Học phí trường tư tăng mãi không dừng, "nhồi" giá vào tiền ăn, phụ thu

Cam kết không tăng 10% học phí mỗi năm nhưng nhiều trường tư ở Hà Nội "lách" thỏa thuận bằng việc tăng phụ thu.

Nghịch lý học trường tư: Học càng lâu càng tốn kém

Anh Phạm Thành Chương (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) có con học tại hệ thống trường liên cấp Newton. 5 năm trước, khi con trai anh Chương vào lớp 1, anh nhận được nhiều ưu đãi của trường dành cho cư dân khu đô thị Gold Mark. Tổng chi phí học tập mà anh Chương đóng cho con chỉ hơn 50 triệu đồng/năm học. 

Tuy nhiên, sau 5 năm, khi con trai chuyển cấp lên lớp 6, anh Chương ngỡ ngàng với mức phí mới.

"Tất cả chi phí đều tăng. Học phí bậc THCS là 69 triệu đồng/năm học, cao hơn tổng chi phí của bậc tiểu học. Tiền ăn và bán trú tăng 5 triệu đồng. Tiền quỹ phát triển trường tăng từ 5 triệu đồng lên 10 triệu đồng, tuy nhiên khoản này được ưu đãi 50% cho năm lớp 6.

Tổng chi phí cho cả năm học lên đến hơn 80 triệu đồng, gấp 1,6 lần so với năm ngoái", anh Chương chia sẻ.

Học phí trường tư tăng mãi không dừng, nhồi giá vào tiền ăn, phụ thu - 1

Hoạt động ngoại khóa hè tại Trường Tiểu học Newton (Ảnh: Trường Newton).

Mức đóng mới là con số anh Chương không lường trước. Gia đình anh từng có ý định cho con theo học một mạch hết 3 cấp học ở đây nhưng nay đã thay đổi phương án.

"Tôi đang tìm hiểu một số trường công lập trên địa bàn để chuyển cho con năm lớp 7. Bởi sang năm, khi một số ưu đãi không còn, tổng chi phí có thể lên đến 100 triệu đồng, vượt quá khả năng chi trả của gia đình tôi", anh Chương tâm sự.

Chị Nguyễn Lan Phương (Cầu Giấy, Hà Nội) có con học tại Trường Tiểu học Lê Quý Đôn. Học phí của con chị là 4 triệu đồng/tháng. Mức học phí này được nhà trường cam kết giữ nguyên 5 năm học. Cộng tiền ăn, tiền bán trú, sách vở, quỹ phát triển trường…, tổng số tiền chị Phương phải đóng hàng năm khoảng 65 triệu đồng.

Tuy nhiên, chị Phương cho hay, nhà trường tăng tiền ăn và phí dịch vụ bán trú hàng năm. Mức tăng chỉ vài trăm ngàn đồng/tháng nhưng nhân lên 10 tháng học là 2-3 triệu đồng. 

"Phụ huynh trong lớp nhiều lần ý kiến về việc nhà trường năm nào cũng tăng tiền ăn và phí bán trú nhưng chất lượng thì không đổi. Bữa ăn thường xuyên nguội, phòng ngủ không mở rộng thêm. Học sinh nhiều khối lớp phải ngủ tại lớp học. 

Nếu nói tăng do trượt giá thì phải có căn cứ tỷ lệ trượt giá là bao nhiêu. Nhưng nhà trường chưa bao giờ hỏi ý kiến phụ huynh hay có thông báo trước về việc tăng phụ phí.

Ai cũng nói mối quan hệ giữa trường tư và phụ huynh là thỏa thuận nhưng về bản chất chưa bao giờ có thỏa thuận. Nhà trường đơn phương ra quy định, phụ huynh hoặc tuân thủ hoặc chuyển con đi chỗ khác học. 

Nhưng không lẽ vì vài triệu đồng mà phải chuyển trường cho con? Đây cũng là điểm cốt yếu mà nhà trường thoải mái mỗi năm tăng vài trăm ngàn đồng/tháng mà không lo mất học sinh", chị Phương bày tỏ.

Học phí trường tư tăng mãi không dừng, nhồi giá vào tiền ăn, phụ thu - 2

Tiết sinh hoạt giữa giờ tại Trường Tiểu học Lê Quý Đôn (Ảnh: Trường Lê Quý Đôn).

Tuy nhiên, điều khiến chị Phương thất vọng hơn là nhà trường chỉ cam kết không tăng học phí với học sinh cũ, còn tăng đều đặn 10% mỗi năm với học sinh mới.

Theo đó, học phí của năm học 2023-2024 đã lên tới 6 triệu đồng. Vì mức phí này, chị Phương không thể tiếp tục cho con thứ hai sinh năm 2017 vào trường học. Bởi dù được giảm 10% học phí theo chính sách ưu đãi dành cho gia đình có hai con cùng học tại trường, tổng chi phí mà chị Phương phải đóng lên đến hơn 80 triệu đồng/năm.

Chỉ có tăng mà không có chững, phụ huynh nhà giàu cũng "khóc"

Năm học 2023-2024, giống nhiều phụ huynh cùng hoàn cảnh, chị Mai Vân Anh (Thanh Xuân, Hà Nội) phải tìm một trường tư thục có mức phí phải chăng cho con nhỏ trong khi con lớn học trường quốc tế. Bất tiện trong việc đưa đón, tổ chức học tập, nhưng chị Vân Anh cho biết "không thể cố gắng thêm".

