"Bốn cái làn" thì có gì nhạy cảm, hay người lớn tự "nhạy cảm" mà không đọc sách trẻ em bằng đôi mắt thơ ngây?

Hà cớ gì mà bốn cái làn bị coi là tục tĩu? Người lớn tự bóp méo ngôn ngữ, suy diễn vặn vẹo rồi lại làm ầm lên “viết sách thế này làm hỏng cả thế hệ” là sao?

* Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả, không thuộc về tòa soạn.

Chuyện “Bốn cái làn” mấy ngày nay đang rần rần trên mạng xã hội theo một cách đáng ngạc nhiên. Nó vốn chỉ là một đơn vị nhỏ trong sách tập đếm dành cho trẻ em mang tên “Vở bé làm quen với chữ số (dành cho bé từ 5 - 6 tuổi)”.

Chuyện sẽ chẳng có gì nếu như từ một vài người, sau đó là hàng nghìn người bỗng dưng thấy "bốn cái làn" cứ sai sai, vì khi nói lái, nó trở thành một cụm từ nhạy cảm. Người ta “đòi” sửa thành một cái gì khác đi, để cho nó đỡ tục tĩu. Cũng có người bày tỏ lo lắng cho những tâm hồn trẻ thơ vì đáng lẽ sách dạy trẻ phải hết sức chỉn chu, trong sáng, chuẩn mực, nhưng thời gian gần đây thì đầy những sạn.

Bốn cái làn thì có gì nhạy cảm, hay người lớn tự nhạy cảm mà không đọc sách trẻ em bằng đôi mắt thơ ngây?-1
Dạy trẻ tập đếm bằng bốn cái làn, bằng cơ, rô, tép, bích thì sao?

Quay trở lại với vụ tập đếm bằng bốn cái làn. Mắc cái gì mà bốn cái làn thì không được đưa vào sách nhỉ? Bốn cái làn đơn giản là BỐN CÁI LÀN, thế thôi! Nó cũng như bốn quả táo, bốn cây kem, bốn củ cải... Nếu suy diễn đến tận cùng, thậm chí cây kem, củ cải cũng có thể bị vu cho là hình tượng “không trong sáng" ấy chứ!

Trong sách tập đếm dành cho trẻ con, bốn cái làn chính xác là bốn cái làn, vì đơn giản sự vật là như thế. Khi sách dành cho trẻ thơ, người lớn hãy cứ đọc sách như trẻ thơ thôi. Với một đứa trẻ mới học đánh vần, bốn cái làn là một cụm từ thật sự bình thường. Với những người suy nghĩ giản dị, bốn cái làn cũng là một cụm từ rất đỗi bình thường (phải nhấn mạnh là kể cả khi người ta biết nói lái, nói lái đủ kiểu thanh, phụ âm, vần…). Chỉ khi ai đó cố tình vặn xoắn ngôn ngữ, vấn đề mới lộ ra.

Chắc người làm sách khi đưa ví dụ này vào cũng chẳng lường trước được là sẽ có những người lớn "nhạy bén" lại tìm ra lớp nghĩa "tiềm ẩn" của bốn cái làn trong sách trẻ em. Dư luận lo lắng với sự "kém trong sáng" này, việc dạy trẻ có thể bị chệch hướng. Nhưng có lẽ họ quên mất, nói lái là một cách chơi chữ "kỹ thuật cao", thường chỉ xảy ra ở người đã rành rẽ ngôn từ thôi.

Một đứa trẻ con 5 - 6 tuổi, nếu không có sự tiêm nhiễm từ ngoại cảnh, chắc chắn không “nhạy bén” suy diễn như thế, dù có giỏi chơi với ngôn ngữ đến đâu. Chúng chỉ (có thể bị làm) hư khi được người lớn có suy nghĩ xuyên tạc “dạy” cho.

Người lớn cố tình nói lái để ra những kết quả không mấy sạch sẽ, đó là bởi sự va chạm, vặn xoắn ngôn ngữ của họ đã tiến xa hơn trẻ con nhiều. Mà với trình độ ấy, chẳng cứ gì bốn cái làn, từ ngữ nào cũng có thể bị chế cháo, cắt ghép để thành những ngữ điệu, hình tượng "có vấn đề".  


