Mỗi sáng con đi học, bà mẹ ở Hà Nội đều hỏi: Đã mang giấy vệ sinh chưa?

Chị M.L.P. (Nam Từ Liêm, Hà Nội) tâm sự sau câu chuyện học sinh Trường PTDTBT tiểu học Hoàng Thu Phố 1, Lào Cai dùng lá su su thay giấy vệ sinh: "Hà Nội cũng không đủ giấy vệ sinh cho các con".

"Nhịn" vệ sinh ở trường vì hôi và không có giấy

Chị M.L.P. có hai con học tiểu học ở Hoài Đức, Hà Nội, cho biết con chị thường xuyên nhịn đi vệ sinh ở trường. 

"Tình trạng đã kéo dài nhiều năm nay. Khi trao đổi trên nhóm phụ huynh, các bố mẹ nói bạn nào cũng vậy cả. Các bạn sợ nhà vệ sinh hôi và không có giấy", chị P. chia sẻ.

Chị P. từng đề xuất trích quỹ lớp để mua giấy vệ sinh cho các con. Tuy nhiên đa số phụ huynh cho rằng gia đình nên tự chuẩn bị cho con mình.

Điều chị P. lo lắng là con gái chuẩn bị đến tuổi dậy thì, khâu vệ sinh cần kỹ lưỡng hơn con trai. Nhà vệ sinh không chỉ cần giấy mà cần cả vòi xịt, nước sạch.

"Các con đang tuổi mải chơi. Không phải ngày nào cũng nhớ mang theo giấy. Con gái mà quên giấy vào ngày đến kỳ kinh nguyệt thì thực sự khủng hoảng. Sáng nào trước khi đi học, tôi cũng phải hỏi con đã mang giấy theo chưa", chị P. tâm sự.

Mỗi sáng con đi học, bà mẹ ở Hà Nội đều hỏi: Đã mang giấy vệ sinh chưa? - 1

Một nhà vệ sinh học đường được trang bị đầy đủ giấy và khăn lau tay (Ảnh: Trường M.V.Lômônôxốp).

Có con gái học lớp 5 trường công, chị Nguyễn Thị Vân Anh (Cầu Giấy, Hà Nội) chung nỗi niềm với chị P. 

"Nếu các trường học tiên tiến, hiện đại đang nỗ lực đưa băng vệ sinh vào nhà vệ sinh để phục vụ học sinh nữ thì nhiều trường học ở Hà Nội vẫn loay hoay với cuộn giấy vệ sinh và chiếc vòi xịt", chị Vân Anh bức xúc.

Theo lời chị Vân Anh, các lớp học ở trường con chị đều trích quỹ phụ huynh mua giấy vệ sinh. Giấy đặt trong lớp học. Các con lấy theo nhu cầu mỗi khi đi vệ sinh. Chị Vân Anh không rõ nhà trường có cung cấp giấy vệ sinh hay không. 

"Thời xưa học sinh chỉ học một buổi, ý thức vệ sinh cũng kém hơn bây giờ. Ngày nay các con ở trường cả ngày. Việc vệ sinh không sạch sẽ rất ảnh hưởng đến sức khỏe các con, nhất là các bạn gái. Nhưng dường như các trường chưa quan tâm đến điều này", chị Vân Anh nhận định.

Đại học cũng thiếu giấy vệ sinh

N.D.M., sinh viên một trường đại học tại Hà Nội tâm sự: "Từ nhỏ tới lớn, tôi chưa đi học ở ngôi trường nào có đủ giấy vệ sinh trong nhà vệ sinh. Khi xuống Hà Nội học đại học, khi nhà vệ sinh không có giấy, tôi xem là điều bình thường".

M. cho biết, vào đầu giờ sáng, nhà vệ sinh trường đại học được trang bị giấy. Tuy nhiên đến giờ trưa hoặc chiều thì hết và không được bổ sung thêm.

Theo lời M., bạn bè học ở các trường đại học khác cũng kể về tình trạng thiếu giấy vệ sinh này.

Một vị hiệu trưởng chia sẻ, giấy vệ sinh là vấn đề "đau đầu" với trường học bậc phổ thông do vấn đề kinh phí.

Mỗi sáng con đi học, bà mẹ ở Hà Nội đều hỏi: Đã mang giấy vệ sinh chưa? - 2

Nhà vệ sinh đạt chuẩn tại Trường THCS Thành Công, Hà Nội (Ảnh: Nhà trường cung cấp).

"Một trường tiểu học hoặc THCS có trung bình 2.000 học sinh. Lượng giấy vệ sinh cần trong ngày rất lớn. 

Trong khi đó, kinh phí cho công tác vệ sinh không chỉ có giấy vệ sinh. Phần chi cần ưu tiên nhất là thuê nhân viên dọn dẹp. Tiếp đó là hóa chất tẩy rửa, làm sạch, dung dịch rửa tay…

Để cấp đủ giấy vệ sinh là điều không dễ dàng với nhiều trường học nếu không khéo cân đối thu chi và có phương pháp phù hợp", vị hiệu trưởng nói.

Cũng theo ông, thay vì cấp giấy vệ sinh trong nhà vệ sinh, nhiều trường chọn giải pháp cấp về lớp học để giáo viên chủ nhiệm quản lý kết hợp giáo dục ý thức vệ sinh cho các con, từ việc dùng giấy tiết kiệm đến giữ gìn vệ sinh chung. 

Ông Nguyễn Quang Tùng - Hiệu trưởng Trường THCS&THPT M.V.Lômônôxốp - từng chia sẻ với phóng viên Dân trí, mỗi tháng trường của ông chi khoảng 80 triệu đồng cho khâu vệ sinh. Con số này là bài toán kinh phí không dễ giải quyết với trường công để có được nhà vệ sinh học đường đạt chuẩn.

Theo  Dân Trí

Xem link gốc Ẩn link gốc https://dantri.com.vn/giao-duc/moi-sang-con-di-hoc-ba-me-o-ha-noi-deu-hoi-da-mang-giay-ve-sinh-chua-20231217224209889.htm

học sinh


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.