PGS Đỗ Văn Dũng: 'Hà Nội nên sớm cho học sinh tới trường'

PGS Đỗ Văn Dũng, Trưởng khoa Y tế Công cộng, ĐH Y Dược TP.HCM, cho rằng với độ phủ vaccine cao, tỷ lệ lây nhiễm cộng đồng thấp, Hà Nội có thể cho học sinh tới lớp ở vùng an toàn.

Tính từ ngày 4/5, đã hơn 5 tháng, học sinh Hà Nội ngừng đến trường. Trẻ con được trở lại trường là mong muốn của nhiều phụ huynh, giáo viên ở Hà Nội. Đánh giá giữa nguy cơ và lợi ích, các chuyên gia dịch tễ cũng cho rằng đã đến lúc Hà Nội cần cho trường học mở cửa đón học sinh.

PGS Đỗ Văn Dũng: Hà Nội nên sớm cho học sinh tới trường-1

Phụ huynh Hà Nội mong mỏi con được đến trường để yên tâm đi làm. Ảnh minh họa: Quỳnh Trang.

Sẵn sàng phương án đón trẻ tới trường

Ông Lê Đức Thuận, Trưởng phòng GD&ĐT quận Ba Đình, cho biết dù là địa bàn bàn có điều kiện khá tốt, việc học trực tuyến đảm bảo nhưng tâm lý chung của học sinh, giáo viên vẫn mong được sớm trở lại trường, nhất là khi phụ huynh đều đã đi làm trở lại.

Nắm bắt tình hình đó, Phòng GD&ĐT Ba Đình tham mưu, đề xuất với sở các phương án dần mở cửa trường, có thể cho học sinh đến lớp theo lứa tuổi. Học sinh được tiêm vaccine có thể trở lại trường. Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, các em 16-17 tuổi sẽ được tiêm chủng trước nên đi học trực tiếp trước.

Nếu mở cửa theo khối lớp, ngành giáo dục cần ưu tiên học sinh đầu cấp và cuối cấp như lớp 1, 2, 6, 9, 12. Hoặc mở cửa trường theo cơ chế vùng, cơ sở đảm bảo tiêu chí an toàn trường học. Vùng nào được đánh giá an toàn, trường học đảm bảo các tiêu chí an toàn trường học sẽ cho học sinh tới lớp trực tiếp.

Ông Thuận cho biết hiện 100% đội ngũ giáo viên, nhân viên, cán bộ của các trường trên địa bàn, thuộc đối tượng được chỉ định, đã tiêm vaccine mũi 1. Trong vài tuần tới, 100% thầy cô sẽ được tiêm mũi 2.

"Phòng giáo dục đã họp giao ban với hiệu trưởng của tất cả trường tiểu học đến THPT trên địa bàn, phổ biến những phương án có thể xảy ra, để các trường chuẩn bị, trong tình thế sẵn sàng cao nhất. Khi thành phố có quyết định cho học sinh đến lớp trở lại, dù với hình thức nào, các trường cũng có thể kịp thời ứng phó", Trưởng phòng GD&ĐT Ba Đình Lê Đức Thuận nói.

Qua báo cáo của các trường trên địa bàn, bà Phạm Thị Lệ Hằng, Trưởng phòng GD&ĐT Hà Đông, thông tin phụ huynh và học sinh rất muốn được trở lại trường.

"Phụ huynh đều tha thiết mong con được đến trường vì bố, mẹ phải đi làm, rất ít nhà có điều kiện gửi con cho ông, bà chăm nom. Giáo viên cũng mong dạy trực tiếp, vì dạy trực tuyến có nhiều trở ngại. Học sinh tới lớp cũng sẽ vui hơn, gặp bạn bè, thầy cô, được hoạt động, vui chơi thoải mái hơn. Sau hơn 5 tháng phải ở nhà, nhu cầu này thật sự cấp thiết. Chưa bao giờ các con phải dừng đến trường lâu như thế", bà Lệ Hằng nói.

