Ám ảnh tâm lý khi học IELTS từ tiểu học

Giáo viên dạy tiếng Anh lo ngại việc học chương trình nặng học thuật như IELTS sẽ khiến trẻ tiểu học cảm thấy nặng nề và bị ám ảnh tâm lý.

Ám ảnh tâm lý khi học IELTS từ tiểu học-1

Một trường ở TP Vinh xét tuyển thẳng học sinh có chứng chỉ IELTS từ 4.0 trở lên. Ảnh: Shutterstock.

“Cuộc đua” IELTS đang dần được trẻ hóa. Từ chứng chỉ được sử dụng để nộp hồ sơ du học, IELTS giờ đây được dùng trong xét tốt nghiệp đại học, xét tuyển đại học, xét tuyển vào lớp 10, hay thậm chí là xét tuyển vào lớp 6.

Học IELTS khi tiếng Việt còn chưa thạo

Đối với nhiều phụ huynh, IELTS là chứng chỉ mang lại nhiều "tiềm năng" và được coi như tấm vé thông hành khi đi học. Do đó, không ít người đầu tư cho con học ngay từ sớm với tâm lý "biết càng sớm càng tốt".

Chị Hạnh Hoa, phụ huynh tại TP.HCM, là một trường hợp như vậy. Vào đầu năm 2022, chị Hoa cho con học IELTS khi con mới học lớp 4 vì nghe theo lời quảng cáo của nhân viên sale tại một trung tâm tiếng Anh.

Ban đầu, chị Hoa chỉ định cho con học tiếng Anh để thi chứng chỉ Cambridge. Tuy nhiên, nhân viên của trung tâm này nói rằng trình độ của con chị rất tốt, có thể “nâng cấp” lên lớp IELTS và sẽ đạt mục tiêu 5.0 sau khóa học dài 6 tháng.

Nghe quảng cáo bùi tai, chị Hoa bỏ hàng chục triệu đồng cho con học IELTS. Nhưng chỉ sau 2 tháng, con chị Hoa năn nỉ mẹ để được nghỉ học vì không hiểu các nội dung được dạy ở lớp IELTS.

Tiếc tiền vì đã chi cả chục triệu đồng, chị Hoa vẫn đành cho con nghỉ học vì mỗi lần đi học IELTS, con chị lại thở ngắn thở dài, không có hứng thú học. Bản thân chị cũng hối hận vì cho con học IELTS khi tiếng Việt còn chưa thông thạo.

Chị Hạnh Hoa không phải trường hợp duy nhất cho con học IELTS khi mới tiểu học. Tại Nghệ An, hàng chục phụ huynh đầu tư cho con học IELTS để xét tuyển vào lớp 6 do một trường THCS tại tỉnh này tuyển thẳng học sinh có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế (IELTS, TOEFL…) kể từ năm 2021.

Cụ thể, trường THCS Đặng Thai Mai (TP Vinh, Nghệ An) tuyển thẳng một lớp học sinh đã hoàn thành chương trình giáo dục tiểu học, có kết quả học tập từ lớp 1-5 là hoàn thành xuất sắc các nội dung học tập và rèn luyện.

Ngoài ra, học sinh cần có một trong các chứng chỉ tiếng Anh quốc tế như IELTS 4.0 trở lên, TOEIC 4 kỹ năng từ 450 điểm trở lên, TOEFL ITP 450 trở lên, TOEFL iBT 31 trở lên, TOEFL Primary với điểm trung bình 2 kỹ năng đạt từ 113 điểm, FLYERS đạt 15 khiên.

Năm học 2022-2023, thí sinh có điểm IELTS cao nhất được tuyển thẳng vào trường này là 6.0. Nhưng trong kỳ tuyển sinh cho năm học 2023-2024, thí sinh có điểm IELTS cao nhất là 6.5, hai thí sinh khác có điểm TOEFL Junior 900 nên được quy đổi thành IELTS 6.5. Ngoài ra, 7 học sinh khác cũng đã đạt điểm IELTS 4.0-6.0, dù các em mới chỉ hoàn thành chương trình tiểu học.

Ám ảnh tâm lý khi học IELTS từ tiểu học-2

Giáo viên khuyên cha mẹ không nên cho con học IELTS khi kiến thức và tâm lý của con chưa đủ vững vàng. Ảnh minh họa: Phương Lâm.

