MST English tháo dỡ biển hiệu sau vụ cô giáo chửi học viên 'óc lợn'

Biển hiệu của MST English tại cơ sở Phạm Văn Đồng, Hà Nội, đã được tháo dỡ sáng 7/5. Thời gian này, không có học viên cũng như cô giáo Nguyễn Thị Kim Tuyến ở trung tâm.

Biển hiệu của MST English tại cơ sở Phạm Văn Đồng, Hà Nội, đã được tháo dỡ sáng 7/5. Thời gian này, không có học viên cũng như cô giáo Nguyễn Thị Kim Tuyến ở trung tâm.

Sáng 7/5, Sở GD&ĐT Hà Nội phối hợp các cơ quan liên ngành, bộ phận an ninh kiểm tra và đề xuất biện pháp xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật đối với Trung tâm Anh Ngữ MST (MST English).

Theo ghi nhận, không có học viên và bà Nguyễn Thị Kim Tuyến - người đại diện theo pháp luật của trung tâm - tại cơ sở trên đường Phạm Văn Đồng (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) trong sáng nay.

Lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết trước đó, ban kiểm tra liên ngành quận Bắc Từ Liêm đã lập biên bản yêu cầu MST English dừng hoạt động đào tạo khi đơn vị này không xuất trình được giấy phép, đồng thời yêu cầu trung tâm đăng ký hoạt động tại Sở GD&ĐT Hà Nội. Hai cơ sở khác của MST English cũng không được cấp phép hoạt động. 

Phải trả lại học phí cho học viên

Luật sư Đặng Văn Cường - trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp, Đoàn Luật sư TP Hà Nội - cho hay theo quy định pháp luật, việc thành lập, tổ chức đào tạo, bồi dưỡng của các trung tâm ngoại ngữ phải được giám đốc sở GD&ĐT cấp phép, hoặc hiệu trưởng các trường đại học, cao đẳng cấp phép đối với trung tâm ngoại ngữ thuộc đơn vị mình quản lý.

Điều đó được thể hiện rõ tại Thông tư 03/2011/ BGDĐT của Bộ GD&ĐT quy định về việc ban hành quy chế tổ chức và hoạt động của trung tâm ngoại ngữ, tin học và Nghị định số 46/2017/NĐ-CP.

MST English thao do bien hieu sau vu co giao chui hoc vien 'oc lon' hinh anh 1
Biển hiệu của Trung tâm Anh Ngữ MST cơ sở Phạm Văn Đồng khi chưa bị tháo dỡ. Ảnh: Ngọc Tân. 

Việc thành lập trung tâm ngoại ngữ phải đảm bảo các điều kiện: Phù hợp quy hoạch phát triển kinh tế, xã hội và quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. Đề án thành lập trung tâm xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ, chương trình và nội dung đào tạo, bồi dưỡng; đất đai, cơ sở vật chất, thiết bị, địa điểm dự kiến, tổ chức bộ máy, nguồn lực và tài chính; phương hướng chiến lược xây dựng và phát triển trung tâm.

Tối 5/5, mạng xã hội xuất hiện clip ghi lại cuộc cãi vã "chợ búa" của học viên với cô giáo trong lớp tiếng Anh dành cho người đi làm.

Clip trên được quay tại lớp học tiếng Anh của Trung tâm MTS English (cơ sở Phạm Văn Đồng, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội). Cô giáo trong clip là Nguyễn Thị Kim Tuyến, người vẫn được giới thiệu trong nhiều clip treo trên trang chính thức của Trung tâm là “giám đốc chuyên môn”.

Lãnh đạo Sở GD&ĐT cho biết trung tâm này hoạt động "chui", từng bị xử phạt và sẽ có biện pháp xử lý nghiêm.

Điều kiện hoạt động của trung tâm phải đảm bảo cơ sở vật chất, điều kiện năng lực về người điều hành, giảng dạy… theo quy định.

Trường hợp có căn cứ xác định trung tâm ngoại ngữ hoạt động "chui" sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định 138/2013/NĐ-CP .

Theo đó, các trung tâm hoạt động không được cấp phép bị xử phạt hành chính từ 20 triệu đồng đến 30 triệu đồng. Ngoài ra, biện pháp khắc phục là buộc giải thể trung tâm và phải hoàn trả lại học phí.

Ngoài ra, tình trạng trung tâm hoạt động "chui" một cách tràn lan hiện nay cần có cơ chế quản lý, giám sát chặt chẽ, thanh tra, kiểm tra thường xuyên để nắm bắt hoạt động, điều kiện cơ sở vật chất, chức năng dạy và học, đảm bảo đúng quy định.

Sở GD&ĐT cần thành lập ban thanh tra, kiểm tra thường xuyên cơ sở vật chất, chất lượng giáo dục và xử lý nghiêm trường hợp vi phạm.

Luật sư Đặng Văn Cường cũng nhấn mạnh trường hợp không được cấp giấy phép buộc phải đình chỉ hoạt động, xử lý vi phạm hành chính, buộc trả lại học viên số tiền đã nộp.

