Cần xem xét lại quy trình kỷ luật nữ giáo viên bị đồng nghiệp ‘khóa tay’, đuổi khỏi lớp

Nếu việc ra quyết định không đúng quy trình thì cấp uỷ và người đứng đầu cấp uỷ sẽ phải chịu trách nhiệm đối với tổ chức Đảng cấp trên theo quy định tại Hướng dẫn số 02-HD/TW ngày 09/12/2021…

Ngày 7/2, một lãnh đạo Trường THPT Hai Bà Trưng (TP Huế, tỉnh TT-Huế) xác nhận, Chi bộ trường vừa họp và bỏ phiếu thống nhất tạm thu hồi kỷ luật khiển trách về mặt Đảng với cô Hồ Thị Tâm - giáo viên môn Ngữ Văn. 

Cần xem xét lại quy trình kỷ luật nữ giáo viên bị đồng nghiệp ‘khóa tay’, đuổi khỏi lớp-1

Trường THPT Hai Bà Trưng - nơi xảy ra vụ việc. Ảnh QT.

Lý do tạm thu hồi là để bổ sung một số văn bản cũng như làm quy trình theo đúng quy định của Đảng trên cơ sở hướng dẫn của Uỷ ban Kiểm tra Thành uỷ Huế. 

Một lãnh đạo Uỷ ban Kiểm tra Thành uỷ Huế cũng cho biết, hiện đơn vị chưa có bất kỳ chỉ đạo gì liên quan đến việc kỷ luật cô giáo ở Trường THPT Hai Bà Trưng mà chỉ hướng dẫn nghiệp vụ theo điều lệ. 

“Chúng tôi chưa nắm được hồ sơ và theo trách nhiệm, chức năng nhiệm vụ phân cấp là trường, chi bộ và uỷ ban kiểm tra của trường thực hiện. 

Hôm qua tôi nghe báo cáo lại quy trình làm đúng nhưng có thể ra quyết định không phù hợp nên thu hồi để điều chỉnh, chứ không phải thu hồi quyết định kỷ luật”, vị lãnh đạo Uỷ ban Kiểm tra Thành uỷ Huế nói.

Cần xem xét lại quy trình kỷ luật nữ giáo viên bị đồng nghiệp ‘khóa tay’, đuổi khỏi lớp-2

Hình ảnh cô Tâm bị đồng nghiệp khoá tay, đuổi ra khỏi lớp từng gây bức xúc dư luận. Ảnh cắt từ clip.

Chia sẻ với PV, cô Hồ Thị Tâm cho rằng, việc chi bộ nhà trường ra quyết định kỷ luật cô là hoàn toàn không hợp lý.  “Trong quá trình họp cấp ủy tại trường về việc kỷ luật này, tôi cũng đã phản đối việc bản thân không làm sai nhưng bị nhà trường đề nghị kỷ luật. Tôi sẽ làm đơn gửi các cấp có thẩm quyền để phản đối việc kỷ luật về mặt Đảng này”, cô Tâm nói.

Trước đó, mạng xã hội xuất hiện đoạn clip ghi lại cảnh nữ giáo viên bị một giáo viên nam “khoá tay’, đuổi ra khỏi phòng học trước sự chứng kiến của hàng chục học sinh; gây bức xúc dư luận.

Sự việc sau đó được xác định xảy ra trong tiết sinh hoạt lớp của giáo viên chủ nhiệm một lớp khối 10 Trường THPT Hai Bà Trưng vào sáng 22/10/2022. Thời điểm xảy ra sự việc, trong phòng học có nhiều học sinh và 3 giáo viên, gồm thầy N.Đ.P (người đẩy nữ giáo viên ra ngoài), cô Hồ Thị Tâm (người bị đẩy ra ngoài) và giáo viên chủ nhiệm tên D.

Cô giáo Hồ Thị Tâm, dù không phải trong tiết dạy của mình, đã yêu cầu học sinh nhận xét về tiết học của cô trước đó, đòi làm rõ em nào yêu cầu đổi giáo viên. Cô Tâm cũng đã dùng điện thoại quay từng học sinh. Thầy giáo N.Đ.P đã yêu cầu cô Tâm ra ngoài và sau đó khóa tay, đẩy cô ra khỏi lớp.

Cần xem xét lại quy trình kỷ luật nữ giáo viên bị đồng nghiệp ‘khóa tay’, đuổi khỏi lớp-3

Luật sư Mai Thảo trao đổi với PV Báo VietNamNet về vụ việc.

Trao với PV Báo VietNamNet về vấn đề nêu trên, luật sư Mai Thị Thảo (TAT Law Firm) cho biết: “Theo hướng dẫn số 02-HD/TW ngày 09/12/2021 của Ban Bi thư thực hiện một số nội dung Quyết định số 22-QĐ/TW ngày 28/7/2021 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng phải tuân thủ đúng về thẩm quyền thi hành kỷ luật Đảng viên (Điều 11), theo đó:

“Tổ chức Đảng sau khi ban hành quyết định kỷ luật mà phát hiện kỷ luật không đúng thẩm quyền, không đúng quy trình, thủ tục hoặc hành vi vi phạm thì phải chủ động xem xét lại quyết định kỷ luật của mình.  Nếu không có khiếu nại, chưa gây hậu quả thì không phải xem xét trách nhiệm.

Quyết định kỷ luật tổ chức Đảng, Đảng viên không đúng với hành vi vi phạm, không đúng thẩm quyền, không đúng quy trình, thủ tục quy định (kể cả giải quyết khiếu nại kỷ luật) thì phải xem xét trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc tham mưu cho tổ chức Đảng có thẩm quyền ban hành quyết định kỷ luật nêu trên”

Từ đó, luật sư Mai Thảo phân tích: “Theo quy định trên thì quá trình ban hành quyết định, không đúng trình tự thì Chi bộ trường có quyền chủ động xem xét lại quyết định của mình và không bị phải xem xét trách nhiệm nếu không có khiếu nại, chưa gây hậu quả. Trường hợp này, Chi bộ Trường “tạm thu hồi quyết định” có thể nói là đang xem xét lại về mặt quy trình như lý do nhà trường đưa ra, sau thời gian này mà vẫn ban hành quyết định kỷ luật (không thu hồi) và quyết định sai trình tự thủ tục thì phải chịu trách nhiệm về việc này.

Như vậy, nếu việc ra quyết định không đúng quy trình thì cấp uỷ và người đứng đầu cấp uỷ sẽ phải chịu trách nhiệm đối với tổ chức Đảng cấp trên theo quy định tại Hướng dẫn số 02 nêu trên”.

Theo VietNamNet


giáo viên


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.