Bức ảnh bữa trưa vội vã, vừa ăn vừa bế trẻ của cô giáo mầm non gây xúc động, thực tế còn khắc nghiệt hơn

Hình ảnh cô giáo mầm non vừa và vội bát cơm trong bữa trưa đạm bạc vừa bồng một em bé đang ngủ khiến nhiều người xót xa.

Hình ảnh cô giáo mầm non vừa và vội bát cơm trong bữa trưa đạm bạc vừa bồng một em bé đang ngủ khiến nhiều người xót xa.

Thời gian vừa qua, mạng xã hội liên tục đăng tải những đoạn clip, hình ảnh về cô giáo mầm non ngược đãi, bạo hành trẻ khiến phụ huynh hoang mang, đặc biệt, ảnh hưởng lớn đến tâm lý, hình ảnh của các cô giáo nuôi dạy trẻ.

Ấy thế nhưng, thực tế vẫn còn biết bao nhiêu cô giáo như mẹ hiền, ngày ngày thầm lặng, bỏ mồ hôi, công sức bằng cả tấm lòng nhiệt huyết, yêu nghề và yêu trẻ để cống hiến cho công việc, chăm sóc những chồi non tương lai.

Mới đây, hình ảnh một bữa cơm của cô giáo mầm non đã được chia sẻ chóng mặt trên mạng xã hội, khiến cộng đồng mạng xôn xao. Trong bức ảnh có thể thấy các cô giáo đang ăn vội bữa cơm trưa đạm bạc. Thậm chí, có cô vừa ăn vừa bồng một em bé đang ngủ.

Bức ảnh được đăng tải kèm dòng trạng thái: "Lâu lâu trên mạng lại rầm rộ chia sẻ lên những vụ các cô giữ trẻ mầm non hành hạ đánh đập con trẻ, Còn những hình ảnh đẹp này có mấy ai chia sẻ đâu. Cô giáo mầm non là đây. Hơn cả mẹ hiền nữa đấy ạ. Cơm canh đạm bạc, vừa ăn vừa bồng trẻ ngủ. Chỉ mong trẻ ngoan lên từng ngày".
Bức ảnh bữa trưa vội vã, vừa ăn vừa bế trẻ của cô giáo mầm non gây xúc động, thực tế còn khắc nghiệt hơn-1

Hình ảnh bữa cơm ăn vội của cô giáo mầm non khiến cư dân mạng thương cảm.

Ngay sau khi được đăng tải, bức ảnh đã nhận được hàng nghìn lượt like và hàng trăm lượt bình luận, chia sẻ của cư dân mạng. Rất nhiều bình luận chia sẻ với nỗi khổ của giáo viên mầm non: lương thấp, áp lực công việc cao, thường xuyên phải chịu sức ép từ phụ huynh... Bởi do đặc thù công việc, giáo viên mầm non phải có khiếu múa hát, biết pha trò và chăm sóc trẻ.

Hằng ngày, các cô phải có mặt từ sáng sớm để đón trẻ, tất bật chăm sóc cho hàng chục bé là điều không hề đơn giản. Thậm chí, đến bữa ăn sau một buổi làm việc với đủ những việc không tên cũng không được trọn vẹn, các cô vừa ăn vội ăn vàng, vừa phải bồng bé học sinh như bức ảnh trên. Vậy mà, có một vài câu chuyện đáng buồn trong nghề như "con sâu làm rầu nồi canh" khiến không ít cô giáo tử tế bị đánh đồng, phải chịu nhiều áp lực, thậm chí tủi hờn...

Đồng cảm với nỗi vất vả, khổ tâm của các cô giáo mầm non, Facebooker Nguyễn Tỵ chia sẻ: "Tôi đã từng là giáo viên mầm non. Còn 2 năm nữa mới đến tuổi về hưu nhưng do áp lực công việc và nhiều áp lực khác nên không cố được mà phải về hưu sớm. Tôi rất thương, hiểu và đồng cảm với các em và các cháu đồng nghiệp. Hình ảnh bế cháu trong khi ăn chỉ phản ánh 1 phần nhỏ trong những sự vất vả của các cô.

