Bàng hoàng khi xem clip học sinh văng tục, vây chửi cô giáo

Các nhà giáo dục chia sẻ góc nhìn trước vụ việc một nhóm học sinh ở Tuyên Quang vây cô giáo chửi bới, thậm chí ném giấy vào người giáo viên.

Từ tối 4/12, loạt clip liên quan vụ việc một giáo viên ở trường THCS Văn Phú (tỉnh Tuyên Quang) bị nhiều học sinh ném giấy, dồn vào góc tường chửi bới được chia sẻ liên tục trên mạng xã hội. Vụ việc này nhanh chóng nhận được sự quan tâm từ cộng đồng mạng, đặc biệt là các giáo viên, nhà giáo dục và nhà quản lý giáo dục trên khắp cả nước.

Bàng hoàng khi xem clip học sinh văng tục, vây chửi cô giáo-1

Không tin vào mắt mình

Trao đổi với Znews vào sáng 5/12, thầy Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng trường THPT Bùi Thị Xuân (quận 1, TP.HCM), nói rằng khi xem clip vụ việc, thầy bàng hoàng, không thể tin đó là những lời nói mà học sinh có thể thốt ra. Là một nhà quản lý giáo dục, thầy Phú cảm thấy đau lòng khi ngành giáo dục lại xảy ra những vụ việc xấu xí như vậy.

Điều mà thầy Phú cảm thấy đáng buồn hơn là vụ việc liên quan đến rất nhiều học sinh. Không chỉ một, mà nhiều học sinh mới chỉ 13-14 tuổi lại thản nhiên văng tục, buông lời chửi bới giáo viên. Sự hung hăng của những đứa trẻ còn thể hiện ở việc các em dồn giáo viên vào góc tường, ném đồ vào người cô.

“Tôi không thể chấp nhận những học sinh như thế. Ngay bây giờ, chúng ta phải có biện pháp để răn đe phù hợp với lứa tuổi các em. Chúng ta không được viện cớ học sinh còn trẻ người non dạ, không được viện cớ 'con tôi ở nhà ngoan lắm'. Chúng ta phải có giải pháp xử lý để làm gương, mẹ các em cũng phải chịu trách nhiệm trước xã hội vì đã để con mình cư xử như vậy”, thầy Phú nhấn mạnh.

Bàng hoàng khi xem clip học sinh văng tục, vây chửi cô giáo-2

“Buồn, đau lòng” cũng là điều mà cô Nguyễn Thị Huyền Thảo, giáo viên trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa (quận 1, TP.HCM), bày tỏ khi bàn về vụ việc xảy ra ở tỉnh Tuyên Quang. Cô Thảo nói thêm rằng vụ học sinh vây chửi giáo viên lần này như một hồi chuông cảnh tỉnh đến tất cả người làm giáo dục.

Thời gian gần đây, cô Thảo liên tục đọc được những bài viết về việc giáo viên bị “tấn công” trên nhiều phương diện. Không chỉ học sinh “tấn công” giáo viên, phụ huynh cũng sẵn sàng làm điều tương tự khi không hài lòng, hoặc chỉ mới nghe câu chuyện từ một phía.

Theo cô Huyền Thảo, những vụ việc như vậy đang thể hiện rõ sự mất cân bằng trong văn hóa giáo dục và sự bất an của nghề giáo. Giáo viên đang phải chịu nhiều sức ép, thiếu sự tôn trọng nên xảy ra những vụ việc đau lòng.

“Tôi nghĩ rằng đâu đó vẫn đang tồn tại những cách ứng xử chưa phù hợp giữa người quản lý giáo dục với giáo viên khiến thầy cô trở nên đơn độc và thiếu được tôn trọng”, cô Thảo nói với Znews.

Nhà trường ở đâu?

Đọc thêm thông tin xác minh từ ông Bùi Xuân Lượng - Chủ tịch xã Văn Phú, huyện Sơn Dương, thầy Huỳnh Thanh Phú nói rằng nếu đúng là cô giáo này có nhiều lần phát ngôn không đúng mực với học sinh, nhà trường sẽ phải chịu trách nhiệm vì lỗi lớn nhất thuộc về nhà trường.

Theo hiệu trưởng trường THPT Bùi Thị Xuân, đáng lẽ ngay từ đầu, nhà trường phải chỉnh đốn, cho giáo viên này thời gian rèn luyện lại phẩm chất, đạo đức nhà giáo rồi sau đó mới được tiếp tục đứng lớp.

