Nam sinh vẽ bức ký họa "nổi tiếng" trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023 là ai?

Nam sinh Hà Nội vô tình trở thành "họa sĩ" khi vẽ bức chân dung trên giấy nháp trong giờ thi môn toán của kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023 đã thu hút sự quan tâm của cộng đồng mạng.

Bùi Phi Long - học sinh Trường THPT Đống Đa (Hà Nội) là chủ nhân của bức tranh vẽ chân dung trên giấy nháp trong giờ thi môn toán của kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023 vừa qua đã thu hút sự quan tâm của cộng đồng mạng. Bức tranh được Long vẽ vào 20 phút cuối giờ làm bài của môn thi toán.

Nam sinh vẽ bức ký họa nổi tiếng trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023 là ai?-1

Bức vẽ ảnh chân dung của Phi Long trên giấy nháp trong giờ thi môn toán của kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023 (Ảnh: NVCC).

Long chia sẻ, em không cảm thấy quá áp lực đối với kỳ thi vừa rồi, nhất là với môn toán vì em chọn xét đại học khối H00 ( ngữ văn - năng khiếu vẽ). Sau khi đã làm xong bài, em đã vẽ bức tranh đó ra giấy nháp lấy cảm hứng từ một bạn nữ trong phòng thi.

"Vô tình nguồn cảm hứng đến và em vẽ theo dòng cảm xúc, em cũng không nghĩ ngợi, kỳ vọng gì nhiều. Em lấy ý tưởng một phần từ bạn nữ trong phòng thi, còn lại là do trí tưởng tượng để vẽ hoàn thiện chứ không như mọi người trên mạng xã hội đồn là vẽ cô giám thị hay hiểu nhầm là một bạn nữ nào đó", Long cho hay.

Đam mê vẽ từ nhỏ, lấy cảm hứng ở mọi nơi để vẽ

Từ nhỏ, Long đã thích vẽ và coi đây là niềm đam mê của mình. Từ mẫu giáo cho đến cấp 2, Long hay vẽ theo các đề bài trong sách giáo khoa hoặc theo yêu cầu của thầy cô. Khi lên cấp 3, em mới vẽ theo sở thích cá nhân.

Em bắt đầu học vẽ với phong cảnh, sau đó em làm quen với vẽ chì tĩnh vật rồi chuyển sang vẽ các con vật. Khoảng 1 năm trở lại đây, em mới học và biết vẽ chân dung người.

Nam sinh vẽ bức ký họa nổi tiếng trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023 là ai?-2

Bùi Phi Long - học sinh Trường THPT Đống Đa, Hà Nội (Ảnh: NVCC).

Ban đầu, Long chỉ học vẽ cho vui, để thỏa mãn đam mê. Dần dần, những nét vẽ ngày càng "trưởng thành" và phát triển rõ rệt nên Long đã quyết định chú tâm vào học vẽ để thi đại học.

Long tâm sự: "Thực ra trước giờ, em không coi vẽ là môn học mà em coi đó là một sở thích và nhu cầu cá nhân, em cảm thấy vui khi được vẽ nên em không cảm thấy quá khó khăn trong quá trình học.

Nhưng em nghĩ, mình cần đỗ vào một trường đại học nào đó về hội họa để có thể phát triển hơn cũng như tìm được cho mình con đường đi đúng đắn, phù hợp với bản thân".

Phi Long cho biết, ban đầu em định lựa chọn học ngành Thiết kế nội thất. Nhưng hiện tại, em thấy mình phù hợp với ngành Hội họa hoành tráng nên đã quyết định lựa chọn ngành này.

Đối với Phi Long, cảm hứng vẽ có ở mọi nơi. Nó có thể là ánh hoàng hôn từ ban công nhà hay một bộ phim đa tầng ý nghĩa với những sắc thái thú vị. Đôi khi là một bức tranh siêu thực kích thích vị giác trong viện bảo tàng. Hay đơn giản là khi nghe bài hát "Nàng thơ" của nhạc sĩ Hoàng Dũng, Long sẽ có ý tưởng vẽ một cô gái trong trẻo, mộng mơ với chất liệu màu nước.

Nam sinh vẽ bức ký họa nổi tiếng trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023 là ai?-3

Bức tranh thuyền buồm dưới nền trời hoàng hôn của Phi Long (Ảnh: NVCC).

Nam sinh vẽ bức ký họa nổi tiếng trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023 là ai?-4

Bức tranh phong cảnh sông núi mờ ảo được tái hiện chân thực qua nét vẽ của Phi Long (Ảnh: NVCC).

Tin vào bản thân, theo đuổi đam mê vẽ mỗi ngày

Phi Long chia sẻ: "Em cảm thấy khi vẽ sẽ khiến bản thân trở nên có ích hơn bởi một mặt làm thỏa mãn nhu cầu của người làm ra tác phẩm, một mặt có nhu cầu mở rộng tầm nhìn nhận thức về cái đẹp cho người thưởng ngoạn hay là truyền cảm hứng cho người xung quanh, lan tỏa niềm yêu hội họa đến mọi người".

Long cho rằng, để có cho mình nét vẽ riêng, việc định hình phong cách rất quan trọng. Để làm được điều đó thì cần phải có căn bản, có đủ kiến thức, cần phải học hỏi và trải nghiệm nhiều.

Chia sẻ về quy trình vẽ tranh, Long cho biết, bước đầu em sẽ định hình thứ bản thân muốn vẽ và có một bản thảo phác họa tạm thời. Sau đó, em sẽ lên mạng tìm các mẫu vẽ ưng ý rồi đem các tư liệu đó vào bức tranh của mình. Hiện tại, Long đang theo đuổi cách vẽ tả thực và bán tả thực.

"Ban đầu, em học chép tranh để gom cho mình một vốn kiến thức đủ dùng. Dần dần, với những kiến thức em đã tích lũy được sẽ giúp cho việc định hình phong cách trở nên dễ dàng hơn. Định hình được phong cách riêng đến từ cảm quan thẩm mỹ của mỗi người, Phi Long chia sẻ.

Để có thể vẽ được những gì mà mình mong muốn đòi hỏi phải có một quá trình học tập, rèn luyện chăm chỉ. Long tâm sự, có đôi lúc em cảm thấy bị mất động lực vẽ. Những lúc chán nản, mất động lực, em sẽ ngừng vẽ để nghỉ ngơi hoặc xem một bộ phim hay nghe một bản nhạc để lấy lại cảm xúc.

Long mong muốn truyền động lực đến những bạn yêu thích vẽ, mới bắt đầu học vẽ, đã và đang học vẽ rằng: "Theo đuổi việc vẽ tranh không hề dễ, những hãy tin vào khả năng của bản thân và cố gắng mỗi ngày".

Theo Dân trí

Xem link gốc Ẩn link gốc https://dantri.com.vn/giao-duc-huong-nghiep/nam-sinh-ve-buc-ky-hoa-noi-tieng-trong-ky-thi-tot-nghiep-thpt-2023-la-ai-20230701234625857.htm

Nam sinh


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.