Chuyện cách ly, nụ cười trẻ thơ và bản lĩnh tự....sửa mình

Những hạt mầm tử tế còn non yếu bị vây quanh bởi hành vi của người lớn. Người lớn phải biết nhìn lại mà tự sửa mình...

Trong những ngày mà dịch bệnh Covid-19 gây ra nhiều xáo trộn lớn trong đời sống xã hội, chúng ta đã phải chứng kiến hình ảnh chưa từng có trong hai đợt dịch trước. Không chỉ sinh viên đại học, những đứa trẻ mầm non, tiểu học... đã bị cuốn vào cơn tai biến mới. Và dù còn rất nhỏ, các em đã phải đi cách ly tập trung.

Quả thật, không thể kìm nổi nỗi xót xa khi nhìn những đứa trẻ mặc áo mưa, đứng đợi ở sân một trường mầm non ở Hải Dương chờ xét nghiệm. Những nụ cười rất tươi của các em học sinh tiểu học Xuân Phương, bài ca các em cùng nhau hòa giọng hát khiến người lớn phải ngả mũ nể phục. Khi không có lựa chọn khác, các em đã đối diện với thực tại một cách đàng hoàng, chững chạc, vì sức khỏe của cộng đồng.

Chuyện cách ly, nụ cười trẻ thơ và bản lĩnh tự....sửa mình-1

Hình ảnh những đứa trẻ mẫu giáo mặc áo mưa đi cách ly tập trung khiến nhiều người lớn xót xa. Ảnh Dân trí

Sẽ rất khó để trả lời câu hỏi, vì sao những đứa trẻ 'ăn chưa no, lo chưa tới' lại thực hiện trọn vẹn đến thế trách nhiệm công dân? Trong bối cảnh hiện tại, cũng rất khó để bàn tới một giải pháp khả dĩ hơn, để những đứa trẻ được đón Tết theo cách chúng xứng đáng được hưởng. Năm nay, chúng sẽ không được xúng xính áo quần thơm mùi vải mới đi chơi xuân cùng cha mẹ, người thân. Thế nhưng, mọi chuyện rồi sẽ ổn thôi, và mong rằng đó sẽ là một kỷ niệm khiến các em cảm thấy tự hào mỗi khi nhớ lại.

Thế nhưng, nếu là một 'người lớn', chúng ta phải nghĩ sao về những 'đồng niên' trốn cách ly, khai báo gian dối, những F0 không nhận cuộc gọi của ngành chức năng...? Quả ngọt của sự trưởng thành cả về thể chất và trí tuệ chẳng lẽ lại là những thủ đoạn, thủ thuật nhằm tránh né việc cần mà đúng hơn là buộc phải làm? Chúng ta chỉ còn cách im lặng khi những đứa trẻ ở khu cách ly cất lời hỏi về 'những người lớn' đó.

Vả lại, chúng ta chẳng thể có thái độ nào khác. Cũng mới đây thôi, cộng đồng đã phải phẫn nộ trước cảnh tượng người phụ nữ bảo đứa trẻ ngồi sau xuống nhặt tiền do một cô gái đánh rơi. Như lời cô gái đánh rơi tiền, cô đã xin những người nhặt được của rơi trả lại nhưng vào thời điểm đó, không có ai đáp lại yêu cầu chính đáng của cô. Sự vào cuộc của công an, áp lực từ xã hội đã khiến nhiều người mang trả lại khoản tiền nhặt được. Không ngạc nhiên, người phụ nữ bảo đứa trẻ ngồi sau nhặt tiền chưa xuất hiện. Đã sai một lần, người này đang phạm phải sai lầm thứ hai.

Phải thừa nhận, chúng ta luôn được chứng kiến những mầm non tử tế, điều góp phần xua tan nhiều đám mây u ám. Đó là những đứa trẻ nhặt được của rơi, hớn hở mang tới đồn công an trình báo với nụ cười tỏa sáng như nắng sớm mùa xuân. Đó là những tấm gương hơn chục năm cõng bạn tới trường. Đó là những thiếu niên sẵn sàng đương đầu với hiểm nguy tính mạng để cứu bạn gặp nạn. Thế nhưng, câu hỏi đặt ra là, khi những mầm non vẫn còn yếu ớt đó bị bủa vây bởi những hành vi xấu của nhiều người lớn, liệu chúng có thể cứng cáp, trưởng thành?

Cái giá phải trả có thể còn sớm hơn chúng ta tưởng. Câu chuyện một cậu bé mới hơn 10 tuổi đã dám cầm súng bắn vào gia đình chị gái lẽ ra phải coi là một hồi chuông báo động, không phải theo cách mô phạm về hành vi bạo lực có tính chất dã man đang xuất hiện ở những đối tượng tuổi còn quá nhỏ. Hãy nhớ rằng, cậu bé nhỏ đó không được ai chăm sóc, thậm chí, đói khát. Cậu đã đến nhà chị gái xin ăn, chỉ được nhận cơm nguội còn thừa cùng những lời mắng chửi. Cái ác đã đáp trả cái xấu.

Ở thời điểm này, sự tự nhận thức để tự sửa mình của những người đã đủ tuổi được gọi là trưởng thành không còn sớm nhưng cũng chưa là quá muộn. Nếu đủ tỉnh táo, chúng ta buộc phải thừa nhận; đơn giản, đó là lựa chọn không thể khác.

Theo Đất Việt


cách ly


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.