Ngành giáo dục không cần lo lắng vì ChatGPT

Những ngày qua, cộng đồng háo hức trải nghiệm ChatGPT, công cụ này nhanh chóng tạo ra cơn sốt trên toàn cầu, đa số đều chung nhận định đây là công cụ thông minh và hữu ích, nhất là trong lĩnh vực giáo dục.

Về khía cạnh giáo dục, ChatGPT có thể giúp sinh viên làm đoạn văn, giải toán, thậm chí là thiết kế bài giảng cho giáo viên...

Báo VietNamNet đã có cuộc trò chuyện cùng Tiến sĩ Tôn Quang Cường - Chủ nhiệm Khoa Công nghệ Giáo dục - Đại học Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội xung quanh vấn đề trên.

Ngành giáo dục không cần lo lắng vì ChatGPT-1

Tiến sĩ Tôn Quang Cường - Chủ nhiệm Khoa Công nghệ Giáo dục - Đại học Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội.

Chào thầy, xin thầy cho biết tại sao ChatGPT lại tạo nên cơn sốt, nhất là với giới trẻ?

Theo tôi ChatGPT là giải pháp công nghệ mới, được đánh giá là mô hình Chatbot xử lý ngôn ngữ tự nhiên hiện đại, cách xử lý tạo ra văn bản, hội thoại rất gần với ngôn ngữ của con người.

Nhiều người dùng nhất là giới trẻ, tìm đến ChatGPT vì tò mò. Tò mò gắn với nhu cầu tìm kiếm thông tin, tương tác xã hội để tìm cơ hội ứng dụng vào thực tiễn cuộc sống nên ChatGPT tạo sức hút mãnh liệt.

Thứ hai, ChatGPT thỏa mãn mô hình chấp nhận công nghệ, phàm cái gì dễ dùng người ta muốn dùng thử và có nhu cầu sử dụng thật và sau đó là sử dụng trong thực tế.

Thứ ba, chức năng ChatGPT là tạo lập văn bản và tạo hội thoại tương tác giữa con người và máy nên nó cũng đáp ứng nhu cầu cao của giới trẻ trong việc học tập cũng như thực hiện nhiệm vụ học tập.

Ngoài ra, ChatGPT vượt trội hơn những công cụ khác, không chỉ hỗ trợ tìm kiếm thông tin mà còn trình bày thông tin logic, sắp xếp thông tin theo chủ đề, thỏa mãn việc thực hiện nhiệm vụ học tập như giải toán, viết đoạn văn, đưa ra ý tưởng cho vấn đề của học sinh.

Có thể khẳng định ChatGPT tạo nên sự thay đổi bản chất của mạng xã hội, trước đây là tương tác người với người thông qua nền tảng, còn giờ tương tác giữa người với máy, tạo ra giá trị mới nên thu hút sự quan tâm của nhiều người.

Nhiều người lo lắng giáo dục chịu tác động lớn khi ChatGPT phát triển, điển hình như học sinh dùng nó để gian lận thi cử, gian lận trong làm luận án... Quan điểm của thầy thế nào về vấn đề này?

Một trong bốn hướng mà OpenAI đặt ra cho Chatbot này là công cụ hỗ trợ học tập nên ChatGPT sẽ có tác động nhất định trong giáo dục.

Tất nhiên nền tảng nào cũng có những tiêu cực và ChatGPT cũng thế. Hiện nay ta mới thấy ở góc độ gian lận trong kiểm tra đánh giá cũng như thi cử nhưng cũng không cần lo lắng vì cũng sẽ có những biện pháp khắc chế tiêu cực.

Về công nghệ, ChatGPT dễ sử dụng để gian lận trong làm bài luận, xây dựng ý tưởng thì chúng ta cũng có những giải pháp công nghệ khắc chế nó: ChatGPT có thể xử lý ngôn ngữ tự nhiên để tạo lập văn bản thì cũng có mô hình kiểm chứng tính xác thực của văn bản đó để khẳng định nó không phải do máy mà do con người thực hiện.

