Học phí chục triệu mỗi tháng cản bước thí sinh giỏi đến trường y?

Không còn đứng đầu như nhiều mùa tuyển sinh trước, năm 2022, điểm chuẩn ngành y thậm chí giảm và đã bị nhiều ngành khác như sư phạm, kinh tế, công nghệ thông tin "qua mặt".

Điểm chuẩn ngành y giảm

Điểm chuẩn các trường đào tạo ngành y dược năm 2022 không có nhiều biến động, thậm chí là giảm so với năm trước.

Được mệnh danh là “ngôi sao” của cả nước, nhưng năm nay, điểm chuẩn Trường ĐH Y Hà Nội dao động từ 19 đến 28,15. Trong đó, cao nhất là ngành Y khoa xét điểm thi tốt nghiệp có điểm chuẩn cao nhất là 28,15. Tiếp theo là ngành Răng Hàm Mặt là 27,7 điểm; ngành Y khoa xét kết hợp với chứng chỉ ngoại ngữ 26,25 điểm; ngành Y khoa phân hiệu Thanh Hóa 26,8 điểm. So với năm 2021 điểm chuẩn các ngành của Trường ĐH Y Hà Nội đều giảm, trong đó ngành Y khoa giảm 0,7 điểm.

Trường ĐH Y Dược (ĐH Quốc gia Hà Nội) có điểm chuẩn từ 24,15 đến 27,3. Trong đó, ngành Y khoa đứng đầu với điểm chuẩn 27,3, tiếp theo là ngành Răng Hàm Mặt là 26,4 điểm...

Trường ĐH Y Dược Hải Phòng có điểm chuẩn từ 19,05 đến 26,2. Trong đó, ngành Y khoa lấy điểm chuẩn cao nhất với 26,2 điểm, giảm 0,7 điểm so với năm ngoái.

Tại Trường ĐH Y Dược TP.HCM, Y khoa cũng là ngành có điểm chuẩn cao nhất với 27,55 - giảm 0,65 điểm so với năm 2021. Ngành Y khoa xét kết hợp với chứng chỉ ngoại ngoại ngữ có điểm chuẩn 26,6; ngành Ngành Răng Hàm Mặt 27 điểm; ngành Răm Hàm Mặt xét kết hợp với chứng chỉ ngoại ngữ 26,25 điểm. So với năm ngoái, điểm chuẩn các ngành này giảm gần 1 điểm.

Học phí chục triệu mỗi tháng cản bước thí sinh giỏi đến trường y?-1

Khoa Y - ĐH Quốc gia TP.HCM có điểm chuẩn ngành Y khoa (CLC) là 26,45 điểm - giảm 0,7 điểm so với năm 2021. Các ngành còn lại cũng giảm so năm trước.

Điểm chuẩn Trường Khoa Phạm Ngọc Thạch chỉ từ 18,1 đến 26,55, giảm so với năm trước ở tất cả các ngành. Trong đó, ngành Y khoa và Răng Hàm Mặt có điểm chuẩn cao nhất là 26,55 cho thí sinh có hộ khẩu cả nước - giảm 0,7 điểm so với năm ngoái. Đặc biệt, ngành Dinh dưỡng dành cho thí sinh hộ khẩu TP.HCM có điểm chuẩn 18,1 - giảm tới 5,7 điểm so với năm ngoái.

Trường ĐH Y Cần Thơ có điểm chuẩn từ 20 đến 25,6, trong đó ngành Y khoa có điểm chuẩn cao nhất, với 25,6 điểm. 

Trong số các trường tư thục đào tạo ngành y, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành lấy điểm chuẩn ngành Y khoa cao nhất là 25, còn các trường còn lại có điểm chuẩn bằng điểm sàn Bộ GD-ĐT công bố.

Có phải học phí là rào cản?

Việc điểm chuẩn giảm khiến không ít người đặt ra câu hỏi phải chăng đã có rất nhiều thí sinh giỏi không còn mong muốn vào ngành y, và liệu điều này có ảnh hưởng tới chất lượng đào tạo của các trường, cũng như chất lượng của thế hệ bác sĩ tương lai?

Theo lãnh đạo một trường đại học, năm nay điểm chuẩn ngành y dược không đột biến thậm chí thấp hơn một số ngành khác có thể do các năm trước điểm chuẩn ngành này cao, thí sinh sợ nên không dám đăng ký nguyện vọng.

Lý do nữa là thí sinh đã đã dần hiểu ra ngành y không dành cho số đông mà chỉ dành cho những ai thực sự đam mê. Đặc biệt là muốn học ngành y thì phải có tiền. Học phí là một phần nổi, còn phần chìm là chi phí để mua sắm tài liệu cho ngành học thậm chí còn tốn kém hơn.

Học phí chục triệu mỗi tháng cản bước thí sinh giỏi đến trường y?-2

“Một trường đại học đã xác định muốn học ngành y khoa phải tốn kém ít nhất 1 tỷ đồng/khoá/người. Nhìn vậy tưởng nhiều nhưng đó mới là chi phí đủ để có thể đào tạo cơ bản. Mặt khác, các trường y dược cũng phải tự chủ tính toán để thầy cô để "sống sót", chứ thầy cô trường y "sống bằng niềm tin" lâu quá rồi” - vị này nói.

Trong khi đó, ông Dũng (tên đã được thay đổi), Trưởng phòng Đào tạo một trường y cho biết chính trường ông cũng đặt câu hỏi có phải điểm chuẩn ngành y năm nay chững lại do học phí cao hay không?

