Lớp có chục ca F0, F1, học sinh giữa cấp lo lắng bồn chồn, học sinh cuối cấp quyết "sống chung với lũ": Giờ mà học online thì không ổn!

Tuy rất thích đi học trực tiếp nhưng nhiều học sinh hoang mang, lo lắng khi xuất hiện các ca F0 trong trường học.

Tính đến thời điểm hiện tại, toàn bộ học sinh lớp 7 - 12 tại 30 quận, huyện trên địa bàn TP. Hà Nội đã đi học trực tiếp. Bên cạnh đó, học sinh lớp 1 - 6 tại một số huyện ngoại thành cũng đến trường từ ngày 10/2. Sắp tới, học sinh lớp 1 - 6 các quận nội thành sẽ chính thức đi học từ ngày 21/2. Như vậy, thêm khoảng 400.000 học sinh sẽ đến trường vào tuần tới. 

Theo ghi nhận, những ngày qua, TP. Hà Nội có trung bình khoảng 3.000 ca nhiễm/ngày. Tại một số trường học cũng ghi nhận nhiều em là F0 và học sinh đã quen với cảnh vừa đến trường thì lớp báo có F0 và phải chuyển sang học trực tuyến tiếp.

Lớp có chục ca F0, F1, học sinh giữa cấp lo lắng bồn chồn, học sinh cuối cấp quyết sống chung với lũ: Giờ mà học online thì không ổn!-1

Đa số học sinh đều hoang mang, lo lắng khi quay lại trường. (Ảnh minh hoạ)

Học sinh nghĩ sao khi có nhiều ca F0 trong trường học?

Em Trần Khánh Hà, học sinh lớp 10D6 trường THPT Phạm Hồng Thái (quận Ba Đình) cho biết, hiện tại lớp em có 20 học sinh diện F0, F1, một nửa lớp phải nghỉ học. Nhà trường kết hợp giữa học trực tiếp và trực tuyến nhưng không thể bao quát hết được tất cả học sinh.

Khánh Hà chia sẻ: "Em thấy việc học trực tiếp vẫn là tốt nhất, được nghe thầy cô giảng bài và đặt câu hỏi luôn khiến chúng em tiếp thu bài nhanh, thầy cô cũng không vất vả. Tuy nhiên, trước tình hình dịch bệnh phức tạp, số ca nhiễm trường em liên tục tăng thì việc học online là phương án khả quan nhất".

Cũng học tại trường THPT Phạm Hồng Thái, em Nguyễn Khánh Ngọc, học sinh lớp 10A4 chia sẻ: "Ngay khi đi học, số lượng học sinh diện F0, F1 tăng nhanh khiến cô giáo lớp em phải dạy cả trực tiếp lẫn trực tuyến. Trước tình hình như vậy, thầy cô đã tiến hành công tác khoanh vùng và thông báo đến cha mẹ học sinh kịp thời. Giờ chúng em cũng đã quen với việc "sống chung với lũ". Đi học tuy có lo lắng, bất an nhưng lại giúp tiếp thu kiến thức nhanh hơn".

Lớp có chục ca F0, F1, học sinh giữa cấp lo lắng bồn chồn, học sinh cuối cấp quyết sống chung với lũ: Giờ mà học online thì không ổn!-2

Em Nguyễn Thái Ngọc Khuê hiện đang là học sinh cuối cấp nên muốn đi học trực tiếp, rất sợ phải quay lại học online.

Đối với những học sinh cuối cấp, chuẩn bị thi lên lớp 10 hay thi đại học thì các em lại càng nôn nóng, mong muốn đi học trực tiếp. Việc đến lớp sẽ đem lại hiệu quả cao hơn, tập trung ôn luyện cho kỳ thi sắp tới. Em Nguyễn Thái Ngọc Khuê, học sinh lớp 9T, trường THCS Ban Mai (quận Hà Đông) rất lo lắng nếu giờ phải quay lại quá trình học online. Em cho biết việc học và thi online tồn tại nhiều hạn chế, khiến học sinh không tập trung, chểnh mảng học tập. Chỉ học trực tiếp mới truyền tải kiến thức dễ dàng, giúp học sinh nắm bài nhanh.

