Nghịch cảnh trò quỳ lạy cô, thầy bóp cằm trò

Vẫn biết, trong cuộc sống vẫn xảy ra những điều bất thường, nhưng khi vụ việc trò quỳ lạy cô giáo trước cửa lớp đến mức ngã sõng soài, thầy giáo bóp cằm trò và kèm theo cả tràng những lời chửi bới thô lỗ thì quả là nghịch cảnh.

Trong dịp Tết Trung Thu vừa qua, cư dân mạng và công luận hết sức bất bình, phẫn nộ khi xem clip ghi lại hình ảnh một nữ sinh lớp 12D4 Trường THPT Đa Phúc, huyện Sóc Sơn, TP. Hà Nội quỳ khóc trước cửa lớp đến kiệt sức rồi nằm sõng soài. Trong khi đó, cô giáo Chủ nhiệm dùng tay nắm áo kéo nữ sinh vào lớp kèm theo những lới quát tháo, xỉ vả thô lỗ: "Cô đừng làm cho người khác nhục mặt vì cô nhé!".

Nguyên do của sự việc là cô giáo Chủ nhiệm Lớp đồng thời là giáo viên dạy môn Giáo dục công dân, giao cho nữ sinh này (cũng là Bí thư chi đoàn của Lớp), đặt bánh để tổ chức đón Trung Thu cho học sinh. Nhưng, vì một lý do nào đó, nữ sinh này không đặt bánh đúng cửa hàng cô giáo yêu cầu nên đã bị cô mắng, đuổi ra hành lang lớp học và dọa sẽ hạ hạnh kiểm.

Phải khẳng định, bản chất sự việc rất bình thường nhưng không hiểu vì lý do gì mà cô giáo Chủ nhiệm đã trầm trọng hóa vấn đề, dẫn đến xúc phạm thô bạo nhân phẩm nữ sinh và kèm theo lời đe dọa đáng sợ với học sinh, đó là sẽ kỷ luật. Đây là nguồn cơn dẫn đến hành động nữ sinh vừa khóc vừa quỳ lạy cô giáo trước cửa lớp.

Từ cách hành xử đó, dư luận đặt hai câu hỏi: Tại sao cô giáo xử sự thô bạo chỉ vì nữ sinh này không mua bánh đúng cửa hàng cô giáo yêu cầu? Liệu có điều gì khuất tất không?

Nghịch cảnh trò quỳ lạy cô, thầy bóp cằm trò-1Hình ảnh học sinh quỳ và ngã trước cửa lớp. Ảnh từ clip

Ông Nguyễn Duy Hiền, Hiệu trưởng Trường THPT Đa Phúc, thay vì nên thẳng thắn thừa nhận giáo viên chủ nhiệm Lớp 12D4 đã có những việc làm và lời nói thiếu chuẩn mực, phi sư phạm, lại còn tìm cách biện minh. Ông cho rằng, clip đăng tải trên mạng xã hội chỉ là một đoạn rất ngắn trong tiết sinh hoạt của Lớp, do đó dễ gây hiểu nhầm cho người xem...

Thậm chí ông Hiệu trưởng còn chống chế, bao biện cho giáo viên bằng cách đổ lỗi cho học sinh, rằng “Học sinh này mắc nhiều lỗi và hôm đó có một lỗi liên quan về mua bánh nên bị cô giáo mời ra ngoài”. “Sự việc do nhiều vấn đề khác. Việc mua bánh chỉ là vấn đề tích tụ lại, cô giáo xử lý không khéo nên đẩy sự việc đi xa”, ông thanh minh.

Phải khẳng định, nữ sinh mua bánh không đúng cửa hàng cô giáo giới thiệu không hẳn là lỗi và hoàn toàn có thể bỏ qua. Vậy mà ông Hiệu trưởng cố lèo lái, chống chế biện minh như vậy.

“Học sinh này mắc nhiều lỗi” và “sự việc do nhiều vấn đề khác”, như ông nói, thì một học sinh như vậy liệu có đủ uy tín để được các bạn bầu làm Bí thư chi đoàn không?

Vị hiệu trưởng còn cho biết qua làm việc và tường trình, học sinh nhận lỗi là do mình. Với tư cách là người lớn, lại là Hiệu trưởng tại sao ông không dám chỉ ra nguồn cơn của sự việc này là do giáo viên đã quá thô lỗ về lời nói và thô bạo về hành động đối với nữ sinh, mà cứ cố tìm cách đổ lỗi cho một nữ sinh tuổi đời còn non nớt.

Phải chăng do được Hiệu trưởng biện minh, chống chế mà đến nay giáo viên gây ra vụ việc làm dư luận bất bình, phẫn nộ nhưng vẫn chưa có một lời xin lỗi nữ sinh và bố mẹ của em?