Bàng hoàng khi xem clip học sinh văng tục, vây chửi cô giáo-3

Trong một clip khác, cô giáo dạy môn Âm nhạc đuổi đánh học sinh, học sinh bỏ chạy tán loạn nhưng vẫn tỏ thái độ khiêu khích cô. Ảnh cắt từ clip.

“Vụ việc này cũng cho chúng ta thấy một điều rằng công tác tuyển dụng giáo viên đang có vấn đề. Lâu nay, chúng ta cứ chú trọng bằng cấp, chứng chỉ tin học, ngoại ngữ… chứ chưa chú trọng công tác đứng lớp, đạo đức sư phạm của giáo viên khi tuyển dụng”, thầy Phú nhấn mạnh.

Thầy Phú cũng đặt câu hỏi vì sao cấp quản lý biết giáo viên này có những hành động không đúng mực mà vẫn phân công giảng dạy. Nếu cô giáo này thực sự có những hành động, lời lẽ như vậy, chính cô đã phần nào “tạo ra” những học sinh vô lễ, thiếu tôn trọng giáo viên.

“Ông bà chúng ta vẫn hay nói thượng bất chính thì hạ tắc loạn, giáo viên cư xử chưa đúng mực thì học sinh sẽ không thể ngoan ngoãn được”, thầy Phú nói thêm.

Cô Huyền Thảo cũng chung quan điểm với thầy Huỳnh Thanh Phú. Theo cô, dù những hành động gây phẫn nộ đến từ phía học sinh, cô giáo trong vụ việc cũng có lỗi. Cô cho rằng trước hết, chúng ta cần đặt câu hỏi tại sao học sinh lại có những hành động thiếu văn hóa, thiếu giáo dục như vậy.

“Thấy học sinh làm vậy tôi cũng đau lòng lắm chứ. Nhưng dù thế nào chúng ta cũng phải thẳng thắn nhìn nhận giáo viên đã làm gì để các em phải ứng như thế. Có thể việc này như một giọt nước tràn ly trong việc giải quyết mâu thuẫn giữa cô và trò”, cô Thảo nêu quan điểm.

Trách nhiệm của nhà trường cũng không thể bỏ qua. Cô Thảo nhấn mạnh rằng sự việc lên đến đỉnh điểm như hiện nay đồng nghĩa với việc đã có rất nhiều vụ việc xảy ra trước đó nhưng không được xem xét và nhìn nhận một cách nghiêm túc.

Nếu vấn đề xuất phát từ giáo viên, học sinh hoặc từ cả hai phía, bộ phận quản lý cần nắm bắt từ sớm để giải quyết một cách nghiêm túc. Cô Huyền Thảo đặt ra giả định nếu cơ quan quản lý hành động sớm hơn, xử lý tốt hơn thì có lẽ mọi việc đã không đến mức tồi tệ như bây giờ.

Cần mạnh tay hơn

Bàn về cách xử lý vụ học sinh vây chửi giáo viên, thầy Huỳnh Thanh Phú nêu một vấn đề rằng hiện nay chúng ta chưa đề cập đến hình thức xử lý nếu học sinh đánh, xúc phạm giáo viên. Theo thầy, dù học sinh tác động giáo viên về mặt vật lý hay tâm lý thì đều phải bị xử lý.

“Giáo viên đánh học sinh nhẹ nhất bị kỷ luật, nặng nhất bị đình chỉ dạy thì học sinh đánh thầy cô cũng cần phải có chế tài xử lý tương tự”, thầy Phú đề xuất.

Theo hiệu trưởng THPT Bùi Thị Xuân, tình trạng học sinh đánh, tấn công giáo viên trong những năm gần đây không phải hiếm. Những vụ này vẫn cứ tiếp diễn do chúng ta đang áp dụng biện pháp xử lý tích cực với học sinh. Học sinh ngỗ nghịch thường sẽ không sợ biện pháp xử lý như vậy nên vẫn “chứng nào tật nấy”.

Thầy Phú không khuyến khích việc đình chỉ học, làm gián đoạn việc học của học sinh. Thầy cho rằng các nhà trường nên chuyển môi trường cho những học sinh này.

Những học sinh tấn công, xúc phạm giáo viên cần được chuyển trường và tách mỗi em một trường riêng, không thể để một nhóm học sinh như vậy tồn tại trong một đơn vị trường học. Ngoài ra, các học sinh này cần được chuyển qua trường nội trú hoặc giáo dục thường xuyên để được theo dõi sát sao hơn.

