Ngày 20/11 nói về lợi thế của nghề giáo

Mọi người thường nói về bất cập của ngành giáo dục nhưng đồng xu nào cũng có hai mặt. Nghề giáo cũng có những lợi thế nhất định.

Chúng ta, trong đó có tôi, nói nhiều về những bất cập của ngành giáo dục khiến giáo viên gặp khó khăn: Sự quá tải của lớp học, các quy định về hồ sơ sổ sách, chứng chỉ, nâng hạng.

Với thu nhập kịch thang bảng lương hơn 10 triệu đồng, chưa bằng lương của người mới ra trường của một số ngành, nghề khác nên nhiều thầy, cô đã chuyển nghề hoặc làm thêm để đủ sống. Chưa kể gần hai năm dịch bệnh đã khiến nhiều trường mầm non tư thục phải giải thể, hàng chục nghìn giáo viên phải bỏ nghề.

Nhưng đồng xu nào cũng có hai mặt và thẳng thắn mà nói nghề giáo cũng có lợi thế nhất định.

Có thêm thời gian dành cho gia đình, nuôi dạy con

Trong năm, các thầy, cô khá vất vả với dạy học, soạn bài, tập huấn nhưng ít ra cũng có kỳ nghỉ hè, nhiều thì khoảng 2 tháng, ít cũng 2 tuần. Với các trường công, ngoài tiết dạy, giáo viên cũng có thời gian trống, tùy môn học, cấp học dành cho gia đình.


Hai năm dịch bệnh vừa qua, thầy cô được làm việc ở nhà, có thể dạy học, dành thời gian cho con. Trong khi đó, nhiều cha mẹ phải đi làm, lo lắng khi trẻ ở nhà với thiết bị điện tử rủi ro về an toàn cháy nổ. Đó cũng là lợi thế nhất định.

Hiểu bản chất hệ thống giáo dục

Trước đây, tôi rất quan tâm, đọc nhiều sách của những tác giả trong và ngoài nước về giáo dục, trẻ em, nuôi dạy con và nghĩ rằng mình cũng hiểu khá nhiều về giáo dục. Nhưng làm giáo viên gần ba năm, va chạm thực tế những công việc bếp núc của giáo viên, tôi mới thấy hiểu biết của mình còn lý thuyết.

Ví dụ, bên ngoài chỉ thấy thầy cô lên lớp qua những tiết học mà không biết rằng điều chiếm tâm trí của giáo viên nhiều khi là những thứ hoàn toàn ngoài lề: Kiểm tra sổ sách sắp tới, thi hội diễn, hội giảng, giáo viên giỏi, đi học những chứng chỉ để đủ điều kiện giữ hạng, nâng hạng lương, công việc làm thêm sụt giảm.

Cũng trong thời gian ngắn ngủi, tôi đã hiểu khá rõ ưu, nhược điểm của hệ thống giáo dục, chương trình, SGK thuộc trường công lập, tư thục và quốc tế.

Khi hiểu rồi, tôi thấy không trường học nào là hoàn chỉnh, đều có vấn đề nhất định. Trường công cũng có ưu điểm và trường tư, quốc tế cũng có nhược điểm, không hoàn toàn như dư luận nghĩ.

Tôi hiểu rằng gốc rễ chính là giáo dục gia đình. Nếu bố mẹ dạy dỗ, uốn nắn con tốt trong 6 năm đầu đời, trẻ sẽ có nền tảng tốt. Giáo dục trường học chỉ đóng góp thêm chứ không thể quyết định.

Hơn nữa, trong thời đại thông tin này, khi trẻ được trang bị năng lực tự học, dù ở những làng quê hẻo lánh cũng có thể dễ dàng tiếp cận với tri thức toàn cầu.

Là người trong cuộc, thầy cô có thể lựa chọn trường học phù hợp đặc điểm của con với mục tiêu và điều kiện kinh tế gia đình. Đây cũng là điều khá đau đầu với nhiều bố mẹ khi trường nào cũng đều nói về những điểm tốt, mạnh của mình.

Có phương pháp dạy con và đồng hành hiệu quả với thầy cô

Chúng ta hay nghe "dao sắc không gọt được chuôi" để nói về việc chính thầy cô đôi khi không dạy được con mình. Thực tế cũng có những trường hợp như vậy.