Và quan trọng là đã đến lúc ta phải thay đổi cách kiểm tra đánh giá, không thể kiểm tra đánh giá theo kiểu mô tả, trình bày hay tái hiện lại nữa mà cần có công cụ, hình thức, cách thức như kết hợp nhiều hình thức kiểm tra với nhau, thừa nhận việc viết luận, tạo lập văn bản chỉ là một sản phẩm, ngoài ra yêu cầu người học phải tạo lập những sản phẩm khác kèm theo.

Ngoài ra, tiêu cực nữa là ChatGPT còn gây ra sự lười suy nghĩ với người học và lười chuẩn bị từ phía người dạy: Khi người học lười suy nghĩ và quá lệ thuộc và giải pháp phần mềm như này thì người thầy phải thay đổi cách dạy để người học biết cách đặt vấn đề, tư duy phản biện chứ không phải chỉ đưa ra những mệnh lệnh mang tính tìm kiếm, tập hợp thông tin.

Với người dạy chúng ta cũng phải thay đổi, trước đây dạy theo kiểu cung cấp thông tin thì giờ phải dạy theo con đường tìm kiếm, tạo ra thông tin, phân tích, xử lý thông tin và câu trả lời không quan trọng bằng cách tìm ra câu trả lời...

Theo thầy, học sinh và giáo viên nên tận dụng ChatGPT thế nào để là công cụ thúc đẩy giáo dục phát triển?

Chúng ta hãy bình tĩnh chấp nhận nó, coi nó là phương tiện mới. Theo thống kê, phương tiện hỗ trợ cho giáo dục hiện nay cũng có vài nghìn công cụ và đương nhiên, thêm ChatGPT cũng chỉ hỗ trợ thêm cho quá trình dạy học.

Với tư cách là nhà giáo dục chúng ta phải nhìn trước và định hướng được những giới hạn có thể để ứng dụng nó, lan tỏa quá trình giáo dục đến đâu và nguồn lực kiểm soát nó.

Ngành giáo dục không cần lo lắng vì ChatGPT-2

Tiến sĩ Tôn Quang Cường cho rằng ChatGPT sẽ có những ảnh hưởng nhất định đến vai trò của người thầy trong giáo dục.

Thứ hai, ChatGPT có thể phát triển tiếp theo hướng tích hợp vào nền tảng học tập những giải pháp hỗ trợ học tập theo lĩnh vực như Hóa, Lý, Toán...

Hiện nay đưa cho ChatGPT câu hỏi nào đó nó sẽ đưa lời khuyên thì cũng có thể tính đến việc phát triển nó theo hướng đối thoại sâu theo chương trình toán bậc phổ thông cũng rất thú vị.

Cái quan trọng nhất là cần hướng dẫn về chính sách mang tính định hướng cho chính giáo viên và học sinh về ChatGPT.

Hiện nay, ChatGPT đi theo hướng ai cũng dùng được, thao tác đơn giản nên sự lan tỏa nhanh, nếu không có hướng dẫn về chính sách thì dễ có những hệ lụy sau này phải xử lý vất vả.

Ngoài ra, giáo dục phát triển sẽ là ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số hay là phải tạo được mô hình, hình thái giáo dục mới như giáo dục online, giáo dục dựa trên trải nghiệm của người học, với chương trình linh hoạt hơn.

Ví dụ chương trình giáo dục hướng đến cá nhân hóa cao độ, thỏa mãn nhu cầu học tập thường xuyên, liên tục, suốt đời của người học, học ở trạng thái, bối cảnh tạo cho người học có trải nghiệm linh hoạt, học mọi lúc mọi nơi với bất kỳ ai....

Tôi cho rằng ChatGPT ra đời là sự kiện khiến chúng ta phải nhìn nhận đánh giá lại những nhiệm vụ sắp tới để thúc đẩy giáo dục phát triển theo định hướng chúng ta đã vạch ra.

Xin cảm ơn thầy về cuộc trò chuyện!

Theo  VietNamNet

Xem link gốc Ẩn link gốc https://vietnamnet.vn/chatopenai-anh-huong-the-nao-den-giao-duc-2107060.html


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.