Giáo viên nói về việc dạy học môn tiếng Việt lớp 1: Cứ từ từ, chậm mà chắc, nhất là đừng phụ thuộc hoàn toàn vào SGK

"Tôi nghĩ tự giáo viên đứng lớp cần linh hoạt trong quá trình giảng dạy. Tức là không nhất thiết phải dạy theo hoàn toàn và sử dụng hoàn toàn những ngữ liệu trong sách giáo khoa (SGK) mà có thể thay đổi nếu thấy không phù hợp vì mục tiêu cuối cùng là các con biết đọc, biết viết".

Cô Huỳnh Thị K.V.,  giáo viên có kinh nghiệm lâu năm dạy lớp 1 tại một trường tiểu học ở TP.HCM đã nhận xét về chương trình học với 1 năm nay, đặc biệt là với môn tiếng Việt. Hiện tại cô V. đang dạy học sinh theo bộ sách Cánh diều. 

Chúng tôi xin đăng tải nội dung chia sẻ của cô V. như sau: 

"Vai trò của giáo viên trong việc phát huy tính chủ động là vô cùng quan trọng để có thể đồng hành cùng các em vượt qua giai đoạn đầu nhiều bỡ ngỡ và khó khăn này".

SGK "nặng" nhưng chương trình bố trí hợp lý

Năm học 2020-2021 là năm đầu tiên triển khai chương trình sách giáo khoa mới (sau đây xin được viết tắt là SGK) đối với lớp 1, vì vậy cả học sinh và giáo viên đều khó khăn trong thời gian đầu tiếp cận. Lớp tôi có 39 em, trong đó khoảng 7 em đã đi học trước chương trình tiền tiểu học, còn lại là những tờ giấy trắng đúng nghĩa.

Không chỉ riêng bản thân tôi mà nhiều giáo viên tiểu học khác có lẽ ban đầu cũng khá bị "choáng" trước lượng kiến thức của SGK mới. Nhìn qua, cách tiếp cận của SGK mới hơi gấp gáp trong phần xuất hiện âm; nhiều bài tập đọc, viết chính tả... dài quá, lượng tiếng và câu khá nhiều. Tuy nhiên, trên thực tế, dù SGK có vẻ "nặng" nhưng thiết kế chương trình môn Tiếng Việt năm nay vẫn đi đúng các giai đoạn phát triển của trẻ.

Giáo viên nói về việc dạy học môn tiếng Việt lớp 1: Cứ từ từ, chậm mà chắc, nhất là đừng phụ thuộc hoàn toàn vào SGK-1

Cần hiểu rằng, chương trình không phải là SGK. SGK chỉ là tài liệu, là chất liệu để thực hiện chương trình.

Cần hiểu rằng, chương trình không phải là SGK. SGK chỉ là tài liệu, là chất liệu để thực hiện chương trình. Có nghĩa là trong thực tế 5 bộ SGK Tiếng Việt lớp 1 sẽ có cách triển khai rất khác nhau, nhưng tất cả đều phải hướng đến mục tiêu và đáp ứng được các yêu cầu cần đạt theo chương trình đã được Bộ trưởng Bộ GD-ĐT phê duyệt.

Cụ thể, khi so sánh chương trình Tiếng Việt (sau đây xin được viết tắt là TV) lớp 1 hiện tại về mục tiêu, yêu cầu cần đạt của các kỹ năng Nghe, Nói, Đọc, Viết (chuẩn đầu ra), tôi nhận thấy các yêu cầu đều tương đương với chương trình đề ra của môn TV lớp 1 trước đây. Khác biệt thứ nhất là ở phần yêu cầu kỹ năng Đọc. Nếu ở môn TV cũ yêu cầu "Tốc độ đọc tối thiểu 30 chữ/phút" thì ở môn TV mới, yêu cầu "Đọc đúng, rõ đoạn văn hoặc văn bản ngắn tốc độ đọc khoảng 40-60 tiếng /phút". Như vậy, tốc độ đọc tối thiểu yêu cầu ở chương trình TV mới nhiều hơn 10 tiếng/phút.

Khác biệt thứ hai ở yêu cầu VIẾT, thay vì biết tô chữ hoa ở chương trình cũ thì chương trình mới yêu cầu biết viết chữ hoa. Tuy nhiên bù lại, thời lượng môn TV lớp 1 ở chương trình hiện hành tăng từ 350 tiết lên 420 tiết, tức bổ sung thêm 70 tiết so với chương trình cũ.

Nhiều giáo viên cho rằng, một tiết đến mấy âm đơn, thêm 3 âm ghép, tập viết quá nhiều, 35 đến 40 phút cho môn TV là không đủ. Tuy nhiên, chương trình mới không quy định cụ thể số tiết học trong từng buổi, tuần cho mỗi môn học như chương trình cũ mà chỉ quy định tổng thời gian cả năm cho mỗi môn học. 

Việc sắp xếp nội dung dạy, thời lượng (số tiết) dạy học cụ thể từng môn, Bộ GD&ĐT đã trao quyền cho các nhà trường chủ động xây dựng kế hoạch giáo dục. Như vậy trong quá trình dạy, giáo viên có thể linh hoạt tổ chức dạy học theo điều kiện và năng lực học sinh, không cần quá máy móc vì mục tiêu cuối cùng là các con biết đọc, biết viết.

