Mẹ phàn nàn vì con nghỉ ốm nhưng cô giáo không một lời thăm hỏi, hội phụ huynh nổ ra cuộc tranh cãi

Phản ứng của cô giáo thế nào là hợp lý khi học sinh nghỉ ốm đang là chủ đề tranh luận với những ý kiến trái chiều.

Với trẻ tiểu học, nhất là trẻ lớp 1, việc thỉnh thoảng ốm sốt, nghỉ học là chuyện khá thường xuyên. Sức đề kháng không tốt, thay đổi thời tiết, virus lây lan... trẻ tuổi này hay gặp những bệnh phổ biến là sổ mũi, ho, sốt do viêm họng, sốt siêu vi... Một trận ốm trung bình cũng phải nghỉ học từ 3 đến 5,7 ngày.

Mới đây, một bà mẹ cũng lên hội nhóm của phụ huynh có con học lớp 1 than thở chuyện con ốm. Bên cạnh đó, chị phản ánh chuyện học sinh nghỉ bệnh cả tuần nhưng cô giáo không một lời hỏi thăm, không gửi bài tập hướng dẫn làm ở nhà. Tình huống này đã nhận được nhiều ý kiến bình luận trái chiều.

Mẹ phàn nàn vì con nghỉ ốm nhưng cô giáo không một lời thăm hỏi, hội phụ huynh nổ ra cuộc tranh cãi-1

Dòng chia sẻ gây tranh cãi của phụ huynh.

Không ít người cho rằng cô giáo trong trường hợp này đã quá vô tâm, học sinh nghỉ 1, 2 ngày là chuyện bình thường, còn đây là nghỉ cả tuần thì ít ra phải nhắn hỏi phụ huynh một câu, đó vừa là trách nhiệm vừa thể hiện sự quan tâm giữa cô và trò.

Chị Minh Anh bình luận: "Tôi cũng gặp trường hợp tương tự như vậy, nhưng cô giáo của con gọi điện ngay lại cho mẹ hỏi thăm tình hình và hướng dẫn con học bài thêm. Như vậy, gia đình cũng cảm thấy có sự tôn trọng và cảm thông nhất định".

Có thể chấp nhận được?

Tuy nhiên, luồng ý kiến khác lại cho rằng việc này cũng rất bình thường, không có gì quá to tát và chưa đến mức độ phải quy kết giáo viên.

Theo những phụ huynh này, cô giáo phải chăm lo cho một lớp gần 40 em, không thể chỉ dành thời gian để ý riêng một bé được. Dù một cuộc gọi điện chỉ mất vài phút nhưng thực tế, giáo viên kể từ khi đến lớp cho tới khi ra về hầu như không có thời gian rảnh. Giờ tan tầm thì cô giáo cũng tất bật như bao người khác về nấu ăn, lo con cái, soạn giáo án... 

Nếu cô nhớ để hỏi thì cảm ơn, còn không thì không thể trách cô được vì đó không phải là nghĩa vụ. Có những giáo viên không khéo ăn nói, giao tiếp nhưng vẫn rất yêu thương và quan tâm học sinh theo những cách khác, thay vì những cuộc gọi hay tin nhắn bùi tai...

"Giáo viên đã vất vả mà giáo viên dạy lớp 1 lại càng khổ hơn, cả ngày đôi khi còn quên uống nước. Phụ huynh thì đụng đâu trách đó, làm tốt thì không sao còn lỡ sai một chút thì chuyện bé xé ra to liền. Mình thấy các mẹ làm áp lực cho giáo viên quá. Thực tế, có bao giờ cô giáo nghỉ ốm mà phụ huynh gọi hỏi thăm đâu?".

"Khi xin cho con nghỉ ốm, hẳn phụ huynh cũng đã nói nguyên nhân, ví dụ bé bị sốt, cảm hay gì đó. Như vậy cô cũng cơ bản nắm được rồi. Mình nghĩ trừ trường hợp bé bệnh nặng, còn không thì cũng không thể bắt cô phải gọi hỏi thăm, có thì tốt không thì cũng chẳng sao mà", một phụ huynh nêu ý kiến.

Một số bố mẹ cũng cho rằng, hiện Bộ GD-ĐT đang cấm cho bài về nhà, việc mẹ yêu cầu cô gọi để hướng dẫn bài cho cháu là không phù hợp, nhất là trường hợp bé đang ốm. "Có thể sau khi con đi học cô mới kiểm tra và hướng dẫn. Bây giờ đang nghỉ ốm, cô gọi bảo làm bài chắc gì mẹ đã không lên mạng than thở cô "'bóc lột" sức khỏe của trẻ?".

Mẹ phàn nàn vì con nghỉ ốm nhưng cô giáo không một lời thăm hỏi, hội phụ huynh nổ ra cuộc tranh cãi-2

Có phụ huynh ý kiến, thay vì lên đây trách cô, phụ huynh hãy gọi cho cô ngoài giờ dạy để hỏi thăm về bài vở, vì cái gì cũng có hai chiều. Chưa kể đang giờ dạy mà gọi điện bị ban giám hiệu nhìn thấy có khi cô còn phải chịu phê bình.

Một cô giáo tiểu học tâm sự, nghề giáo luôn bị đánh giá theo những chuẩn mực nhất định của xã hội và không thể lúc nào cũng chiều lòng được tất cả. "Gọi điện hỏi thăm sức khỏe học sinh, an ủi tinh thần phụ huynh khi biết bệnh tình của học sinh để thể hiện sự quan tâm là một hành động đáng khuyến khích, nhưng nếu không cũng mong phụ huynh có cách nhìn cảm thông hơn bởi giáo viên cũng là con người với đầy áp lực công việc và gia đình", cô giáo này bộc bạch.

Theo Pháp luật và bạn đọc

Xem link gốc Ẩn link gốc http://phapluatbandoc.giadinh.net.vn/me-phan-nan-vi-con-nghi-om-nhung-co-giao-khong-mot-loi-tham-hoi-hoi-phu-huynh-no-ra-cuoc-tranh-cai-162200811160410151.htm

giáo viên

học sinh


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.