Nếu học viên đã nộp tiền cho trung tâm hoạt động “chui” đòi lại, đơn vị đó phải hoàn trả toàn bộ số tiền đã thu trái pháp luật đó. Thời gian giảng dạy, đào tạo sẽ không được pháp luật thừa nhận.

Trường hợp trung tâm không trả lại tiền, học viên có quyền trình báo sự việc với cơ quan công an hoặc khởi kiện tới tòa án để được xem xét giải quyết theo quy định pháp luật.

MST English thao do bien hieu sau vu co giao chui hoc vien 'oc lon' hinh anh 2
Đến trưa 7/5, biển hiệu của MST English đã được tháo dỡ. Ảnh: Quyên Quyên. 

Là "thợ dạy" chứ không phải giáo viên

Theo TS Vũ Thu Hương, người có kinh nghiệm 20 năm giảng dạy tại ĐH Sư phạm Hà Nội, bà Nguyễn Kim Tuyến dạy tiếng Anh, sáng lập viên Trung tâm Anh ngữ MST, chỉ nên gọi là "thợ dạy", chứ không thể là giáo viên.

“Ngoài dạy học, bà Tuyến không quan tâm điều gì, đặc biệt là kỹ năng và đạo đức cho học sinh, thì không thể là giáo viên. Với giáo viên, yếu tố đạo đức phải được đặt lên hàng đầu”, TS Hương phân tích.

Theo bà Hương, các trung tâm tiếng Anh không phải trường học mà là đơn vị kinh doanh giáo dục. Ở nhiều nơi, người dạy có sản phẩm tốt, khách hàng vẫn mua, nhiều học viên không quan tâm cư xử của họ, giống như "bún mắng" hay "cháo chửi".

Chính vì xem hoạt động giáo dục là bán sản phẩm nên người xuất hiện trong clip mới nói với học viên: “Đây là sân chơi của tao và luật lệ của tao”. Một giáo viên sẽ không bao giờ nói và tồn tại suy nghĩ này trong đầu.

TS Vũ Thu Hương cho hay bà thường được các trung tâm tiếng Anh mời đi dạy nghiệp vụ sư phạm cho nhân viên. Thực tế cho thấy phần lớn họ không có bằng cấp sư phạm mà chỉ có khả năng ngoại ngữ. Thậm chí, trình độ của nhiều người ở mức bình thường vẫn dạy cho học viên chưa biết gì về tiếng Anh.

“Đến lớp bao giờ tôi cũng hỏi các cô giáo dạy thế nào, họ nói cách thức là viết mẫu câu lên bảng... Đó không phải phương pháp. Phương pháp trong giáo dục phải đọc tên được như quan sát, thuyết trình, sử dụng bảng hỏi, thảo luận nhóm… Phần lớn việc dạy của họ là tự học hoặc được người khác truyền thụ cho”, TS Hương nhận định.


Cô giáo tiếng Anh gọi học viên là "con lợn" từng đăng tải clip giải thích về luật nộp phạt 100 nghìn đồng và gọi người học là "chúng mày".

 

Học viên có thể kiện giáo viên xúc phạm danh dự, nhân phẩm

Đối với hành vi chửi bới, mắng học viên "óc lợn" của giáo viên trong clip, luật sư Nguyễn Văn Hậu, phó chủ tịch Hội luật gia TP.HCM, cho rằng học viên bị chửi có cơ sở để tố cáo cô giáo tội xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác

"Cô giáo mắng học viên là 'óc lợn' đã vi phạm nghiêm trọng tư cách đạo đức của người đứng trên bục giảng, làm suy giảm nghiêm trọng hình ảnh của thầy cô trong mắt phụ huynh và xã hội. Về mặt luật pháp, cô giáo này đã vi phạm quyền con người, xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác. Học viên trong clip có thể kiện cô giáo để được yêu cầu bồi thường.

Luật sự Hậu cho biết giáo viên này có thể sẽ bị xử phạt hành chính theo Nghị định 138 của Chính phủ ban hành ngày 22/10/ 2013. Trong đó ghi rõ, phạt tiền từ 5 triệu đến 10 triệu đồng đối với hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm người học. Hình phạt đi kèm có thể đình chỉ giảng dạy từ một đến 6 tháng. Biện pháp khắc phục là buộc khôi phục quyền đi học của học viên nếu người này đã bị cho nghỉ.

Tương tự, luật sư Nguyễn Đức Chánh, Đoàn luật sư TP.HCM, cũng cho rằng về góc pháp lý, hành vi chửi bới của cô giáo có dấu hiệu của tội xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác.

Tuy nhiên, theo luật, trường hợp này không đến mức để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với cô giáo. Vì bối cảnh trong clip cho thấy hành vi chưa đến mức thật sự nghiêm trọng để truy cứu trách nhiệm hình sự. Nhưng, hành động xúc phạm người khác giữa lớp học, chốn đông người như thế có thể bị xử phạt hành chính.

Theo Zing


cô giáo chửi học viên

trung tâm tiếng anh

cô giáo Tiếng Anh


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.