Đầu năm các cháu đến trường quấy khóc, vệ sinh chưa kiểm soát, lớp thì đông. Cho các cháu ăn rồi ngủ xong đã hơn 12h trưa, mệt không còn sức, cơm canh nguội ngắt không muốn ăn nữa, chỉ chan canh lùa cơm vào miệng cho xong bữa. Bế cháu ngủ khi ăn là hình ảnh tĩnh. Mọi người có biết để bế được cháu ăn cơm trước đó cô còn dỗ cháu để cháu ăn vất vả thế nào không? Sự vất vả đó chỉ có người trong nghề mới hiểu. Thương lắm các bạn đồng nghiệp của tôi!".

Bạn Hà Nguyễn đồng tình: "Thú thực mình một mẹ, một con chăm đã rã rời, huống hồ 1 lớp các cô rất đông bé, 1 cô phải chăm 3 - 5 bé một lúc là chuyện bình thường. Đâu chỉ có ăn, chơi, các bé còn đi vệ sinh, khóc, mếu, đòi mẹ nữa. Cháu nào mới quen rồi thì lại đến cháu mới đi lớp, các cô cứ xoay cả ngày với một núi việc không tên. Nói thật, nếu ai chưa hiểu, cứ đến lớp vài buổi sẽ hiểu thôi".

"Ngày còn bé, mình ước mơ đi học để trở thành cô giáo mầm non. Một phần vì yêu trẻ, phần nữa mình yêu ca hát, chỉ muốn nô đùa với bọn trẻ mãi không thôi. Nhưng khi vào dạy các bé mới thực sự thấu hiểu nỗi vất vả. Bế bé trên tay vừa bế vừa ăn là chuyện bình thường. Các bé còn bé nên chưa nhận thức được mấy, mình phải thật sự kiên nhẫn, lắm lúc dạy bọn trẻ đến khản giọng. Nhất là khi nhận những bé mới vào lớp, bé lạ nên khóc nhiều. Trưa các cô không được ngủ, thay nhau dỗ bé nên việc ăn qua loa là chuyện bình thường.

Nhưng khổ tâm nhất vẫn là có những bé không may bị ngã hay bị bạn bè cào cấu nhau, nhưng phụ huynh không hiểu cho các cô lại nghi ngờ các cô đánh bé. Những lúc ấy thật sự thấy nản lòng lắm. Nhưng sau đó lại vực dậy tinh thần vì lòng yêu nghề, yêu các con", một cô giáo mầm non trải lòng.

Bên cạnh đó vẫn có những bình luận tỏ ra hoài nghi, phải chăng đứa bé đang được bế là con ruột của cô giáo. Tuy nhiên, ý kiến như vậy đã nhận được khá nhiều sự chỉ trích.

- Nếu không bế ăn như vậy cháu khóc sẽ ảnh hưởng đến các cháu khác đã ngủ đấy ạ. Mình cũng đã từng bế trẻ ngủ trên đùi rồi soạn bài buổi trưa đấy ạ, vì chỉ cần nghe tiếng khóc của bạn ý thôi là sẽ có biết bao cháu khác dậy khóc. Đúng là trong nghề mới hiểu được. Không phải cô giáo mầm non nào cũng như mọi người thấy trên các clip bạo hành đâu ạ.

- Các cô có thể cả trưa không được ngủ chỉ vì 1 cháu không ngủ nên phải bế đi chỗ khác, không các cháu khác dậy theo. Các cô có thể cả sáng phải bế 1 cháu vì cháu ý hay quấy… Trong xã hội cũng có người này người kia, những giáo viên mầm non bạo hành không phải tất cả nên mong mọi người đừng dùng con mắt khắt khe nhìn giáo viên mầm non.

Chỉ là một bức ảnh chụp trộm vội vàng trong giờ ăn trưa của các cô giáo mầm non ở lớp, thế nhưng đã khiến bao người đồng cảm. Người thì xót xa, người thì có cái nhìn bao dung hơn, thấu hiểu hơn. Có lẽ, điều các cô giáo mầm non không mong mỏi gì hơn là nhận được sự cảm thông, thấu hiếu từ quý bậc phụ huynh và toàn xã hội, để các cô có thể an yên hơn, toàn tâm toàn ý chăm sóc cho các con mà chẳng nề hà, chẳng sợ hàm oan hay điều tiếng.

Theo Helino


giáo viên mầm non


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.