Học sinh tiểu học nói dối hay sáng tạo khi làm văn?

Gần đây, xuất hiện nhiều bài viết nói về học sinh bây giờ học văn theo kiểu “nói dối”. Nếu cứ theo cách nghĩ này thì học sinh của chúng ta đã làm văn kiểu nói dối từ lớp 3 tiểu học.

Gần đây, xuất hiện nhiều bài viết nói về học sinh bây giờ học văn theo kiểu “nói dối”. Nếu cứ theo cách nghĩ này thì học sinh của chúng ta đã làm văn kiểu nói dối từ lớp 3 tiểu học.

tập làm văn, nói dối, dạy trẻ
Ảnh minh họa

Những đề Tập làm văn kể, tả ngắn trong môn tiếng Việt ở tiểu học có từ lớp 2 và học sinh bắt đầu viết nhiều ở lớp 3. Mục đích của các nhà biên soạn sách là giúp học sinh nhớ lại những gì đã chứng kiến để kể lại, tả lại thành bài văn ngắn có tính chân thực.

Nói như vậy, tức là học sinh thấy gì viết nấy nhưng thực tế thì không phải như vậy. Có những đề bài buộc các em phải tưởng tượng và viết ra. Cũng có đề bài yêu cầu học sinh dựa vào chuyện có thực để viết nhưng nhiều em vẫn “hư cấu” lên cho văn thêm hay.

Nhiều người cho rằng như vậy là dạy các em nói dối. Tôi thì cho rằng không hẳn như vậy.

Trong khuôn khổ bài báo, tôi mạn phép chỉ xin phân tích chủ yếu ở lớp 3 để làm rõ vấn đề.

Kể, tả ngắn ở lớp 3 chỉ có duy nhất đề bài mà học sinh phải viết thật.

Đó là đề bài “Kể về gia đình” trong tiết Tập làm văn cuối tuần 3 (tiếng Việt lớp 3 tập 1). Theo “Tài liệu hướng dẫn thực hiện chuẩn kiến thức và kĩ năng môn tiếng Việt lớp 3” của Bộ GD-ĐT thì mục tiêu tiết học là “Kể được một cách đơn giản về gia đình với người bạn mới quen theo gợi ý”.

Trong sách giáo khoa tiếng Việt lớp 3 không có gợi ý. Gợi ý ở đây là do giáo viên đưa ra để định hướng các em “có sao kể vậy”. Với đề tập làm văn này, học sinh nào cũng làm được, nói được vì thường là ai cũng có một gia đình, một mái ấm. Điều đáng nói ở đây là đã kể được mà lại kể đúng sự thật, muốn tưởng tượng hay hư cấu rất khó. Thực tế dạy học cho thấy, đa số các em không thích hư cấu trong bài văn này.

Các đề bài trong chương trình bắt buộc học sinh phải viết kiểu “1 thực 9 hư"

Đề bài “Kể lại buổi đầu đi học” (Tiếng Việt 3 tập 1, tuần 3)

Ngay sau đề bài phải kể thật duy nhất ở lớp 3 trong tuần 3, sang tuần 4 học sinh đã phải cố gắng tưởng tượng và nhớ lại để làm bài văn này. Mà ở đây, tưởng tượng là chủ yếu vì “buổi đầu đi học” từ khi các em mới 6 tuổi nên rất khó nhớ lại. Thế là các em gần như phụ thuộc hoàn toàn vào gợi ý của giáo viên.

Nếu làm văn theo thực tế thì phải là mỗi bài một khác vì mỗi học sinh có buổi đầu đi học không giống nhau. Thế nhưng, vì nhiều lí do, một học sinh 8 tuổi không phải em nào cũng nhớ chuyện lúc 6 tuổi, hoặc cũng vì buổi đầu đi học không có ấn tượng gì nhiều nên các em khó kể.

Ngày xưa, ngày khai trường là buổi đầu đi học, các em đến trường tâm trạng đầy bỡ ngỡ vì bạn lạ, cô chưa quen. Nay khác hoàn toàn. Miền núi và vùng sâu có thể vẫn còn nếp cũ chứ nông thôn và thành thị bây giờ thì không thể nhớ nổi buổi nào là buổi đầu đi học.

Vì các em được đi học trước khi vào lớp 1. Lại thêm học trước 1-2 tuần rồi mới khai giảng,… Tất cả những việc đó làm cho cái buổi đầu đi học của các em nó không có gì nên thơ, ấn tượng đáng ghi nhớ cả. Nó không phải là buổi khai trường để có cái tâm trạng “Tiếng trống trường đã điểm – Năm học mới đến rồi”.

Tuy thực tế là vậy nhưng làm văn phải là làm văn. Các cô giáo buộc lòng phải gợi ý theo kiểu buổi đầu đi học đầy bỡ ngỡ và vui sướng để các em kể theo hướng đó.

Đề bài “Kể về người hàng xóm mà em quý mến” (Tiếng Việt lớp 3, tập 1, tuần 8)

Mục tiêu tiết học là “học sinh kể được 5-7 câu về một người hàng xóm.”

Gợi ý trong sách giáo khoa là học sinh kể về tên, tuổi, nghề và tình cảm với người hàng xóm đó.

Với đề bài này, nếu cứ thật mà kể thì cũng khó hay. Thực tế, có học sinh có những người hàng xóm ấn tượng để kể. Nhưng không ít học sinh không biết kể thế nào vì những người trong xóm mình rất ít khi gặp nhau. Chưa nói hàng xóm ở thành phố.

