Bé gái ở TP.HCM viết tâm thư hỏi vay bà ngoại 7 triệu đồng, kế hoạch trả nợ chi tiết kèm theo khiến nhiều người phải choáng

Đọc bức thư cô bé viết, nhiều người nhận xét chắc hẳn bé đã được mẹ dạy dỗ cực kì cẩn thận về việc lập kế hoạch tài chính.

Với những đứa trẻ ở tuổi ăn chưa no lo chưa tới, khi có nhu cầu xài tiền thì tất nhiên là phải xin người lớn. Chúng ta ngày xưa cũng thế và các em nhỏ ngày nay cũng chẳng khác gì. Dù lý do có chính đáng đến đâu, thời điểm khi mở miệng "Bố/mẹ/ông/bà ơi cho con..." vẫn khiến nhiều bạn nhỏ lo lắng, hồi hộp.

Mới đây, nhiều người chuyền tay nhau bức thư tay của một bé gái tên C. (12 tuổi, ở quận 12, TP.HCM). Bức tâm thư em viết rất rõ ràng, rành mạch, đi thẳng vào vấn đề nhưng nội dung khiến ai cũng thích thú và cảm động. Em không xin tiền đi chơi, mua đồ dùng, quần áo... mà mục đích là mua máy tính để giúp đỡ mẹ trong công việc. Bức thư 5, 6 dòng ngắn nhưng đến 2 lần "năn nỉ" ngoại cho mượn tiền, chắc hẳn cô nàng cũng lo lắng nhiều lắm đây.

"Thưa ngoại, ngoại cho con mượn tiền để mua máy tính nhé ngoại. Con cần một cái máy tính để làm việc giúp mẹ con. 1 tháng con được 1 triệu, con sẽ trả góp cho ngoại".

Bé gái ở TP.HCM viết tâm thư hỏi vay bà ngoại 7 triệu đồng, kế hoạch trả nợ chi tiết kèm theo khiến nhiều người phải choáng-1

Bức tâm thư em viết rất rõ ràng, rành mạch, đi thẳng vào vấn đề.

Không chỉ mượn "suông", cô bé còn vạch rõ chi tiết quá trình trả nợ. 7 triệu trả trong 7 tháng, 1 tháng 1 triệu, "con sẽ trả góp cho ngoại", bé viết.

Chị H., mẹ bé C. chia sẻ, biết mẹ bận bịu với nhiều việc liên quan đến nhập liệu trên máy vi tính, cô bé đã nhờ mẹ chỉ cho cách sử dụng máy tính và giúp mẹ rất nhiều trong công việc. Thấy con đam mê và có trách nhiệm nên chị H. đề nghị mỗi tháng sẽ cho con gái 1 triệu đồng, xem như tiền công, con được tuỳ thích sử dụng số tiền ấy vào bất cứ mục đích cá nhân. Thế nhưng, vì cả hai mẹ con chỉ có một máy tính nên bé nghĩ ra cách vay tiền ngoại để mua laptop bằng một lá thư như trên.

Chị hy vọng con sẽ có ý thức trách nhiệm với đồng tiền, biết lao động chân chính và kiếm tiền giỏi hơn bố mẹ. "Đâu ai biết chắc được ngày mai sẽ ra sao. Không cha mẹ nào có thể sống đời ở bên con hoài được nên tôi khuyến khích con biết tự lập, biết chăm lo cho bản thân", chị nói.

Trước đó, một bé gái học lớp 2 muốn xin tiền mẹ đi hội chùa nhưng ngại nói trực tiếp đã tự làm 1 phong bì giấy. Cô bé viết những lời nhắn gửi "Mẹ đưa con bao nhiêu cũng được, mẹ để tiền vào trong túi này nha! Xong mẹ để lên bàn con". Hành động dễ thương của em khiến bao người xốn xang, phỏng đoán chắc hẳn người mẹ đọc được thư sẽ phải lịm tim vì cô con gái mình.

Bé gái ở TP.HCM viết tâm thư hỏi vay bà ngoại 7 triệu đồng, kế hoạch trả nợ chi tiết kèm theo khiến nhiều người phải choáng-2

Hành động dễ thương của em khiến bao người xốn xang.