Bốn cái làn thì có gì nhạy cảm, hay người lớn tự nhạy cảm mà không đọc sách trẻ em bằng đôi mắt thơ ngây?-2

Nhưng học thuật, từ ngữ trong sách vở không thể cứ chiều theo những giễu nhại đời thường, thậm chí suy diễn bậy bạ như thế. Nếu cứ chạy theo như vậy sẽ không ai, không thời đại nào viết nổi một trang sách nào. Vì với hàng chục triệu người dùng tiếng Việt, có thể sẽ ra ngần ấy suy luận khác nhau. Chữ nghĩa, học thuật, quan trọng nhất là sự thật, chứ cứ theo miệng lười cười cợt của thế gian thì không khác nào “đẽo cày giữa đường”!

Sự bắt bẻ vô lý ấy cũng tương tự như có những chỉ trích cho rằng trong một bộ sách Toán đã dạy trẻ cờ bạc từ sớm khi dạy đếm với minh họa giống như hình trên các lá cơ, rô, chuồn, bích (?!). Vì nhiều người lớn, với kinh nghiệm sống của mình, nhìn vào hình là não "nảy số" nhận ra bộ bài, ra tệ nạn; trong khi trẻ em chỉ đơn giản nhìn thấy các hình ảnh trực quan có hình trái tim, cái cây, hình thoi… mà thôi.

Hoặc trong sách tiếng Việt lớp 1, có người bảo nhiều câu chữ “có vấn đề”, gợi đến những liên tưởng tục tĩu như: “Chị... cho ve tí gì nhé?”... trong khi bọn trẻ chỉ tiếp cận văn bản đơn-thuần-như-chính-nó.

Bốn cái làn thì có gì nhạy cảm, hay người lớn tự nhạy cảm mà không đọc sách trẻ em bằng đôi mắt thơ ngây?-3

Cứ áp đặt tư tưởng người lớn, không lẽ dẹp hết truyện ngụ ngôn, thần thoại, cổ tích?

Tư duy của trẻ em và người lớn rất khác biệt. Cùng một đối tượng, nhưng độ tuổi khác nhau, tư duy khác nhau sẽ có những tiếp cận và hiểu biết khác nhau. Các bậc phụ huynh đừng lấy tư duy của người 30 tuổi để xác định một vấn đề của đứa trẻ 3 tuổi, sai quấy lắm! Có khi chúng chưa kịp hư thì đã bị chính người lớn chỉ cho cách hư mất rồi!

Nếu nhìn ở yếu tố 18+, chắc sẽ không ai dám cho con đọc thần thoại Hy Lạp. Vì sẽ chỉ thấy thế giới trên đỉnh Olympia toàn những chuyện yêu đương phức tạp, chém giết, ngoại tình… chứ đâu phải sự hùng vĩ, trí tuệ, nhân văn? Ví dụ chi tiết đẹp đẽ, nên thơ lý giải cho sự hình thành của dải Ngân Hà chẳng hạn. Thần thoại kể, Hercules được thần Zeus cho bú chực nữ thần Hera khi bà đang ngủ. Chú bé Hercules bấu lấy bầu ngực của Hera và bú sữa. Nữ thần choàng tỉnh, bực tức đẩy đứa bé ra, sữa của bà cũng bắn thành dòng, tạo nên dải Ngân Hà. Nếu “phân tích” bằng đầu óc soi xét ấy, có lẽ phải giấu tiệt thần thoại Hy Lạp khỏi tầm với của trẻ em!

Rồi cả truyện cổ tích nữa, làm sao có thể dạy được về tình cảm yêu kính của Chử Đồng Tử dành cho cha mình, có chiếc khố cũng nhường hẳn để cha mặc khi chết; nếu cứ chăm chú soi chuyện công chúa Tiên Dung tắm tiên trên bãi sông Hồng, phải lòng chàng trai đẹp đẽ đang khỏa thân?