Theo nữ trưởng phòng, Hà Nội có thể mở cửa trường ở những vùng an toàn như quận, huyện chưa ghi nhận ca mắc Covid-19 trong thời gian qua hoặc theo khối 1, 2, 6, 9, 12, những lớp rất quan trọng cần ưu tiên trước.

Trong thời gian cho học sinh tới lớp, nhà trường cần cẩn trọng, thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch một cách tỉ mỉ, với tinh thần cảnh giác cao độ. Nếu tình hình ổn định, chúng ta tiếp tục mở rộng ra các khối, lớp còn lại.

Bà Hằng cho rằng khi trường học mở cửa trở lại, tinh thần hợp tác, ý thức phòng dịch của mỗi người dân rất quan trọng. "Mỗi cá nhân giữ gìn, bảo vệ tốt cho mình nghĩa là đang bảo vệ gia đình và cộng đồng. Mọi người đều mong muốn học sinh sớm đi học lại, nhưng an toàn vẫn là yếu tố cần đặt lên cao nhất", bà Hằng nói.

PGS Đỗ Văn Dũng: Hà Nội nên sớm cho học sinh tới trường-2

Học sinh Hà Nội đã dừng đến trường gần 5 tháng. Ảnh: Thạch Thảo.

Có thể dạy học trực tiếp tại vùng an toàn

PGS Đỗ Văn Dũng, Trưởng khoa Y tế Công cộng, ĐH Y Dược TP.HCM, nhận định Hà Nội có phần dè dặt khi chưa cho trường học mở cửa.

Theo bác sĩ Dũng, với tỷ lệ lây nhiễm cộng đồng thấp, trẻ em ở Hà Nội gần như không có nhiều nguy cơ mắc Covid-19. Nhiều nghiên cứu trên thế giới đã chỉ ra rằng khi phụ huynh đã tiêm chủng đầy đủ, trẻ em có nguy cơ lây nhiễm rất thấp. Đặc biệt ở lứa tuổi của trẻ tiểu học, tỷ lệ này còn thấp hơn nữa.

Trưởng khoa Y tế Công cộng của ĐH Y Dược TP.HCM cho hay thống kê ở nước Anh cho thấy nguy cơ trẻ em tử vong vì mắc Covid-19 thấp hơn tỷ lệ trẻ em tử vong vì bị bệnh cúm và còn thấp hơn rất nhiều so với tỷ lệ tử vong vì tai nạn giao thông.

Xét giữa nguy cơ và lợi ích, theo PGS Đỗ Văn Dũng, Hà Nội nên cho sinh viên, học sinh tiểu học và trẻ mẫu giáo trở lại trường ngay, còn học sinh trung học có thể tới lớp với số lượng 50%. Vì tỷ lệ lây nhiễm ở học sinh tiểu học trở xuống rất thấp, trong khi lứa tuổi này học online lại không hiệu quả.

"Hà Nội có thể tổ chức dạy học trực tiếp thí điểm tại một số vùng. Các quốc gia trên thế giới vẫn cho học sinh tiểu học, mầm non tới trường, dù đây là lứa tuổi chưa được khuyến nghị tiêm vaccine. Do đó, theo kinh nghiệm của những nước đi trước, chúng ta có thể yên tâm mở cửa trường cho học sinh tiểu học, mầm non", PGS Dũng cho hay.

Ông dẫn khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) về việc đi học của trẻ em cần được quan tâm vì sự phát triển của các em. Nếu dừng đến trường quá lâu, trẻ sẽ bị ảnh hưởng đến tư duy, năng lực phát triển về lâu dài, không dễ cải thiện trong ngày một ngày hai.

Việc học trực tuyến có thể hiệu quả với em này nhưng không hiệu quả với em khác, kéo dài sẽ dẫn đến sự mất công bằng trong học tập đối với các em. Đặc biệt, đối với nhóm học sinh yếu thế, trường học là nơi các em được bảo vệ, chăm sóc tốt hơn.