Ở nông thôn nhiều nơi cũng vậy. Sáng ra, cả xóm vắng ngắt vì người lớn đi làm ở các khu công nghiệp. Công nhân khu công nghiệp thường làm ca nên tối về muộn. Những người già không đi làm công ty thì phải đi làm ruộng.

Các em học sinh rất ít khi được tiếp xúc với hàng xóm. Kể về người hàng xóm ở bài văn này không phải là kể về bất kì người nào cùng xóm mà phải kể về một người hàng xóm em có ấn tượng, có sự quý mến. Vậy nên càng khó với những học sinh ở những xóm mà nhà nào biết nhà nấy trong thời đại công nghiệp hiện nay.

Nhưng các em vẫn phải có bài văn để nộp. Vậy là chỉ còn mỗi cách là “hư cấu” theo định hướng của bố mẹ, thầy cô.

Đề bài “Kể về một người lao động trí óc mà em biết.” (Tiếng Việt lớp 3, tập 2, tuần 22)

Mục tiêu tiết học là học sinh “Viết được đoạn văn từ 7-10 câu kể về một người lao động trí óc”. Sách giáo khoa gợi ý học sinh kể về tên, tuổi, nghề nghiệp, công việc hàng ngày và cách làm việc của người đó.

Tôi có đứa cháu họ học lớp 3 tên là Bình Anh. Các bác, các cô nội ngoại nhà cháu chẳng có ai là trí thức cả. Trong xóm nhà cháu toàn nông dân và công nhân may. Bố mẹ cháu là công nhân nhà máy bao bì. Không có bài thì không được. Cháu nghĩ đại ra một “dì cháu” là cô giáo, tối nào cũng soạn bài khuya,…

Với đề bài này, số lượng học sinh kể thật không nhiều.

Các đề bài buộc học sinh phải “10 phần hư cả”

Đó là các đề bài: “Kể lại một buổi biểu diễn nghệ thuật” (Tiếng Việt lớp 3, tập 2, tuần 23); “Kể về một ngày hội” (Tiếng Việt lớp 3, tập 2, tuần 26); “Kể lại một trận thi đấu thể thao” (Tếng Việt lớp 3, tập 2, tuần 29).

Các đề bài trên, học sinh phải hoàn toàn hư cấu vì hai lí do chính sau đây:

Một là các em chưa chứng kiến. Phần vì nhiều vùng dân cư trên đất nước ta lâu lắm rồi không có lễ hội. Như làng tôi chẳng hạn. Cả năm có một hội Chùa nhưng đến hội thì các em không đi xem. Các em đã không chứng kiến thì lấy gì mà kể. Vậy là các em phải hư cấu hoàn toàn.

Hai là đề bài quá sức với một HS lớp 3 (8-9 tuổi), kể lại được một buổi biểu diễn nghệ thuật hay một trận đấu thể thao là rất khó, nhiều em không làm nổi. Thế là các cô giáo buộc phải đọc lên một số khuôn hình để các em viết theo. Khuôn văn ở đây thường là buổi đi xem xiếc và trận đấu bóng đá vì nó dễ hình dung.

Cũng còn may là vẫn có đề bài kiểu “Nửa thực nửa hư”

Đó là đề bài “Kể lại một việc tốt em đã làm để góp phần bảo vệ môi trường.” (Tiếng Việt lớp 3, tập 2, tuần 32).

Thực tế bây giờ, ở nhà hay ra ở trường cũng thế. Học sinh ít phải lao động. Đa số các trường đều thuê người quét lớp, chăm sóc cây, dọn nhà vệ sinh,… Ở nhà thì bố mẹ làm hết. Các em đến trường chỉ có học và chơi chứ chẳng phải làm gì. Tuy nhiên, cũng còn một vài việc các em làm liên quan đến môi trường. Chẳng hạn: nhặt rác bỏ thùng, ngăn bạn bẻ cây, vặt hoa. Nhưng nếu cả lớp chỉ kể một hai việc đó thì không hay. Vậy là giáo viên gợi ý thêm những việc khác nên dẫn đến tình trạng “nửa thực nửa hư”.

“Nửa thực nửa hư” ở đây có thể hiểu theo hai cách:

- Nửa việc có thực, nửa việc hư cấu trong một bài văn.

- Nửa lớp viết thực, nửa lớp hư cấu hoàn toàn để có bài văn.

Hiểu theo cách nào cũng đúng.

Một số học sinh nhớ lại việc mình đã làm và viết lại như nhặt rác giữa giờ, ngăn bạn bẻ cây, ngăn bạn vứt rác ra sân,… Để cho bài văn hay hơn và đủ số câu, các em vẫn phải viết thêm những gì chưa hẳn đã thật.

***

Xét trên nhiều phương diện, tôi không cho rằng các em nói dối mà đây chính là sự sáng tạo bất đắc dĩ. Sở dĩ vậy vì để có bài văn theo yêu cầu, các em không còn cách nào khác. Vấn đề này thuộc về người lớn chứ các em không có lỗi. Do vậy, hướng các em quan sát chân thực, biết so sánh, nhân hóa để tả những gì mắt thấy, tai nghe, tay sờ,... là trách nhiệm của chúng ta.

Theo Trần Trung/VietNamNet



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.