sự phối hợp giữa gia đình và nhà trường trong việc chăm sóc, dạy dỗ trẻ càng được quan tâm. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, việc duy trì mối quan hệ tốt đẹp này sẽ giúp trẻ có một môi trường thuận lợi để phát triển, từ đó, nâng cao thành tích học tập, rèn luyện.

Tuy nhiên, không phải phụ huynh nào cũng hiểu chuyện và "được lòng" giáo viên. Nhất là khi các nhóm chat để trao đổi giữa nhà trường và cha mẹ học sinh phổ biến, cũng xuất hiện nhiều kiểu phụ huynh "vô ý vô tứ", không chỉ khiến giáo viên mệt mỏi mà còn có thể ảnh hưởng đến con cái họ.

4 việc phụ huynh càng làm càng ảnh hưởng đến con và khiến giáo viên mệt mỏi-1

Ảnh minh họa

1. Công khai tố cáo giáo viên

Có câu chuyện từng được chia sẻ và thu hút sự chú ý: Một học sinh tiểu học nội trú, học kỳ đầu tiên thường xuyên nhớ mẹ và muốn về nhà. Khi về thăm mẹ vào cuối tuần đầu tiên, đứa trẻ đã khóc và đưa ra rất nhiều lý do để không đến trường nữa. Chẳng hạn ở trường đồ ăn không ngon, mì xào liên tục ăn ba ngày liền, các bữa khác đều không ăn được. Nếu ăn không đủ và xin cô giáo đồ ăn, không những không được cho thêm mà bị trách ăn nhiều. Ăn xong các em phải tự rửa bát, nếu không sẽ bị giáo viên đánh.

Người mẹ nghe vậy rất tức giận, lập tức nhắn tin trong nhóm phụ huynh, hỏi giáo viên: "Học sinh đang lớn, thức ăn ở trường có đảm bảo cung cấp đủ dinh dưỡng cho con tôi không? Con ăn không đủ, tại sao lại không cho thêm còn chế giễu nó? Cô có đánh nó khi nó không rửa bát hay không?".

Sau đó, cô giáo cho phụ huynh xem camera giám sát thì phát hiện đứa trẻ đã nói dối để trốn học. Có bữa ăn chỉ cắn hai miếng bánh mì lớn rồi vứt vào thùng rác. Em này sẽ nghịch bát mì nếu ăn không hết, thậm chí còn ném vào bát của học sinh khác.

Về việc đứa trẻ nói bị cô giáo đánh, người mẹ xem video hôm đó thì thấy hoàn toàn không phải vậy. Mọi chuyện ngã ngũ nhưng bà mẹ cũng không thể rút lại những lời nói ra trong nhóm. Mặc dù chân thành xin lỗi giáo viên nhưng chắc chắn phụ huynh này đã để lại ấn tượng rất xấu.

Nếu có ý kiến về nhà trường, giáo viên thì không nên bày tỏ trước nhóm phụ huynh. Công kích công khai sẽ không mang lại lợi ích gì, nhất là nếu tình hình không rõ ràng, cha mẹ có thể là người xấu hổ.

 

Ngay cả khi trẻ thực sự bị xúc phạm thì việc nói ra điều đó trong nhóm cũng không phải là cách giải quyết vấn đề hay. Hãy trò chuyện riêng với giáo viên, thái độ của bạn đối với giáo viên cũng quyết định thái độ của giáo viên đối với bạn và con bạn.

2. Tranh thủ bán hàng

Nhóm chat dành cho phụ huynh và giáo viên vốn là nơi để trao đổi tình hình học tập, chuyện trường lớp hoặc những vấn đề phát sinh xoay quanh chuyện học hành của con trẻ. Nhưng chuyện phụ huynh bán hàng trong nhóm không phải là hiếm.

Có một phụ huynh sau khi gia nhập nhóm, không muốn từ bỏ cơ hội kiếm tiền tốt này nên đã đăng quảng cáo về các sản phẩm mình phân phối mỗi buổi sáng, trưa và tối. Một ngày khi thức dậy, cô phát hiện mình không còn trong nhóm phụ huynh của con nữa.

Không lợi dụng kinh doanh và bán hàng trực tiếp trong nhóm, đây là một trong những quy tắc ứng xử khôn khéo của phụ huynh khi tham gia vào nhóm chat chung. Nếu vi phạm, bạn có thể bị coi như người kém văn minh.

3. Cãi nhau trong nhóm

Khi học sinh có mâu thuẫn, cha mẹ sẽ vô cùng lo lắng, thậm chí lời qua tiếng lại nặng nề trong nhóm chung. Nhiều khi cha mẹ cãi nhau mà không quan tâm tới tâm trạng những phụ huynh khác.

Hơn thua nơi công cộng như nhóm chat lớp không phải là cách giải quyết vấn đề hay. Cha mẹ hai bên có thể nói chuyện riêng hoặc đến trường tìm giáo viên để nhờ hỗ trợ.

4. "Tâng bốc" giáo viên quá mức

Phụ huynh hợp tác với giáo viên là tốt. Tuy nhiên, cũng có một số phụ huynh thích lặp đi lặp lại những lời tâng bốc như "Thầy cô vất vả quá"; "Nhờ thầy cô mà con học tiến bộ"; "Thầy cô quả là giáo viên giỏi". Việc bày tỏ lòng biết ơn tới thầy cô là điều nên làm, nhưng chỉ thỉnh thoảng, đừng đụng một chút là tâng bốc sẽ khiến các phụ huynh khác khó chịu, giáo viên cũng ngượng ngùng. Cha mẹ có thể được bày tỏ trực tiếp hoặc qua tin nhắn riêng tư chứ không cần phải đăng tải trong nhóm chung.

Thầy cô và cha mẹ là mối quan hệ rất tế nhị, nếu không xử lý đúng cách sẽ ảnh hưởng đến con cái. Vì vậy, trong nhóm chat, phụ huynh phải tích cực hợp tác với công việc của giáo viên, không nói những chuyện không liên quan đến nhà trường, con cái, chấp hành và giữ trật tự nhóm lớp. Hãy là một phụ huynh văn minh, lịch sự, chỉ khi đó việc giao tiếp với giáo viên mới suôn sẻ và hiệu quả hơn, có lợi cho việc học tập và trưởng thành của trẻ.

Theo Phụ nữ Việt Nam


phụ huynh


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.