Không thể trì hoãn việc đến trường; sợ Covid mà nhốt ở nhà, trẻ có thể rối loạn tâm thần

Tiến sĩ tâm lý chỉ ra rõ, trong khi người lớn đã quay lại cuộc sống bình thường, thoải mái đi làm, ăn nhậu, trẻ phải ở nhà là vô lý.

Trong cuộc họp Thường trực Chính phủ ngày 3/2/2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã yêu cầu mở cửa trường học trên phạm vi toàn quốc tại tất cả các cấp học trong tháng 2, bảo đảm để các cháu đi học an toàn, khoa học, hiệu quả, hợp lý và giúp các phụ huynh học sinh bớt lo toan.

Một số phụ huynh, đặc biệt là những phụ huynh có con ở độ tuổi 5 -  11 tuổi (mẫu giáo lớn và tiểu học) nửa mừng, nửa lo. Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với Tiến sĩ Tâm lý học Nguyễn Thị Kim Quý (Trung ương hội Khoa học tâm lý Giáo dục Việt Nam) về việc có nên cho trẻ quay lại trường học tập trực tiếp thời điểm này chưa.

Không thể trì hoãn việc đến trường; sợ Covid mà nhốt ở nhà, trẻ có thể rối loạn tâm thần-1

TS. Nguyễn Thị Kim Quý, nhà giáo, nhà nghiên cứu về tâm lý trẻ em và tâm lý giáo dục

Nhốt trẻ ở nhà nhiều, hệ lụy lớn lắm

PV: Xin chào Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Quý. Về việc cho trẻ trở lại trường học trực tiếp, đặc biệt là lứa tuổi từ 5 - 11 tuổi, nhiều phụ huynh bày tỏ sự ngần ngại về sự an toàn. Một số người cho rằng cứ để trẻ ở nhà học trực tuyến cũng được, quan điểm của bà thế nào?

TS Nguyễn Thị Kim Quý: Tôi ủng hộ việc cho trẻ trở lại trường. Phụ huynh chỉ nghĩ về an toàn thể chất mà không nghĩ đến nhu cầu xã hội, tâm lý của trẻ. Những đứa trẻ trong mùa Covid-19 bị nhốt chặt trong nhà, gần như không được giao lưu trực tiếp với bạn bè. 

Giao lưu học hỏi xã hội là cực kỳ quan trọng đối với trẻ em, thông qua đó chúng được học hỏi, được thể hiện quan điểm, được nâng cao nhận thức. Trẻ con phải được tiếp xúc, được chơi, được chạy nhảy với bạn bè cùng trang lứa, nhưng những hoạt động này không có hoặc chỉ thông qua mạng internet nên rất hạn chế. 

PV: Có một nghịch lý là, phần lớn phụ huynh đã đi làm lại, giao lưu tiếp xúc thoải mái nhưng lại muốn nhốt con ở nhà cho an toàn?

TS Nguyễn Thị Kim Quý: Đúng vậy. Đó là sự ích kỷ của người lớn. Phụ huynh tưởng thế là thương con nhưng không nghĩ đến việc trẻ suốt ngày ngồi học trên máy tính sẽ chán và mệt mỏi. Nói thật, bản thân chúng tôi là giáo viên ngồi trước màn hình, chủ động dạy học còn thấy chán nữa là trẻ em. Trẻ ngồi học thụ động với cái máy tính rất dễ lơ đễnh. 

Nếu người lớn không ở nhà, trẻ sẽ rất cô đơn. Nếu người lớn ngồi ở nhà kè kè bên cạnh, thấy con học không tập trung nhiều khi lại cáu giận, không chịu nổi. Đặc biệt là một số bố mẹ mắc bệnh thành tích, luôn muốn con mình phải giỏi, phải ngoan bằng con bạn bè của mình, kém con nhà người ta là không được.

Những người này nghĩ đến nhu cầu của mình nhiều hơn nhu cầu của con, có thể tức giận và cáu gắt hoặc đánh con vì cho rằng mình đã bỏ việc ở nhà canh con học mà nó không đạt kỳ vọng.

Không thể trì hoãn việc đến trường; sợ Covid mà nhốt ở nhà, trẻ có thể rối loạn tâm thần-2

Nhất thiết phải cho trẻ trở lại trường học và ứng phó phù hợp với Covid-19. (Ảnh minh họa)

PV: Liệu đó có phải là một nguyên nhân dẫn đến việc bạo hành với trẻ em gia tăng trong thời gian có dịch Covid-19? 

TS Nguyễn Thị Kim Quý: Bản thân việc không được giao lưu đã tạo ra căng thẳng rất lớn cho trẻ em và cũng gây căng thẳng cho người lớn, khi họ đã bận việc rồi còn phải thu xếp để lo lắng cho trẻ ở nhà nữa. Nhiều người không thể kiềm chế được hung tính, dẫn đến trút cơn giận lên trẻ bằng bạo lực.

Cũng có khi chính trẻ lại chống đối bằng cách mở máy lên rồi ngủ hoặc chơi. Nhiều phụ huynh tâm sự với tôi rằng họ phát điên vì con ở nhà chẳng học hành gì cả, cả tuần không viết bài, trốn tránh cô giáo. 

Sức khỏe tâm thần của trẻ em cũng cần được chăm sóc

PV: Nói vậy nghĩa là, TS cho rằng nếu cứ nhốt trẻ ở nhà, chúng cũng không thật sự an toàn và khỏe mạnh?