Trẻ con tiếp cận văn bản sẽ không phân tích, mổ xẻ nó theo những ý nghĩa sâu xa, trần trụi như vậy! Bởi thế giới của trẻ em rất thực tế, nó đối lập rất rõ ràng. Những văn bản dân gian (qua lời kể cha mẹ) sẽ dạy trẻ không nên vội vàng thân thiết với người lạ vì có thể gặp sói; sẽ nói với chúng rằng đừng ác như phù thủy mà sẽ thành người tốt đẹp như công chúa; làm việc ác sẽ bị trừng phạt, sống tốt sẽ được đáp đền…

Còn thế giới của những người trưởng thành lại hoàn toàn khác. Đó là thế giới mà kinh nghiệm sống, những chai sạn và trưởng thành tạo ra những vùng xám, nơi những suy luận sẽ lấn át tất cả. Hồi bé, có thể chúng ta đọc “Ngon ngỏn ngòn ngon, mẹ ăn thịt con, vẫn còn xin miếng”, “Kẽo cà kẽo kẹt, lấy tranh chồng chị, chị khoét mắt ra” trong Tấm Cám mà thích thú, cảm thấy nó rất hay. Chúng ta căm ghét bà dì ghẻ và Cám vì đó là những con người xấu, thương Tấm ngoan, hiền chứ chẳng suy nghĩ nhiều tới cái kết cục “dã man” của câu chuyện cho tới khi trưởng thành.

Bốn cái làn thì có gì nhạy cảm, hay người lớn tự nhạy cảm mà không đọc sách trẻ em bằng đôi mắt thơ ngây?-4

Vì sao thế? Vì lúc đó, chúng ta là trẻ con. Trẻ con không thấy có gì "có vấn đề" trong thần thoại, truyện cổ tích, cũng như trong cụm từ "bốn cái làn", là bởi chúng tư duy đơn giản và trực diện. Chúng không vặn xoắn ngôn từ, bóp méo câu chuyện.

Sách vở hay truyện kể cũng chỉ là công cụ. Dạy trẻ tiếp cận như thế nào, đó là việc của người lớn phải lo, nhưng hãy lo cho đúng. Trẻ con không thể bị làm hư bởi một cuốn sách dở, nếu những kiến thức chúng tích lũy được từ gia đình, trường lớp, xã hội, cộng đồng đủ tốt. Nếu sợ chúng bị hư, chẳng lẽ người lớn không bao giờ dạy chúng về hoán dụ, ẩn dụ, về nói lái như những phương pháp chơi chữ thú vị của dân gian?

Câu chuyện của người lớn không phải là sợ trẻ em bị làm hư, suy diễn đủ thứ có hại rồi gạt bỏ tất cả khỏi môi trường xung quanh chúng. Quan trọng là tìm cách hướng dẫn, giới thiệu cái hay, cái đẹp và giải thích về cái dở, để trẻ vừa có trái tim, vốn ngôn ngữ, kiến thức rộng mở vừa có cách tiếp cận hồn nhiên đúng lứa tuổi. Và quan trọng hơn, khi dạy trẻ, người lớn phải dỡ bỏ những hàng rào định kiến trong đầu mình đã, để học cách nhìn sự vật như nó vốn là, để đọc sách của trẻ bằng đôi mắt của trẻ thơ.

Còn nếu người lớn cứ soi đến tận cùng những từ ngữ, truyện kể, hình vẽ dành cho trẻ em, vặn vẽo nó theo tư duy phức tạp và đề phòng quá mức của mình, họ sẽ chẳng thể thấy có gì “đủ tử tế”, “đủ trong sáng” để cho con mình đọc. Nếu chúng ta giữ góc nhìn định kiến ấy, một làn mây, một chú bươm bướm, một chiếc bím tóc… vô hại nhất cũng có thể “gây họa” cho đầu óc trẻ thơ, chứ chưa cần đến bốn cái làn.

Theo Pháp luật và bạn đọc

Xem link gốc Ẩn link gốc http://phapluatbandoc.giadinh.net.vn/khong-benh-sach-nhung-bon-cai-lan-thi-co-gi-nhay-cam-hay-nguoi-lon-tu-nhay-cam-ma-khong-doc-sach-tre-em-bang-doi-mat-tho-ngay-16220141013014465.htm

sách giáo khoa lớp 1

sách giáo khoa

dạy trẻ


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.