Các trường công lập ở Việt Nam đều được yêu cầu ưu tiên tuyển sinh theo điều kiện địa lý của học sinh - nghĩa là ưu tiên tuyển sinh những học sinh có hộ khẩu thường trú trong khu vực đúng tuyến thuộc phạm vi của trường.
Bắt nguồn từ ham muốn của phụ huynh muốn cho con em mình vào học các trường trái tuyến.
Theo nghiên cứu của TT, 60% phụ huynh thừa nhận có “nhờ vả”, đi qua một số “cây cầu” để xin học trái tuyến cho con. Hơn 30% giáo viên thừa nhận có liên quan việc chạy trường.
Cứ 4 trong 10 phụ huynh được hỏi cho hay chất lượng trường học và uy tín của trường là lý do họ chọn trường “điểm”. Ngoài ra, một số lý do khác như cơ sở vật chất hay thuận tiện di chuyển.
Tình trạng này ở thành thị phổ biến hơn vùng nông thôn.
Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng dù đúng tuyến, để chắc suất, phụ huynh vẫn chạy trường cho con em mình.
Mức phí để chạy vào trường điểm khoảng 3.000 USD, cao gấp gần 3 lần so với thu nhập bình quân của người Việt Nam năm 2011.
Điều đáng nói, 67% phụ huynh coi việc gia đình phải tốn thêm chi phí để con được nhận vào trường tốt là bình thường và cho rằng mức chi phí này là “hợp lý” và “chấp nhận” được.
Một trong những tác động lớn nhất của tham nhũng trong tuyển sinh vào các trường điểm là làm gia tăng sự bất bình đẳng trong tiếp cận giáo dục. Ngoài chi phí “chạy” vào trường, từ vài trăm tới vài nghìn USD, những “khoản đóng góp tự nguyện” cho việc xây dựng trường, mua sắm trang thiết bị và các thứ khác thường cao hơn đối với học sinh ở trường điểm và trái tuyến.
Đưa hối lộ để được nhận vào trường “điểm” đã được coi là hiện tượng thông thường mà chỉ có gia đình khá giả mới có điều kiện thực hiện, từ đó khiến trẻ em ở các gia đình nghèo chịu thiệt thòi.
“Với những chi phí lớn và liên tục phát sinh gắn với tham nhũng trong tuyển sinh vào các trường phổ thông, sẽ không lấy gì làm ngạc nhiên khi hiện tượng này dẫn tới sự gia tăng bất bình đẳng xã hội, vì những trẻ em nghèo hơn sẽ bị gạt ra khỏi trường, ngay cả nếu chúng thuộc diện đúng tuyến, hoặc sẽ bị phân biệt đối xử bởi không có khả năng đưa hối lộ”, báo cáo chỉ ra.
Theo Zing