Sự việc trên đây chưa kịp dịu xuống thì dư luận lại sửng sốt khi trên mạng xã hội xuất hiện clip ghi lại hình ảnh xẩy ra ngày 29/9/2023, trong giờ học Anh ngữ, của một lớp khối 10, Trường THPT Phan Huy Chú huyện Thạch Thất, TP. Hà Nội, ngay trên bục giảng, một thầy giáo (có tên là T) đã bóp cằm, chỉ tay vào mặt, quát tháo, xưng “mày - tao”, thậm chí dùng những từ ngữ rất thô lỗ, tục tĩu với học sinh.

Hành động trên đây của giáo viên Anh ngữ Trường THPT Phan Huy Chú huyện Thạch Thất là phản giáo dục, hoàn toàn trái với nhân cách, đạo đức của nhà giáo. Thậm chí có thể đánh giá đó là hành động côn đồ.

Tuy nhiên, khi trao đổi với phóng viên báo VietnamNet, mặc dù ông Phùng Đức Ánh, Hiệu trưởng Trường THPT Phan Huy Chú thừa nhận hành động, lời nói, cử chỉ của giáo viên Anh ngữ đã gây ra sự cố hiếm có trong ngành giáo dục là “không chuẩn mực trong ngành sư phạm, không đúng đạo đức nhà giáo”.

Nhưng ông Hiệu trưởng vẫn tìm cách biện minh cho vị giáo viên thích hành động bằng thủ túc với học sinh. Rằng thầy T. là giáo viên vững về chuyên môn và trước đây chưa từng vi phạm quy định hay bị kỷ luật. Tuy nhiên, thầy giáo có nhược điểm là khá nóng tính.

Nghịch cảnh trò quỳ lạy cô, thầy bóp cằm trò-2Hình ảnh thầy giáo thô bạo với học sinh. Ảnh cắt từ clip

Cách biện minh này khó có thể chấp nhận. Một trong những yêu cầu của đạo đức, phẩm chất nghề giáo là phải kiểm soát, chế ngự được cảm xúc và hành vi của bản thân. Nếu không có phẩm chất đó thì đừng đứng trên bục giảng. Không thể lấy cớ nóng tính để biện minh cho những giáo viên xúc phạm, chà đạp cả về thể xác lẫn nhân phẩm của học sinh.

Vì vậy những lời nói, hành động xâm phạm phẩm giá giá học sinh dù trong hoàn cảnh nào cũng đều phải phê phán, lên án. Nếu cố tình biện minh, che đậy đồng nghĩa tiếp tay, dung túng cho những giáo viên thiếu chuẩn mực, yếu kém về đạo đức, nhân cách.

Phải thẳng thắn thừa nhận bạo lực học đường cả về thể xác lẫn tinh thần ở nước ta là một vấn nạn nhức nhối trong những năm gần đây.

Tất cả những ai quan tâm đến thuần phong mỹ tục, quan tâm đến nền giáo dục nước nhà và quan tâm tới tương lai của thế hệ trẻ không thể không day dứt về tình trạng ẩu đả, đấm đá, cấu xé, thậm chí lột quần áo nhau ở nơi công cộng của các nam thanh nữ tú tuổi học đường.

Theo số liệu mới nhất của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT), năm học 2021 - 2022, cả nước xảy ra gần 1.600 vụ việc học sinh đánh nhau ở trong và ngoài trường học. Trung bình, cứ 5.200 học sinh có một vụ đánh nhau; cứ trên 11.000 học sinh có một em bị buộc thôi học vì đánh nhau; cứ 9 trường có một trường có học sinh đánh nhau. Còn theo thống kê của Bộ Công an, mỗi tháng có trên 1.000 thanh thiếu niên phạm tội.

Nguyên nhân của thực trạng trên đây có nhiều, nhưng không thể không nhắc đến hệ thống các nhà trường và đội ngũ các nhà giáo, nhất là bộ phận những nhà giáo thiếu chuẩn mực sư phạm và đạo đức nhà giáo.

Vì vậy, để khắc phục vấn nạn bạo lực học đường thì vai trò của nhà trường và đặc biệt là đội ngũ nhà giáo đóng vai trò vô cùng quan trọng. Nhà giáo vừa là người truyền thụ tri thức, khơi dậy tiềm năng sáng tạo, trang bị phương pháp tư duy cho học sinh vừa là người bồi dưỡng, vun đắp đạo đức cho học sinh. Cho nên mỗi lời nói, hành động của của mình đều có tác động rất lớn đối với nhận thức, nhân cách, hành vi của học sinh.

Vì vậy nếu mỗi thầy giáo, cô giáo ý thức được rằng lời nói và hành động của bản thân tuân thủ đúng chuẩn mực của nhà giáo không chỉ giữ vững phẩm giá, danh hiệu cao quý của nhà giáo mà còn góp phần khắc phục vấn nạn bạo lực học đường để thực hiện mục tiêu “xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”.

Theo Vietnamnet

Xem link gốc Ẩn link gốc https://vietnamnet.vn/nghich-canh-tro-quy-lay-co-thay-bop-cam-tro-2197595.html

bạo lực học đường


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.