Con lớn chị Lan Anh đã học 7 năm ở trường. Với con trẻ, việc học chỉ là phần nhỏ, mối quan hệ thân thuộc với thầy cô, bạn bè, thói quen học tập quan trọng hơn rất nhiều. Do đó, dù nhiều lần định chuyển trường cho con vì điều kiện kinh tế nhưng chị Vân Anh trì hoãn. 

Nhà trường tăng học phí đều đặn mỗi năm. Trong thỏa thuận với phụ huynh, trường không tăng quá 10% học phí. Song, phụ phí trường quốc tế không dưới 50 triệu đồng/năm và khoản này không có thỏa thuận nào.

"Phụ phí tăng lũy tiến hàng năm. 7 năm con tôi học ở trường, chưa có năm nào nhà trường không tăng các loại phí. 

Tôi tìm hiểu và được biết không có mức giá trần nào áp dụng với các khoản thu của trường tư. Nhà trường thường chỉ báo mức thu trước năm học mới 1 tháng. 

Với việc chỉ có tăng mà không có chững, sau 7 năm, mức thu đầu cấp tiểu học của trường đã lên tới gần 300 triệu đồng/năm. Đó là con số mà tôi nghĩ phần đa gia đình trung lưu ở Hà Nội không có khả năng chi trả nếu hai con cùng học. 

Tôi đành phải tìm một trường tư có mức học phí trên dưới 10 triệu đồng/tháng cho con thứ hai. Dù trong lòng vô cùng áy náy khi con phải chịu thiệt thòi so với chị. Nhưng đây là việc đặng chẳng đừng", chị Vân Anh nghẹn ngào.

Chia sẻ quan điểm với phóng viên Dân trí, hiệu trưởng một trường tiểu học tại Hà Nội cho biết trường tư thục hoạt động theo luật doanh nghiệp nên mọi dịch vụ được tính theo mức giá thỏa thuận.

"Tuy nhiên thực tế cho thấy phụ huynh ít khi thỏa thuận được phí dịch vụ với nhà trường mà chỉ có thể đưa ra quyết định đồng ý hay không đồng ý. Ở khía cạnh giáo dục, điều này có thể gây ra tranh cãi", vị hiệu trưởng phân tích.

Học phí trường tư tăng mãi không dừng, nhồi giá vào tiền ăn, phụ thu - 3

Học sinh tại Trường Tiểu học Hòa Điền, Kiên Giang (Ảnh: Trương Nguyễn)

Theo ông, phụ huynh cần tìm hiểu trước về cách thức vận hành dịch vụ của nhà trường trong các năm học trước để nắm được quy luật tăng giá. Trường thường tăng những khoản thu nào, tăng bao nhiêu phần trăm, tỷ lệ tăng đó ra sao nếu đối chiếu với tỷ lệ trượt giá của thị trường, việc tăng giá có tương ứng với việc tăng chất lượng dịch vụ, đầu tư cơ sở vật chất hay không… 

Từ đó, phụ huynh có một hình dung cụ thể hơn về biểu đồ học phí và tổng chi phí sẽ phải chi trả cho ít nhất 5 năm. Đồng thời đánh giá được tính tương xứng của giá dịch vụ so với chất lượng giáo dục.

"Khác với học trường công, ý kiến của phụ huynh có thể tác động tới chính sách của địa phương đối với giáo dục. Phụ huynh có quyền đưa ra các yêu cầu chính đáng khi nhà trường có biểu hiện lạm thu hay thu sai quy định của nhà nước, đồng thời quyền học tập của con cái tại trường được đảm bảo toàn vẹn.

Tuy nhiên với trường tư, mối quan hệ giữa nhà trường và phụ huynh là mối quan hệ giữa đơn vị cung cấp dịch vụ và khách hàng. Nếu phụ huynh không đồng ý với nhà trường, nhà trường có quyền dừng cung cấp dịch vụ, nói cách khác là từ chối quyền học tập của học sinh.

Do đó, thay vì để gia đình và con cái rơi vào tình thế khó xử, phụ huynh cần tìm hiểu kỹ càng mọi mặt hoạt động giáo dục và dịch vụ của trường, có dự báo đầy đủ cho tương lai ít nhất 5 năm nhằm tránh việc phải chuyển trường cho con giữa chừng.

Bởi trong mọi trường hợp, chuyển trường cho trẻ là việc bất đắc dĩ. Thay đổi môi trường học tập có thể có nhiều hệ lụy với trẻ mà người lớn không hình dung hết được", vị hiệu trưởng đưa ra lời khuyên.

Theo Dân Trí

Xem link gốc Ẩn link gốc https://dantri.com.vn/giao-duc/hoc-phi-truong-tu-tang-mai-khong-dung-nhoi-gia-vao-tien-an-phu-thu-20230804010208589.htm

học phí


Bộ xương khủng long dài bằng 2 xe buýt được bán đấu giá hơn 6 triệu USD
Một bộ xương khủng long Apatosaurus dài 21m, nặng hơn 22 tấn, được đặt tên là Vulcan, gần đây đã trở thành hóa thạch khủng long lớn nhất từng được bán đấu giá khi nó được mua với giá khoảng 6,4 triệu đô la tại một cuộc đấu giá ở Pháp.

Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.