TS Nguyễn Thị Kim Quý: Chúng ta đã nhốt trẻ ở nhà đến giờ là quá lâu. Nỗi âu lo với Covid-19 lan truyền từ người lớn và việc trẻ em không được tiếp xúc xã hội một cách bình thường gây ra hệ lụy rất nguy hiểm với tâm lý, sự phát triển và hoàn thiện nhân cách của trẻ. 

Covid-19 đang tạo ra một thế hệ trẻ em có nguy cơ bị trầm cảm, lo âu. Rất nguy hiểm cho trẻ em nếu thế giới xung quanh chúng chỉ toàn là internet.

Việc hạn chế về vận động và giao tiếp trực tiếp mà chủ yếu tiếp xúc với máy tính, điện thoại quá nhiều sẽ khiến học sinh dần bị “thui chột” đi cảm xúc, thiếu thốn kỹ năng, thái độ sống. Những thói quen sinh hoạt hàng ngày lặp đi lặp lại nhàm chán khiến trẻ hụt hẫng, ngừng trệ trong tư duy, chậm phát triển.

PV: Hệ lụy đó có thể trầm trọng đến mức nào, thưa TS?

TS Nguyễn Thị Kim Quý: Nhiều phụ huynh gọi cho tôi và bật khóc khi thấy con họ có dấu hiệu trầm cảm, thu mình lại và mất cách giao tiếp. Ngay cả khi bị đánh mắng, chúng cũng trơ ra không phản ứng.

Đó là những dấu hiệu tâm lý nguy hiểm, một dạng của tâm thần thể nhẹ do bị nhốt ở một không gian nhất định quá lâu mà thiếu tương tác xã hội. Nếu con trẻ không được giải phóng năng lượng mỗi ngày, chúng sẽ tích tụ ngược trở lại trong cơ thể mà sinh ra bí bách, khó chịu về thể chất cũng như tâm lý trẻ em.

Sức khỏe tâm thần của trẻ cũng cần được chăm sóc không kém gì sức khỏe thể chất, nhẹ thì lo âu, dễ tổn thương, hay bực bội, cáu gắt, nặng hơn có thể là trầm cảm, rối loạn cảm xúc, phát triển lệch lạc nhân cách. 

Không thể trì hoãn việc đến trường; sợ Covid mà nhốt ở nhà, trẻ có thể rối loạn tâm thần-3

Trẻ em cũng cần giao lưu xã hội, đặc biệt trong giai đoạn dưới 16 tuổi. (Ảnh minh họa)

Không thể đợi hết dịch mới cho trẻ đi học

PV: TS có nghĩ rằng nên đợi cho hết dịch mới cho trẻ đến trường không?

TS Nguyễn Thị Kim Quý: Để học sinh học trực tuyến kéo dài sẽ không ổn. Nói về chỉ số tâm sinh lý, trẻ em chỉ tập trung được tối đa 30 phút nếu cứ nhìn qua màn hình. 

Nếu đợi hết dịch thì không biết đến bao giờ và trẻ con vẫn phải ở nhà, điều đó không ổn một chút nào. Cần phải cho trẻ đến trường để có cơ hội phát triển lành mạnh sức khỏe tâm thần.

PV: Nhưng phụ huynh vẫn lo trẻ sẽ nhiễm bệnh, khi con số ca nhiễm vẫn chưa dừng lại?

TS Nguyễn Thị Kim Quý: Người lớn xung quanh trẻ em - những người có nguy cơ cao - hầu như đã tiêm phòng rồi, nguy cơ trẻ nhiễm ít hơn. Các chuyên gia y tế cũng nói rằng sức đề kháng của trẻ cũng tốt, tỉ lệ mắc Covid-19 cũng như biến chứng nặng thấp hơn rất nhiều so với người lớn. 

Hiện nay các nước trên thế giới họ vẫn phải mở cửa và xác định sống chung với Covid-19.

PV: Phụ huynh cũng lo ngại nếu có trẻ nhiễm, dù nhẹ, nhà trường vẫn sẽ đóng cửa, hoặc cho trẻ đi cách ly…

TS Nguyễn Thị Kim Quý: Nếu trong quá trình đi học, thấy có vấn đề thì khoanh vùng vào. Có thể chỉ khoanh vùng theo lớp chứ không thể nghỉ luôn cả trường được.

Nếu có phong tỏa cũng chỉ cần phong tỏa lớp học, tầng hoặc tòa nhà, sau đó phun khử khuẩn và đưa F0, F1 đi cách ly, sau đó cho các lớp khác đi học lại bình thường. 

Chúng ta đã thích ứng với dịch, do đó đừng quá hoang mang khi có ca Covid-19 trong trường học. Việc học trực tiếp vẫn nên duy trì, và nên cùng trẻ đối mặt, thay vì né tránh và chọn cách nhốt chúng ở nhà.

Theo Trí thức trẻ 


học trực tiếp


Bộ xương khủng long dài bằng 2 xe buýt được bán đấu giá hơn 6 triệu USD
Một bộ xương khủng long Apatosaurus dài 21m, nặng hơn 22 tấn, được đặt tên là Vulcan, gần đây đã trở thành hóa thạch khủng long lớn nhất từng được bán đấu giá khi nó được mua với giá khoảng 6,4 triệu đô la tại một cuộc đấu giá ở Pháp.

Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.