"Tuy nhiên, câu trả lời là chúng tôi vẫn đang thu học phí theo Nghị định 81 của Chính phủ. Còn một số trường khác thực hiện tự chủ, có tăng học phí, nhưng chắc chắn khi các trường định ra một mức học phí thì trước tiên cũng đã nghĩ tới sinh viên.

Giáo dục dùng tự chủ có nghĩa làm thế nào cho sinh viên được hưởng lợi nhiều nhất, chứ chữ “tự” không phải cho bản thân, hay cho trường mà phải căn chỉnh. Tất cả mọi lợi ích trong chương trình đào tạo, sinh viên được hưởng lợi cao nhất như mục tiêu đề ra".

Thời gian vừa qua nổi lên câu chuyện về thu nhập, công việc của bác sĩ với hàng nghìn y bác sĩ bỏ việc trong thời gian ngắn. Trước câu hỏi "điều này có ảnh hưởng tới sự lựa chọn ngành học của thí sinh không?", ông Dũng khẳng định chắc chắn là có.

"Nhưng khi lựa chọn ngành thì ai cũng đặt lý tưởng lên trên hết, đó là học vì thích, đam mê.

Như bản thân tôi, tôi cũng suy nghĩ nhiều khi chọn nghề, nhưng cuối cùng vẫn chọn nghề giáo. Bản thân tôi thu nhập không cao nhưng độ yêu nghề lại cao hơn. Khi đặt lý tưởng, đam mê trên tất cả thì sẽ vượt qua được mọi thứ” – ông Dũng nói.

Hiện nay, học phí các trường đào tạo đại học ngành y từ 20 đến hơn 200 triệu đồng/năm.

Mức học phí được tính theo năm của các trường đào tạo y dược như sau:

Ở khối công lập, tại Trường ĐH Y Dược TP.HCM có học phí ngành Răng Hàm Mặt cao nhất với 77 triệu đồng; Y khoa 74,8 triệu đồng; Dược học 55 triệu đồng; Y học sự phòng và Y học cổ truyền 41 triệu đồng. Các ngành còn lại như: Điều dưỡng, Kỹ thuật Y học, Hộ sinh, Kỹ thuật phục hình răng, Kỹ thuật xét nghiệm Y học, Kỹ thuật hình ảnh Y học là 37 triệu đồng.

Còn tại Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, các ngành Y khoa, Dược học, Răng Hàm Mặt học phí 44 triệu đồng. Các ngành còn lại không vượt quá 41 triệu đồng. So với năm ngoái, mức học phí tăng thêm cao nhất hơn 12 triệu đồng.

Trường ĐH Y Dược Cần Thơ có học phí ngành Y khoa, Răng Hàm Mặt, Dược học là 44,1 triệu đồng; các ngành Y học cổ truyền, Y học dự phòng là 39,2 triệu đồng; ngành Điều dưỡng, Kỹ thuật xét nghiệm y học là 34,3 triệu đồng; Ngành Hộ sinh, Kỹ thuật hình ảnh Y học, Y tế cộng đồng là 29,4 triệu đồng.

Khoa Y - ĐH Quốc gia TP.HCM là 49 triệu đồng, riêng ngành Điều dưỡng có học phí là 37 triệu đồng.

Trong khối các trường công lập, các Trường ĐH Y Hà Nội, Trường ĐH Y Hải PHòng, Trường ĐH Y Dược (ĐH Thái Nguyên), Trường ĐH Y Dược (ĐH Huế), Trường ĐH Kỹ thuật Y tế Hải Dương, Trường ĐH Y Dược (ĐH Quốc gia Hà Nội)… có học phí thu theo Nghị Định 81 của Chính phủ. Cụ thể, học phí các ngành Y khoa, Răng Hàm Mặt, Y học cổ truyền, Y học dự phòng là 24,5 triệu đồng, các ngành còn lại là 18,5 triệu đồng.

Ở khối ngoài công lập, Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng có học phí cho chương trình Tiếng Việt ngành Răng Hàm Mặt là 210 triệu đồng, ngành Y Học cổ truyền 100 triệu đồng; ngành Dược học 60 triệu đồng; các ngành khác là 55 triệu đồng. Đối với chương trình Tiếng Anh các ngành Răng HàmMặt, và Y khoa 250 triệu đồng. Các ngành khác 93 triệu đồng.

Trường ĐH Tân Tạo có mức học phí cao thứ hai ở khối ngoài công lập, khi ngành Y khoa là 150 triệu đồng; ngành Điều dưỡng, Kỹ thuật xét nghiệm y học bình quân 40 triệu đồng.

Trường ĐH Phan Châu Trinh có học phí ngành Y khoa là 80 triệu đồng; ngành Răng Hàm Mặt là 85 triệu đồng; các ngành Điều dưỡng, Kỹ thuật xét nghiệm là 24 triệu đồng; Quản trị bệnh viện 26 triệu đồng.

Trong các trường tư thục đào tạo y dược, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành có học phí thấp nhất, với ngành Y khoa khoảng 40 triệu đồng/năm.

Theo VietNamNet

Xem link gốc Ẩn link gốc https://vietnamnet.vn/diem-chuan-nganh-y-2022-thap-co-phai-do-hoc-phi-la-rao-can-2061943.html

điểm chuẩn đại học

học phí


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.