Xây dựng thói quen quản lý tài chính cho trẻ từ lúc nào?

Kết quả khảo sát của Tổ chức Save the Children cho thấy nhiều thanh thiếu niên không có kiến thức, kỹ năng trong việc quản lý tiền bạc, ảnh hưởng khá nhiều cho kế hoạch tổ chức cuộc sống sau khi trưởng thành. 

 

Những trẻ không được tiếp xúc và dạy về giá trị đồng tiền từ nhỏ thì khi lớn lên sẽ ngơ ngác, không biết cách tính toán, sử dụng đồng tiền thiếu thông minh và hiệu quả, khó độc lập về tài chính. Vì thế, nên dạy trẻ cách tiêu tiền từ bé.

Bé gái ở TP.HCM viết tâm thư hỏi vay bà ngoại 7 triệu đồng, kế hoạch trả nợ chi tiết kèm theo khiến nhiều người phải choáng-3

Theo một nghiên cứu của ĐH Cambridge (Anh), thói quen tài chính của đứa trẻ bắt đầu hình thành khi 7 tuổi, và đó là lời nhắc nhở cho cha mẹ hãy xây dựng, vun đắp cho con sự khôn ngoan tiền bạc ngay từ thời điểm này.

Theo các chuyên gia, cách tốt nhất để giáo dục con về những kiến thức và kỹ năng sử dụng đồng tiền chính là cho con tham gia trực tiếp vào đời sống tài chính của gia đình.

Dạy con kỹ năng quan sát, so sánh giá cả thông qua những buổi đi mua sắm ở chợ, siêu thị, bắt đầu từ các mặt hàng mà con yêu thích như snack, bánh kẹo, đồ chơi... Dần dần, con sẽ nhận biết cách phân biệt giá cả, hạn dùng từng loại cũng như nhận biết rất nhanh những chương trình giảm giá hay khuyến mại của siêu thị để chọn thực phẩm tiết kiệm nhất.

Cho con khoản tiêu dùng cố định thay vì sẵn sàng móc ví cho con tiền, phụ huynh hãy khuyến khích con làm việc hợp lý để có được những đồng thù lao chính đáng như hút bụi, đổ rác, dọn giường... Số tiền này, bạn có thể dạy con cách quản lý tiền bạc theo nguyên tắc 4 chiếc lọ nổi tiếng: 1, lọ tiêu dùng hàng ngày; 2, lọ tiết kiệm ngắn hạn; 3, lọ tiết kiệm dài hạn; 4, lọ từ thiện. Thông qua đó, con học được những kỹ năng ra quyết định và kỹ năng lập ngân sách tiêu dùng.        

Giúp con phân biệt giữa nhu cầu Cần và Muốn: Hầu hết mọi người  có công việc để có tiền trả cho những thứ họ cần và một số thứ họ muốn. Trừ khi bạn có một số tiền không giới hạn, bạn phải hiểu sự khác biệt giữa thứ cần và thứ muốn để tiêu tiền một cách thông thái.

Hãy hướng dẫn con kẻ hai cột, một cột ghi "Những thứ con muốn" - cột kia là "Những thứ con cần" và viết ra sự khác biệt giữa hai cột này. Khi đứa trẻ có một nhu cầu cần mua gì, chúng sẽ quan sát những nhu cầu đó thuộc về cột nào để từ đó đưa ra quyết định.

Khi con khát khao mãnh liệt về việc muốn mua một thứ gì đó nhưng thực sự không cần thiết hoặc con đã có quá nhiều thì con sẽ biết kìm hãm lại. Việc phân biệt nhu cầu cần và muốn này thực sự là một kỹ năng rất quan trọng giúp đứa trẻ xây dựng được sự ổn định và an toàn về tài chính cho tương lai sau này.

Theo Pháp luật và bạn đọc

Xem link gốc Ẩn link gốc http://phapluatbandoc.giadinh.net.vn/be-gai-o-tphcm-viet-tam-thu-hoi-vay-ba-ngoai-7-trieu-dong-ke-hoach-tra-no-chi-tiet-kem-theo-khien-nhieu-nguoi-phai-choang-162201411113114293.htm

tâm thư


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.