'Cú sốc' của cựu hiệu trưởng đại học ngày đầu vào Sài Gòn

PGS.TS Nguyễn Kim Hồng là một trong hàng ngàn trí thức được điều động vào giảng dạy, xây dựng miền Nam sau năm 1975.

PGS.TS Nguyễn Kim Hồng, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, là một trong hàng ngàn trí thức được điều động vào giảng dạy, xây dựng miền Nam sau năm 1975.

Năm 1978, khi vừa tốt nghiệp ĐH Sư phạm Hà Nội, ông Nguyễn Kim Hồng được Bộ GD-ĐT phân công vào trường ĐH Sư phạm TP.HCM công tác.

“Cảm giác đầu tiên là rất lạ, mà nói thật là cú sốc. Tôi không nghĩ là Sài Gòn lại lớn và đẹp đến như vậy.

Khi vào làm việc, sự khác biệt đầu tiên mà tôi thấy là cơ sở vật chất. Ở Hà Nội, nơi tôi học, phòng thực hành địa chất nhỏ và ít mẫu vật hơn nhiều so với tại ĐH Sư phạm TP.HCM. Giảng đường với các camera truyền hình ảnh trực tiếp với tôi cũng là điều chưa có ở miền Bắc thời điểm đó”, PGS.TS Hồng nói.

giải phóng miền nam,Sài Gòn,trí thức,TPHCM
PGS.TS Nguyễn Kim Hồng

Theo thầy Hồng, hình ảnh ấn tượng đầu tiên là sinh viên nữ mặc áo dài đi học, điều chỉ được thấy ở các hội diễn văn nghệ của sinh viên miền Bắc.

"Sinh viên Sài Gòn rất lễ phép. Đa phần sinh viên Sài Gòn thời điểm đó đều xưng con với tôi, mặc dù tôi chỉ hơn họ 3-4 tuổi thôi. Việc khoanh tay để chào khách, chào thầy, cô ở miền Bắc được coi là hiếm nhưng ở Sài Gòn lại như một điều tất nhiên. Tôi cảm giác nhà trường và các gia đình Nam Bộ chú ý nhiều hơn đến việc dạy lễ cho con em mình”, PGS.TS Hồng nói.

giải phóng miền nam,Sài Gòn,trí thức,TPHCM
Nữ sinh Sài Gòn trong tà áo dài. Ảnh: Bill Mullin

Theo vị nguyên hiệu trưởng, nguyên nhân, có thể do miền Bắc tuy có thời gian dài chịu ảnh hưởng của lễ giáo phong kiến nhưng sau năm 1954, sự thay đổi lại quá nhanh chóng khiến những lễ giáo lẽ ra cần được duy trì lại bị mai một, trong khi ở miền Nam vẫn giữ được.

Nói về đồng nghiệp, thầy Hồng cho hay, phần lớn trí thức ở Sài Gòn trước năm 1975 mà ông gặp đều được đào tạo hoặc tu nghiệp ở Anh, Mỹ, Pháp... nói chung là ở các nước phát triển. 

“Trong lĩnh vực khoa học xã hội, theo tôi những giảng viên trước 1975 ở miền Nam được đào tạo tốt hơn. Trừ một số giảng viên từ các trường đại học ở miền Bắc tăng cường cho các đại học phía Nam có trình độ phó tiến sĩ, tiến sĩ khoa học, còn lại phần lớn là sinh viên vừa tốt nghiệp đại học.

Những trí thức còn ở lại khi đó thường ít nói về quan điểm riêng, đặc biệt là vấn đề chính trị. Có tình trạng thâm hụt khá lớn trong giới trí trức khoa học xã hội có trình độ cao ở miền Nam lúc đó khi nhiều người đã rời bỏ đất nước”, thầy Hồng nhớ lại.

Xách 20kg gạo trong vali bị “bắt”

Theo thầy Hồng, cuộc sống tầng lớp trí thức khi mới bước chân vào Sài Gòn rất khó khăn. Sinh viên mới ra trường chỉ hưởng 85% của bậc một (64 đồng/tháng), phải sống rất tằn tiện, nghỉ hè không có tiền về quê, cũng chẳng đủ tiền mua tài liệu, sách vở.

Những năm ấy, giảng viên phải đi trồng củ mì, tăng gia sản xuất ở Bình Phước. Ngày Tết, cán bộ công đoàn trường phải lặn lội xuống miền Tây mua gạo thơm, nếp, thịt heo, dưa hấu…cho cán bộ ăn Tết. Việc mua lương thực và thực phẩm không giản đơn vì chính sách “ngăn sông, cấm chợ”.

Nhiều trí thức ở miền Nam lúc đó còn phải bán cả đồ dùng trong gia đình như chén, đĩa... để có thể đảm bảo cuộc sống hàng ngày.

giải phóng miền nam,Sài Gòn,trí thức,TPHCM
Thầy Hồng kể lại những câu chuyện ngay khi mới đặt chân vào miền Nam

“Còn nhớ có lần đi xuống dạy ở Cà Mau, tôi đã dùng toàn bộ tiền mời giảng và lương để mua gạo thơm và nếp, bỏ vào vali mang về ăn Tết. Giữa đường về thì bị quản lý thị trường kiểm tra, bắt lại. May tôi là giáo viên lại có có công lệnh đi dạy nên họ thông cảm mà cho qua. Thế là có một cái Tết có gạo trắng, nếp thơm”, thầy Hồng nhớ lại.

Về cuộc sống hàng ngày, thầy Hồng kể, điều ông thích nhất là con người Nam Bộ không can thiệp vào chuyện cá nhân. Họ không đưa chuyện cá nhân, cuộc sống mưu sinh vào công việc, chính trị...đó là điểm rất khác đối với người miền Bắc.

"Tôi cho rằng trước năm 1975, họ đã được dạy về những giá trị cá nhân của con người nên không bao giờ để chuyện này xen vào công việc, vào đời sống chính trị. Đó là những điểm văn hóa rất khác với người miền Bắc”, lời thầy Hồng.

giải phóng miền nam,Sài Gòn,trí thức,TPHCM
Trường ĐH Sư phạm TP.HCM xưa. Ảnh: Tư liệu

Thầy Hồng cho rằng, những năm đầu sau khi đất nước thống nhất, những sinh viên ưu tú, nhiệt huyết đã được chọn, bù lấp cho khoảng trống thiếu giáo viên. Đội ngũ trí thức miền Bắc nói chung và giáo viên nói riêng đã làm “tròn vai” tại thời điểm đó. Sau này, cùng đội ngũ trí thức ở lại khi đó góp phần làm cho thành phố vượt khó và phát triển như hiện nay.

“Cũng giống như các địa phương khác, đội ngũ tri thức luôn có những đóng góp lớn vào sự phát triển kinh tế, xã hội. Họ có những đóng góp thiết thực tại thời điểm đó.

Tuy nhiên, sự phát triển của thành phố sau này do chính những công dân được sinh ra ở đây, những công dân chọn nơi này để làm việc và sinh sống quyết định. Chính họ mỗi ngày làm cho TP trở nên đáng sống hơn”, PGS.TS Nguyễn Kim Hồng nói.

Theo VietNamNet


hiệu trưởng


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.