Hiệu trưởng nói về trường học không quỹ lớp, quỹ trường

Mô hình “trường học không quỹ lớp” được nhiều phụ huynh đánh giá cao bởi sự minh bạch và xóa tan áp lực trong những cuộc họp đầu năm. Qua phân tích của những nhà quản lý trường học, liệu nó có thực sự lý tưởng?

Cứ vào đầu năm học, những sự việc xôn xao liên quan chuyện tiền trường, quỹ lớp, đóng góp “tự nguyện”... lại diễn ra ở không ít trường học.

Mới đây, một trường tiểu học ở TPHCM khiến nhiều người quan tâm khi hoàn toàn không thu tiền quỹ trường, lớp từ phụ huynh. Nhiều ý kiến hoan nghênh, ủng hộ, thậm chí bày tỏ mong muốn mô hình này được nhân rộng cả nước.

Nhiều hiệu trưởng đồng tình đó là mô hình lý tưởng, nhưng không dễ thực hiện, đặc biệt với các trường tài chính không mấy dư dả, trong khi số trường như vậy chiếm phần lớn.

Hiệu trưởng nói về trường học không quỹ lớp, quỹ trường-1

Học sinh tiểu học. Ảnh minh họa: Thanh Hùng.

Chia sẻ với VietNamNet, hiệu trưởng một trường THPT ở Hải Phòng thẳng thắn: “Phải chăng đó chỉ là cách xoa dịu dư luận hoặc phân quyền đầu việc, bớt trách nhiệm cho hiệu trưởng (để tránh bị chỉ trích, nghi ngờ)… chứ liệu có bao nhiêu hoạt động không cần đến kinh phí?”.

Vị hiệu trưởng cho rằng, về bản chất, để hoạt động, kinh phí không gom về quỹ lớp, quỹ trường cũng phải “chuyển thể” thành hình thức khác.

Vị này dẫn chứng: “Mỗi lần photo tài liệu học tập của học sinh, nếu không có quỹ chung, với những trường không có kinh phí hỗ trợ hoặc giáo viên chủ nhiệm không bỏ tiền túi ra, sẽ làm thế nào? Không lẽ cứ mỗi lần photo tài liệu lại chia tiền để đóng góp?

Hơn nữa, việc 'không quỹ' thực hiện được hay không còn tùy nơi, tùy miền, tùy ngân sách địa phương dành cho giáo dục. Nếu địa phương lo hoặc với khối các trường ngoài công lập (tất cả khoản đã thu thông qua học phí) hoàn toàn làm được. Tuy nhiên, ở khối trường công lập, địa phương không hỗ trợ sẽ rất khó khăn”, vị này nói.

Theo vị hiệu trưởng, việc có quỹ chung của lớp, trường trong nhiều trường hợp sẽ tiện lợi hơn, quan trọng là sử dụng quỹ minh bạch và chỉ phục vụ học sinh.

Ông Hồ Tuấn Anh, Hiệu trưởng Trường THCS Quỳnh Phương (thị xã Hoàng Mai, Nghệ An) cho rằng đã sinh ra một tổ chức, muốn hoạt động hiệu quả phải có kinh phí. 

“Để duy trì vai trò của Ban đại diện cha mẹ học sinh như quy định, hiệu trưởng phải thêm việc, thêm trách nhiệm nhưng nếu vì sợ trách nhiệm mà 'nói không' với quỹ lớp, quỹ hội coi như vô hiệu hóa vai trò của Ban này.

Thử hình dung một Ban đại diện cha mẹ không có quỹ sẽ hoạt động ra sao? Theo các quy định hiện hành, hội cha mẹ học sinh có vai trò quan trọng. Có điều, khi đi vào hoạt động cụ thể thì những quy định đó lại xa rời thực tế. Theo tôi, quan trọng hơn cả là thực hiện, giám sát quỹ lớp, trường đúng quy định và phù hợp”, ông Tuấn Anh nêu quan điểm.

Ông Nguyễn Quang Tùng, Hiệu trưởng Trường THCS và THPT M.V.Lô-mô-nô-xốp (Hà Nội) cho rằng, vẫn nên có Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp và trường. 

“Bản chất Ban đại diện cha mẹ học sinh đại diện cho phụ huynh có trách nhiệm giám sát các chương trình giáo dục, hình thức tổ chức dạy học của nhà trường và đại diện đảm bảo quyền lợi của học sinh; đồng thời kịp thời phản biện những điều chưa phù hợp của nhà trường hoặc có ý kiến với cơ quan quản lý các cấp nếu trường không thực hiện đúng quy định hoặc vi phạm pháp luật”, ông Tùng nói.

Theo ông Tùng, bất kỳ một hội, nhóm, đoàn thể nào cũng có quyền lập quỹ và sử dụng quỹ theo quy chế chi tiêu của hội, nhóm, đoàn thể đó. Ban đại diện cha mẹ cũng vậy và việc thành lập quỹ hay không do các thành viên thống nhất với nhau. “Nếu quỹ chỉ dành chi tiêu cho học sinh, không chi cho bất kỳ hạng mục nào của nhà trường, giáo viên và công khai việc chi tiêu thì chắc chắn sẽ được ủng hộ cao”, ông Tùng nêu quan điểm.

Ông Tùng cho rằng, mô hình “không có quỹ” phù hợp với một số trường quốc tế hoặc vùng thực sự khó khăn. “Trước đây, khi nước ta còn khó khăn, đâu có quỹ của Ban đại diện cha mẹ, song giáo dục vẫn tốt, vẫn có những thế hệ học sinh thành công trên nhiều lĩnh vực. 

Tuy nhiên, hiện nay, ở một số nơi có điều kiện, tôi cho rằng vẫn nên có quỹ Ban đại diện cha mẹ học sinh. Quỹ không cần nhiều, chỉ vừa đủ để dành khen thưởng khi học sinh tiến bộ, động viên các em có thành tích hoặc khi ốm đau, liên hoan tổng kết... Không nên vì những 'lùm xùm' về tiền nong quỹ Ban đại diện cha mẹ học sinh mà dừng các hoạt động nên có này cho các em”, ông Tùng nói. 

Theo vị hiệu trưởng, tùy từng nơi, việc tổ chức hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh sẽ nhiều hay ít và mức quỹ cũng khác nhau. “Điều quan trọng, mỗi phụ huynh cần thể hiện sự chính trực, dám có ý kiến phản biện ngay nếu việc chi tiêu quỹ không công khai, minh bạch hoặc sai mục đích, sai quy chế chi tiêu”, ông Tùng nói.

Theo VietNamNet

Xem link gốc Ẩn link gốc https://vietnamnet.vn/truong-hoc-khong-quy-lop-quy-truong-co-that-su-ly-tuong-2336860.html

quỹ lớp


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.