Về phần cô Nguyễn Thị Huyền Thảo, cô cho rằng để giáo dục, xử lý những học sinh có hành vi không đúng mực, nhà trường có thể áp dụng các hình thức kỷ luật ở mức cao nhất. Đồng thời, những em này cũng cần được giáo dục lại về mặt đạo đức và xã hội.

Riêng đối với giáo viên, việc xử lý giáo viên theo hình thức chế tài hay các hình thức hiện này cũng cần được xem xét và nhìn nhận lại. Cô Thảo đề xuất các trường nên tạo ra môi trường dân chủ, lắng nghe để thấu hiểu và chia sẻ với những khó khăn, tâm tư của giáo viên thay vì cứ mãi nhìn nhận theo hướng giáo viên sai nên phải phải chấp nhận hình phạt hay kỷ luật

Ngoài ra, cô Thảo đề xuất các nhà trường cần làm tốt hơn về văn hóa ứng xử học đường giữa 3 chủ thể giáo dục là học sinh - phụ huynh - giáo viên. Khi trục cân bằng trong văn hóa giáo dục thực sự ổn định, những vụ việc đau lòng mới phần nào giảm bớt.

Thầy Phú cũng chung suy nghĩ với cô Thảo. Thầy cho rằng môi trường giáo dục đang thiếu đi những cuộc đối thoại bình đẳng giữa giáo viên và học sinh. Do nhà trường thiếu sự lắng nghe giữa hai phía, mâu thuẫn mới cháy âm ỉ rồi sau đó bùng lên như núi lửa. Nếu nhà trường có những hành động, lời lẽ chưa đúng mực, nhà trường phải vào cuộc ngay và ngược lại.

Bên cạnh đó, thầy Huỳnh Thanh Phú cũng khuyên phụ huynh phải nhận ra cái sai của con mình. Theo thầy, học sinh dám tấn công thầy cô có thể sẽ dám tấn công cha mẹ, sau đó là dám tấn công người ngoài xã hội. Nếu không được giáo dục triệt để, những đứa trẻ hung hăng này sẽ trở thành mầm mống xấu cho xã hội sau này.

Theo Tạp trí tri thức



  • Chuyện chưa kể về clip học trò mang cua tặng cô giáo thu hút 16 triệu lượt xem
    Giáo dục 
    1 ngày trước
    Đoạn clip dài gần 4 phút ghi lại cảnh học trò vùng cao mang những món quà giản dị như cua núi, gừng, hoa lá ven đường... tặng cô giáo, thu hút hơn 16 triệu lượt xem và nhận về nhiều phản hồi tích cực.
  • Loạt trải nghiệm hấp dẫn ở Trung tâm Nhật ngữ Yuki dịp 20/11
    Giáo dục 
    1 ngày trước
    Nhân dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam, Trung tâm Nhật ngữ Yuki tổ chức nhiều hoạt động và chương trình đặc biệt nhằm tri ân chân thành đến đội ngũ giảng viên tài năng và tận tâm, đồng thời mở rộng cơ hội cho các bạn trẻ.
  • Hiệu trưởng 'ghế nhựa' và ngôi trường 100 tỷ ở vùng biên giới
    Giáo dục 
    1 ngày trước
    Từng là cậu bé đi bán kem dạo ở thành phố Vinh, trở thành thầy giáo đi dạy cũng chỉ có một bộ quần áo lành lặn duy nhất để lên lớp, thầy Khang nói mình như một chiếc "lá rách", nhưng luôn có mục tiêu phấn đấu để trở thành một chiếc "lá lành", không những chỉ có thể lo cho mình mà còn giúp được cho nhiều người khác
  • Những 'cú sốc' du học
    Giáo dục 
    1 ngày trước
    Chuyện về những du học sinh giỏi và thành công luôn vẽ lên bức tranh tươi sáng khiến nhiều người ngưỡng mộ và coi là đích đến. Nhưng có một góc tối - nơi nhiều bạn trẻ không tránh khỏi những cú sốc vì ôm mộng du học nhưng đổi lại là triền miên nợ môn, áp lực chi tiêu đến mức trầm cảm nơi xứ người.
  • 'Lương thấp dễ khiến giáo viên giảm động lực với nghề'
    Giáo dục 
    1 ngày trước
    Nhân dịp 20/11, VietNamNet có cuộc trao đổi với Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Hiền, Chủ tịch HĐQT Trường Đoàn Thị Điểm (Hà Nội) - một trong những nữ hiệu trưởng trường tư đầu tiên của cả nước.

Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.