Nhiều gia đình không có người lớn ở nhà, các con cũng đối diện nguy cơ tai nạn khi một mình các con phải loay hoay với máy tính, ổ điện.

Trưởng khoa Y tế Công cộng của ĐH Y Dược TP.HCM cho rằng trước đây, khi chưa phủ vaccine cho người lớn, chúng ta phải ngừng cho học sinh tới trường là đúng. Vì tỷ lệ lây nhiễm ở trẻ rất thấp nhưng các em có thể lây nhiễm cho người lớn. Hiện nay, khi độ phủ vaccine người lớn đã cao, đồng nghĩa đối tượng nguy cơ đã được bảo vệ, lúc này, học sinh nên được tới trường.

"Tôi nghĩ với tỷ lệ phủ vaccine và tỷ lệ lây nhiễm ngoài cộng đồng của Hà Nội hiện nay, học sinh có thể tới trường an toàn. Tất nhiên, các em đến trường với các biện pháp bảo vệ 5K, đặc biệt là đeo khẩu trang trong trường học", bác sĩ Dũng nêu ý kiến.

Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, tính đến cuối ngày 12/10, 97,95% người trên 18 tuổi ở Hà Nội đã được tiêm 1 mũi vaccine và 47,4% người trên 18 tuổi đã tiêm đủ 2 mũi vaccine. PGS Dũng cho rằng Hà Nội đã cho phép cửa hàng được bán tại chỗ, không có lý do gì chưa cho học sinh trở lại trường. Các em cần đi học, ít nhất là với học sinh tiểu học.

Cùng quan điểm, bác sĩ Trương Hữu Khanh, nguyên Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), đề xuất Hà Nội nên cho học sinh đi học tập trung khi đã tiêm vaccine đủ cho người lớn tuổi.

"Nếu người lớn tuổi chưa tiêm vaccine thì không nên tiếp xúc với trẻ con đi học. Thực ra việc tiêm ngừa cho trẻ em vì lợi ích cho các em thì ít mà vì bảo vệ cho người lớn là nhiều. Vì tỷ lệ lây nhiễm ở trẻ em rất thấp nhưng các em có khả năng lây bệnh cho người lớn. Do đó, nếu người lớn đã được bảo vệ (đã tiêm vaccine) thì trẻ em nên được tới trường", bác sĩ Khanh nói.

Tại Nghị quyết số 127, Chính phủ yêu cầu tổ chức dạy và học trực tiếp tại những vùng kiểm soát được dịch Covid-19 và bảo đảm an toàn từ tháng 10. Bộ GD&ĐT chủ trì, phối hợp các cơ quan, địa phương khẩn trương xây dựng, ban hành hướng dẫn an toàn để các trường học dạy học trực tiếp trở lại phù hợp diễn biến dịch bệnh.

Ngày 14/10, Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho rằng Hà Nội nên tính đến chiến lược giáo dục và kế hoạch điều tiết lại đời sống tinh thần cho người dân để thích ứng với dịch bệnh trong tình hình mới. Ông đề xuất UBND Hà Nội tính toán cho học sinh trở lại trường học tại khu vực ngoại thành, bởi đây là khu vực nguy cơ thấp, một số huyện không có ca bệnh trong nhiều tháng nay.

Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng thừa nhận đây là vấn đề được người dân, cử tri rất quan tâm, song cần đánh giá, phân loại, phân vùng để đảm bảo an toàn nhất cho học sinh khi trở lại học tập trung.

Theo Zing

Xem link gốc Ẩn link gốc https://zingnews.vn/pgs-do-van-dung-ha-noi-nen-som-cho-hoc-sinh-toi-truong-post1270862.html?fbclid=IwAR0qycRs90n_OpIIOc2XVVy2ijRgBsVq6_D-xpU6f5B425xJ0Hxi9hNSkiE

học sinh


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.