"Dù hiện tại các ca nhiễm vẫn tăng, trường học có nguy cơ lây nhiễm cao nhưng em vẫn muốn đến trường. Em học năm cuối rồi, đây là thời gian chạy nước rút, em phải cố gắng thi đỗ vào trường cấp 3 yêu thích", Ngọc Khuê khẳng định.

Lớp có chục ca F0, F1, học sinh giữa cấp lo lắng bồn chồn, học sinh cuối cấp quyết sống chung với lũ: Giờ mà học online thì không ổn!-3

Em Nguyễn Thái Thành Hưng luôn được mẹ chuẩn bị đồ dùng phòng chống dịch trước khi đến trường.

Em Nguyễn Thái Thành Hưng, học sinh lớp 7A1 trường THCS Đại Kim (quận Hoàng Mai) cho biết, hiện lớp có 5 bạn diện F0. Bố mẹ Thành Hưng lo sợ sẽ ảnh hưởng đến sức khoẻ của Hưng nên luôn nhắc em đeo khẩu trang, tuyệt đối không bỏ khẩu trang trong giờ ra chơi. Ngoài ra, Hưng cho biết, mỗi sáng mẹ còn chuẩn bị cho em bình nước uống riêng và dung dịch sát khuẩn tay. Bố mẹ cũng dặn em chấp hành nghiêm chỉnh 5K và tránh tiếp xúc với người lạ.

Còn em Nguyễn Bảo Linh, học sinh lớp 6 tại một trường công lập tại Hà Nội bày tỏ sự lo lắng, hoang mang khi tuần sau bắt đầu đi học. Bảo Linh nói: "Nhiều học sinh dưới 12 tuổi chưa được tiêm vacccine COVID-19, em rất lo lắng cho sức khoẻ của bản thân và các bạn. Em mong muốn sớm được tiêm vaccine để yên tâm đi học. Sang tuần, nếu có đi học trở lại, em nghĩ bản thân cũng không tập trung bởi rất sợ nhiễm bệnh. Hiện cậu của em nhưng bằng tuổi đang phải chuyển viện điều trị COVID-19 bởi bệnh diễn biến phức tạp". 

Lớp có chục ca F0, F1, học sinh giữa cấp lo lắng bồn chồn, học sinh cuối cấp quyết sống chung với lũ: Giờ mà học online thì không ổn!-4

Vì chưa được tiêm vaccine nên Bảo Linh rất lo lắng cho sức khoẻ khi tuần sau phải quay lại trường.

Tính đến ngày 15/2, trường THPT Chuyên Hà Nội – Amsterdam đã có 37 lớp học có F0 và chuyển sang học trực tuyến, trên tổng số 76 lớp từ khối 7 – 12. Trường THPT Chu Văn An (quận Tây Hồ) đến ngày 15/2 ghi nhận 40 trường hợp học sinh mắc COVID-19, đã có 10 lớp có học sinh diện F0.

Ngoài ra, còn nhiều trường/lớp khác có học sinh diện F0 và những học sinh F1 phải chuyển sang học trực tuyến. Khi được hỏi, nhiều phụ huynh bày tỏ nguyện vọng con em được chuyển sang học trực tuyến trong tình hình như hiện nay.

Linh hoạt ứng phó khi lớp có F0

Theo ông Phạm Xuân Tiến - Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP Hà Nội, nhà trường, học sinh, phụ huynh và giáo viên phải quen dần với tình huống phát hiện F0 trong trường học để xác định tâm lý, tránh hoảng hốt, lo sợ nhưng cũng không được chủ quan, lơ là trong phòng dịch.

Theo Sở GD-ĐT Hà Nội, khi phát hiện F0 trong trường học, giáo viên phối hợp bộ phận y tế lập tức rà soát, truy vết: Những học sinh tiếp xúc gần F0 là F1, được cho đi xét nghiệm và chuyển học trực tuyến. Những trường hợp còn lại trong lớp sẽ được theo dõi sức khỏe; nếu không có bất thường thì hôm sau vẫn tiếp tục được đến trường.

Do nắm rõ được nguyên tắc nên mặc dù xảy ra nhiều trường hợp báo có học sinh là F0 nhưng các trường học vẫn duy trì nền nếp tổ chức học tập bình thường và chủ động xử lý các tình huống này, thông điệp kịp thời cho phụ huynh nên không gây hoang mang, lo lắng trong học sinh.

Theo Pháp luật và bạn đọc


học trực tiếp


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.