Bị nữ sinh kiện vì phân biệt giới tính trong thể thao, nhà trường 'trả đũa'

Nữ sinh Ashley Badis đã đâm đơn kiện Trường Trung học James Campbell (Mỹ) liên quan đến những cáo buộc phân biệt đối xử với sinh viên nữ trong luyện tập thể thao ở trường.

Ashley Badis là một trong số các nguyên đơn trong vụ kiện dựa trên đạo luật Tiêu đề IX (Title IX), kiện Trường Trung học James Campbell - trường trung học công lập lớn nhất ở Hawaii - vì phân biệt đối xử với nữ sinh trong môn bóng nước. 

Bị nữ sinh kiện vì phân biệt giới tính trong thể thao, nhà trường trả đũa-1

Theo Ashley Badis, đội bóng nước của cô đã bị nhà trường phân biệt đối xử. Ảnh: Marie Eriel Hobro/The New York Times

Khi nói đến Tiêu đề IX, luật liên bang năm 1972 cấm phân biệt đối xử dựa trên giới tính trong môi trường giáo dục, phần lớn sự chú ý đã tập trung vào việc trao cơ hội cho nữ sinh tham gia các môn thể thao. Phụ huynh thúc giục các trường phải cung cấp những cơ hội bình đẳng cho con cái mình. Tuy vậy, lãnh đạo trường James Campbell bị cáo buộc trong vụ kiện lại không làm như vậy. 

Theo chia sẻ của Badis, cô và các đồng đội trong môn bóng nước phải tập luyện trong môi trường khắc nhiệt ở biển, không được thuê huấn luyện viên trong khi các nam sinh được cung cấp hồ bơi với một phòng thay đồ với trang thiết bị riêng. Nữ sinh phải mang vác đồ tập đi học cả ngày, sử dụng phòng tắm nhà trường để thay đồ. 

Giới quan sát nhận định vụ việc Hawaii này đang vượt ra ngoài vấn đề đối xử bất bình đẳng mang tính hệ thống ở Mỹ. Lãnh đạo trường Campbell bị cáo buộc đã “trả đũa” những nữ sinh tham gia vụ kiện bằng cách xác định các nguyên đơn kiện trường - những người chỉ sử dụng tên viết tắt trong đơn kiện. Nhà trường yêu cầu giảng viên của các nữ sinh này “coi chừng” họ.

Các bị cáo vụ kiện bao gồm cả Cơ quan Giáo dục Hawaii và Hiệp hội các trường Oahu - cơ quan giám sát các môn thể thao trung học. Gary H. Yamashiroya, trợ lý đặc biệt của Tổng chưởng lý bang, đại diện cho các bị cáo tuyên bố rằng: “Chính quyền bang Hawaii có các quy tắc đạo đức pháp lý nghiêm ngặt về việc xét xử công khai, vì vậy chúng tôi không đưa ra bình luận”.

Hiệp hội các trường Oahu không nhận trực tiếp tài trợ liên bang nên không phải tuân thủ Tiêu đề IX. Tuy vậy, thẩm phán Leslie E. Kobayashi của Tòa án Hawaii đã ra phán quyết rằng các nguyên đơn đã “cung cấp đầy đủ thông tin thực tế để cáo buộc một cách chính đáng” và Hiệp hội “có thể tuân theo các điều khoản chống phân biệt đối xử của Tiêu đề IX”.

Phán quyết của thẩm phán liên bang vào tháng 7 cho rằng vụ kiện có thể phát triển thành một vụ kiện tập thể, kết quả của phiên tòa có thể ảnh hưởng đến các thế hệ trẻ em gái ở Hawaii và đóng vai trò như một bài kiểm tra cho những cam kết và trách nhiệm của đạo luật Tiêu đề IX.

Sau đó, một số nguyên đơn bị phân biệt đối xử đã lần đầu tiên lên tiếng công khai trong các cuộc phỏng vấn với The New York Times. 

Trước đó, vào tháng 2/2018, Honolulu Civil Beat, một tòa soạn phi lợi nhuận, đã công bố báo cáo chi tiết về phân biệt đối xử giới tính ở trường Campbell, cho thấy các vận động viên nữ không có phòng thay đồ kể từ khi trường được xây dựng vào năm 1962. Liên minh Tự do Dân sự Mỹ ở Hawaii sau đó đã yêu cầu Bộ Giáo dục Mỹ giải quyết tình trạng bất bình đẳng, nói rằng 14 trường học trên toàn tiểu bang có tủ đựng đồ thể thao cho nam trong khi nữ thì không.

50 năm kể từ khi đạo luật Tiêu đề IX được thông qua, giới quan sát đặt nghi ngờ về những gì diễn ra thực sự trong môi trường học đường ở Mỹ. Vụ việc Hawaii là một lời cảnh tỉnh cho các trường học khi phớt lờ luật pháp và không thực hiện nghiêm túc những điều khoản trong đạo luật Tiêu đề IX. 

 

Theo Vietnamnet

Xem link gốc Ẩn link gốc https://vietnamnet.vn/bi-nu-sinh-kien-vi-phan-biet-gioi-tinh-trong-the-thao-nha-truong-tra-dua-2073911.html?fbclid=IwAR1ttbG--viYADWNOlODyLZKLZDC6BDVHDbd-m_jaYB9JNc0hbk3NukhuLI

nữ sinh


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.