Theo ý kiến cá nhân của tôi, bên cạnh những hạn chế báo chí mấy hôm nay phản ánh, thì các bộ SGK đều có thiết kế mới mẻ, hấp dẫn về hình thức, cấu trúc, hình ảnh thể hiện phù hợp với nhu cầu tiếp nhận và tâm lý học sinh lớp 1, kênh chữ đẹp, rõ ràng. Nội dung có sự phân hóa, sắp xếp theo trật tự chủ đề, cách dẫn dắt học sinh khám phá cái mới. Các bài giảng được thiết kế gắn với khám phá, hoạt động, trò chơi và vận dụng trong thực tiễn.

SGK mới giúp tôi sáng tạo và đổi mới phương pháp giảng dạy

Thực tế, khi dạy nhiều năm một bộ SGK, nhiều giáo viên không tránh được cảm giác bị trói buộc bởi thói quen cũ vì mở sách ra là biết ngay sẽ dạy cái gì. Học sinh cũng khá thụ động, chỉ thực hành theo những thao tác hướng dẫn của giáo viên.

Ở chương trình TV mới, dù không có vài tuần cho học sinh làm quen các nét nhưng nhờ chương trình theo hướng mở nên giáo viên có thể tự phân bố các nội dung trong bài học. Sách mới còn giúp giáo viên sáng tạo và đổi mới phương pháp dạy riêng, cần nghĩ nhiều hoạt động để các con ghi nhớ bài học, không chỉ đọc chép như trước.

Giáo viên nói về việc dạy học môn tiếng Việt lớp 1: Cứ từ từ, chậm mà chắc, nhất là đừng phụ thuộc hoàn toàn vào SGK-2

Chẳng hạn, có thể cùng 1 nội dung yêu cầu cần đạt nhưng trong 1 tiết, yêu cầu về mức độ cần đạt đối với em này có thể khác với em kia, không bắt buộc tất cả các học sinh phải hoàn thành các nội dung như trong SGK. Nếu trong tiết học, học sinh chưa đạt yêu cầu đề ra, tôi có thể chuyển sang dạy ở tiết sau hoặc các tiết ôn tập, ôn luyện chứ không bị bó buộc bởi quy định cụ thể số tiết học trong từng buổi, tuần như chương trình cũ.

Ví dụ, với kĩ năng đọc đoạn, những học sinh đọc chưa tốt tôi chỉ yêu cầu các em đọc được từ ngữ có chứa âm/chữ/vần mới, tiến tới đọc câu ngắn. Với trẻ viết chưa tốt, tôi chỉ yêu cầu các em viết được chữ ghi âm mới, bước đầu hướng tới viết đúng độ cao, độ rộng, chưa đặt ra yêu cầu viết đẹp hoặc viết được các chữ ghi tiếng, ghi từ. Yêu cầu về các kĩ năng này sẽ được nâng cao dần qua từng "chặng" học tập tiếp sau.

Giáo viên nói về việc dạy học môn tiếng Việt lớp 1: Cứ từ từ, chậm mà chắc, nhất là đừng phụ thuộc hoàn toàn vào SGK-3

Hiện tôi đã dạy đến bài 31 của bộ sách Cánh Diều. Thật sự là có những câu, từ trúc trắc, khó hiểu nhưng tôi cố gắng tìm tranh, ảnh và clip để giảng cho các em. Chương trình là cốt lõi, còn SGK chỉ là ngữ liệu. Nếu thấy ngữ liệu dạy học thiếu chọn lọc, không phù hợp, thì cùng hoạt động đó, giáo viên có thể chủ động sử dụng ngữ liệu từ bộ sách khác để chắt lọc những từ ngữ, bài đọc hay.  

Bản thân tôi luôn cố gắng nhìn nhận sự tiến bộ, nỗ lực dù nhỏ của từng học sinh để khuyến khích các em, hạn chế chê bai hay phê bình. Và mặc dù Bộ GD&ĐT đã có quy định không giao bài tập về nhà cho học sinh học hai buổi, tuy nhiên theo tôi, vẫn cần phân biệt rõ việc HƯỚNG DẪN HỌC SINH TỰ HỌC khác với YÊU CẦU HỌC SINH LÀM BÀI TẬP Ở NHÀ. Vì vậy, cuối buổi học, tôi vẫn chủ động ghi các phiếu yêu cầu và ghi chú những phần cần ôn tập cho từng học sinh. Việc này không chỉ giúp các em ôn lại bài cũ mà còn là một cách tạo thói quen nề nếp học tập.

Tôi nghĩ, quan trọng nhất là giáo viên và cả phụ huynh đừng quá nóng vội. Dạy đọc, viết các âm, vần cho học sinh lớp 1 thời gian đầu cũng như tập giữ cho người mới đi xe đạp khỏi ngã, khi đã giữ được thăng bằng thì đạp được xe. Đừng cố gắng nhồi nhét tất cả những gì sách giáo khoa có vào đầu học sinh gây nên tình trạng "quá tải". Cứ từ từ, chậm mà chắc là được.

Theo Pháp luật và bạn đọc

Xem link gốc Ẩn link gốc http://phapluatbandoc.giadinh.net.vn/giao-vien-noi-ve-viec-day-hoc-mon-tieng-viet-lop-1-cu-tu-tu-cham-ma-chac-nhat-la-dung-phu-thuoc-hoan-toan-vao-sgk-162201610114127612.htm

sách giáo khoa


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.