Giáo viên dạy thêm online, sinh viên dạy thêm tại nhà có vi phạm Thông tư 29 không?

Thông tư 29 quy định về dạy thêm, học thêm không nhắc đến theo hình thức nào. Do đó, dù dạy trực tiếp hay online vẫn được xem là dạy thêm.

Thông tư 29 của Bộ GD&ĐT về dạy thêm, học thêm đã chính thức có hiệu lực từ hôm nay (ngày 14/2).

Thông tư 29 về dạy thêm, học thêm quy định đối với bậc tiểu học không dạy thêm văn hóa trừ dạy kỹ năng sống, thể thao, nghệ thuật. Đối với bậc trung học cơ sở, trung học phổ thông trong nhà trường chỉ dạy thêm học sinh yếu hoặc học sinh giỏi, học sinh lớp cuối cấp nhưng không được thu tiền. 

Giáo viên đang dạy học tại các nhà trường không được dạy thêm ngoài nhà trường có thu tiền của học sinh đối với học sinh mà giáo viên đó đang được nhà trường phân công dạy học theo kế hoạch giáo dục của nhà trường.

Giáo viên thuộc các trường công lập không được tham gia quản lý, điều hành việc dạy thêm ngoài nhà trường nhưng có thể tham gia dạy thêm ngoài nhà trường.

Sau khi Thông tư 29 có hiệu lực, nhiều giáo viên vẫn băn khoăn liệu dạy thêm online có vi phạm quy định hay không?

Theo Vietnamnet, trả lời câu hỏi trên, PGS.TS Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GD&ĐT cho biết: Thông tư 29 quy định về dạy thêm, học thêm không nhắc đến theo hình thức nào. Do đó, dù dạy trực tiếp hay online vẫn được xem là dạy thêm.

 “Nếu đã là dạy thêm vẫn phải tuân thủ theo quy định”, ông Thành nhấn mạnh.


Giáo viên dạy thêm online, sinh viên dạy thêm tại nhà có vi phạm Thông tư 29 không?-1Nhiều giáo viên thắc mắc dạy thêm online có vi phạm quy định hay không. Ảnh minh họa

Bên cạnh đó, với các trường hợp là giáo viên tự do, giáo viên về hưu hay sinh viên - những cá nhân tham gia dạy thêm, tổ chức dạy thêm cũng đều là đối tượng chịu điều chỉnh của Thông tư này. Do đó, kể cả dạy trực tiếp hay online, những đối tượng này cũng không được tổ chức dạy thêm đối với học sinh tiểu học, trừ các trường hợp bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống.

Bên cạnh đó, căn cứ khoản 1 điều 6 thông tư 29, quy định: Cá nhân, tổ chức dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường có thu tiền của học sinh phải thực hiện các yêu cầu sau:

- Đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật;

- Công khai trên cổng thông tin điện tử hoặc niêm yết tại nơi cơ sở dạy thêm đặt trụ sở về các môn học được tổ chức dạy thêm; thời lượng dạy thêm đối với từng môn học theo từng khối lớp; địa điểm, hình thức, thời gian tổ chức dạy thêm, học thêm; danh sách người dạy thêm và mức thu tiền học thêm trước khi tuyển sinh các lớp dạy thêm, học thêm. Mọi thông tin công khai phải tuân thủ theo mẫu số 02 được quy định tại phụ lục kèm theo thông tư 29.

Ngoài ra, người dạy thêm ngoài nhà trường phải bảo đảm có phẩm chất đạo đức tốt; có năng lực chuyên môn phù hợp với môn học tham gia dạy thêm.

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, luật sư Võ Công Hạnh (Đoàn luật sư tỉnh Thừa Thiên Huế) cho rằng  Thông tư 29 là một bước quan trọng trong việc điều chỉnh hoạt động dạy thêm, học thêm trong giáo dục. Do đó, với sự ràng buộc chặt chẽ của các quy định pháp luật, người dạy thêm cần thực hiện đúng quy định để hoạt động dạy thêm được hiệu quả và đảm bảo về mặt pháp lý.

Theo Đời Sống Pháp Luật

Xem link gốc Ẩn link gốc https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/giao-vien-day-them-online-sinh-vien-day-them-tai-nha-co-vi-pham-thong-tu-29-khong-a508094.html

giáo viên


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.