Nhìn trên số đông, giáo viên được đào tạo về phương pháp sư phạm, trực tiếp đứng lớp, làm việc với học sinh nên am hiểu mỗi lứa tuổi có đặc điểm tâm lý khác nhau. Ví dụ, trẻ mầm non, tiểu học vâng lời thầy cô. Học sinh cấp 2 trở lên sẽ bị ảnh hưởng của bạn bè, xã hội ngày càng lớn.

Vậy nên, bên cạnh tình yêu thương của bố mẹ, thầy cô cần có phương pháp khi kèm cặp con, lúc mềm, lúc rắn, khi nào mẹ ra mặt, khi nào bố cất lời thì phù hợp.

Là người trong ngành, bố mẹ hiểu rõ một năm có những kỳ thi nào, cách tính điểm ra sao để cùng con có sự chuẩn bị tốt nhất, tránh sa vào những dư luận đồn thổi, đặc biệt là áp lực không đáng có ở những năm cuối cấp.

Một trong những điểm quan trọng giúp con tiến bộ là sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường và gia đình. Khi bố mẹ là giáo viên, việc này khá thuận lợi vì họ hiểu rõ nên giao tiếp, trao đổi với thầy hiệu quả, giảng bài cho con dễ hiểu, đúng phương pháp.

Khi đó, đứa trẻ sẽ thấy giữa bố mẹ và thầy cô thống nhất cùng một hướng và sẽ tiến bộ hơn. Có khá nhiều gia đình bố mẹ làm giáo viên, các con có nền tảng đạo đức và học tập tốt, thành đạt.

Chế độ đãi ngộ đang dần được cải thiện

Bên cạnh hệ thống công lập, các trường tư đóng vai trò ngày càng lớn, đặc biệt ở thành phố.

Các trường tư bản chất cũng giống doanh nghiệp tư nhân và ngày càng thấy được vai trò quyết định của đội ngũ giáo viên đến chất lượng học tập nên chế độ đãi ngộ được điều chỉnh hợp lý. Nhiều trường trả lương tương đối tốt so với thu nhập công việc khác miễn là thầy cô chứng tỏ được năng lực và tâm huyết của mình.

Với các trường công, về mặt chính thức, thầy cô không được dạy thêm. Nhưng đặt ngược lại câu hỏi: Dạy thêm có cần thiết không khi mà đề thi đầu cấp có nhiều nội dung khó hơn nhiều so với chương trình? Sĩ số lớp quá đông khiến giáo viên không đủ bao quát tất cả học sinh trong 45 phút, dẫn đến có nhiều em yếu kém cần học thêm để bồi dưỡng kiến thức.

Và cụ thể nhất với thu nhập đôi khi chưa bằng công nhân phổ thông thì giáo viên sống ra sao? Tại sao ngành khác được làm thêm, ví dụ bác sĩ được mở phòng khám mà giáo viên thì không? Vậy nên trong thực tế giáo viên ở một số môn cũng dạy thêm ngoài giờ để tăng thu nhập.

Một số thầy cô không dạy học ở trường mà ở trung tâm, nếu năng lực tốt thì thu nhập trăm triệu/tháng cũng không hiếm.

Về đầu vào, sau nhiều năm điểm chuẩn ở phía dưới, sinh viên sư phạm đã có nhiều ưu đãi để thu hút được học sinh khá, giỏi. Ngoài miễn học phí, sinh viên được “lương” 3,63 triệu đồng/tháng (trong khi lương giáo viên mầm non thấp nhất là 3,13 triệu đồng).

Ngành nào cũng có vấn đề của mình, nghề giáo cũng không ngoại lệ. Còn nhiều vất vả nhưng đôi khi cái được đong đếm bằng đồng lương và sự trưởng thành, tiến bộ, thành đạt của học sinh, của chính con, cháu, người thân của mình. Những điều không phải lúc nào có tiền cũng mua được.

 

Theo Zing

Xem link gốc Ẩn link gốc https://zingnews.vn/ngay-2011-noi-ve-loi-the-cua-nghe-giao-post1277940.html?fbclid=IwAR2pOTKNn9Qz5FPN5dPozYyxqTbX_1s-OdBuZE6EAsWJgtHamt_L34jxS4E

Ngày 20/11


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.