Nhiều tranh luận khi môn Ngữ văn ra đề ngoài SGK

Đề thi Ngữ văn không theo khuôn mẫu sẽ tạo nhiều hứng khởi cho học sinh, cho các em dễ dàng bày tỏ quan điểm riêng, tránh học vẹt. Tuy vậy, việc lựa chọn ngữ liệu không phù hợp có thể gây nên những tác dụng ngược, khiến người học bối rối khi làm bài.

Đề thi gây nhiều tranh cãi

Mới đây, đề kiểm tra cuối học kỳ 1 môn Ngữ văn dành cho học sinh khối lớp 8 của Trường THCS Colette (TPHCM) gây nhiều tranh cãi. Cụ thể, trong phần đọc - hiểu chiếm 6 điểm có dẫn một chuyện cười được lấy nguồn từ sachhay24h.com.

Chuyện “Bánh tao đâu” đề cập đến nhân vật thầy đồ tham ăn. Trong một bữa cỗ, người này nhờ học trò bỏ túi mấy chiếc bánh để cất mang về cho thầy. Tuy vậy, học trò không hiểu ý nên bóc bánh ra ăn. Người thầy tức giận nên đã kiếm cớ để trả thù học trò sau đó.

Đề bài yêu cầu học sinh xác định thể loại của văn bản, bối cảnh nhân vật, loại nhân vật và viết đoạn văn ngắn nêu suy nghĩ về bài học rút ra. Ngay sau đó, đề thi vấp phải ý kiến trái chiều từ phụ huynh, học sinh vì cho rằng câu chuyện nêu ra thiếu tế nhị, hạ thấp hình ảnh người thầy .

Nhiều tranh luận khi môn Ngữ văn ra đề ngoài SGK-1

Ngoài ra đề thi kỹ lưỡng, có chọn lọc, giáo viên cũng cần kỹ trong công tác sửa bài thi thì mới mang lại hiệu quả cao. Ảnh: Phạm Nguyễn.

Chia sẻ về đề thi trên, ông Võ Kim Bảo, giáo viên Ngữ văn Trường THCS Nguyễn Du (quận 1, TPHCM) nhìn nhận đề thi trên đảm bảo nội dung chương trình lớp 8 mà các em đang học. Tuy nhiên, nguồn ngữ liệu để ra đề thi là chưa uy tín, thiếu kiểm chứng, không phải từ sách, báo, tài liệu được nhà chuyên môn chọn ra.

Mục đích của người ra đề là đưa một câu chuyện cười có nội dung phê phán, châm biếm tiêu cực trong xã hội để học sinh thông qua đó rút ra được một bài học trong cuộc sống. Thầy giáo cũng là con người bình thường, cũng có những thói hư tật xấu nhưng với lứa tuổi học sinh, các em có thể sẽ khó hiểu hết ý nghĩa và dễ có cái nhìn lệch lạc về người thầy.

Đồng quan điểm, một giáo viên dạy Ngữ văn tại 1 trường THPT ở TPHCM nhìn nhận ngữ liệu trong đề hơi nhạy cảm khi đề cập đến việc thầy đồ tham ăn. Cùng với đó, cách xưng hô mày-tao giữa thầy đồ và trò cũng thiếu mỹ cảm. Giáo viên này cho rằng việc ra đề thi với ngữ liệu ngoài sách giáo khoa sẽ sẽ triệt tiêu văn mẫu, học sinh thỏa sức sáng tạo và giáo viên chấm bài không bị nhàm chán. Tuy vậy, nếu kiểm soát đề không kỹ sẽ ảnh hưởng đến chất lượng làm bài của học sinh.

“Để tránh dẫn đến tranh cãi trong đề thi, giáo viên khi ra đề phải lựa chọn ngữ liệu có nguồn xác thực, có độ dài vừa phải, phù hợp với thời gian làm bài. Đồng thời, ngữ liệu phải có tính giáo dục, thẩm mỹ, phù hợp với tâm lý lứa tuổi học sinh”, giáo viên này nêu quan điểm.

Giáo viên cần được tập huấn để ra đề thi

Đề xuất những giải pháp để có những đề thi chất lượng, ông Bảo cho rằng ngoài ra đề thi kỹ lưỡng, có chọn lọc, giáo viên cũng cần kỹ trong công tác sửa bài thi thì mới mang lại hiệu quả cao. Đọc và chấm những bài làm văn của học sinh khi nhìn nhận những vấn đề của xã hội, giáo viên phải giải thích, trao đổi để học sinh hiểu thêm.

Nhiều tranh luận khi môn Ngữ văn ra đề ngoài SGK-2

Giáo viên có thể tạo hứng khởi cho học sinh thông qua các tiết học, còn đề thi phải đảm bảo yêu cầu cần đạt của chương trình.

Vị giáo viên này còn cho biết thêm, việc ra đề thi tạo hứng thú cho học sinh sẽ rất tốt, nhưng giáo viên đừng nên xem đó là tiêu chí khi ra đề. Giáo viên có thể tạo hứng khởi cho học sinh thông qua các tiết học, còn đề thi phải đảm bảo yêu cầu cần đạt của chương trình. Nếu việc ra đề không kỹ, quá dễ hoặc quá khó sẽ gây ra những tác dụng ngược.

“Hiện nay, giáo viên có sự đầu tư khi ra những đề thi gợi mở, có tính thời sự cao. Thông qua đề thi, giáo viên cũng hiểu được cách đánh giá của học sinh về các vấn đề của xã hội. Nhưng việc này cũng là áp lực lớn với người dạy. Mỗi bước ra đề phải họp nhóm, tổ chuyên môn để đưa đến quyết định cuối cùng, nhưng đề thi khi đưa lên các trang mạng, người dùng có thể dựa vào góc nhìn của mình để phán xét chưa toàn diện khiến giáo viên cũng e dè khi ra đề. Do đó, để đảm bảo chất lượng đề thi, giáo viên cần được tham gia tập huấn thêm công tác ra đề, lựa chọn ngữ liệu”, ông Bảo đề xuất.

Theo Tiền phong

Xem link gốc Ẩn link gốc https://tienphong.vn/nhieu-tranh-luan-khi-mon-ngu-van-ra-de-ngoai-sgk-post1600016.tpo

ngữ văn


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.