Đề nghị đưa Lịch sử thành môn bắt buộc: Không thể xóa đi, làm lại chương trình

Liên quan đến đề nghị đưa môn Lịch sử thành môn bắt buộc trong chương trình GDPT mới, Bộ GD&ĐT cho biết, sẽ tiếp thu các ý kiến, cân nhắc phương án dạy học trong thời gian sắp tới sau khi xin ý kiến các cấp có thẩm quyền.

Mới đây Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Quốc hội có ý kiến đề nghị Lịch sử là môn học bắt buộc ở bậc trung học phổ thông trong Chương trình phổ thông mới thay vì là môn tự chọn.

Đề nghị đưa Lịch sử thành môn bắt buộc: Không thể xóa đi, làm lại chương trình-1
Ảnh: Như Ý

Trong khi đó, chỉ còn 3 tháng nữa, chương trình sẽ áp dụng triển khai cho học sinh lớp 10, năm học 2022-2023. Thời điểm này, các trường THPT đã xây dựng các mô hình lớp học theo tổ hợp các môn cho học sinh lựa chọn rất hoang mang vì không biết số phận môn Lịch sử như thế nào.

TS Lê Viết Khuyến, Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, cho rằng việc xây dựng, thiết kế chương trình giáo dục phổ thông mới trong đó phân chia môn học bắt buộc và môn học lựa chọn như hiện nay là hợp lý với Luật Giáo dục 2019, Nghị quyết 29.

Do đó, với đề nghị mới nhất của các cơ quan về việc đưa môn Lịch sử trở thành môn học bắt buộc trong chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ có 2 khả năng xảy ra. Cụ thể, khả năng thứ nhất là giữ nguyên chương trình giáo dục phổ thông mới đã ban hành, chỉ có điều chỉnh môn Lịch sử từ môn lựa chọn thành môn bắt buộc ở bậc trung học phổ thông.

Khả năng thứ hai là phải cấu trúc lại toàn bộ từ chương trình giáo dục phổ thông tổng thể cũng như chương trình của môn học này.

Ông Khuyến cũng nói rằng, với cách thiết kế bài học như hiện nay không thể xem đó là nội dung bắt buộc với tất cả học sinh được vì sẽ dẫn đến tình trạng quá tải với số lượng lớn học sinh trung học phổ thông khi các em đã có định hướng phân hóa.

Về khả năng thứ 2, chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh năm học mới sắp đến, yêu cầu đưa môn Lịch sử trở thành môn bắt buộc, khi đó các chuyên gia cũng không thể xóa đi, xây dựng lại chương trình mới chỉ trong thời gian 3 tháng để kịp cho năm học mới 2022-2023. Thay vào đó, có thể thể chuyển một phần của chương trình Lịch sử bậc THCS sang chương trình THPT đảm bảo theo cấu trúc tiếp nối. Vì Lịch sử ở bậc THPT được thiết kế gồm các nội dung, kiến thức nâng cao.

Sẽ xin ý kiến các đơn vị có thẩm quyền

Liên quan đến nội dung này, phía Bộ GD&ĐT cho biết, đơn vị đã tổ chức xây dựng, ban hành Chương trình giáo dục phổ thông 2018 theo đúng quan điểm chỉ đạo của Đảng và quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước. Dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể và Dự thảo chương trình các môn học được đăng tải, xin ý kiến toàn dân trong năm 2017, 2018.

Sau khi tiếp thu ý kiến nhân dân và ý kiến của chuyên gia ở trong và ngoài các Hội đồng thẩm định, Bộ đã báo cáo Ban Tuyên giáo T.Ư, xin ý kiến Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao, Bộ Tư pháp và các tổ chức có liên quan. Trên cơ sở đó, Chương trình giáo dục phổ thông đã được ban hành.

Chương trình mới chia làm 2 giai đoạn gồm giáo dục cơ bản và giáo dục định hướng nghề nghiệp. Trong đó, giai đoạn giáo dục cơ bản (từ lớp 1 đến lớp 9): Giáo dục lịch sử là nội dung bắt buộc.

Ở cấp tiểu học, từ lớp 1 đến lớp 3, nội dung giáo dục lịch sử được thực hiện trong các môn học Tự nhiên và Xã hội với tổng thời lượng cho cả 3 năm học là 210 tiết (so với Chương trình giáo dục phổ thông 2006 chỉ có 140 tiết); ở lớp 4 và lớp 5, nội dung giáo dục lịch sử được tích hợp trong môn Lịch sử và Địa lí, là môn học bắt buộc với tổng số 140 tiết.

Ở cấp học trung học cơ sở, nội dung giáo dục lịch sử được tích hợp trong môn Lịch sử và Địa lí, là môn học bắt buộc ở tất cả các lớp, từ lớp 6 đến lớp 9, với tổng số 420 tiết, trong đó 50% thời lượng dành cho phân môn Lịch sử.

Giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp (từ lớp 10 đến lớp 12), Lịch sử được bố trí là một môn học trong tổ hợp khoa học xã hội. Chương trình môn Lịch sử cấp trung học phổ thông (với tổng thời lượng 315 tiết, so với Chương trình giáo dục phổ thông 2006 chỉ có 140 tiết) hệ thống hoá, củng cố kiến thức thông sử ở giai đoạn giáo dục cơ bản, đồng thời giúp học sinh tìm hiểu sâu hơn các kiến thức lịch sử cốt lõi thông qua các chủ đề, chuyên đề học tập.

Bộ GD&ĐT khẳng định, cách sắp xếp các môn giáo dục lịch sử trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018 là phù hợp với xu hướng giáo dục quốc tế, có căn cứ khoa học và phù hợp với các mục tiêu lớn của giáo dục quốc gia.

Tuy nhiên, sau khi có các ý kiến về việc môn Lịch sử là môn bắt buộc hay tự chọn, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn chủ trì buổi làm việc tham vấn ý kiến chuyên gia về triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới và môn Lịch sử bậc trung học phổ thông trong chương trình.

Bộ GD&ĐT đã lắng nghe ý kiến trao đổi về quá trình triển khai chương trình GDPT 2018, đặc biệt các chuyên gia đã có ý kiến phân tích sâu về cách bố trí và tổ chức dạy học môn Lịch sử trong Chương trình GDPT 2018.

Riêng với việc dạy học môn Lịch sử cấp trung học phổ thông, trên cơ sở ý kiến của các chuyên gia, Bộ GD&ĐT sẽ cân nhắc các phương án trong thời gian sắp tới và xin ý kiến các cấp có thẩm quyền.

Theo Tiền Phong


lịch sử


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.