Học IELTS sớm sẽ gây áp lực tâm lý cho trẻ

Trao đổi với Tri thức trực tuyến về việc cho trẻ học IELTS từ tiểu học, thầy Trình Đạt, giáo viên tiếng Anh tại Hà Nội, nói rằng nhiều phụ huynh đang “thần thánh hóa” chứng chỉ này.

Thực tế, IELTS, TOEIC hay TOEFL cũng chỉ là chứng chỉ đánh giá năng lực tiếng Anh của mỗi cá nhân. Không sở hữu chứng chỉ này không có nghĩa là học sinh không có khả năng sử dụng tiếng Anh. Hơn nữa, ngôn ngữ sử dụng trong IELTS rất khác ngôn ngữ được sử dụng trong cuộc sống thường ngày tại các nước nói tiếng Anh.

Theo thầy Đạt, trung bình học sinh tiểu học, THCS ở các nước không nói tiếng Anh (ví dụ như Việt Nam), năng lực ngôn ngữ vẫn chưa hoàn thiện, khả năng tập trung, tư duy của các em vẫn đang trong quá trình phát triển. Chưa kể, vốn kiến thức, vốn sống của nhiều học sinh chưa đủ để tiếp cận và hiểu những kiến thức đa dạng trong chương trình học IELTS.

Do đó, nếu phải học chương trình nặng về học thuật như IELTS ở độ tuổi này, các em rất khó tiếp thu, từ đó dễ hình thành tâm lý chán ghét, mệt mỏi khi phải học ngoại ngữ.

Nếu muốn cho con học IELTS sớm, thầy Đạt khuyên phụ huynh cần cân nhắc các vấn đề của con như tâm lý, khả năng chịu áp lực và quan trọng nhất là nền tảng tiếng Anh của con đang ở mức nào.

Nói thêm về việc tuyển sinh đầu cấp bằng IELTS, thầy Đạt cho rằng chứng chỉ này chỉ nên là tiêu chí phụ, không nên sử dụng như một tiêu chí chính để xét tuyển hoặc tuyển thẳng. Lý do thứ nhất là việc tuyển sinh bằng IELTS sẽ gây bất công cho các thí sinh không đủ tiềm lực tài chính.

Thông thường, tuyển sinh đầu cấp sẽ sử dụng các môn học như Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh để đánh giá năng lực thí sinh. Việc xét tuyển, xét tuyển thẳng bằng IELTS sẽ tạo ra cuộc đua giữa những học sinh có điều kiện học. Trong khi đó, những em khá, giỏi nhưng điều kiện gia đình không cho phép sẽ mất đi cơ hội cạnh tranh.

Lý do thứ hai thầy Đạt đưa ra là những chứng chỉ như IELTS không thể đánh giá chính xác trình độ của học sinh. IELTS chỉ là chứng chỉ đánh giá năng lực ngoại ngữ, không nói lên khả năng học tập các môn khác nên có thể dẫn đến tình trạng trình độ đầu vào của học sinh không đồng đều, gây khó khăn cho giáo viên khi dạy học.

Là giáo viên tiếng Anh, thầy Đạt từng gặp không ít trường hợp học sinh rất giỏi tiếng Anh, điểm IELTS rất cao nhưng khả năng học tập các môn Toán, Ngữ văn lại kém hơn cả học sinh trung bình.

Một lý do nữa thầy Đạt cho rằng các trường không nên xét tuyển bằng IELTS là dễ gây áp lực tâm lý cho học sinh. Thầy Đạt ví việc đăng ký vào THCS, THPT ngày nay là cuộc đua còn khó hơn việc người lớn đi làm. Nếu phụ huynh ép con phải ôn thi chứng chỉ tiếng Anh chỉ để xét tuyển đầu cấp, các em sẽ bị áp lực tâm lý.

“Trẻ tiểu học nhiều em nói tiếng Việt còn bị ngọng, đọc chưa thông, viết chưa thạo mà đã phải học IELTS. Học IELTS sớm chỉ khiến các em tổn thương tinh thần, gây ảnh hưởng sự tự tin và lòng tự trọng của các em”, thầy Đạt nêu quan điểm.

Theo Zing

Xem link gốc Ẩn link gốc https://lifestyle.zingnews.vn/am-anh-tam-ly-khi-hoc-ielts-tu-tieu-hoc-post1445348.html

chứng chỉ IELTS


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.